Theo NY Times, Lithuania - một quốc gia nhỏ bé vùng Baltic đang khiến Bắc Kinh "nổi cơn thịnh nộ" khi khuyến cáo các quan chức vứt bỏ điện thoại Trung Quốc bị nghi có chứa phần mềm kiểm duyệt, "kết thân" với Đài Loan đồng thời rút khỏi một diễn đàn khu vực do Trung Quốc lãnh đạo.

 

 

 

Đại sứ quán Trung Quốc tại Vilnius, Lithuania. Ảnh: Valda Kalnina/EPA

 

 

 

 

Rheo NY Times, việc Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ những gì người dân có thể đọc và viết trên điện thoại di động của họ chưa bao giờ là điều bí mật. Nhưng điều này đã gây ra một cú sốc cho các quan chức ở Lithuania khi họ phát hiện ra rằng, một mẫu điện thoại do Trung Quốc sản xuất có một tính năng bí mật: Đó là khả năng tự kiểm duyệt gồm 449 từ bị Bắc Kinh cấm,

 

 

Chính phủ Lithuania đã nhanh chóng khuyến cáo các quan chức lẫn người dân, đang sử dụng chiếc điện  thoại 5G Mi 10T của hãng Xiaomi, nên vứt bỏ chúng. Khuyến cáo trên dựa trên báo cáo ngày 21/9 của Trung tâm An ninh mạng quốc gia nước này, trong đó cho biết điện thoại Trung Quốc bán ở châu Âu của hãng Xiaomi có khả năng phát hiện và kiểm duyệt các từ khóa như "Tây Tạng tự do", "phong trào dân chủ", "Đài Loan độc lập"...

 

 

 

Bộ Quốc phòng Lithuania "mổ xẻ" điện thoại Trung Quốc. Ảnh Bộ Quốc phòng Lithuania/Reuters

 

 

 

 

 

 

Động thái của chính phủ Lithuania đã khiến Trung Quốc nổi cơn thịnh nộ - nhưng đây không phải là lần đầu tiên. Lithuania cũng đã làm mếch lòng Bắc Kinh khi "kết thân" với Đài Loan, cho phép chính quyền Đài Bắc mở văn phòng đại diện ở thủ đô Vilnius. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cáo buộc Lithuania vượt qua “lằn ranh đỏ” đồng thời kêu gọi nước này “ngay lập tức sửa chữa quyết định sai lầm của mình” và “không đi sâu hơn vào con đường sai lầm”.

 

 

Trước đó, hồi tháng 5, Lithuania đã rút khỏi một diễn đàn ngoại giao gồm Trung Quốc và 17 quốc gia ở Đông và Trung Âu nhằm thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình.

 

 

Tức giận với Lithuania, Bắc Kinh đã triệu hồi đại sứ ở Vilnius về nước, tạm dừng các chuyến tàu chở hàng của Trung Quốc vào Lithuania và khiến nhiều nhà xuất khẩu của đất nước Baltic gần như không thể bán hàng của họ ở Trung Quốc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã công kích Lithuania, chế nhạo đất nước nhỏ bé này và cáo buộc Lithuania là "đội tiên phong chống Trung Quốc" ở châu Âu hoặc một “con tốt” trong chương trình nghị sự chống Trung Quốc của Mỹ.

 

 

Theo NY Times, Lithuania so với Trung Quốc khó có thể trở thành một "đối thủ ngang sức ngang hàng".  Quốc gia vùng Baltic nhỏ bé chỉ có ít hơn 3 triệu dân này đang chống lại một siêu cường đang lên có 1,4 tỷ dân.

 

 

Quân đội Lithuania không có xe tăng hay máy bay chiến đấu, và nền kinh tế của nước này nhỏ hơn Trung Quốc 270 lần.

 

 

Nhưng, đáng ngạc nhiên là Lithuania đã chứng minh rằng ngay cả những quốc gia nhỏ bé như họ cũng có thể khiến một siêu cường "đau đầu".

 

 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải) tiếp Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis tại Washington trong tháng này. Ảnh Mandel Ngan/NYT

 

 

 

Thật vậy, Lithuania, quốc gia có ít "giao thương" với Trung Quốc "cứng" với Bắc Kinh đến mức các thành viên của Liên minh châu Âu dự kiến sẽ thảo luận về vấn đề này tại một cuộc họp vào tuần tới. Không có gì có thể tồi tệ hơn đối với Bắc Kinh nếu các nước châu Âu khác noi gương Lithuania thách thức họ.

 

 

Đối với Lithuania, các mối đe dọa lẫn cơn giận dữ từ Bắc Kinh không làm suy yếu quyết tâm của họ, một phần vì Trung Quốc có ít đòn bẩy đối với nước này.

 

 

Tuy nhiên, để củng cố vị thế của mình, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis vẫn có chuyến thăm Washington trong tháng 9 này và gặp Ngoại trưởng Antony Blinken, người đã cam kết “Mỹ ủng hộ mạnh mẽ Lithuania khi đối mặt với nỗ lực ép buộc từ Trung Quốc”.

 

 

Wu Qiang, một nhà phân tích chính trị ở Bắc Kinh cho biết, mặc dù là một đất nước nhỏ bé nhưng Lithuania lại có vai trò lớn đáng ngạc nhiên trong các tính toán của Trung Quốc, một phần vì nước này là hành lang trung chuyển cho các chuyến tàu chở hàng hóa từ Trung Quốc đến châu Âu.

 

 

Trên thực tế, rạn nứt giữa Trung Quốc và Lithuania xuất phát từ nhiều nguồn, bao gồm việc Đài Loan tìm kiếm sự ủng hộ về mặt chính trị và cuộc bầu cử ở Lithuania năm ngoái đã đưa một chính phủ liên minh mới do đảng bảo thủ thân Mỹ lên nắm quyền.

 

 

Động thái thách thức Trung Quốc của Lithuania cũng phản ánh phản ứng dữ dội và gay gắt hơn trước chính sách ngoại giao “chiến binh Sói” hiếu chiến của Trung Quốc trên khắp châu Âu và sự thất vọng với xuất khẩu tăng vọt của Trung Quốc khiến nhập khẩu từ châu Âu bị tụt lại phía sau.

 

 

Laurynas Kasciunas, Chủ tịch Ủy ban an ninh và quốc phòng quốc gia của Lithuania khẳng định, nước này đã đưa ra “một quyết định địa chính trị rõ ràng” để đứng về phía Mỹ, một đồng minh lâu năm và các nền dân chủ khác.