Một gian hàng của GE Appliances trong Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc lần thứ 2 tại Thượng Hải vào ngày 6/11/2019. (Ảnh: HECTOR RETAMAL / AFP qua Getty Images)

 

 

 

 

Có những thương hiệu quen thuộc mà bạn cho rằng ắt hẳn phải là hàng nội địa Mỹ, nhưng thực ra lại được hậu thuẫn bởi các nhà đầu tư Trung Quốc. Có một danh sách đáng kinh ngạc mà bạn cần biết về các công ty Mỹ đã được mua lại, điều hành, hoặc kiểm soát một phần bởi các doanh nghiệp Trung Quốc.

 

 

General Electric.

 

General Electric (GE) là một thương hiệu tương đối nhỏ khi được thành lập vào năm 1892. Doanh nghiệp này sau đó đã phát triển theo cấp số nhân và trở thành một tập đoàn khổng lồ, nắm trong tay rất nhiều lĩnh vực, từ hàng không, chăm sóc sức khỏe, cho đến năng lượng, và đầu tư mạo hiểm.  

 

Nhiều người Mỹ cảm thấy yên tâm khi mua đồ gia dụng của GE, bởi chúng được dán tem “Made in America”, tuy nhiên ít người để ý rằng vào năm 2016, GE đã đồng ý bán đơn vị sản xuất thiết bị gia dụng GE Appliances cho tập đoàn Haier của Trung Quốc với giá 5,4 tỷ USD. 

 

 

Thỏa thuận này giúp Haier dễ dàng hơn trong việc kinh doanh các mặt hàng như tủ lạnh, máy giặt, và các thiết bị khác sau nhiều năm vật lộn để có được chỗ đứng vững chắc ở Mỹ và các quốc gia khác. Haier có quyền sử dụng thương hiệu GE cho các thiết bị gia dụng trong 40 năm, theo Wall Street Journal.

 

 

GE Appliances vẫn giữ trụ sở chính tại Louisville, Kentucky.

 

 

 

Tesla.

 

Elon Musk là đầu não của Tesla, và là cổ đông lớn nhất, nhưng không phải là duy nhất. Gã khổng lồ Internet Trung Quốc Tencent Holdings đã gia nhập đội ngũ các ông lớn sản xuất xe hơi vào năm 2017 với việc mua lại 5% cổ phần của nhà sản xuất ô tô điện Tesla với giá 1,8 tỷ USD, khiến công ty Trung Quốc này trở thành cổ đông lớn thứ 5 của Tesla, theo dữ liệu từ Bloomberg.

 

 

Khoản đầu tư của Tencent đã cung cấp cho Tesla dòng tiền cần thiết khi Tesla chuẩn bị tung ra thị trường mẫu xe Model 3. Tencent cũng giúp Tesla bán, hoặc thậm chí chế tạo, ô tô ở Trung Quốc - thị trường ô tô lớn nhất thế giới.

 

 

Ông Joel Backaler, Giám đốc điều hành của Frontier Strategy Group, cho biết trên South China Morning Post: Các công ty Trung Quốc thường đầu tư vào các tập đoàn sở hữu công nghệ tiên tiến ở Mỹ, với mục đích đưa những công nghệ đó vào Trung Quốc. Đây có thể là lời giải thích cho trường hợp đầu tư của Tencent vào Tesla vì thị trường xe điện đang phát triển nở rộ ở Trung Quốc; trong khi đó, Tencent đã đầu tư vào nhà sản xuất ô tô Nio và ứng dụng gọi xe Didi của Trung Quốc.

 

 

 

IBM.

 

Lenovo - tập đoàn công nghệ của Trung Quốc - đã mua lại bộ phận máy tính cá nhân (PC) của IBM - tập đoàn công nghệ đa quốc gia có trụ sở tại New York - với giá 1,25 tỷ USD vào năm 2005, biến Lenovo trở thành nhà sản xuất PC lớn thứ 3 thế giới vào thời điểm đó.

 

 

Chủ tịch Lenovo Liu Chuanzhi (thứ 2 từ trái) bắt tay Phó chủ tịch cấp cao John Joyce của IBM Global Services (thứ 2 từ phải) tại một cuộc họp báo vào ngày 8/12/ 2004 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Lenovo đã mua lại bộ phận máy tính cá nhân của IBM với giá 1,25 tỷ USD vào năm 2005. (Ảnh: China Photos / Getty Images)

 

 

 

 

Theo thỏa thuận mua lại, Lenovo kế thừa dòng IBM ThinkPad và được phép sử dụng tên IBM trên các sản phẩm của mình cho đến năm 2010. Máy tính cá nhân của IBM nổi tiếng về độ bền, và trong các chiến dịch quảng cáo, Lenovo đã cố gắng liên kết thương hiệu Lenovo với danh tiếng của IBM. Theo Wall Street Journal,  doanh số bán hàng và lợi nhuận thu về của Lenovo đã tăng chóng mặt sau sự kiện mua lại.

 

 

Tuy nhiên, đến tháng 11/2007, các ThinkPad của IBM đã được đổi tên thành Lenovo ThinkPad, và logo IBM không còn xuất hiện trên các sản phẩm của tập đoàn Trung Quốc.

 

 

General Motors.

 

SAIC-GM là một công ty liên doanh được thành lập vào năm 1997 với 50% vốn đầu tư từ SAIC - doanh nghiệp sản xuất ô tô Trung Quốc và 50% từ General Motors (GM) của Mỹ.

 

 

Kể từ khi kết hợp với SAIC, GM đã ‘làm mưa làm gió’ tại thị trường Trung Quốc và kiếm được khoản lợi nhuận khổng lồ trong nhiều năm, tuy nhiên, cái giá mà GM phải trả cũng không hề nhỏ. 

 

 

Trong suốt quá trình, GM đã giúp SAIC phát triển thành một nhà sản xuất ô tô tiên tiến với các nhà thiết kế, kỹ sư, và nhà tiếp thị hàng đầu. SAIC đã sử dụng chuyên môn và công nghệ của GM để biến mình thành một ông lớn sản xuất ô tô có quy mô toàn cầu, thách thức các nhà sản xuất ô tô của Mỹ và các quốc gia khác.

 

 

Năm 2012, SAIC đã mở trụ sở chính ở Bắc Mỹ, tại Birmingham, Michigan - nơi chỉ cách căn cứ Detroit của GM 20 dặm. Hiện tại, SAIC muốn đẩy mạnh hoạt động ở Mỹ Latinh và châu Âu - 2 thị trường mà GM đã hoạt động lâu năm. Và hơn hết, theo Wall Street Journal, chính quyền Trung Quốc muốn tiếp cận công nghệ ô tô điện tiên tiến, thứ mà GM không muốn chia sẻ.

 

 

 

Lexmark International.

 

Khi nói đến máy in laser và các sản phẩm hình ảnh, Lexmark International đã tạo dựng được danh tiếng vững chắc kể từ khi công ty được thành lập cách đây gần 30 năm tại Mỹ, vào đầu những năm 90.

 

 

Năm 2016, Lexmark International đã đồng ý bán cho một nhóm những nhà đầu tư bao gồm Công ty Công nghệ Apex có trụ sở tại Trung Quốc với giá 3,6 tỷ USD.

 

 

Những tháng gần đây, Lexmark tuyên bố họ sẽ giúp các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu sản xuất các thiết bị có thể được giám sát từ xa nhờ hệ thống Internet vạn vật. Internet vạn vật (IoT) là mạng kết nối các đồ vật và thiết bị thông qua cảm biến, phần mềm, và các công nghệ khác, cho phép đồ vật và thiết bị thu thập và trao đổi dữ liệu với nhau và với trung tâm điều khiển. Lexmark đã vận hành mạng lưới Internet vạn vật của riêng họ bao gồm 1,2 triệu máy in văn phòng, mỗi máy có hơn 100 cảm biến giám sát mực in và những chi tiết khác ảnh hưởng đến hiệu suất của máy in.

 

 

Điều đáng nói là vào năm 2019, Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã chỉ trích Lục quân và Không quân nước này về việc mua máy in của Lexmark - “một công ty có mối liên hệ với các chương trình quân sự, hạt nhân, và gián điệp mạng của Trung Quốc”. Việc quân đội sử dụng các thiết bị của Lexmark “có thể cho phép những kẻ tấn công từ xa sử dụng máy in Lexmark để thực hiện hoạt động gián điệp mạng”.

 

 

Một nghiên cứu của tiến sĩ Roslyn Layton được cập nhật vào năm 2020 cũng đưa ra cảnh báo tương tự. Nghiên cứu có đoạn: “Phần cứng và phần mềm do [công ty] Trung Quốc chế tạo có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển dữ liệu sang Trung Quốc, nơi mà dữ liệu được xử lý bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc các bên liên quan… Lexmark đã nhiều lần được báo cáo liên quan đến các mối đe dọa an ninh mạng và nguy cơ gián điệp… Các máy in của công ty này được sử dụng như một phương tiện xâm nhập mạng. Máy in, một trong những thiết bị Internet vạn vật kém an toàn nhất, lại là nơi lưu trữ dữ liệu nhạy cảm trên ổ cứng từ các công việc in ấn được thực hiện hàng ngày”.

 

(Theo ntdvn.com)