Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 122.798 trường hợp mắc COVID-19 và 3.248 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 9 triệu người. Đại dịch đang có xu hướng trở lại và lây lan trên diện rộng hơn

 

 

 

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 tại Cape Town, Nam Phi ngày 16/6/2020. Ảnh: AFP

 

 

 

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 21/6 (giờ GMT+7), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 9.031.353 ca, trong đó có 469.514 người thiệt mạng.

 

Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 4.795.260 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 54.728 và 3.766.579 ca đang điều trị tích cực.

 

Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm Mỹ (23.697 ca), Ấn Độ (15.183 ca) và Brazil (14.744 ca); trong khi các nước Brazil (550 ca), Ấn Độ (426 ca) và Mexico (387 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.

 

 

 

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại một nhà ga ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 18/6/2020. Ảnh: THX

 

 

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến lo ngại bắt đầu xuất hiện trở lại ở châu Á, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai như Trung Quốc, Hàn Quốc và Iran, trong khi số lượng bệnh nhận tăng mạnh tại Ấn Độ.

 

Châu Âu tiếp tục xu thế "hạ nhiệt", tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế.

 

Trên bình diện khu vực, Mỹ Latinh tiếp tục là điểm nóng của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm đặc biệt tăng mạnh trong những ngày gần đây tại Brazil, Mexico và Chile... Brazil hiện cũng là nước có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao thứ hai thế giới.

 

 

 

Một quán bar ngoài trời mở cửa trở lại tại New York, Mỹ , ngày 7/6/2020. Ảnh: AFP

 

 

 

Hiện Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong tổng số 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có dịch COVID-19.

 

Trong 24 giờ qua, "xứ sở cờ hoa" ghi nhận 258 ca tử vong vì COVID-19 và 23.697 ca mắc bệnh, qua đó nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong vì virus này tại Mỹ lên lần lượt 2.354.275 và 122.238 trường hợp.

 

Dù vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/6 khẳng định Mỹ sẽ không đóng cửa các doanh nghiệp một lần nữa sau khi một số bang ở nước này ghi nhận số ca mắc bệnh COVID-19 gia tăng. Ông Trump coi vực dậy nền kinh tế là trọng tâm trong nỗ lực tái tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.

 

 

Một nhà hàng mở cửa trở lại tại Washington, DC, Mỹ, ngày 17/6/2020. Ảnh: AFP

 

 

 

Kết quả cuộc khảo sát của ABC News/Ipsos công bố ngày 21/6 cho thấy 58% công dân Mỹ không đồng tình với cách ứng phó của Tổng thống Donald Trump đối với đại dịch COVID-19, khi đến nay.

 

 

Theo cuộc khảo sát, 41% số người được hỏi nói rằng họ hài lòng với cách ứng phó của Tổng thống Trump với COVID-19. Số người có quan điểm này đã tăng nhẹ so với các cuộc thăm dò tiến hành đầu tháng 6. Trước đó, số người không đồng tình là 60% và đồng tình là 39%. Cuộc khảo sát được tiến hành từ ngày 17-19/6 với sự tham gia của 727 người trên 18 tuổi, với tỷ lệ sai số 4,1%.

 

Kể từ khi ABC News/Ipsos bắt đầu cuộc khảo sát về ứng phó đại dịch tại Mỹ hồi giữa tháng 3, số người đồng tình với ông Trump hầu như giữ ổn định, ngoại trừ một tuần giữa tháng 3, khi con số này đạt đỉnh là 55%, trái ngược với 43% số người không hài lòng. Sự cải thiện này được ghi nhận sau khi chính quyền Trump siết chặt các biện pháp chống dịch ở quy mô liên bang.

 

 

 

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tới bệnh viện ở Breves, Brazil. Ảnh: AFP

 

 

 

Brazil ghi nhận số ca tử vong nhiều nhất thế giới trong vòng 1 ngày qua, với 550 ca. Tính tới sáng 22/6, "xứ sở Samba" ghi nhận tổng cộng 1.084.883 ca nhiễm COVID-19 và 50.608 ca tử vong.

 

Theo số liệu thống kê của Hội đồng các sở y tế toàn quốc (CONASS), trong tuần qua, Brazil đã có 5 ngày liên tiếp ghi nhân số ca tử vong trên 1.000 người.

 

Mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp với số ca nhiễm mới và tử vong liên tục ở mực cao trong thời gian qua, song giới chuyên gia nhận định Brazil vẫn chưa đạt tới đỉnh dịch, thậm chí có ý kiến cho rằng Brazil có thể sẽ vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia có số ca nhiễm bệnh cao nhất thế giới vào cuối tháng 7.

 

 

 

 

Chuyển hàng viện trợ nhân đạo tới Venezuela tại sân bay Zurich, Thụy Sĩ, ngày 18/6/2020. Ảnh: AFP

 

 

 

Ngày 21/6, Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodríguez thông báo chính phủ nước này quyết định các biện pháp cách ly đặc biệt tại 10 bang trên cả nước nhằm ngăn chặn sự lây lan đang có xu hướng gia tăng của dịch COVID-19.

 

Theo sắc lệnh của Tổng thống, thủ đô Caracas và các bang Bolivar, Apure, Tachira, Zulia, La Guaira, Aragua, Miranda, Lara và Trujillo là các địa phương nằm trong diện phải tuân thủ các qui định mới trong thời gian 7 ngày. Các dịch vụ tàu điện ngầm tại Caracas và Los Teques, cũng như tuyến tầu hỏa đi tới khu vực Valles del Tuy sẽ ngừng hoạt động trong thời gian lệnh cách ly đặc biệt có hiệu lực.

 

 

 

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một khu chợ ở Caracas, Venezuela ngày 2/4/2020. Ảnh: AFP

 

 

 

Chính phủ Venezuela cũng quy định chỉ chỉ có các lĩnh vực y tế, điện, nước, khí đốt, lương thực, viễn thông và phân phối dược phẩm được phép hoạt động trong thời gian này. Ngoài ra, Lực lượng Vũ trang Quốc gia Bolivar (FANB) sẽ thiết lập các chốt kiểm soát có rào chắn nhằm hạn chế sự dịch chuyển của người dân từ các địa phương bị ảnh hưởng. 

 

Theo thống kê chính thức, đến nay Venezuela đã ghi nhận 3.789 ca mắc COVID-19, trong đó có 33 trường hợp tử vong.

 

 

 

Người dân tập trung tại bãi biển ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 19/6/2020. Ảnh: THX

 

 

 

Tại Tây Ban Nha, dù số ca mắc COVID-19 vẫn gia tăng, Thủ tướng Pedro Sanchez khẳng định nước này đang bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Theo đó, kể từ ngày 21/6, Tây Ban Nha cho phép du khách nhập cảnh từ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khu vực Schengen không cần phải tự cách ly hai tuần.

 

Tây Ban Nha đồng thời sẽ nối lại hoạt động đi lại giữa 17 cộng đồng tự trị của nước này. Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế như bắt buộc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội sẽ vẫn được duy trì.

 

Ngoại trừ Tây Ban Nha dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, phần lớn các nước khác đều gia hạn hoặc tái áp đặt lệnh phong tỏa để phòng dịch. Bộ Di trú Hy Lạp ngày 20/6 thông báo gia hạn lệnh phong tỏa tại các trại tị nạn đông đúc đến ngày 15/7 tới. Tính đến ngày 20/6, Hy Lạp ghi nhận 3.256 ca mắc COVID-19 và 190 ca tử vong.

 

 

 

 

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Rome, Italy ngày 18/5/2020. Ảnh: THX

 

 

 

Ngày 21/6, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố nước này ghi nhận thêm 224 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh COVID-19 lên 238.499 trường hợp.

 

Cũng theo nguồn tin trên, số ca tử vong tăng lên 34.634 trường hợp (tăng 24 ca) và số ca hồi phục là 182.893 ca (tăng 440 ca). Cơ quan Bảo vệ dân sự cho biết số ca nhập viện với các triệu chứng hiện là 2.314 (giảm 160 trường hợp), trong đó có số ca điều trị tích cực là 148 (giảm 4 trường hợp).

 

 

 

Một bệnh nhân mắc COVID-19 được xuất viện sau thời gian điều trị tại bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: AFP

 

 

 

Ở châu Á, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo, trong ngày 20/6, nước này ghi nhận thêm 26 ca mắc COVID-19, trong đó 25 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 1 ca nhập cảnh, trong khi không ghi nhận thêm ca tử vong.

 

Tính đến hết ngày 20/6, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 83.378 ca mắc, trong đó 4.634 ca tử vong, 78.413 bệnh nhân bình phục.

 

 

 

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại một trường học ở Seoul, Nam Hàn. Ảnh: AFP

 

 

 

Tại Nam Hàn, Cơ quan Quản lý và Phòng chống dịch bệnh Nam Hàn (KCDC) sáng 21/6 cho biết tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này tăng thêm 48 ca lên 12.421 ca.

 

Tin tích cực là Nam Hàn không ghi nhận thêm ca tử vong nào, trong khi đã có thêm 12 bệnh nhân hồi phục, đưa tổng số ca được chữa khỏi lên 10.868 ca.

 

 

 

 

 Người dân di chuyển trên đường phố tại Sydney, Úc, ngày 18/6/2020. Ảnh: AFP

 

 

 

Tại Úc, tiểu bang Victoria đông dân thứ hai của nước này ghi nhận thêm 19 ca mắc COVID-19 trong ngày 21/6. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp bang này có số ca nhiễm mới ở mức 2 con số. Tổng số ca nhiễm của bang hiện nay là 1,836 ca, chiếm 25% tổng số ca tại Úc.

 

Trước tình hình này, chính quyền tiểu bang Victoria đã gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 4 tuần đến ngày 19/7. Trên toàn nước Úc, hiện có 7,461 ca nhiễm COVID-19.

 

 

 

 

Người dân tập trung bên ngoài một bệnh viện ở thành phố Hebron, Bờ Tây để chờ xét nghiệm COVID-19 ngày 19/6/2020. Ảnh: AFP

 

 

 

Chính quyền Palestine cũng áp đặt một loạt hạn chế mới, trong đó cấm việc tụ tập và các hoạt động kỷ niệm như tổ chức tiệc cưới và tiệc mừng tốt nghiệp đại học tại toàn bộ khu Bờ Tây.

 

Các cơ sở hoạt động tư nhân và nhà nước cũng như các doanh nghiệp sẽ bắt buộc phải tuân theo những quy định về an toàn và bảo vệ sức khỏe. Các quan chức chính quyền sẽ không được phép di chuyển từ thành phố này tới thành phố khác mà phải làm việc trực tuyến.

 

Chỉ tính riêng trong ngày 20/6, Palestine phát hiện thêm 108 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số người nhiễm virus này ở Palestine lên tới 979 người. Số ca tử vong là 3 người.

 

 

 

 

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tonekabon, miền bắc Iran, ngày 16/6/2020. Ảnh: THX

 

 

Tại Iran, trong vòng một ngày qua ghi nhận 116 ca tử vong và 2.368 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong vì dịch COVID-19 tại nước Cộng hòa Hồi giáo này lên lần lượt 204.952 ca và 9.623 ca.

 

Ngày 21/6, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Iran phụ trách các vấn đề nhân quyền, ông Mahmoud Abbasi cho hay Iran sẵn sàng tiến hành trao đổi tù nhân với các nước, trên cơ sở nhân đạo, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành.

 

Hãng thông tấn IRNA dẫn lời ông Abbasi nói: "Chúng tôi đã đưa 108 tù nhân Iran từ Gruzia về Iran và hồi hương một số tù nhân nước ngoài trong 2 tháng qua". Ông Abbasi cho biết thêm hơn 2.000 tù nhân Afghanistan tại Iran có thể được đưa về nước.

 

 

 

 

Người dân và khách du lịch thăm Hoàng cung ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, ngày 7/6/2020. Ảnh: AFP

 

 

 

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận ca tử vong vì virus SARS-CoV-2.

Đặc biệt, Indonesia dịch bệnh chưa hề thấy dấu hiệu hạ nhiệt và hiện nước này đang dẫn đầu toàn khu vực về số bệnh nhân cũng như nạn nhân tử vong do đại dịch. Trong ngày, khu vực có đến 6 nước ghi nhận các ca mắc mới.

 

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 3.848 người dân ở khu vực này, tăng 55 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 130.710 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 73.248 trường hợp.

 

Về tổng thể, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại hai nước Indonesia và Philippines, xét cả về số ca mắc bệnh mới và ca tử vong phát sinh.

 

 

 

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 8/6/2020. Ảnh: THX

 

 

 

Trong khi đó, các nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại nhịp. Nhiều nước ASEAN đang đẩy nhanh quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.



Indonesia tiếp tục là điểm nóng nhất khu vực Đông Nam Á. Trong vòng 24 giờ qua, quốc gia vạn đảo ghi nhận 862 ca mắc COVID-19 và 36 ca tử vong. Hết ngày 21/6, Indonesia có tổng cộng 2.465 ca tử vong và 45.891 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.

 

Tại Singapore, một nhóm các nhà khoa học nước này đã tìm ra 5 kháng thể có thể ngăn chặn sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19. Thử nghiệm trên người đối với kháng thể đầu tiên AOD01 có thể sẽ được tiến hành trong vài tháng tới.



Trong 24 giờ qua, các quốc gia ASEAN khác như Việt Nam, Campuchia, Brunei, Timor Leste và Lào đều không xuất hiện ca nhiễm mới trong ngày 21/6.

 

 

 

Kiểm tra thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Ekurhuleni, Nam Phi, ngày 8/6/2020. Ảnh: AFP

 

 

 

Tại châu Phi, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize ngày 20/6 thông báo trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 4.966 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 92.681 ca. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất trong ngày kể từ khi dịch bùng phát đầu tháng 3 vừa qua.

 

Số ca tử vong đã tăng thêm 46 ca lên 1.877 ca. Trên toàn khu vực châu Phi có tổng cộng 7.905 ca tử vong trong số 298.244 ca mắc COVID-19.

 

 

 

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Cairo, Ai Cập ngày 12/6/2020. Ảnh: THX

 

 

 

Ngày 21/6, Bộ Y tế Ai Cập cho hay nước này đã ghi nhận thêm 1.475 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở quốc gia Bắc Phi này lên tới 55.233 người. Trong những ngày qua, số ca nhiễm mới được phát hiện tăng liên tục và đều ở mức trung bình trên 1.000 người/ngày.

 

Ngoài ra, đã có thêm 87 bệnh nhân tử vong do COVID-19, và tính đến nay tổng số ca tử vong do căn bệnh nguy hiểm này ở Ai Cập đã lên đến 2.193 người. Bên cạnh đó, cũng ghi nhận thêm 409 bệnh nhân đã bình phục và được ra viện, qua đó nâng tổng số trường hợp khỏi bệnh lên 14.736 người.

 

Nghiệp đoàn y bác sĩ Ai Cập (EMS) đã lên tiếng kêu gọi tăng cường nỗ lực nhằm giảm tải cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 đồng thời cung cấp thêm trang thiết bị phòng hộ cho đội ngũ y bác sĩ ở nơi tuyến đầu chống dịch.