Hình ảnh một mỏ khai thác đất hiếm Mountain Pass, tiểu bang California. AP
Từ ngày 04/04/2025, 16 tập đoàn Mỹ trong các lĩnh vực quốc phòng, các hãng sản xuất máy bay tự hỏi liệu sẽ cầm cự được bao lâu trước khi chuỗi sản xuất bị gián đoạn vì thiếu kim loại hiếm nhập cảng từ Trung Quốc? Bắc Kinh không chỉ nhắm tới Washington mà còn cảnh cáo luôn cả Liên Hiệp Âu Châu.
Trong trận thương chiến Mỹ -Trung, Washington chỉ tập trung khai thác đòn thuế quan. Bắc Kinh có nhiều lá chủ bài trong tay, trong đó có « đất hiếm », bởi Trung Quốc sản xuất hơn 60 % nguyên liệu này và tinh lọc 90 % kim loại hiếm cho toàn cầu.
Chiến thuật con trăn: từ từ siết chặt vòng vây
Từ cuối 2024, Trung Quốc đã cấm bán sang Mỹ 2 trong số 17 loại đất hiếm là gallium và germanium, dùng để sản xuất chíp điện tư, hệ thống radar và vệ tinh. Hôm 04/04/2025 Bắc Kinh hạn chế cấp giấy phép cho các nhà xuất cảng Trung Quốc cung cấp 7 mặt hàng trong đó có những chất như samarium, gadolinium, terbium hay yttrium… thuộc dòng « kim loại nặng ». Washington khó tìm nguồn thay thế.
Tình huống khó khăn ở đây đối với Hoa Kỳ là để chế tạo một chiến đấu cơ F-35, tập đoàn Lockheed Martin cần 408 kg đất hiếm, và sẽ phải huy động đến gần 4.200 kg đất hiếm để có được một chiếc tàu ngầm lớp Virginia chạy bằng năng lượng nguyên tử.
Benjamin Louvet, quản lý quỹ đầu tư chuyên về khoáng sản, OFI Asset Management, tại Paris trước hết ghi chú: 17 loại đất hiếm, trong đó 15 chất thuộc dòng kim loại, tuy là một thị trường rất nhỏ nhưng lại là chìa khóa công nghiệp và công nghệ của thế giới
« Đây là một thị trường rất nhỏ, chưa đến 4 tỷ đô-la mỗi năm trên toàn cầu. Tuy chỉ thu hẹp trong 4 tỷ đô-la, nhưng đất hiếm lại có những tác động vô cùng lớn: Không thể thiếu để sản các bộ vi xử lý microprocessor, để chế tạo hỏa tiễn, radar tia hồng ngoại để nhìn thấy trong đêm mà quân đội sử dụng … »
Trung Quốc giữ thế độc quyền nhờ Tây phương
Vấn đề đặt ra là một lĩnh vực « chiến lược như vậy » đối với toàn thế giới lại được đặt tất cả ở Trung Quốc. Benjamin Louvet giải thích :
« Trong một thời gian dài và cho đến những năm 90 Mỹ chiếm ưu thế trên thị trường này. Trong lúc Pháp đứng đầu ở khâu tinh chế. 50 % đất hiếm trên thế giới được chắt lọc từ nhà máy của Rhône Poulenc gần thành phố La Rochelle. Thế nhưng rồi mảng công nghiệp này bị lãng quên vì là nguồn gây ô nhiễm. Trung Quốc đã thay thế, lấp vào chỗ trống, và thành công nhờ có giá thành rẻ hơn. Hệ quả là ngày nay, về đất hiếm -nhất là kim loại nặng, Trung Quốc hoàn toàn thống lĩnh thị trường toàn cầu : tinh chế hơn 90 % tổng lượng đất hiếm để cung cấp cho toàn cầu (…) »
Bắc Kinh đã biến đất hiếm thành một công cụ « quân sự »
Chuyên gia Vincent Donnen đồng sáng lập viên một cơ quan tư vấn trong lĩnh vực đất hiếm tại Genève - Thụy Sĩ được nhật báo Le Temps (15/04/205) trích dẫn, thì Bắc Kinh « muốn giữ lại những kim loại nặng, vừa hiếm lại vừa mang tính chiến lược … để đáp ứng nhu cầu của nền công nghiệp quốc phòng » Trung Quốc. Vẫn theo chuyên gia này, hạn chế xuất cảng đất hiếm cho Hoa Kỳ vừa là nhằm trả đũa và răn đe Washington về chính sách bảo hộ « cuồng loạn » của tổng thống Trump và các cộng sự, vừa là một thủ đoạn về địa chính trị Bắc Kinh không chỉ nhắm tới Hoa Kỳ mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới- đứng đầu là Âu châu.
Theo Vincent Donnen, Trung Quốc cần xuất cảng vào lúc mà thị trường Mỹ đang từng bước đóng cửa với hàng Made in China, Bắc Kinh đã chuyển hướng nhắm tới thị trường Liên Hiệp Âu Châu. Coi đây là điểm tiêu thụ chính để nuôi dưỡng cỗ máy sản xuất và tăng trưởng cho Trung Quốc. Nếu Bruxelles cũng gây khó khăn cho hàng của Trung Quốc thì coi chừng cũng sẽ mất các nguồn cung ứng về kim loại hiếm. Có nghĩa là chiến lược « tự chủ » về công nghệ quốc phòng, về năng lượng nguyên tử của Liên Âu cũng sẽ bị đe dọa.
Điều đáng ngại ở đây là quan sát từ Genève, Vincent Donnen tuyệt nhiên không thấy Bruxelles tích trữ hay tăng kho dự trữ chiến lược về đất hiếm để đề phòng mất nguồn cung ứng từ Trung Quốc.
Âu-Mỹ cũng rất lơ là với khâu tái chế biến đất hiếm do công việc này quá tốn kém mà « không bõ công ». Thí dụ như một màn ảnh phẳng 1 mét vuông chỉ chứa 0,7 g indium. Cho dù indium « đắt hơn vàng », nhưng với số lượng màn ảnh phẳng mà người dân Pháp thải ra hàng năm, có nhặt nhạnh lại thì cũng chỉ thu về được một khối lượng indium chỉ khoảng 30.000 euro/một năm. Đó là số tiền quá ít ỏi để Pháp đầu tư vào nhân sự và mở nhà máy tái chế các màn ảnh phẳng.
« Tiên trách kỷ, hậu trách nhân »
Nhà báo Guillaume Pitron, tác giả cuốn « Chiến tranh Kim loại hiếm, Mặt trái của Tiến trình Chuyển đổi Năng lượng và Kỹ thuật số » vừa được tái xuất bản và cập nhật,lưu ý : tổng thống Hoa Kỳ « có công đưa vấn đề đất hiếm, kim loại hiếm trở lại trung tâm bàn cờ địa chính trị khi đòi kiểm soát đất hiếm » của Ukraine, chiếm đoạt Greenland, hòn đảo hiện thuộc về Đan Mạch.
Cũng chính cuộc chiến thương mại mà Nhà Trắng khơi mào nên toàn thế giới bắt đầu chú ý đến « hồ sơ đất hiếm ».
Năm 2019 trả lời RFI tiếng Việt Guillaume Pitron, từng nhận định: phong tỏa đất hiếm, tức là biến cuộc chiến thương mại thành chiến tranh công nghệ với Hoa Kỳ. Đó là lằn rănh đỏ Bắc Kinh sẽ không dám vượt qua. Tình hình đã thực sự thay đổi từ đó đến nay. Dám dùng đòn hiểm này để đương đầu với Mỹ, vì Trung Quốc đã có cả một sự chuẩn bị dài hơi từ thập niên 1980:
« Từ thập niên 1980, Trung Quốc đã hiểu rằng khoáng sản là vàng, hay đúng hơn là dầu hỏa của thế kỷ 21. Năm 1992, Đặng Tiểu Bình đã đến thăm một mỏ đất hiếm ở khu tự trị Nội Mông, miền bắc Trung Quốc và ông đã tuyên bố đại để là "Trung Đông có dầu mỏ, Trung Quốc có đất hiếm." Từ thời điểm đó, người ta đã hiểu rằng đây là vấn đề địa chính trị.
Bắc Kinh đã nhanh chóng nhận ra rằng những kim loại này chính là vàng đen mới và cực kỳ thiết yếu cho các công nghệ tương lai. Trái lại, Tây phương ngủ quên, và họ an tâm với mô hình toàn cầu hóa (…) »
Mọi người yên tâm mua đất hiếm của Trung Quốc với giá chỉ bằng một nửa. Bằng lòng vì Trung Quốc chấp nhận hy sinh môi trường và trả lương thấp cho nhân công để cung cấp kim loại hiếm cho Tây phương hưởng lợi. Âu-Mỹ cũng không sợ bị bắt chẹt vì tin rằng đã có Tổ Chức Thương Mại Thế Giới bảo đảm nguyên liệu thô được vận chuyển một cách linh hoạt, không lo bị tắc nghẽn. Nhưng từ 2010 khi Bắc Kinh bắt đầu dùng đất hiểm như một công cụ nhắm vào Mỹ và Nhật Bản thì công luận quốc tế mới bắt đầu thức tỉnh (…) Chính sách của Donald Trump ‘America First’ đương nhiên không thể chấp nhận để phải phụ thuộc vào khoáng sản của Trung Quốc ».
Ảo vọng hòa bình nhờ khoáng sản Ukraine
Chính vì ý thức được sai lầm để lãng phí 40 năm và bị Trung Quốc qua mặt, nên Hoa Kỳ nói riêng, Tây phương nói chung hối hả đầu tư và nhìn về phía Ukraine với những nguồn khoáng sản dồi dào. Trên nguyên tắc trong tuần 21-27/04, Washington và Kiev tiếp tục đàm phán và hy vọng chóng đạt được « một thỏa thuận về khoáng sản ». Đến nay tổng thống Donald Trump vẫn đòi Ukraine trả 500 tỷ đô-la bằng kim loại hiếm để « bù lại » khoản viện trợ quân sự mà Washington đã chu cấp cho Kiev từ 2022.
Theo quan điểm của nhà báo chuyên về hồ sơ đất hiếm, Guillaume Pitron, khoáng sản có thể là một chìa hóa dẫn tới hòa bình cho Ukraine khi có sự can thiệp của Hoa Kỳ, cho dù đó là một tính toán dài hơi:
« Thực ra, chúng ta cần quay lại những điều cơ bản về khai thác khoáng và địa chất. Trước tiên, cần phải tiến hành các công trình khảo sát và thăm dò. Phải cập nhật các bản đồ khoáng sản – mà ở Ukraine, dữ liệu về khoáng sản chưa được cập nhật đầy đủ. Vậy nên, bước đầu là phải thẩm định xem lãnh thổ này có chứa những loại khoáng sản nào và chúng nằm ở đâu để có thể khai thác.
Sau đó, từ thời điểm phát hiện một mỏ cho đến khi bắt đầu khởi động nhát cuốc đầu tiên để khai thác, Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước chừng, trung bình, phải mất 16 năm rưỡi. Cũng có thể là giai đoạn này được xúc tiến nhanh hơn, nhưng về cơ bản, phải tính đến mốc khoảng năm 2041 trở đi mới có thể nói đến chuyện khai thác khoáng sản của Ukraine, mà đặc biệt là những mỏ lithium, đất hiếm mà người Mỹ quan tâm ».
Guillaume Pitron cho rằng nếu có sự tham gia của các nhà đầu tư Mỹ vì lợi ích kinh tế thì Ukraine đương nhiên được hưởng hòa bình trong từ 30 đến 40 năm. Bởi vì « người Mỹ sẽ không đầu tư hàng tỷ đô-la cho một khoảng thời gian dài như vậy mà không được bảo đảm là họ sẽ thu lại được cả vốn lẫn lời. Các hãng Mỹ cũng không thể có lãi nếu chiến tranh lại xảy ra ở Ukraine ». Theo quan điểm của nhà báo người Pháp này, « khai thác khoáng sản sẽ đem lại ổn định về địa chính trị và hòa bình » cho Ukraine.
(Theo RFI)