Lính cứu hỏa Ukraine đang ra sứ dập tắt đám cháy sau một vụ tập kích tên lửa của Nga, ngày 29/12/2023 tại Kyiv, Ukraine. (Ảnh: Kostiantyn Liberov/Libkos/Getty Images)

 

 

 

Berlin đã cáo buộc Moscow tiến hành "chiến tranh thông tin" sau khi rò rỉ đoạn ghi âm các quan chức quân sự Đức thảo luận về những vấn đề nhạy cảm liên quan đến Ukraine, bao gồm cả các cuộc tấn công tiềm tàng bên trong lãnh thổ nước Nga.

 

Hôm 4/3, một phát ngôn viên của chính phủ Đức cho biết “Mục đích của cuộc tấn công hỗn hợp này [của Nga] là gieo rắc sự bất an và chia rẽ chúng ta”.

"Đó chính xác là điều chúng tôi sẽ không chấp nhận. Chúng tôi duy trì liên lạc thường xuyên với các đối tác của mình”.

 

Một ngày trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã mô tả vụ việc "Sự việc không chỉ đơn thuần là nghe lén và công bố một cuộc trò chuyện… Đó là một phần trong cuộc chiến thông tin mà (Tổng thống Nga Vladimir) Putin đang tiến hành”.

 

Ông nói "Đó là một cuộc tấn công hỗn hợp nhằm lan truyền thông tin sai lệch. Việc đó nhằm mục đích chia rẽ. Việc đó nhằm phá hoại sự đoàn kết của chúng ta".

 

Ông Pistorius cho hay ông không biết về bất kỳ vụ rò rỉ thông tin nào khác từ Bundeswehr (lực lượng vũ trang Đức). Ông sẽ chờ kết quả điều tra của quân đội để quyết định hành động tiếp theo.

 

Ông tiếp tục cáo buộc Moscow tiến hành cái mà ông gọi là “cuộc chiến tranh thông tin” chống lại Đức với mục đích gieo rắc sự bất đồng giữa các đồng minh của Kyiv.

 

Kể từ khi Nga mở cuộc tấn công quân sự vào miền đông Ukraine cách đây hơn hai năm, Đức, một thành viên cốt cán của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vẫn là một trong những nước ủng hộ Ukraine kiên định nhất.

 

Đức đã cung cấp cho quân đội Ukraine một lượng lớn vũ khí và trang thiết bị, bao gồm cả hàng chục xe tăng chiến đấu do Đức chế tạo.

 

Cuối tuần trước, truyền thông Nga đã công bố đoạn ghi âm, dường như ghi lại cuộc trò chuyện giữa một số quan chức quân sự Đức.

 

Trong bản ghi âm, có thể nghe thấy các quan chức thảo luận về khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraine, bao gồm cả tên lửa hành trình Taurus do Đức chế tạo - một động thái mà Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho đến nay vẫn phản đối.

 

Các quan chức cũng có thể được nghe thảo luận về việc Pháp và Anh cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine.

 

Một trong những điểm gây tranh cãi nhất trong bản ghi âm là việc thảo luận về các mục tiêu quân sự tiềm năng của Nga, bao gồm một cây cầu chiến lược ở Crimea thuộc Biển Đen.

 

Nga đã sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi và hiện coi khu vực này là lãnh thổ của Liên bang Nga.

 

Moscow cho biết bản ghi âm này chứng minh sự tồn tại của kế hoạch từ Bundeswehr (Lực lượng vũ trang Đức) nhằm hỗ trợ Kyiv thực hiện các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga.

 

Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin cho biết vào ngày 4/3 rằng "Bản ghi âm cho thấy các kế hoạch tấn công lãnh thổ Nga đang được thảo luận một cách cụ thể và thiết thực bên trong Bundeswehr".

 

Tổng thống Joe Biden (phải) trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong Phòng Bầu dục tại Nhà Trắng, ngày 9/2/2024. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)

 

 

 

Kịch bản ‘Cực kỳ tồi tệ'

 

Phát ngôn viên Điện Kremlin Peskov cũng đặt câu hỏi liệu nội dung của bản ghi âm có phản ánh chính sách chính thức của chính phủ Đức hay "liệu Bundeswehr có đang tự thực hiện điều này hay không".

 

Ông tiếp tục mô tả cả hai kịch bản đều "rất tồi tệ".

 

Ông nói "Cả hai [kịch bản] đều nhấn mạnh - một lần nữa - sự can dự trực tiếp của các quốc gia phương Tây tập thể vào cuộc xung đột [Nga - Ukraine]".

 

Vẫn chưa rõ chính xác làm thế nào Nga có được bản ghi âm dài 38 phút, tuy nhiên chính phủ Đức đã xác nhận tính xác thực của bản ghi âm này.

 

Ngay sau khi được công bố, Thủ tướng Đức Scholz đã gọi đây là một “vấn đề rất nghiêm trọng” và cho biết vụ việc đang được điều tra “chuyên sâu”. Các nhà lập pháp Đức yêu cầu tăng cường nỗ lực phản gián và cho rằng chính phủ Nga có thể có nhiều bản ghi âm như vậy.

 

Cơ quan phản gián quân sự Đức được cho là đã mở một cuộc điều tra về việc nghi ngờ Nga nghe lén.

 

Theo Bộ trưởng Pistorius, các sĩ quan trong bản ghi âm không thảo luận về các kế hoạch quân sự cụ thể mà chỉ bàn về các tình huống "giả định".

 

Một phát ngôn viên của chính phủ Đức đã gọi những tuyên bố của Nga cho rằng bản ghi âm này là bằng chứng cho thấy Berlin đang chuẩn bị chiến tranh là "vô lý" và mang tính tuyên truyền.

 

 

Nga triệu tập Đại sứ Đức tại Moscow

Mặc dù đã lên tiếng phủ nhận, hãng thông tấn TASS của Nga hôm 4/3 đưa tin rằng, đại sứ Đức tại Nga, ông Alexander Graf Lambsdorff, đã được Bộ Ngoại giao Nga triệu tập để đưa ra lời giải thích về bản ghi âm.

 

Sau đó, một phát ngôn viên của chính phủ Đức đã phủ nhận việc đại sứ bị triệu tập chính thức, tuyên bố rằng cuộc gặp tại Bộ Ngoại giao Nga đã được lên lịch từ trước.

 

Vẫn chưa rõ buổi họp diễn ra như thế nào. Tuy nhiên, sau đó, ông Lambsdorff được cho là đã rời khỏi tòa nhà Bộ Ngoại giao Nga mà không trả lời các phóng viên.

 

Kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, các quốc gia đồng minh với NATO - bao gồm Đức - đã cùng viện trợ cho Kyiv hàng tỷ USD vũ khí và trang bị.

 

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo NATO đã nhiều lần nhấn mạnh mong muốn tránh đối đầu trực tiếp với Nga, vì lo ngại về một cuộc chiến tranh toàn cầu.

 

Tháng trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tái khẳng định: "NATO cũng như các đồng minh NATO không can dự vào cuộc xung đột [Nga - Ukraine]”.

 

Tuy nhiên, Moscow đa cáo buộc liên minh phương Tây trực tiếp can dự vào cuộc xung đột đang diễn ra bằng cách cung cấp cho Kyiv vũ khí, trang thiết bị và nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau.

 

Nga cũng cáo buộc điều mà họ thường gọi là "tập thể phương Tây" đang sử dụng Ukraine để tiến hành một "cuộc chiến tranh ủy nhiệm" đối đầu Nga.

 

Đáp lại, NATO tuyên bố đang giúp Ukraine tự vệ trước cuộc xâm lược đang diễn ra của Nga, cuộc xâm lược này đã bước sang năm thứ ba vào tháng trước.

 

(Theo The Epoch Times)

(ntdvn.net, Huyền Anh biên dịch)