Lữ đoàn tác chiến số 13 'Khartiia' thuộc Vệ binh quốc gia Ukraine kiểm tra drone trinh sát Leleka tại khu vực Kharkiv, Ukraine, ngày 20/07/2025. REUTERS - Serhii Korovainyi

 

 

Phải chăng mô hình cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang thay đổi? Drone trở thành võ khí chính, là mối đe dọa thường trực, là sức ép vô hình. Đối với các bên tham chiến, dường như ai mạnh về drone, chiếm luôn lợi thế trong cuộc chiến và giảm được thiệt hại nhân mạng binh sĩ. Điều này giải thích cho việc cả Nga và Ukraine đang chạy đua sản xuất và cải thiện loại võ khí không người lái này.

 

Đầu tháng 07/2025, Nga tấn công Kiev với số drone kỷ lục: 728 drone chỉ trong một đêm. Gần đây nhất là sáng sớm 21/07, thủ đô của Ukraine lại trở thành mục tiêu chủ yếu của 426 drone và 24 tên lửa Nga. Ngoại trưởng Pháp Barrot, công du Kyiv vào thời điểm đó, đã lên án “trận đại hồng thủy sắt và lửa nhắm vào các thành phố của Ukraine”. Những con số này khiến giới chuyên gia đặt ra hàng loạt câu hỏi về năng lực sản xuất của Nga.

 

 

Nga có thể tấn công Ukraine với 2.000 drone/đêm?

Nga đang chạy đua sản xuất drone vì “muốn mở rộng phạm vi các cuộc tấn công”. Theo phát biểu ngày 19/07 của tướng Đức Christian Freuding, “tham vọng của Nga là sở hữu 2.000 drone có thể được sử dụng cùng lúc”, so với con số 2.000 drone được Nga phóng trong một tháng vào mùa thu 2024. Dù cho rằng khó có thể đạt được con số này nhưng Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), trụ sở tại Washington, xác nhận số drone Shahed được Nga sử dụng tấn công vào ban đêm đã tăng 31%.

 

Hiện tại Nga sản xuất hai loại drone Geran-2 và Geran-3 theo mô hình Shahed-136 của Iran. Nhà máy lắp ráp nằm ở Yelabuga, CH Tatarstan, cách biên giới Ukraine khoảng 1.700 km. Được khánh thành năm 2016, nhà máy đã tăng gấp đôi diện tích từ tháng 01/2023 đến 04/2025. Theo đài truyền hình Pháp TF1, drone Geran-2 có giá khoảng 20.000 đô-la, kích thước 3,5x2,5 mét, nặng 240 kg, chở được 50 kg thuốc nổ, bay với vận tốc 200 km/giờ và có thể bay được 1.700 km. Drone thế hệ mới Geran-3 có giá gấp 4 lần nhưng có kích thước lớn hơn, nặng 500 kg, có thể chở 300 kg thuốc nổ, bay nhanh hơn gấp 3 lần (đến 700 km/giờ) và bay xa 2.500 km.

 

Ngoài nhà máy chánh ở đặc khu kinh tế Yelabuga, Cộng Hòa Tatarstan, drone của Nga còn được sản xuất tại Ijevsk, các vùng quanh Moscow, Saint-Petersburg, Ekaterinburg. Các doanh nghiệp Trung Quốc đóng vai trò không nhỏ trong thành công của Nga vì “cung cấp thiết bị máy tính, điện tử, hệ thống định vị, hệ thống quang học và đo lường từ xa, động cơ, vi mạch, hệ thống trường ăng-ten, bảng điều khiển và hệ thống định vị”. Trả lời trang Politico, chuyên gia nghiên cứu Oleh Aleksandrov, Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược Ukraine, cho biết những doanh nghiệp này “sử dụng công ty bình phong, đổi tên. Họ làm mọi cách để tránh bị kiểm soát xuất cảng và bị trừng phạt vì hoạt động của mình”.

 

Drone Geran-3 trở thành một thách thức lớn cho hệ thống phòng không Ukraine vì có tốc độ cao khó bắn chặn hơn rất nhiều và “được trang bị đến 14 camera”, có nghĩa là phải cần đến 14 máy phá sóng để vô hiệu hóa. Chuyên gia hàng không và quốc phòng Pháp Xavier Tytelman cho rằng Geran-3 thực sự là những hỏa tiễn giá rẻ.

 

 

Ukraine đặt mục tiêu sản xuất 4,5 triệu drone trong năm 2025

Ukraine buộc phải thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ của Nga, phát triển loại “drone đánh chặn” lao thẳng vào drone Geran-3 trước khi chạm đến mục tiêu. Ngoài ra, ngày 18/07, Kiev thử nghiệm thành công drone hai động cơ mới do công ty Darts sản xuất, có thể chở đến 14 kg thuốc nổ, nhắm đến các mục tiêu cách xa hơn 40 km. Điểm đặc biệt của drone Darts là có thể vận chuyển được, sử dụng bộ thu phát trên không. Theo công ty sản xuất, drone Darts hiện “là một trong những loại drone được sử dụng ồ ạt trên chiến trường”.

 

Loại drone mới này nằm trong kế hoạch sản xuất đến 4,5 triệu drone trong năm 2025, tăng gấp 3 so với năm 2024. Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định “Ukraine từ giờ đứng đầu thế giới về chiến tranh bằng drone”. Đây là một lợi thế để Kyiv mang ra đàm phán và thuyết phục với chánh quyền Mỹ Donald Trump, nhà tài trợ lớn nhất của Kyiv. Pháp cũng muốn lập công ty liên doanh với Ukraine để “làm việc với các công ty sản xuất drone của Ukraine, hiện có kinh nghiệm rất lớn”. Theo ngoại trưởng Pháp, Đan Mạch, Anh và các nước vùng Scandinavia đã đi trước một bước khi hỗ trợ Ukraine trong lĩnh vực này.

 

Thay vì tập trung đối đầu trực diện trên chiến trường, cuộc chiến tại Ukraine hiện trở thành cuộc chiến giữa máy bay không người lái và lợi thế thuộc về bên sở hữu công nghệ tinh vi và số lượng lớn. 

 

 

 

(Theo RFI)