Cô gái vẩy mực vào chân dung ông Tập Cận Bình sau một thời gian bị bắt giam, tinh thần đã không còn bình thường như lúc đầu (ảnh: Chụp màn hình video).

 

 

 

‘Bị tâm thần’ trở thành vũ khí trấn áp của chính quyền đại lục.

Gần đây, có thông tin rằng cô Đổng Giao Quỳnh, một phụ nữ ở Hồ Nam đã vẩy mực vào ảnh chân dung của Tập Cận Bình vài năm trước, từ sau khi bị giam trong bệnh viện tâm thần lần thứ hai trong năm nay, bệnh tình đã trở nên tồi tệ, rất đáng lo ngại. Trong nhiều năm qua, “mắc bệnh tâm thần” đã trở thành một công cụ đắc lực để Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối phó với những người bất đồng chính kiến, theo SOH.

 

 

“Cô gái vẩy mực” bị buộc đi điều trị tâm thần, trở về tàn tạ

Theo một báo cáo gần đây của trang web nhân quyền, cô Đổng Giao Quỳnh, được biết đến với biệt danh “cô gái vẩy mực”, đã bị giam trong bệnh viện tâm thần lần thứ hai vào tháng 5 năm nay trong hai tháng. Sau khi ra viện, tình trạng bệnh của cô gái nghiêm trọng hơn trước, có biểu hiện mất trí nhớ, khờ khạo, phản ứng chậm chạp, không tự chủ được, thỉnh thoảng la hét vào ban đêm, nhất là trời mưa giông không cho người đến gần. Báo cáo nói rằng Đổng Giao Quỳnh có thể sẽ bị giam trong bệnh viện tâm thần một lần nữa, và hy vọng xã hội sẽ chú ý hơn tới cô.

 

 

Đổng Kiến Bưu, cha của Đổng Giao Quỳnh, làm việc ở Hành Dương, Hồ Nam, nói với VOA tiếng Trung gần đây rằng, sau khi Đổng Giao Quỳnh “bị bệnh tâm thần” lần thứ hai vào tháng 8 năm nay, ông đã đến thăm con gái đang sống với mẹ tại quê nhà Chu Châu. Lúc đó ông thấy tình hình con gái không tốt lắm. Đổng Kiến Bưu nói rằng đôi khi cô chỉ khóc và tình trạng tâm lý của cô cũng khác trước. Phóng viên còn cho biết, Đổng Giao Quỳnh đôi khi đi tiểu không tự chủ và la hét vào ban đêm.

 

 

Ông Đổng Kiến Bưu cho biết nhà chức trách không cho ông gặp con gái. Lần thứ 2 ông gặp con gái là khi ra khỏi bệnh viện, chụp cho con một tấm ảnh. Lúc đó con gái sợ quá, không cho chụp. Người nhà nói, ở nhà cô thường nói nhảm, khóc lóc la hét.

 

 

Đổng Kiến Bưu cũng nói với VOA rằng ông khẳng định ngay từ đầu rằng con gái ông không “bị bệnh tâm thần” như chính quyền gán cho, nhưng giờ ông lo lắng cho tình trạng của cô sau hai lần bị “buộc điều trị bệnh tâm thần”, và hy vọng sẽ được thăm con gái một lần nữa trong vài ngày tới để kiểm tra tình trạng hiện tại của cô.

 

 

Có thông tin cho rằng Đổng Giao Quỳnh vẫn đang bị chính quyền giám sát, và về cơ bản bị cô lập với thế giới bên ngoài nên không thể có được những thông tin mới nhất về cô.

 

 

Đổng Giao Quỳnh sinh ngày 26/9/1989, quê ở thị trấn Đào Thủy, quận Du Huyền, thành phố Chu Châu, tỉnh Hồ Nam, nguyên là nhân viên môi giới của công ty bất động sản Thượng Hải. Vào tháng 7/ 2018, cô đã bày tỏ sự bất mãn của mình đối với chế độ độc tài của ĐCSTQ trước Tòa nhà HNA ở Thượng Hải, và bôi mực lên chân dung của Tập Cận Bình. Vào ngày 4/7, cô bị cảnh sát Thượng Hải bắt giữ và mất liên lạc. Ngày 16/7, Đổng Giao Quỳnh bị cảnh sát Thượng Hải đưa về quê nhà và bị bắt nhốt tại bệnh viện số 3 Chu Châu với lý do nghi ngờ “mắc bệnh tâm thần”; Cô được tại ngoại vào ngày 19/11/2019 và được đưa đến nơi ở của mẹ ở thị trấn Đào Thủy.

 

 

Khi cha cô, Đổng Kiến Bưu gặp con vào ngày 2/1/2020, ông biết rằng cô bé đã bị ép uống thuốc khi bị giam trong bệnh viện tâm thần. Khi được thả ra, cô hoàn toàn khác với trước kia, thay đổi từ tâm trạng hoạt bát, vui vẻ sang lầm lì, lo lắng và có phần hoảng hốt. Cô bé còn bị mất trí nhớ. Ngoại giới tin rằng tình trạng của cô bé phù hợp với tác dụng phụ của việc dùng thuốc điều trị tâm thần.

 

 

“Mắc bệnh tâm thần” trở thành vũ khí lợi hại

Trong những năm qua, ĐCSTQ ngày càng coi “bệnh viện tâm thần” là một phương thức “hợp pháp” để bức hại và giam giữ những người bất đồng chính kiến ​​và những người khiếu kiện, nhằm bịt ​​miệng họ. Bệnh viện tâm thần của ĐCSTQ thực chất là một trại tập trung giết người kinh khủng và độc ác – giết người công khai bằng ma túy mà không chịu bất kỳ trách nhiệm nào.

 

 

Theo thống kê và các cuộc phỏng vấn do trang web nhân quyền “Dân sinh quan sát” (Minsheng Observation) thực hiện trong những năm qua, trang web này đã ghi nhận 510 trường hợp “mắc bệnh tâm thần” trên cả nước kể từ tháng 12/2007.

 

 

Trang web tuyên bố rằng, chẩn đoán “mắc bệnh tâm thần” liên quan đến triệt hạ quyền tự do cá nhân và hủy hoại uy tín của công dân. Một người bị chẩn đoán “mắc bệnh tâm thần” có thể được đưa đến bệnh viện tâm thần để “điều trị” mà không cần thủ tục pháp lý. Một khi một người bị gán mác “mắc bệnh tâm thần”, bất cứ điều gì anh ta nói ra sẽ bị coi là điên rồ. Mọi phản kháng đều là “điên rồ”. Bắt buộc dùng thuốc, uống thuốc, trói và sốc điện trở thành biện pháp “điều trị” hợp pháp, không bị xem là “tra tấn, bức hại” – dù nó là một hình thức tra tấn về cả thể xác và tinh thần bị che giấu.

 

 

Nhà bất đồng chính kiến ​​ở Trùng Khánh là Trương Cát Lâm, vào tháng 1/2019, đã bị cảnh sát giam giữ với lý do “gây rối và kích động” vì ông đã đăng một bài nghị luận trên mạng về dân chủ hợp hiến, kêu gọi cách chức một số nhà lãnh đạo và đến quảng trường để thuyết giảng. Sau khi bị cảnh sát giam giữ trong 37 ngày, ông đã bị đưa thẳng đến bệnh viện tâm thần để “dưỡng bệnh”. Trước đó, ông đã từng bị đẩy vào bệnh viện tâm thần một lần.

 

 

Trương Cát Lâm cho biết, trong 28 ngày bị “dưỡng bệnh”, ông bị buộc phải dùng thuốc an thần và hàng ngày phải uống một số viên thuốc không rõ nguồn gốc, khiến thể xác và tinh thần ông ngày càng kiệt quệ.

 

 

Trương Cát Lâm nói rằng ông đã bị đưa đến Trung tâm Tâm thần Trùng Khánh để giám định tâm thần khi bị tạm giam, hai bác sĩ kết luận rằng ông không bị bệnh tâm thần. Vì vậy, ông vô cùng bất ngờ khi lần thứ hai bị chẩn đoán “rối loạn tâm thần”. Vài ngày sau, một số bác sĩ cũng thừa nhận rằng ông không có các triệu chứng rối loạn tâm thần rõ ràng. Ông nói rằng sau khi bị giam giữ hơn 20 ngày, ông thực sự không thể chịu đựng được sự tra tấn, vì vậy ông đã hét lên tuyệt vọng để đòi về nhà. Sau khi bệnh viện báo công an, hai sĩ quan công an đến bệnh viện nói có thể cho xuất viện, nhưng phải đảm bảo sau này không phát ra “văn bản phản động”. Ông buộc phải viết giấy cam kết trước khi được thả. Chi phí nằm viện do cảnh sát chi trả.

 

 

Trương Cát Lâm cho biết việc uống thuốc bắt buộc trong bệnh viện tâm thần đã khiến cơ thể ông bị tổn thương rất nhiều. Hơn một tháng sau khi ra viện, chân ông vẫn còn đau.

 

 

Ngoài ra, cô Viên Ninh, một nhà hoạt động nhân quyền ở Tương Dương, Hồ Bắc, đã bị nhân viên duy trì ổn định cộng đồng và y tá bệnh viện cưỡng bức đưa đến bệnh viện tâm thần thuộc Cục Nội vụ vào tháng 10/2018 trong ba tháng kiến ​​nghị.

 

 

Viên Ninh nói rằng bệnh viện chưa bao giờ cho cô đi giám định tâm thần, cô đã bị buộc uống thuốc ngay khi bị bắt, và họ dọa cô nếu không uống sẽ tiêm hoặc chích thuốc. Mặc dù cô ấy đã nói với bác sĩ rằng cô không bị bệnh tâm thần và không thể bị cưỡng bức nhập viện, nhưng bác sĩ khẳng định rằng đó là do cộng đồng chỉ định và do cộng đồng trả tiền, và họ chỉ nghe theo sự sắp xếp của cộng đồng. Cô cho biết, sau hơn 3 tháng uống thuốc, cơ thể cô vẫn chưa hồi phục.

 

 

Ông Đặng Phúc Toàn, một cựu chiến binh 51 tuổi ở quận Bồng An, Nam Xung, Tứ Xuyên, người đã phục vụ trong quân đội 16 năm, đã kiến ​​nghị trong nhiều năm về vấn đề lương hưu. Trong một cuộc phỏng vấn với Đài tiếng nói Hoa Kỳ, ông nói rằng ông đã đến Bắc Kinh để thăm những người đồng đội của mình vào tháng 8/2019. Lúc đó vào đêm 11/8, ông đã bị bắt bởi ba nhân viên an ninh quốc gia ở huyện Bành An, những người đang thực hiện các biện pháp ngăn chặn để duy trì sự ổn định. Sau khi trở về Nam Xung, lần đầu tiên ông bị tạm giam 15 ngày vì “gây rối và kích động”, sau đó bị chuyển sang tạm giữ hình sự hơn 20 ngày. Sau khi rời trại giam, ông bị đưa đến Bệnh viện Tâm thần số 2 Nam Xung để “điều trị” trong hơn 2 tháng, với mọi chi phí do cảnh sát chịu.

 

 

Ông Đặng Phúc Toàn cho biết, việc bị giam giữ trong bệnh viện tâm thần khiến ông rất khó chịu, còn hơn cả trại tạm giam. Ngày nào cũng bị giam trong khu giam giữ không có tự do, xung quanh ông luôn là những bệnh nhân tâm thần thực sự, thường xuyên nhìn thấy những bệnh nhân bị trói và hú vía khi bị điện giật, khiến ông cực kỳ căng thẳng.

 

 

Ngoài ra, theo “thống kê chưa đầy đủ” của “Truy tra quốc tế” (WOIPFG) tính đến năm 2003, ít nhất hơn 1.000 học viên Pháp Luân Công tâm thần bình thường đã bị cưỡng bức đưa vào các bệnh viện tâm thần và các trung tâm cai nghiện ma túy, nhiều người đã bị buộc phải tiêm hoặc uống nhiều loại thuốc gây tổn hại cho hệ thần kinh trung ương, bị sốc điện và tù túng kéo dài. Ít nhất hàng trăm bệnh viện tâm thần ở các tỉnh, thành phố, quận và huyện đã tham gia vào cuộc đàn áp.

 

 

Ngoài ra, nhóm “mắc bệnh tâm thần” hiện nay ở Hoa lục còn bao gồm cả những người dân oan không nơi nào gửi đơn khiếu kiện, và những người bất đồng chính kiến. Đối với những người này, cảnh sát có trách nhiệm “chẩn đoán”, nếu cảnh sát cho biết người đó có “khuynh hướng tâm thần” thì có thể chuyển đến khoa tâm thần để điều trị. Nói cách khác, ở Trung Quốc, phán quyết của cơ quan tư pháp có thể thay thế chẩn đoán y tế, dễ dàng buộc ai đó thành bệnh nhân “mắc bệnh tâm thần”.

 

 

“Luật Sức khỏe Tâm thần” do ĐCSTQ thực hiện năm 2013 cũng được sử dụng như một công cụ mạnh mẽ để đối phó với những người bất đồng chính kiến.

(Theo dkn.tv)