Nguồn: Katsuji Nakazawa, “How Biden’s farewell jab at Xi over Taiwan traveled across the Pacific,” Nikkei Asia, 30/11/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng (nghiencuuquocte.org)

 

Vài ngày sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung, liên minh đối lập của hòn đảo dân chủ đã sụp đổ.

 

 

 

Hồi đầu tháng Mười một, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tiễn người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình rời khỏi dinh thự Filoli ở California, cả hai nhà lãnh đạo đều mỉm cười. Không hề có dấu hiệu nào cho thấy Biden đã cảnh báo Tập về việc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống ở Đài Loan.

 

“Chiếc xe đẹp đấy,” Biden nói khi nhìn vào bên trong chiếc limousine Hồng Kỳ do Trung Quốc sản xuất của Tập, đồng thời bắt tay Tập để chào tạm biệt.

 

Sau đó, trong một cuộc họp báo, Biden đã tiết lộ cho các phóng viên nội dung cuộc trò chuyện riêng giữa hai người. Khi thảo luận về sự can dự của Trung Quốc vào cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Đài Loan, Biden tuyên bố: “Tôi đã nói rõ. Tôi không mong đợi bất kỳ sự can thiệp nào cả.”

 

Theo một nguồn tin quen thuộc với quan hệ Trung-Mỹ và Trung-Đài, nhận xét của Biden, bao gồm cả cách nó được thận trọng đưa ra, đã nhận được sự quan tâm lớn trong chính giới Đài Loan.

 

Nguồn tin nhận định “Điều đáng ngạc nhiên là cao trào của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung lại liên quan đến chính trị Đài Loan, và cao trào đó không diễn ra trong các cuộc thảo luận chính thức. Nó chỉ là một câu nói vội của Biden ngay trước khi họ chia tay.”

 

 

Tập Cận Bình và Joe Biden tại dinh thự Filoli, Woodside, California, ngày 15/11. Cả hai đều tươi cười trước công chúng. © Reuters

 

 

Thật vậy, nhận xét của Biden có thể là một phần trong vở kịch chính trị quốc tế quy mô lớn, bao trùm Bắc Kinh, Đài Bắc và Bắc California.

 

Chín ngày sau khi Tập và Biden gặp nhau, liên minh giữa hai đảng đối lập chính của Đài Loan – mỗi đảng đều hứa hẹn sẽ củng cố quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc – đã sụp đổ. Hai bên không thể ngừng tranh cãi về việc ai sẽ là ứng viên tổng thống duy nhất của họ.

 

Thỏa thuận liên minh bất ngờ này đã thu hút nhiều sự chú ý khi nó được công bố lần đầu tiên vào ngày 15/11 theo giờ Đài Bắc, chỉ vài giờ trước thượng đỉnh Tập-Biden cùng ngày theo giờ California.

 

Câu chuyện ồn ào xoay quanh liên minh đối lập đã kéo dài hai tuần, bắt đầu kể từ khi một trợ lý thân cận của cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu trở về Đài Bắc sau chuyến đi Bắc Kinh vào đầu tháng 11. Người trợ lý, Tiểu Từ Sâm, hiện đang là giám đốc điều hành của Quỹ Mã Anh Cửu.

 

Mã trở thành tổng thống với tư cách là đảng viên của Quốc Dân Đảng (KMT), vốn thân Trung Quốc. Di sản chính trị lớn nhất của ông là việc hiện thực hóa hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Đài Loan duy nhất cho đến nay, diễn ra vào năm 2015 tại Singapore, nơi Mã đã gặp Tập.

 

Hồi tháng Ba, Mã cũng trở thành cựu tổng thống Đài Loan đầu tiên đến thăm Trung Quốc.

 

 

Báo chí Trung Quốc đưa tin về cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo Đài Loan và Trung Quốc tại Singapore năm 2015.

 

 

Trong 12 ngày ở đại lục, Mã đã đến thăm Nam Kinh, vốn là thủ đô của Trung Quốc khi Quốc Dân Đảng còn nắm quyền vào đầu thế kỷ 20, và Hồ Nam, quê gốc của ông. Ở Hồ Nam, ông đã đến thăm mộ tổ tiên mình.

 

Tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, ông đã gặp Tống Đào, Giám đốc Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc, tạo nên bầu không khí hòa giải giữa Trung Quốc và Đài Loan. Tống hiện là quan chức hàng đầu của Trung Quốc phụ trách chính sách Đài Loan.

 

Tống Đào cũng có mối liên hệ chặt chẽ với tỉnh Phúc Kiến, nằm đối diện Eo biển Đài Loan, đồng thời là trợ lý thân cận của Tập Cận Bình.

 

Trước khi Quốc Dân Đảng và Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP), đảng lớn thứ ba tại hòn đảo, tuyên bố liên minh vào ngày 15/11, cả hai đều đã có ứng viên tổng thống của riêng mình. KMT đã đề cử Hầu Hữu Nghi, 66 tuổi, thị trưởng thành phố Tân Bắc, trong khi TPP ủng hộ Kha Văn Triết, 64 tuổi, chủ tịch đảng.

 

Lại Thanh Đức, 64 tuổi, đương kim phó tổng thống Đài Loan, ứng viên của Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền, hiện là người dẫn đầu.

 

Các cuộc thăm dò dư luận được thực hiện hồi mùa hè cho thấy Kha, người được giới trẻ ưa chuộng, vẫn đang đứng sau Lại, nhưng lại dẫn trước đối thủ Hầu mờ nhạt của Quốc Dân Đảng

 

Kha Văn Triết được đánh giá là “mắt bão” – người mà bước đi tiếp theo của ông sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc của toàn bộ cuộc đua tổng thống.

 

Thế rồi, chỉ vài ngày trước khi các ứng viên có thể bắt đầu đăng ký tranh cử, đã có một thông báo bất ngờ: KMT và TPP đã đồng ý bắt tay nhau.

 

Hai đảng đối lập dự định quyết định ai sẽ trở thành ứng viên tổng thống duy nhất của họ, và ai sẽ là người liên danh tranh cử, dựa trên kết quả của các cuộc thăm dò dư luận được báo cáo ngay trước thời hạn đăng ký, tức ngày 24/11.

 

 

Từ trái sang, các ứng cử viên tổng thống Đài Loan Hầu Hữu Nghi, Lại Thanh Đức, và Kha Văn Triết. Hiện tại, Lại, ứng viên Đảng Dân Tiến, đang dẫn đầu các cuộc thăm dò ý kiến, nhưng Hầu của Quốc Dân Đảng cũng dần giành được chỗ đứng. (Nguồn ảnh của Getty Images và Reuters)

 

 

Hai đảng đối lập đang cố gắng lật ngược tình thế trước Lại Thanh Đức, và tin rằng sau này họ có thể kết hợp những ý tưởng đôi khi đối lập của mình lại với nhau.

 

Thông báo bất ngờ của họ được đưa ra như thể họ muốn nó trùng với thời điểm thượng đỉnh Mỹ-Trung. Thông báo đã được công bố ngay trước khi Tập và Biden gặp nhau vào ngày 16/11 theo giờ Đài Loan.

 

Mã chính là người làm trung gian cho thỏa thuận này và người đại diện của ông là Tiểu Từ Sâm.

 

Biden đã được thông báo ngắn gọn về diễn biến chính trị gây chấn động Đài Loan ngay trước khi ông nói lời chia tay với Tập, khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc mất cảnh giác.

 

Lời cảnh báo của Biden đã chỉ ra sự trái ngược giữa “ngoại giao nụ cười” của nhà lãnh đạo Trung Quốc ở California, bao gồm cả thông điệp của ông gửi tới các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, và những động thái sau hậu trường của Trung Quốc.

 

Trong cuộc họp báo ngay sau cuộc gặp với Tập, Biden đã gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc là “kẻ độc tài.”

 

Nhưng chính lời cảnh báo của Biden dành cho Tập Cận Bình sẽ tiếp tục làm rung chuyển bối cảnh chính trị vốn đã bấp bênh của Đài Loan. Liên minh đối lập sụp đổ chỉ 9 ngày sau thông báo, khi cả Hầu Hữu Nghi và Kha Văn Triết đều đăng ký ứng cử cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới vào ngày 24/11.

 

Rõ ràng, cả hai đều không muốn nhường chỗ cho người còn lại, và nỗ lực hòa giải của Mã Anh Cửu đã không thành công.

 

Một nguồn tin cho biết: “Trước chuyến thăm Mỹ của Tập, Bắc Kinh đã kỳ vọng vào một liên minh có thể làm suy yếu lợi thế của DPP trong cuộc đua tổng thống Đài Loan.”

 

“Đó là sự thật,” nguồn tin, một chuyên gia về chính trường Bắc Kinh và Đài Bắc, nhấn mạnh. Nhưng khi liên minh được kỳ vọng “bất ngờ kết thúc trong thất bại, Bắc Kinh có lẽ đang cảm thấy rất thất vọng.”

 

Tuy nhiên, nguồn tin cũng thắc mắc: liệu các nhà quan sát chính trị Đài Loan có bỏ lỡ một điều quan trọng, rằng thời kỳ hoàng kim của nền kinh tế Trung Quốc – trùng với thời kỳ chính quyền Quốc Dân Đảng của Mã Anh Cửu, từ năm 2008 đến năm 2016 – đã chấm dứt hay không?

 

 

Từ trái sang: Kha Văn Triết, chủ tịch và ứng viên tổng thống của Đảng Nhân dân Đài Loan; Quách Đài Minh (Terry Gou), nhà sáng lập Foxconn, người cuối cùng đã không tranh cử; Mã Anh Cửu, cựu tổng thống Đài Loan; và Hầu Hữu Nghi, ứng viên của Quốc Dân Đảng. © Reuters

 

 

Quả thực, Đài Loan và Trung Quốc đang ngày càng xa cách khi nền kinh tế đại lục phải đối mặt với tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Đài Loan đang trở nên ít phụ thuộc về kinh tế vào đại lục khi ngày càng nhiều doanh nghiệp Đài Loan chuyển cơ sở sản xuất tại Trung Quốc sang các nước khác.

 

Nguồn tin cho biết đang có một khoảng cách ngày càng lớn giữa nền tảng chính trị của Trung Quốc đại lục, do một “kẻ độc tài” kiểm soát, như lời Biden, và Đài Loan, nơi dân chủ đang bám rễ sâu.

 

Do đó, quan hệ Trung-Đài đã thay đổi về mặt cấu trúc sau 11 năm kể từ khi Tập Cận Bình trở thành nhân vật số 1 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, di chuyển theo hướng khác với những gì Bắc Kinh mong muốn.

 

Ngay cả khi Hầu Hữu Nghi hay Kha Văn Triết giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, thì người dân hòn đảo này sẽ không thể ngay lập tức có thiện cảm với chính quyền Tập Cận Bình, xét đến tình hình dư luận hiện tại ở Đài Loan.

 

Về hậu quả đối với Bắc Kinh, nếu DPP, vốn xa lánh Trung Quốc, vẫn nắm quyền trong nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp sau khi Lại Thanh Đức đắc cử, thì Tập có lẽ không thể tập trung vào việc hồi sinh nền kinh tế ốm yếu của đất nước mình. Thay vào đó, ông sẽ ngày càng bận tâm đến việc gây áp lực lên Đài Loan.

 

Vì vậy, Trung Quốc sẽ bỏ mặc lời cảnh báo của Biden và sẽ tiếp tục tung ra các chương trình tuyên truyền, sử dụng chiến tranh thông tin để tác động đến cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan. Cử tri của hòn đảo sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 13/01.

 

Kể từ khi liên minh đối lập sụp đổ, người phát ngôn của cơ quan phụ trách vấn đề Đài Loan của Trung Quốc đã tăng cường áp lực lên hòn đảo tự trị, nhằm ngăn cản hòn đảo này tiến tới độc lập.

 

 

Ứng viên tổng thống của KMT Hầu Hữu Nghi và người đồng tranh cử Triệu Thiếu Khang chụp ảnh tại Ủy ban Bầu cử Trung ương ở Đài Bắc vào ngày 24/11. © Reuters

 

 

Những lời mà Biden nói với Tập tại Filoli có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo rằng cuộc bầu cử tổng thống ba bên ở Đài Loan sẽ diễn ra một cách công bằng, dựa trên các nguyên tắc dân chủ mà hòn đảo này vẫn gìn giữ.

 

Trong khi đó, sự sụp đổ của liên minh đối lập đã làm nảy sinh một hiện tượng kỳ lạ. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy sự ủng hộ dành cho Hầu Hữu Nghi đang tăng lên so với Lại Thanh Đức, trong khi Kha Văn Triết đang tụt lại phía sau cả hai người này.

 

Hầu, người từng chỉ được ủng hộ một cách khiêm tốn, đang nhận được sự chú ý ngày càng tăng của giới truyền thông, và nhiều cử tri ủng hộ Quốc Dân Đảng đã quyết định quay trở lại phòng phiếu.

 

Hầu cũng giành được lợi thế khi một ứng viên bất ngờ rút khỏi cuộc đua. Trước đó, Quách Đài Minh (Terry Gou), nhà sáng lập Công ty Công nghiệp Chính xác Hồng Hải của Đài Loan, hay còn gọi là Foxconn, đã lên kế hoạch tranh cử tổng thống.

 

Quách đến từ một nhánh nhỏ trong Quốc Dân Đảng, và một số nhà quan sát nói rằng những người ủng hộ Quách hiện đã quay sang ủng hộ Hầu.

 

Về phần Kha, sự thiếu nhất quán trong chiến dịch tranh cử, và ấn tượng rằng ông là người đã xé bỏ thỏa thuận liên minh đang khiến ông bị xuống hạng trong các cuộc thăm dò.

 

Cuộc đua vẫn chưa đi đến chặng cuối, nhưng đó sẽ là chặng quyết định. Một sự kiện bất ngờ, diễn ra sát ngày bầu cử, cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.

 

Hãy xem hội nghị thượng đỉnh Tập-Biden như phát súng mở màn cho vở kịch chính trị này.

 

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.