Ảnh minh họa: Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov trong một phiên họp tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 27/09/2024. AP - Yuki Iwamura

 

 

ÂU CHÂU - Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov hôm nay, 05/12/2024, có mặt tại đảo Malta, miền nam Âu châu, để dự hội nghị của Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu châu (OSCE). Đây là lần đầu tiên lãnh đạo ngoại giao Nga tới một quốc gia thuộc Liên Hiệp Âu Châu kể từ khi nỗ ra cuộc chiến tranh xâm lăng Ukraine tháng 2/2022. Hội nghị OSCE trở thành nơi đối đầu trực tiếp giữa Nga với Ukraine và các đồng minh.

 

Theo phát ngôn viên của chính phủ Malta, ngoại trưởng Nga bị Liên Âu « phong tỏa tài sản », nhưng không bị cấm đến Liên Âu. Theo chính phủ Malta, việc mời ngoại trưởng Nga cho phép « duy trì một số kênh đối thoại ». Trước đó, Ba Lan, quốc gia chủ nhà hội nghị OSCE hồi năm 2022, đã từ chối cho phép ông Lavrov tham dự.

 

Tại một cuộc họp của OSCE hôm nay, lãnh đạo ngoại giao Ukraine, Andriï Sybiga, đã gọi đồng nhiệm Nga là « tội phạm chiến tranh ». Ngoại trưởng Ukraine nhấn mạnh : « Ukraine tiếp tục chiến đấu để bảo vệ quyền được tồn tại. Kẻ tội phạm chiến tranh có mặt tại hội nghị cần hiểu rằng : Ukraine sẽ giành được quyền này, và công lý sẽ chiến thắng ». Cũng tại Malta, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cáo buộc ngoại trưởng Nga đã tung ra « một trận sóng thần tin giả », và lên án Moscow « leo thang chiến tranh » tại Ukraine.

 

Về phần mình, ngoại trưởng Nga cáo buộc chính quyền Mỹ nỗ lực « gây bất ổn tại lục địa Á – Âu », « mở rộng NATO sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, với việc liên tục tiến hành tập trận ». Trước đó, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Nga thông báo ông Lavrov sẽ sử dụng diễn dàn này để báo động về cuộc « khủng hoảng định chế » của Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu châu.

 

Theo AFP, kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, OSCE đã bị tê liệt do Nga liên tục phủ quyết các quyết định quan trọng, cần đến sự đồng thuận của tất cả các thành viên. Kể từ tháng 9/2024, chức vụ tổng thư ký và ba vị trí cao cấp khác bị bỏ trống do bất đồng về nhân sự kế nhiệm. Nga đã ngăn cản Estonia đảm nhiệm chức vụ chủ tịch luân phiên của OSCE trong năm 2024.

 

OSCE, thành lập năm 1975, có mục tiêu « giảm căng thẳng giữa hai khối Đông và Tây » trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Tổ chức này hiện có 57 quốc gia thành viên.

 

 

(Theo RFI Việt ngữ)