Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). (Ảnh: FABRICE COFFRINI/AFP via Getty Images)

 

 

 

 

 

 

 

Các nhà tài trợ và nhà ngoại giao Vương Quốc Anh, châu Âu và Mỹ đã lên tiếng bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về cách Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xử lý các cáo buộc lạm dụng tình dục liên quan đến nhân viên của mình trong đợt bùng phát dịch Ebola ở Congo, The Associated Press đưa tin mới đây.

 

 

 

Gần đây, AP đã công bố một cuộc điều tra ghi lại rằng ban lãnh đạo cấp cao của WHO đã được thông báo về nhiều cáo buộc lạm dụng tình dục liên quan đến ít nhất hai bác sĩ của họ trong đợt dịch Ebola năm 2018.

 

 

 

Một hợp đồng có công chứng do AP thu được cho thấy hai nhân viên của WHO đã xác nhận thỏa thuận giữa Tiến sĩ Jean-Paul Ngandu của WHO và một phụ nữ trẻ mang thai với ông ta ở Congo. Theo thỏa thuận, ông Ngandu hứa sẽ trả tiền và trang trải chi phí mang thai cho cô gái, cũng như mua cho cô một lô đất. Ông Ngandu nói thỏa thuận được lập "để bảo vệ tính toàn vẹn và danh tiếng của WHO".

 

 

 

Ông Simon Manley, đại sứ Liên hợp quốc của Vương quốc Anh tại Geneva, cho biết, đối với tất cả các tổ chức quốc tế được Vương quốc Anh tài trợ, hành động bóc lột và quấy rối tình dục là những hành động không khoan nhượng. Anh là nhà tài trợ lớn thứ hai của WHO, sau Hoa Kỳ.

 

 

 

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết cần phải cứng rắn hơn nữa trước các vấn đề lạm dụng tình dục tại WHO. Khi được hỏi về cuộc điều tra của AP, các quan chức cho biết họ đang thu thập thêm thông tin về các cáo buộc. Bất kỳ sự lạm dụng tình dục nào đều phải chịu trách nhiệm giải trình xử lý theo quy định của pháp luật, tuyên bố nói.

 

 

 

Tại Congo, điều phối viên Tổ chức nhân đạo của Liên hợp quốc David McLachlan-Karr cho biết, ông quyết tâm trừng phạt bất kỳ nhân viên nào bị kết tội có hành vi sai trái tình dục như được nêu chi tiết trong báo cáo của AP.

 

 

Ông nói trong một tuyên bố: “Tất cả những cáo buộc này phải được điều tra và các nạn nhân phải được lắng nghe. Những cáo buộc này làm xói mòn lòng tin của những người đang được WHO phục vụ."

 

 

 

WHO đã từ chối bình luận về các cáo buộc cụ thể trong báo cáo của AP và cho biết, họ đang chờ kết quả của một hội đồng được thành lập vào tháng 10/2020 để điều tra vấn đề lạm dụng tình dục liên quan đến các nhân viên của WHO trong đợt bùng phát dịch bệnh Ebola ở Congo.

 

 

 

Clare Wenham, trợ lý giáo sư về chính sách y tế toàn cầu tại Trường Kinh tế London, cho biết, điều thực sự quan ngại là WHO không hề công khai chỉ trích hành động phạm tội này. Thay vào đó, WHO giữ sự im lặng trước các cáo buộc. Bà Wenhan cũng nói, các chính phủ nên dừng tài trợ cho WHO cho đến khi chắn chắn đó là một tổ chức có thể tin tưởng”.

 

 

 

Quỹ Bill và Melinda Gates, nhà tài trợ lớn thứ ba của WHO lên tiếng rằng, họ hy vọng các cơ quan của Liên Hợp Quốc sẽ nhanh chóng tiến hành các cuộc điều tra kỹ lưỡng về lạm dụng tình dục.

 

 

 

Quỹ tài trợ cho biết, các tổ chức nhận tài trợ phải tuân thủ theo tiêu chuẩn minh bạch và trách nhiệm giải trình cao nhất.

 

 

 

Lawrence Gostin, giám đốc Trung tâm Hợp tác của WHO về Luật Y tế Toàn cầu tại Đại học Georgetown, cho biết trách nhiệm cuối cùng về ứng phó với Ebola của WHO thuộc về tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus, nhưng sẽ không phải là lỗi của Tedros nếu ông ấy không biết về các cáo buộc lạm dụng tình dục ở WHO.

 

 

AP phát hiện ra rằng, một trong những bác sĩ bị cáo buộc quấy rối tình dục, Boubacar Diallo, đã khoe khoang về mối quan hệ của mình với Tổng giám đốc Tedros, người đã đề cập đến Diallo trong một bài phát biểu vào tháng 1/2019. AP đã nói chuyện với ba phụ nữ cáo buộc ông Diallo đề nghị họ làm tình nhân để được tuyển làm nhân viên của WHO. Ông Diallo đã bác bỏ các cáo buộc này.

 

 

 

Balazs Ujvari, phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu, cho biết họ sẽ “giám sát kỹ lưỡng các cuộc điều tra” của AP. Ông cho biết ủy ban đã sẵn sàng xem xét hoặc đình chỉ tài trợ "đối với bất kỳ đối tác nào không tuân theo các quy tắc và tiêu chuẩn cao về chuyên môn và đạo đức".

 

 

 

Ngân hàng Thế giới cho biết họ “quan ngại sâu sắc” về các cáo buộc lạm dụng tình dục mới tại WHO. Năm 2020, Ngân hàng đã tạm dừng các cuộc đàm phán với chính quyền Congo để cấp vốn mới cho các cơ quan, bao gồm cả WHO khi xuất hiện các báo cáo về lạm dụng tình dục trong đợt bùng phát Ebola.

 

 

Ngân hàng thế giới cũng cho biết họ đang rà soát lại quan hệ với các tổ chức bị cáo buộc vi phạm các tiêu chuẩn được tài trợ.

 

(Theo ntdvn.com; Nguồn: Breibart News).