Nguồn: Eliot Wilson, “The logic of national service”, The Spectator, 27/05/2024

 

Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương (nghiencuuquocte.org)

 

 

Thật khó có thể khẳng định rằng Đảng Bảo thủ đã có một khởi đầu hoàn hảo cho chiến dịch tổng tuyển cử năm 2024. Thông báo của Rishi Sunak trên Phố Downing, việc loại một nhà báo của Sky News khỏi một sự kiện truyền thông, tính biểu tượng của chuyến thăm không thể giải thích được của thủ tướng tới Khu phố Titanic của Belfast – hầu hết mọi động thái cho đến nay đều cần tới các biện pháp kiểm soát thiệt hại ngay lập tức. Việc công bố kế hoạch áp dụng một số loại nghĩa vụ quân sự bắt buộc thoạt nhìn giống như một ván cờ vội vàng khác vốn tạo ra hàng loạt các vấn đề của riêng nó.

 

Câu khẩu hiệu “Hãy đưa nghĩa vụ quân sự trở lại!” là một chiêu trò bảo thủ lỗi thời. Cảm giác như nước Anh đã đánh mất tinh thần cộng đồng và trách nhiệm chung, và những người trẻ tuổi cần được khắc ghi tính kỷ luật và lòng hy sinh. Cảm giác này đi kèm với sự lo lắng về quá trình tuyển mộ binh lính cho lực lượng vũ trang cũng như mức độ thiếu hụt nhân sự đáng báo động. Việc yêu cầu những thanh niên vừa mới ra trường “cống hiến” trước khi họ bước vào cuộc sống trưởng thành dường như có vẻ như một giải pháp hay.

 

Phản ứng trên mạng xã hội đối với tuyên bố của thủ tướng Sunak dĩ nhiên là nhanh chóng, quyết liệt và đơn giản. Bên phản đối ý tưởng này tập trung vào ba lập luận chính: rằng đây là một tuyên bố chính sách hoài cổ, có xu hướng phản động, không có logic nền tảng; rằng nó đại diện cho sự coi thường sâu sắc, hoặc ít nhất là phản bội lại, giới cử tri trẻ tuổi; và đó là sự áp đặt vô lý lên quyền tự do cá nhân.

 

Trước hết, chúng ta cần phải hiểu rõ ràng chính xác những gì đang được đề xuất. Trước đây, “nghĩa vụ quốc gia” có nghĩa là nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với những người từ 17 đến 21 tuổi trong khoảng thời gian lên tới hai năm. Chính sách này đã bị bãi bỏ vào những năm 1960, với việc nhập ngũ chính thức kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm 1960. Những quân nhân nhập ngũ cuối cùng đã giải ngũ vào tháng 5 năm 1963. Do đó, những người từng trải qua nghĩa vụ quân sự hiện nay đều đã ngoài 80 tuổi.

 

Nhưng đề xuất của thủ tướng Sunak phức tạp hơn thế. Ông cam kết thành lập một ủy ban hoàng gia để tư vấn về một kế hoạch bao gồm việc cung cấp 30.000 vị trí toàn thời gian trong quân đội, cùng với lựa chọn tình nguyện hai ngày cuối tuần mỗi tháng để tham gia hoạt động tình nguyện cộng đồng, hợp tác với các tổ chức như Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), cảnh sát và phòng cháy chữa cháy. Thủ tướng Sunak hy vọng điều này sẽ giúp những người trẻ tuổi phát triển các “kỹ năng thực tế, làm những điều mới mẻ và đóng góp cho cộng đồng và đất nước của họ”.

 

Về mặt chính sách, đây không phải là một bước ngoặt bất ngờ. Vào tháng Giêng, Tham mưu trưởng Lục quân, Thượng tướng Sir Patrick Sanders, đã cảnh báo rằng Anh sẽ phải tiếp cận chính sách quốc phòng với tư cách là “một nhiệm vụ với sự tham gia của toàn bộ đất nước”, và gợi ý về sự tương tác xã hội rộng rãi hơn với quân đội. “Ukraine cho thấy một cách tàn nhẫn rằng quân đội chính quy bắt đầu chiến tranh; quân đội công dân sẽ chiến thắng cuộc chiến đó”. Tướng Sanders không nhắc tới việc đưa nghĩa vụ quân sự quay trở lại, và cho đến gần đây, chính phủ vẫn kiên định tuyên bố rằng các lực lượng vũ trang sẽ duy trì chế độ tình nguyện.

 

Chúng ta không bàn đến việc chỉ đơn thuần là quay lại chế độ nghĩa vụ quân sự. Có lý do chính đáng cho việc cố gắng tận dụng sự sẵn lòng của người dân để thực hiện các nhiệm vụ vì lợi ích chung, điều đã được thể hiện rõ ràng trong đại dịch Covid-19 và được phản ánh qua thực tế là 13 triệu người Anh hoạt động tình nguyện thường xuyên. Biến một bản năng tự phát thành một chương trình có hệ thống là một trong những thách thức dai dẳng của chính phủ, và không nghi ngờ gì rằng việc chuyển từ hành động tự nguyện sang hành động cưỡng bức có thể thay đổi tính chất đạo đức của nó.

 

Đảng Bảo thủ có thể bị cáo buộc rằng chính sách này là nhằm thu hút cử tri lớn tuổi trong khi đặt gánh nặng lên những cử tri trẻ tuổi. Những người hoài nghi có thể cho rằng đây là một lời kêu gọi nhắm vào cơ sở cử tri của đảng, nhằm trấn an nhóm dân số già vốn có khả năng bị cám dỗ bởi Đảng Cải cách Anh (một đảng cánh hữu – ND) vì thực tế là hiện nay rất ít người trẻ tuổi bỏ phiếu cho phe Bảo thủ.

 

Quan điểm cho rằng đây là sự hạn chế không thể chấp nhận được đối với quyền tự do cá nhân là khó thuyết phục. Mặc dù Anh theo truyền thống dựa vào quân đội tình nguyện, chỉ thực thi nghĩa vụ quân sự từ năm 1916 đến 1920 và từ năm 1939 đến năm 1960, nghĩa vụ quân sự bắt buộc là rất phổ biến. Chỉ riêng ở châu Âu, nó tồn tại ở Áo, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Hy Lạp, Latvia, Lithuania, Na Uy, Thụy Điển và Thụy Sĩ, đây rõ ràng không phải là danh sách các chế độ độc tài tàn bạo. Mỹ đã chấm dứt nghĩa vụ quân sự vào năm 1973 nhưng đàn ông từ 18 đến 25 tuổi vẫn được yêu cầu đăng ký với Hệ thống Tuyển chọn Quân dịch.

 

Nếu ý tưởng của thủ tướng Sunak được thực hiện, những câu hỏi quan trọng sẽ là về sự hiệu quả và tính công bằng. Bộ trưởng Nội vụ, James Cleverly, trả lời Sky News rằng “Sẽ không có hình phạt hình sự – không ai phải vào tù vì điều này,” vì vậy không chắc chắn là chính phủ sẽ đưa ra bất kỳ phương thức cưỡng chế nào. Cũng không rõ ràng liệu việc bổ sung 30.000 lính nghĩa vụ có giải quyết được những thách thức về nhân sự của quân đội hay không.

 

Một chương trình như Bộ trưởng Hạ viện Penny Mordaunt đã từng nêu, “mang lại cho mọi người trẻ cơ hội phục vụ và nhận được những phần thưởng xứng đáng”, là một sáng kiến đáng giá. Thủ tướng David Cameron đã khởi động Chương trình Nghĩa vụ Công dân Quốc gia vào năm 2011 như một phần trong tham vọng xây dựng một “Xã hội Vĩ mô”. Nhiều đồng minh chiến lược của chúng ta cũng có những hình thức đóng góp có hệ thống cho phúc lợi và khả năng chống chịu của quốc gia.

 

Mặt khác, các chính sách hợp lý và hiệu quả hiếm khi xuất hiện trong thời kỳ cao trào của chiến dịch tranh cử. Chính phủ tuyên bố sẽ tài trợ cho chương trình mới bằng cách giảm trốn thuế và sử dụng Quỹ Thịnh vượng Chung của Anh; phe đối lập phản bác rằng 2,5 tỷ bảng đó là “mánh lới, không giải quyết được vấn đề gì”. Cuối cùng, đây là một vấn đề phức tạp liên quan tới sự dẻo dai linh hoạt và tính gắn kết, được đưa ra bởi một chính phủ mà hầu hết mọi người đều mong đợi sẽ thất bại, trong thời điểm xung đột đảng phái gay gắt và các cuộc tranh luận bị đơn giản hóa quá mức. Dự kiến chính sách này dưới hình thức hiện tại sẽ khó có thể trở thành hiện thực – nhưng ý tưởng này có thể sẽ còn được tiếp tục thảo luận.

 

Eliot Wilson là thư ký tại Hạ viện năm 2005-16, bao gồm cả Ủy ban Quốc phòng. Ông là thành viên của Viện Các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia (RUSI).

 

(nghiencuuquocte.org)