Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới 6 giờ sáng 11/6 (GMT+7), toàn thế giới có 7.439.294 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó số ca tử vong là 417.956. Dịch bệnh tại Brazil đang nghiêm trọng nhất thế giới.

 

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 127.770 người mắc COVID-19 và 4.984 người tử vong. Nước có số ca mắc nhiều nhất trong 24 giờ qua là Brazil với 30.332 ca. Tiếp đó là Mỹ với 19.128 ca, Ấn Độ với 12.375 ca. Các nước còn lại đều ghi nhận dưới 10.000 ca mắc trong 24 giờ qua.

 

Số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất cũng được ghi nhận ở Brazil với 1.183 ca, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 39.680. Đứng thứ hai là Mỹ với 967 ca, tiếp đó là Mexico với 596 ca tử vong trong 24 giờ qua.

 

Số bệnh nhân COVDI-19 khỏi bệnh trên toàn thế giới tới nay là 3.721.870. Tuy nhiên, có 53.814 người vẫn trong tình trạng nguy kịch.

 

EU đề nghị mở cửa với bên ngoài từ tháng 7

 

 

Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell phát biểu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP

 

 

Ngày 10/6, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đề nghị các nước thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu mở cửa biên giới đối với những người đến từ các nước và vùng lãnh thổ ngoài khối từ ngày 1/7 tới.

 

Mặc dù quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn đà COVID-19 tùy thuộc vào mỗi nước, song ông Borrell cho biết Brussels sẽ đề nghị dỡ bỏ lệnh phong tỏa theo từng bước. 

 

Các nước thành viên EU đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế tạm thời đối với việc qua lại biên giới trong khối, với mục tiêu khôi phục hoạt động tự do đi lại vào ngày 15/6 tới. Cuối tuần qua, các Bộ trưởng Nội vụ của 27 nước thành viên EU đã nhất trí phối hợp triển khai kế hoạch từng bước mở cửa cho những người ngoài khu vực tự do đi lại Schengen, Anh và EU. 

 

Áo mở cửa biên giới với Italy từ giữa tháng 6  

 

 

Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa Roma Termini ở Rome, Italy ngày 3/6. Ảnh: THX

 

 

Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg thông báo từ ngày 16/6, nước này sẽ mở cửa biên giới với Italy và cho phép tự do đi lại đối với những người đến từ hầu hết các nước châu Âu khác. 

 

Theo đó, từ ngày 16/6, Áo sẽ cho phép những người đến từ 31 quốc gia, phần lớn thuộc châu Âu, nhập cảnh mà không phải chịu các biện pháp hạn chế. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ gồm Thụy Điển, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Anh, khi những người đến từ các nước này phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 và tự cách ly trong 2 tuần. 

 

Tuần trước, Áo đã nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại đối với một số nước láng giềng, ngoại trừ Italy, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 tại châu Âu. Ngoại trưởng Schallenberg cho biết cảnh báo đi lại vẫn sẽ được duy trì đối với vùng Lombardy ở miền Bắc Italy, và người dân Áo được khuyến nghị không tới khu vực này. Ông Schallenberg cũng nhắc nhở người dân duy trì thận trọng khi di chuyển, trong bối cảnh đại dịch vẫn chưa được đẩy lùi hoàn toàn.

 

Đức dỡ bỏ kiểm soát biên giới với nhiều nước

 

 

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Berlin, Đức ngày 17/4. Ảnh: AFP

 

 

Tại Đức, Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer cho biết nước này sẽ dỡ bỏ kiểm soát biên giới với Thụy Sĩ, Pháp, Áo và Đan Mạch từ ngày 15/6 tới, song nhấn mạnh chính phủ sẽ cân nhắc lại nếu tình hình dịch bệnh xấu đi. Ông cũng cho biết các quy định hiện hành đối với những người không phải công dân EU muốn tới Đức vẫn được duy trì tới cuối tháng 6.

 

Trong khi đó, một nguồn tin chính phủ cùng ngày cho biết từ tuần tới, Đức sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với các lao động thời vụ vốn được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Theo nguồn tin này, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chấp thuận các đề xuất của Bộ trưởng Nông nghiệp Julia Kloeckner, theo đó các lao động thời vụ đến từ các nước thuộc EU và khu vực tự do đi lại Schengen có thể nhập cảnh vào Đức từ ngày 16/6 mà không phải chịu các biện pháp hạn chế.

 

Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng được yêu cầu thực hiện các tiêu chuẩn vệ sinh. Các lao động được chia thành các nhóm cố định nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh lây lan và nếu một người bị ốm, toàn bộ những người còn lại trong nhóm cũng sẽ bị cách ly. Quy định mới này sẽ được áp dụng tới ngày 31/12

 

 

 

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Berlin, Đức ngày 20/3. Ảnh: AFP

 

 

Cùng ngày 10/6, Nội các LB Đức đã họp và thông qua quyết định mở rộng cảnh báo du lịch đối với hơn 160 quốc gia ngoài khu vực EU đến hết tháng 8 tới. Tuy nhiên, việc áp dụng sẽ có ngoại lệ cho từng quốc gia đáp ứng các tiêu chí nhất định.

 

Trang web của Bộ Ngoại giao Đức dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Heiko Maas: “Chính phủ liên bang đã quyết định mở rộng cảnh báo du lịch toàn cầu đối với các quốc gia trừ các nước thành viên của EU, các quốc gia liên quan đến Schengen và Vương quốc Anh đến hết ngày 31/8”. Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh, đối với các quốc gia khác, việc mở rộng cảnh báo du lịch bởi giữa Đức và các quốc gia này chưa có các cơ sở dữ liệu, tiêu chí và quy trình phối hợp phổ biến, đáng tin cậy, khiến lưu lượng nhập cảnh không bị hạn chế có thể khiến dịch COVID-19 bùng phát trở lại.

 

Tuần trước, Nội các liên bang Đức đã quyết định dỡ bỏ cảnh báo du lịch từ ngày 15/6 tới đây đối với 31 quốc gia châu Âu,  gồm 26 quốc gia thuộc EU, Vương quốc Anh và 4 quốc gia thuộc khu vực Schengen, không phải là thành viên của EU và không chịu sự kiểm soát biên giới gồm Iceland, Na Uy, Thụy Sĩ và Liechtenstein. Đối với 29 quốc gia, việc dỡ bỏ cảnh báo du lịch sẽ có hiệu lực vào ngày 15/6, ngoại trừ Tây Ban Nha và Na Uy sẽ diễn ra sau bởi các quốc gia này vẫn áp dụng hạn chế nhập cảnh.

 

Pháp cân nhắc chấm dứt biện pháp y tế khẩn cấp 

 

 

 

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại khu vực Tháp Eiffel ở thủ đô Paris, Pháp ngày 18/3. Ảnh: AFP

 

 

Chính phủ Pháp đang cân nhắc dỡ bỏ các biện pháp y tế khẩn cấp được áp đặt nhằm ứng phó với COVID-19 vào ngày 10/7 tới. Ngày 10/6, Văn phòng Thủ tướng Edouard Philippe cho biết thời điểm nói trên là một trong số các lựa chọn đang được xem xét.

 

Pháp đã nới lỏng nhiều biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt được áp đặt trước đó để khống chế dịch COVID-19 sau khi các số liệu cho thấy tình hình dịch bệnh trong nước có dấu hiệu suy giảm. Các cửa hàng, khu nghỉ dưỡng và nhiều điểm tham quan du lịch đã dần mở cửa trở lại. Tuy nhiên, người dân vẫn được khuyến khích mang khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi ra ngoài, tiếp tục làm việc tại nhà thay vì đến văn phòng. 

 

Tính tới 6 giờ sáng 11/6 (giờ Việt Nam), số ca tử vong do COVID-19 tại Pháp đã tăng 23 trường hợp lên 29.319 ca; số ca mắc tăng 545 lên 155.136 ca.

 

Hungary và Croatia dỡ bỏ hạn chế đi lại giữa hai nước

 

 

 

Cảnh sát kiểm tra  xe cộ tại cửa khẩu Bregana, biên giới Croatia-Slovenia, nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, ngày 10/5. Ảnh: AFP

 

 

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết Hungary và Croatia sẽ dỡ bỏ hạn chế đi lại với Croatia từ ngày 12/6 do tình hình dịch bệnh tại cả hai nước đã giảm và đang trong tầm kiểm soát. 

 

Theo quan chức này, việc mở cửa biên giới trước đó với Áo, Slovakia, Serbia, Slovenia and CH Séc đã không làm gia tăng các trường hợp nhiễm mới tại Hungary.

 

Hungary ghi nhận tỷ lệ mắc COVID-19 khá thấp do nước này sớm áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt. Tính đến sáng 11/6 (giờ Việt Nam), đất nước10 triệu dân ghi nhận 4.027 ca mắc COVID-19 với 551 trường hợp tử vong.

 

Ấn Độ tiếp tục ghi nhận trên 10.000 ca nhiễm mới 

 

 

 

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Mumbai, Ấn Độ ngày 6/6. Ảnh: THX

 

 

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận 12.375 ca nhiễm SARS-CoV-2, đưa tổng số bệnh nhân lên 287.155 người, trong đó có 8.107 trường hợp tử vong.

 

Các bang bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất là Maharashtra với 90.787 ca, Tamil Nadu -  34.914 ca và New Delhi - 31.309 ca. Chính quyền thành phố New Delhi thậm chí dự báo số ca mắc bệnh COVID-19 tại thủ đô có thể tăng lên mức 550.000 ca vào cuối tháng 7 tới.

 

Bộ trên cho hay chính phủ đã cử các đội y tế trung ương đến 15 bang và vùng lãnh thổ liên bang để hỗ trợ chính quyền địa phương trong công tác ngăn ngừa dịch bệnh và xử lý các ổ dịch. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan khẳng định nước này đang ở vào trạng thái tốt hơn so với nhiều quốc gia khác trong cuộc chiến chống COVID-19, nhưng ông cảnh báo không được phép lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch. 

 

Ngày 9/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá đại dịch COVID-19 đang trở nên tồi tệ trên toàn cầu và hiện không phải là thời điểm thích hợp để các nước chủ quan. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu tổng hợp Nomura cho rằng Ấn Độ nằm trong nhóm 15 quốc gia có nguy cơ cao, nơi việc nới lỏng các lệnh phong tỏa có thể làm gia tăng đột biến các ca bệnh mới, buộc giới chức phải tái áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt.

 

Nam Hàn ghi nhận 50 ca nhiễm mới   

 

 

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở Daegu, Nam Hàn ngày 12/3. Ảnh: AFP

 

Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Nam Hàn (KCDC) cho thấy Nam Hàn ghi nhận 50 ca nhiễm trong ngày 10/6, trong đó 43 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 11.902 ca. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh thêm 22 người, nâng tổng số lên 10.611 người, chiếm 89,1%. 

 

Đến nay Nam Hàn đã xét nghiệm COVID-19 cho trên 1.000.000 người và số ca tử vong do COVID-19 là 276 người. Hầu hết các ca nhiễm mới đều ở thủ đô Seoul và vùng phụ cận là thành phố Incheon và tỉnh Gyeonggi.

 

Một loạt ca nhiễm mới ở thủ đô Seoul và vùng phụ cận xuất hiện khi Nam Hàn hoàn thành việc mở lại các trường học vào ngày 8/6 vừa qua. Sau gần 6 tuần thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, Nam Hàn đã chuyển sang chương trình "kiểm dịch trong cuộc sống hàng ngày" vào ngày 6/5 để cho phép người dân thực hiện các hoạt động kinh tế và xã hội theo các quy tắc kiểm dịch mới.

 

Theo KCDC, số ca nhiễm mới trong thời gian gần đây chủ yếu liên quan tới hoạt động tôn giáo, các trung tâm thể thao, giải trí... ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận. KCDC nhận định các ca lây nhiễm có xu hướng phát sinh tại những nơi khó thực hiện quy tắc phòng dịch như các khu phòng trọ diện tích hẹp và người thuê phòng phải dùng chung các tiện ích, công trường quy mô nhỏ hay chợ phiên sớm. Cũng theo KCDC, diễn biến tình hình lây nhiễm tại thủ đô Seoul và vùng phụ cận những ngày gần đây được đánh giá là có phần giống tình hình hồi tháng 3 vừa qua, thời điểm liên tiếp xuất hiện các ca lây nhiễm tập thể ở Nam Hàn. Việc phần lớn các ca lây nhiễm ở Seoul và khu vực lân cận gần đây chủ yếu là các vụ lây nhiễm tập thể lẻ tẻ ở nhiều địa điểm khác nhau khiến cơ quan chức năng Nam Hàn tính đến nguy cơ dịch bùng phát mạnh nếu không xác định được nguồn lây nhiễm.

 

KCDC đã khuyến cáo người dân và doanh nghiệp ở Seoul và khu vực phụ cận hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, hủy các buổi tụ tập quy mô nhỏ khó kiểm soát các biện pháp phòng dịch. Dự kiến, nếu tình hình dịch bệnh không có chiều hướng giảm, các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ hơn ở khu vực thủ đô sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 14/6 tới và có thể trở lại hình thức giãn cách xã hội nghiêm ngặt nếu số ca nhiễm mới vượt 50 ca/ngày.

 

Iran ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới

 

 

 

Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran. Ảnh: AFP

 

 

Iran thông báo trong 24 giờ qua đã ghi nhận 2.011 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 177.938 ca. Số ca tử vong đã tăng 81 ca lên 8.506 ca.

 

Phát biểu trong phiên họp nội các, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng khi số xét nghiệm tăng lên thì sẽ có thêm nhiều ca nhiễm. Theo ông, việc số ca nhiễm tăng cao thời gian gần đây không có tác động tiêu cực và người dân không nên quá lo lắng về điều này.

 

Bộ Y tế Iran cho biết đã tiến hành hơn 1 triệu xét nghiệm kể từ khi ghi nhận những ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 19/2 vừa qua.

 

Azerbaijan: 19 nhân viên Phủ Tổng thống mắc COVID-19

 

 

 

Đeo khẩu trang phòng COVID-19 ở Azerbaijan. Ảnh: Anadolu

 

 

Giới chức Azerbaijan thông báo đã có 19 nhân viên trong Phủ Tổng thống nước này dương tính với virus SARS-CoV-2. 

 

Ngoài ra, người phát ngôn lực lượng đặc trách chống COVID-19 của Azerbaijan Ramin Bairamly ngày 9/6 cho hay còn có 13 ca nhiễm mới được xác nhận trong số các nhân viên của Bộ Tình trạng khẩn cấp và Bộ Lao động nước này.

 

Tính đến 6 giờ sáng 11/6 (giờ Việt Nam), Azerbaijan đã ghi nhận tổng cộng 102 ca tử vong và 8.530 ca mắc COVID-19. Azerbaijan đã áp đặt tình trạng khẩn cấp quốc gia vào cuối tháng 3 vừa qua nhằm kiểm soát dịch bệnh. Quốc gia giàu dầu mỏ này sau đó đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp và phần lớn các biện pháp hạn chế vào ngày 31/5.

 

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho rằng việc nới lỏng các biện pháp chống dịch là nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng nhanh, song nhấn mạnh tình hình vẫn trong tầm kiểm soát. Nhà lãnh đạo này đã áp đặt lệnh phong tỏa kéo dài 2 ngày đối với một số khu vực và thành phố, trong đó có thủ đô Baku. Lệnh yêu cầu người dân ở nhà sẽ được áp đặt trở lại vào cuối tuần tới. Giao thông công cộng và các doanh nghiệp không thiết yếu ngoại trừ ngành dầu mỏ và vận tải cũng sẽ phải đóng cửa.

 

Số ca nhiễm gia tăng tại Trung Đông-Bắc Phi

 

 

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Giza, Ai Cập. Ảnh: THX

 

 

Ngày 9/6, Maroc thông báo kéo dài thêm 1 tháng tình trạng khẩn cấp về y tế do đại dịch COVID-19. Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn chính phủ Maroc, Saaid Amzazi cho biết nội các nước này đã tiến hành họp trực tuyến và nhất trí thông qua dự luật kéo dài tình trạng khẩn cấp về y tế từ ngày 10/6 đến ngày 10/7. Dự luật này cũng quy định nới lỏng dần các biện pháp hạn chế, xem xét những khác biệt về tình hình dịch COVID-19 giữa các vùng và các tỉnh thành của nước này.

 

Maroc có 71 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm ở quốc gia Bắc Phi này đến nay lên 8.508 ca, trong đó có 211 ca tử vong.

 

Bộ Y tế Ai Cập thông báo phát hiện 1.455 ca nhiễm trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm ở quốc gia Bắc Phi này lên tổng cộng 38.284 ca. Theo người phát ngôn Bộ Y tế Ai Cập Khaled Megahed, số ca tử vong do COVID-19 ở nước này hiện là 1.342 người, sau khi có 36 ca tử vong trong ngày. Bên cạnh đó, có 411 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 9.876 người. 

 

Trong thư gửi Thủ tướng Mostafa Madbouly và Bộ trưởng Y tế Hala Zayed, Nghiệp đoàn Bác sĩ Ai Cập đề nghị nhà chức trách tăng cường các biện pháp bảo vệ đội ngũ y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 cũng như áp dụng các tiêu chuẩn kiểm soát lây nhiễm cao nhất tại tất cả các bệnh viện cách ly, theo đó, các ca nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2 phải được tách ra khỏi các bệnh nhân khác ở bệnh viện nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm giữa bệnh nhân và đội ngũ y tế.

 

Bộ Y tế Saudi Arabia cùng ngày cho biết nước này ghi nhận 3.288 ca nhiễm và 37 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 108.571 ca, trong đó có 783 ca tử vong. Thủ đô Riyadh trong những tuần qua đứng đầu danh sách các khu vực có số ca nhiễm nhiều nhất, tiếp theo là Jeddah. 

 

 

Các nhân viên y tế tại một bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 ở Doha, Qatar ngày 11/5/2020. Ảnh: AFP

 

 

Tại Qatar, Bộ Y tế nước này thông báo trong 24 giờ qua có 1.716 ca nhiễm và 4 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 73.595 ca, trong đó có 66 ca tử vong. 

 

Theo bộ trên, số ca nhiễm mới gia tăng là do người dân tụ tập và đến nhà thăm nhau, không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của chính phủ yêu cầu người dân ở nhà và duy trì giãn cách xã hội. Cho đến nay, Qatar đã tiến hành xét nghiệm trong phòng thí nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với  265.035 người.

 

Tại Jordan, Bộ Y tế thông báo có 18 ca nhiễm trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 863 ca, trong đó có 9 ca tử vong. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Jordan đã tiến hành xét nghiệm cho 235.014 người.