Từ trái sang phải : Lãnh đạo Cơ quan Tình báo Liên bang Đức (BND) Bruno Kahl, bộ trưởng Nội Vụ Đức Nancy Faeser, bộ trưởng Quốc Phòng Đức Boris Pistorius và bộ trưởng Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức Svenja Schulze trước cuộc họp nội các về an ninh tại phủ thủ tướng ở Berlin, Đức, ngày 18/10/2023. AFP - JOHN MACDOUGALL

 

 

Cơ quan tình báo Đức, Bundesnachrichtendienst (BND), hôm 14/10/2024 báo động về nguy cơ ngày càng gia tăng tại Âu châu nói chung và Đức nói riêng, do sự gia tăng các hành vi gián điệp và các vụ phá hoại của Nga. Theo cơ quan này, đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO có thể xảy ra ngay từ năm 2030.

 

Trong phiên điều trần công khai tại Hạ Viện, lãnh đạo cơ quan tình báo Đức BND, Bruno Kahl, nhận định : « Về nhân lực và vật chất, các lực lượng vũ trang Nga có thể sẽ tiến hành một cuộc tấn công chống lại NATO vào cuối thập niên này », tức là ngay từ năm 2030. Theo ông, « một cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Liên Minh Bắc Đại Tây Dương trở thành một sự lựa chọn của nước Nga » và Matxcơva đang chuẩn bị gia tăng hơn nữa các hoạt động hỗn hợp và bí mật.

 

Giám đốc cơ quan tình báo Đức cũng nhận định, với những hành vi can dự đến « mức chưa từng có », điện Kremlin muốn « thử nghiệm mọi lằn ranh đỏ của phương Tây ».

 

Cả 3 cơ quan tình báo và phản gián Đức (Tình báo BND, phản gián BfV và phản gián quân sự MAD), khi điều trần trước Hạ Viện, đều cảnh báo về mối nguy hiểm ngày càng gia tăng, mà theo họ là được thể hiện qua những hoạt động của các cơ quan tình báo Nga tại Đức. Chủ tịch cơ quan MAD Martina Rosenberg, nói đến « sự gia tăng đáng kể các hành vi gián điệp và phá hoại » nhắm vào quân đội Đức.

 

Tương tự, theo AFP, lãnh đạo cơ quan phản gián Đức (BfV), Thomas Haldenwang, khẳng định : « Hoạt động gián điệp và phá hoại của Nga đang gia tăng ở Đức, cả về số lượng và mức độ ». Ông Haldenwang cảnh báo mối đe dọa từ Nga đã di chuyển « từ đông sang tây », từ một cơn bão nhỏ trở thành một cơn bão tố rất mạnh, ngụ ý nói các hành động của Nga ở vùng Baltic và Ba Lan « tàn bạo hơn rất nhiều » so với hiện tại ở Đức.

 

Cũng vào ngày 14/10, chính phủ Đức công bố các biện pháp nhằm củng cố, tăng cường kiểm soát an ninh, đặc biệt là trên mạng xã hội, trước nguy cơ gián điệp trong các bộ và nguy cơ phá hoại nhắm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng gia tăng.

 

(Theo RFI Việt ngữ)