(Từ trái sang phải) Chủ tịch Hội đồng Âu Châu, Charles Michel, Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, Thủ tướng Canada, Justin Trudeau, Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, Thủ tướng Ý, Giorgia Meloni, Tổng thống Mỹ, Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida, Thủ tướng Anh, Rishi Sunak, và, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, Ursula von der Leyen, chụp ảnh trong buổi lễ chào mừng vào ngày đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần thứ 50 tại Borgo Egnazia vào ngày 13 tháng Sáu năm 2024 ở Fasano, Ý. (Ảnh: Antonio Masiello/Getty Images)

 

 

 

QUỐC TẾ - Các nhà lãnh đạo Nhóm Bảy nước Công nghiệp Phát triển (G7) ngày 14/6 đã cam kết sẽ giải quyết các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc và sự hỗ trợ của nước này đối với các nỗ lực quân sự của Nga. Tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh đánh dấu một bước chuyển đáng kể so với những tuyên bố trước đó, phản ánh một lập trường quyết đoán hơn đối với Trung Quốc.

 

Các nhà lãnh đạo G7 bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” trước việc Bắc Kinh hỗ trợ căn cứ phòng thủ công nghiệp của Nga, tuyên bố rằng điều đó tạo điều kiện cho cuộc chiến tranh bất hợp pháp của Nga ở Ukraine.

 

 

Thông cáo của hội nghị thượng đỉnh có đoạn: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc ngừng chuyển giao các vật liệu có công dụng kép, bao gồm các bộ phận và thiết bị vũ khí, vốn là đầu vào cho ngành quốc phòng của Nga”.

 

Các nhà lãnh đạo G7 cũng cam kết tiếp tục “thực hiện các biện pháp chống lại các tác nhân ở Trung Quốc” đang giúp đỡ đáng kể cho cỗ máy chiến tranh của Nga, bao gồm các ngân hàng và các thực thể khác ở Trung Quốc đang “tạo điều kiện cho Nga mua các thiết bị cho cơ sở công nghiệp quốc phòng của nước này”.

 

Một vấn đề lớn khác được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh là vấn đề dư thừa công suất của Trung Quốc. Trong thông cáo, các nhà lãnh đạo nói “các chính sách và thực tiễn phi thị trường” của Trung Quốc làm tổn hại đến “những người lao động, các ngành công nghiệp và khả năng phục hồi và an ninh kinh tế” ở các nước G7.

 

Bản dự thảo thông cáo nói: “Chúng tôi sẽ tăng cường các nỗ lực ngoại giao và hợp tác quốc tế, bao gồm cả trong WTO, để khuyến khích các hoạt động công bằng và xây dựng khả năng chống lại sự ép buộc kinh tế”.

 

“Chúng tôi sẽ tiếp tục có những hành động, như cần thiết và thích hợp, để bảo vệ những người lao động và các doanh nghiệp của chúng tôi khỏi những hành vi không công bằng, nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng và khắc phục những tổn hại đang diễn ra”.

 

Những chiến thuật có hại của Trung Quốc đang làm tổn hại đến các quy tắc và thông lệ quốc tế, đặc biệt là vấn đề dư thừa công suất công nghiệp gần đây, là một trọng tâm chính tại hội nghị thượng đỉnh năm nay.

 

Các công ty Trung Quốc đang nhanh chóng chiếm lấy thị phần trong các ngành công nghiệp chiến lược như tấm pin mặt trời, tua-bin gió, thép và xe điện. Gần đây, các chính phủ Mỹ và Âu Châu đã bày tỏ cảnh báo về tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc, phần lớn được thúc đẩy bởi các khoản trợ cấp khổng lồ của chính phủ. Họ lo ngại về vấn đề dư thừa công suất ảnh hưởng đến sự phát triển và đổi mới của các ngành công nghiệp ở những nước khác.

 

Bản dự thảo thông cáo nói: “Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Trung Quốc dừng áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, đặc biệt là đối với các khoáng sản quan trọng, mà có thể dẫn đến những tổn hại đáng kể cho chuỗi cung ứng toàn cầu”.

 

Các nhà lãnh đạo cũng nêu lên những lo ngại về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc, đặc biệt là các hoạt động cưỡng bức lao động ở Tây Tạng (Tibet) và Tân Cương (Xinjiang), cũng như việc Bắc Kinh đàn áp sự tự trị ở Hong Kong.

 

“Sự mở rộng kho vũ khí nguyên tử ngày càng nhanh và không rõ ràng của Trung Quốc” là một nguồn gây lo ngại nữa được nêu trong bản dự thảo thông cáo.

 

 

Giống như thông cáo chung năm ngoái, các nhà lãnh đạo G7 đã nhắc lại tầm quan trọng của “hòa bình và sự ổn định trên eo biển Đài Loan” và kêu gọi một giải pháp hòa bình cho các vấn đề xuyên eo biển. Họ cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông và nhấn mạnh sự phản đối mạnh mẽ của mình đối với “bất cứ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc”.

 

“Rõ ràng hơn là tham vọng của Chủ tịch Tập nhằm khôi phục sự thống trị của Trung Quốc ít nhất là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và có thể xa hơn nữa”, một quan chức cao cấp của chính quyền nói với các phóng viên trong cuộc gọi vào ngày 14 tháng Sáu. “Và nỗ lực đó chủ yếu đang diễn ra thông qua một nỗ lực nhằm thiết lập sự thống lĩnh về kinh tế và công nghệ”.

 

“Các hành động của Trung Quốc nhằm hỗ trợ cỗ máy chiến tranh của Nga hiện đang không chỉ đe dọa sự tồn tại của Ukraine mà còn đe dọa cả an ninh của Âu Châu và an ninh xuyên Đại Tây Dương”.

 

 

(Theo The Epoch Times tiếng Anh)

(ntdvn.net; Đức Huệ biên dịch)