WHO kêu gọi Trung Quốc chia sẻ mọi thông tin về nguồn gốc của COVID-19. Nguồn: AP / Mark Schiefelbein

 

 

 

THẾ GIỚI - Vào tháng Mười hai năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã nhận được một tuyên bố trên phương tiện truyền thông từ chính quyền Vũ Hán về các trường hợp "viêm phổi do virus". Đến nay đã tròn 5 năm, WHO vẫn đang kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu về cách COVID-19 bắt đầu. Hiện các quốc gia thành viên của WHO vẫn còn bế tắc trong việc đàm phán một hiệp ước về đại dịch.

 

5 năm sau khi đại dịch làm đảo lộn thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn đang kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu và quyền truy cập để giúp hiểu cách COVID-19 bắt đầu.

 

COVID-19 đã giết chết hàng triệu người, tàn phá nền kinh tế và làm tê liệt các hệ thống y tế trên toàn cầu.

 

WHO cho biết trong một tuyên bố, "Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu và quyền truy cập để chúng tôi có thể hiểu được nguồn gốc của COVID-19. Đây là một mệnh lệnh về mặt đạo đức và khoa học".

"Nếu không có sự minh bạch, chia sẻ và hợp tác giữa các quốc gia, thế giới không thể ngăn ngừa và chuẩn bị đầy đủ cho các dịch bệnh và đại dịch trong tương lai".

 

WHO kể lại rằng vào ngày 31 tháng 12 năm 2019, văn phòng của tổ chức này tại Trung Quốc đã nhận được một tuyên bố trên phương tiện truyền thông từ các cơ quan y tế tại Vũ Hán liên quan đến các trường hợp "viêm phổi do virus" trong thành phố.

 

Cơ quan y tế của Liên hợp quốc cho biết, "Trong những tuần, tháng và năm diễn ra sau đó, COVID-19 đã định hình cuộc sống và thế giới của chúng ta",

"Khi chúng ta kỷ niệm cột mốc này, hãy dành một chút thời gian để tôn vinh những cuộc sống đã thay đổi và mất mát, ghi nhận những người đang phải chịu đựng COVID-19 và COVID kéo dài, bày tỏ lòng biết ơn đối với những nhân viên y tế đã hy sinh rất nhiều để chăm sóc chúng ta và cam kết học hỏi từ COVID-19 để xây dựng một tương lai khỏe mạnh hơn".

 

 

Thế giới đã chuẩn bị gì để phòng ngừa đại dịch tiếp theo?

 

Ngài Patrick Vallance, từng là trưởng cố vấn khoa học của Anh Quốc, tuyên bố vào tháng 5 rằng nguy cơ của một đại dịch khác là ‘hoàn toàn không thể tránh khỏi’ và thế giới ‘chưa sẵn sàng’ cho những gì sắp xảy ra.

 

Tiến sĩ Sanjaya Sanayake, Phó giáo sư Y khoa của Đại học Quốc gia Úc, đồng ý với điều đó.

 

"Một trận đại dịch khác có thể sắp xảy ra. Điều thực sự quan trọng là phải nhận ra rằng, hai đại dịch gần đây nhất chỉ cách nhau một thế kỷ, dịch cúm trong năm 1889 đến 1890 rồi gần đây là COVID, điều đó không có nghĩa là sẽ không có sẽ là một đại dịch nào khác, vào tháng tới, tuần tới hoặc năm tới".

"Và điều này có thể xảy ra, bởi vì hầu hết các đại dịch này sẽ phát sinh từ bệnh lây truyền từ động vật sang người, nơi các bệnh lây nhiễm từ động vật sang người".

 

Đầu tháng 12/2024, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nêu vấn đề liệu thế giới có chuẩn bị tốt hơn cho đại dịch tiếp theo hay không so với COVID-19.

Ông phát biểu tại một cuộc họp báo, "Câu trả lời là có và không",

"Nếu đại dịch tiếp theo xảy ra ngày hôm nay, thế giới vẫn sẽ phải đối mặt với một số điểm yếu và lỗ hổng tương tự đã khiến COVID-19 có chỗ đứng cách đây năm năm.”

"Nhưng thế giới cũng đã học được nhiều bài học đau đớn mà đại dịch đã dạy cho chúng ta và đã thực hiện các bước quan trọng để tăng cường khả năng phòng thủ trước các dịch bệnh và đại dịch trong tương lai."

 

Vào tháng 12 năm 2021, lo ngại trước sự tàn phá do COVID-19 gây ra, các quốc gia đã quyết định bắt đầu soạn thảo một thỏa thuận về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.

 

194 quốc gia thành viên của WHO đang đàm phán hiệp ước đã nhất trí về hầu hết những gì cần đưa vào, nhưng vẫn còn bế tắc về tính thực tế.

 

Bà Eloise Todd, giám đốc điều hành của Mạng lưới Hành động Đại dịch, nói rằng sự công bằng và khả năng tiếp cận là một vấn đề lớn trong các cuộc thảo luận.

"Đây là một trong những vấn đề gai góc nhất và một trong những khía cạnh đáng thất vọng nhất, của các cuộc đàm phán là sự chia rẽ Bắc-Nam, hay sự chia rẽ giữa các quốc gia giàu có và các nước đang phát triển".

 

Có một ranh giới rõ ràng giữa các quốc gia phương Tây có ngành công nghiệp dược phẩm lớn và các quốc gia nghèo hơn, những quốc gia cảnh giác với nguy cơ bị gạt ra ngoài lề khi đại dịch tiếp theo xảy ra.

 

Mặc dù các vấn đề nổi cộm không nhiều, nhưng bao gồm cốt lõi của thỏa thuận: nghĩa vụ phải nhanh chóng chia sẻ các tác nhân gây bệnh mới nổi và sau đó là các lợi ích chống lại đại dịch, chẳng hạn như vắc-xin.

 

Bà Eloise Todd nói rằng điều đó cần phải thực sự được xem xét cẩn thận.

"Đã đến lúc các quốc gia có phương tiện sản xuất và nguồn tài chính dồi dào, thực sự xem xét cách chúng ta có thể có được những giải pháp công bằng hơn. Ngược lại nếu các nước giàu không được tiếp cận với những loại vắc xin đó, thì mọi chuyện sẽ rất khác".

"Vì vậy, chúng ta phải thực sự xem xét điều đó một cách cẩn thận và hiểu rằng, nó vẫn nằm trong lợi ích cá nhân của mọi người. Thế giới càng được tiếp cận nhanh hơn với các xét nghiệm, phương pháp điều trị, vắc xin và trang bị bảo hộ cá nhân PPE, mọi người có thể thoát khỏi đại dịch càng nhanh càng tốt”.

 

Hạn chót để đàm phán một hiệp ước về đại dịch là tháng Năm năm 2025.