Thống đốc New York Andrew Cuomo ngày 14-4 tuyên bố New York đã bước qua thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch và bắt đầu tính tới việc nới lỏng từ từ các biện pháp giãn cách xã hội để mở cửa lại nền kinh tế.

 

* Bản tin cập nhật lúc 8h57 ngày 14-4

Trung Quốc cấp phép thử nghiệm giai đoạn đầu trên người bệnh cho 2 loại vaccine chống coronavirus  (SARS-CoV-2), theo Tân Hoa Xã ngày 14-4. Hai loại vaccine này là sản phẩm do hãng dược Sinovac Biotech tại Bắc Kinh và Viện Sinh Phẩm Vũ Hán cùng phát triển. 

 

Hồi tháng 3, Trung Quốc đã bật đèn xanh cho một thử nghiệm lâm sàng khác đối với loại vaccine SARS-CoV-2 đến từ Học viện Khoa học Quân Y Trung Quốc và hãng dược CanSino Bio. 

 

Trước đó không lâu, hãng thuốc Moderna của Mỹ đã tuyên bố bắt đầu thử nghiệm trên người loại vaccine phát triển cùng Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ.

 

Số ca tử vong tại Mỹ giảm 24 giờ qua 

Thống kê của Đại học John Hopkins (Mỹ) cho thấy tính tới 20h30 ngày 13-4 (giờ Mỹ), tức 0h30 rạng sáng 14-4 giờ Việt Nam, Mỹ ghi nhận thêm 1,509 ca tử vong, giảm nhẹ so với con số 1,514 của ngày trước đó. Tổng số người chết vì COVID-19 của Mỹ hiện đã ở con số 23,529, cao nhất thế giới. 

 

New York vẫn là vùng dịch lớn nhất của Mỹ cả về số người chết và số ca nhiễm, với hơn 195,000 ca nhiễm, trong đó có 10,000 người chết. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ hiện tại là 586,941 người, trong đó có 36,948 đã được chữa khỏi, theo trang worldometers.info.

 

Tính đến 7h sáng 14-4, toàn cầu ghi nhận hơn 1,9 triệu ca nhiễm, hơn 119,000 ca tử vong và 443,000 ca hồi phục, theo cập nhật của trang worldometers.

 

Số ca nhiễm mới ở Trung Quốc giảm 

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 14-4 thông báo ghi nhận 89 ca nhiễm mới ở nước này trong ngày 13-4, giảm nhẹ so với 108 ca của ngày trước đó, và không có ca tử vong nào. Trong số các ca nhiễm mới, có 86 ca là người trở về từ nước ngoài, 3 ca lây nhiễm trong nước. 

 

 Chính quyền Trung Quốc đang bắt đầu siết chặt biên giới với Nga, sau khi phát hiện hàng chục ca nhiễm mới tại tỉnh Hắc Long Giang giáp biên giới Nga. Trước đó Bắc Kinh chủ yếu tập trung vào các cảng hàng không nhằm khống chế và ngăn chặn đợt bùng phát dịch thứ hai ở nước này.

 

 

New York bước qua thời kỳ đen tối

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 13-4 (giờ Mỹ), Thống đốc New York Andrew Cuomo khẳng định "điều tồi tệ nhất đã qua" khi biểu đồ số ca nhập viện mới đã lên tới đỉnh điểm và bắt đầu đi ngang trong lúc số ca tử vong mới tiếp tục giảm.

 

Theo ông Cuomo, chỉ có 671 người New York chết vì COVID-19 trong ngày 12-4, giảm 87 người so với ngày trước đó và là mức thấp nhất kể từ ngày 5-4. "Điều tồi tệ nhất đã qua nếu chúng ta tiếp tục khôn ngoan tiến về phía trước", thống đốc New York cảnh báo hậu quả của việc chủ quan dù tình hình đã được cải thiện.

 

Theo Hãng tin Reuters, trong ngày 13-4 đã có tổng cộng 9 bang ở bờ đông và bờ tây nước Mỹ công khai ý định nới lỏng hạn chế để mở cửa lại từ từ nền kinh tế. Trong đó New York phối hợp với New Jersey, Connecticut, Delaware, Pennsylvania và Rhode Island. Ở bờ tây sẽ là cú bắt tay giữa California, Oregon và Washington.

 

 

 

Hi Lạp tuyên bố chiến thắng đại dịch

Thủ tướng Hi Lạp Kyriakos Mitsotakis ngày 13-4 đã ca ngợi các nỗ lực chống dịch COVID-19 của quốc gia này song cảnh báo không được tự mãn. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Mitsotakis nhấn mạnh Hi Lạp đã chiến thắng đại dịch nhưng cuộc chiến vẫn còn đó và mọi người phải đồng lòng chiến đấu tiếp.

 

Các lo lắng của thủ tướng Hi Lạp là có cơ sở, Reuters giải thích thêm bởi quốc gia này chuẩn bị bước vào ngày Lễ phục sinh của Chính thống giáo, thời điểm hàng trăm ngàn ra ngoài cho các buổi sum họp gia đình.

 

Hi Lạp ghi nhận thêm 30 ca nhiễm mới trong ngày 13-4, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 2,145 người, trong đó có 99 người đã chết.

 

Pháp kéo dài lệnh phong tỏa tới ngày 11-5

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 13-4 thông báo các biện pháp phong tỏa toàn quốc dự kiến hết hạn vào ngày 14-4 sẽ được kéo dài tới ngày 11-5.

 

Các trường học và cửa hàng sẽ dần mở cửa trở lại vào ngày 11-5, ông Macron cho biết. Nhưng các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê và rạp chiếu phim sẽ phải đóng cửa lâu hơn, trong khi những người đến từ các quốc gia ngoài châu Âu sẽ tiếp tục bị từ chối nhập cảnh cho tới khi có thông báo mới.

 

Cũng theo ông Macron, kể từ sau ngày 11-5 chính quyền sẽ tiến hành xét nghiệm tất cả những người có triệu chứng nhiễm virus corona chủng mới song song với việc phát khẩu trang cho tất cả người dân.

 

 

Mexico đề nghị mua 10.000 máy thở từ Trung Quốc

Tổng thống Mexico Lopez Obradorcho ngày 13-4 cho biết ông đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình và đề nghị Bắc Kinh bán ít nhất 10.000 máy thở cho Mexico City.

 

Đáp lại, ông Tập khẳng định Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ Mexico trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Theo Reuters, trước đó, Mexico đã ký hợp đồng trị giá 56,5 triệu USD mua vật tư và thiết bị y tế phòng dịch từ Trung Quốc. Việc giao hàng được xúc tiến nhanh chóng sau đó.

 

Nhà Trắng bác tin ông Trump muốn sa thải quan chức chống dịch hàng đầu nước Mỹ

Trong tuyên bố phát đi ngày 14-4, người phát ngôn Nhà Trắng Hogan Gidley phủ nhận các tin đồn nói Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc sa thải bác sĩ Anthony Fauci và gọi đây là chuyện "tào lao".

 

Ông Trump trước đó đã chia sẻ lại một tweet của người khác trên Twitter trong đó có hashtag đòi sa thải ông Fauci - quan chức có uy tín cao nhất hiện nay trong nhóm chuyên trách chống dịch COVID-19 của Nhà Trắng.

 

Cùng xuất hiện sau đó trong cuộc họp báo rạng sáng 14-4 (giờ Việt Nam), ông Trump và ông Fauci đã cùng cố gắng dập tắt tin đồn khi dành những lời khen cho nhau.