Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công thương Việt Nam, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương tái khởi động chương trình điện nguyên tử sau nhiều năm trì hoãn, trong bối cảnh thiếu điện thường xuyên và áp lực của cam kết phát thải bằng 0 (năm 2050).

 

 

Việt Nam đã đàm phán với Nga, Canada và Nam Hàn cho các dự án nhà máy điện nguyên tử tiềm năng.

 

Trong đó, Nga được cho là ứng cử viên nặng ký nhất khi nước này hiện đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Công nghệ Nguyên tử, với lò phản ứng phân hạch hạt nhân nghiên cứu công suất 10MW.

 

Việt Nam cũng đã ký kết với Đại học Bách Khoa Tomsk và Đại học Nghiên cứu Nguyên tử Quốc gia Nga để đào tạo cán bộ.

 

Vào tháng 6/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hội đàm tại Hà Nội, ra tuyên bố chung, trong đó có: "Tính đến tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, quyết tâm đẩy nhanh khai triển dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ nguyên tử tại Việt Nam."

 

Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 4/2023, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko khẳng định nước này sẵn sàng tham gia xây dựng nhà máy điện nguyên tử tại Việt Nam.

 

Việt Nam được cho là đang xem xét các lò phản ứng mô đun nhỏ (SMR), bao gồm các lò phản ứng nổi, với công suất 300 MW mỗi lò.







 

Một chuyên gia từ công ty Westinghouse (Mỹ) giải thích với sinh viên về mô hình lò phản ứng phân hạch hạt nhân cho nhà máy điện được trưng bày tại triển lãm điện nguyên tử n quốc tế tại Hà Nội ngày 26/10/2012.

 

 

 

Vì sao Nga?

 

Theo đánh giá của một số nhân vật quan sát, Việt Nam có lý do nếu quyết định lựa chọn Nga làm đối tác chính trong dự án điện nguyên tử của mình.

 

"Từ những năm 1980, Nga đã giúp Việt Nam trong các hoạt động nghiên cứu nguyên tử. Việt Nam đã gần đưa ra quyết định cuối cùng về việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của mình ngay trước thảm họa Fukushima, sau nhiều năm cân nhắc và thảo luận với Nga.

 

Tiến sĩ Vitor Nian, đồng chủ tịch sáng lập Trung tâm Năng lượng và Tài nguyên Chiến lược, một viện nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Singapore, nói với BBC rằng, "Việt Nam cũng đã gửi các học giả và kỹ sư đến Nga để đào tạo. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam vẫn coi Nga là một trong những đối tác tiềm năng về năng lượng nguyên tử"

 

Trong lịch sử, Nga đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam vận hành lò phản ứng nguyên tử tại Đà Lạt bằng cách cung cấp uranium làm giàu. Lò phản ứng Đà Lạt sản xuất ra các đồng vị phóng xạ được sử dụng trong nghiên cứu y tế và nông nghiệp.

 

Nga cũng đã hỗ trợ đào tạo các chuyên gia Việt Nam để quản lý các nhà máy điện nguyên tử. Ví dụ, năm 2011, một nhóm sinh viên Việt Nam đã bắt đầu khóa học sáu năm về công nghệ nguyên tử tại Đại học Nghiên cứu Nguyên tử Quốc gia Nga. Hai mươi tám sinh viên đã tốt nghiệp vào đầu năm 2017.

 

5 quốc gia sản xuất nhiều điện nguyên tử nhất

 

 

Cũng trong năm 2011, Nga cung cấp cho Việt Nam khoản vay 500 triệu đô-la để trang trải cho việc thành lập Trung tâm Khoa học và Công nghệ Năng lượng Nguyên tử (CNEST) - được điều hành chung bởi Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Tổng công ty Năng lượng Nguyên tử Nhà nước Nga (Rosatom).

 

Năm 2012, Rosatom đã đóng góp vào việc thành lập Trung tâm Thông tin Công nghiệp Nuyên tử tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Việt Nam.

 

Năm 2014, 344 sinh viên Việt Nam đã được gửi đến Nga để bắt đầu các nghiên cứu liên quan đến công nghệ nguyên tử. Đồng thời, 150 kỹ sư Việt Nam đã gia nhập lực lượng lao động Nga để xây dựng nhà máy điện nguyên tử tại Rostov.

 

Năm 2019, một Biên bản ghi nhớ đã được ký kết để bắt đầu công việc thành lập CNEST bao gồm việc cung cấp lò phản ứng nghiên cứu VVR (làm mát bằng nước) công suất 15 MWT để đào tạo cán bộ Việt Nam.

 

Mới đây nhất, tháng 6/2024, Việt Nam và Nga ký biên bản ghi nhớ liên bộ khôi phục lại đề xuất đang bị trì hoãn về việc xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ Năng lượng Nguyên tử vào năm 2027.

 

Tổng giám đốc điều hành Rosatom, ông Alexei Likhachev, đã gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính để hoàn thiện biên bản ghi nhớ liên quan đến trung tâm này.

 

Sự hợp tác này chứng tỏ cam kết của hai quốc gia trong việc đạt được tiến bộ nhanh chóng trong lĩnh vực này, theo giới quan sát.

 

 

Cơ cấu công suất nguồn điện toàn hệ thống

 

Theo Giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales của Úc, Nga nắm giữ trữ lượng uranium lớn nhất thế giới và có ngành công nghiệp chế biến nguyên tử trong nước lớn nhất. Theo ước tính, Nga kiểm soát 44% công suất làm giàu uranium của thế giới.

 

Năm 2022, Nga chiếm một nửa trong số tất cả các thỏa thuận thương mại liên quan đến xây dựng, cung cấp nhiên liệu lò phản ứng, quản lý rác thải nguyên tử và ngừng hoạt động các lò phản ứng lỗi thời.

 

Bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga, hiện Nga đang tham gia vào hơn một phần ba hoạt động xây dựng lò phản ứng phân hạch hạt nhân mới trên thế giới, bao gồm cả ở các quốc gia như Bangladesh, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Iran và các thành viên NATO là Slovakia và Thổ Nhĩ Kỳ.

 

"Những yếu tố này kết hợp lại đưa Nga trở thành nước xuất cảng lò phản ứng phân hạch hạt nhân hàng đầu thế giới," Giáo sư Carl Thayer nói với BBC. Ông nói thêm rằng "Nga là lựa chọn đầu tiên hiển nhiên cho Việt Nam."

 

Giáo sư Carl Thayer nhận định, "Việt Nam đang bắt đầu từ con số không và sẽ mua các lò phản ứng phân hạch hạt nhân hiện đại kết hợp công nghệ an toàn mới nhất. Nga và Việt Nam là đối tác chiến lược toàn diện và sự phụ thuộc của Việt Nam vào Nga để cung cấp uranium làm giàu không phải là vấn đề đáng lo ngại.”

"Có mức độ tin tưởng chính trị cao giữa Hà Nội và Moscow."

 

 

Những đối tác khác?

 

Ngoài Nga, Việt Nam cũng đang đàm phán với Canada và Nam Hàn.

 

Ngày 8/8/2024, Đại sứ Nam Hàn tại Việt Nam, Choi Young-sam, đã bày tỏ mong muốn nước ông sẽ giúp Việt Nam phát triển điện nguyên tử.

 

Trong khi đó, với việc nhiều nước quay lại với năng lượng nguyên tử như một giải pháp cho khủng hoảng khí hậu, Canada, nơi giàu trữ lượng uranium chất lượng cao, được đánh giá là có thể trở thành một siêu cường nguyên tử, đánh bật Kazakhstan khỏi vị trí số một.

 

Các nhân vật quan sát mà BBC phỏng vấn cũng đề xuất những cái tên khác được cho là cường quốc về nguyên tử hiện nay.

 

Theo Giáo sư Carl Thayer, các nhà cung cấp tiềm năng khác bao gồm Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Quốc và Pháp.

 

Ông nói:

"Nhật Bản và Việt Nam đã ký một thỏa thuận vào tháng 10/2010 về việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử tại Vĩnh Hải, tỉnh Ninh Thuận.”

"Trung Quốc hiện đứng thứ hai sau Nga về doanh số bán lò phản ứng phân hạch hạt nhân thương mại toàn cầu. Nước này cũng đã phát triển một lò phản ứng thế hệ thứ ba rất hiện đại (Hualong One) và các nhà máy điện nguyên tử nổi. Trung Quốc hiện đang xây dựng một nhà máy điện Hualong One tại Pakistan."

"Pháp có thành tích đã được chứng minh về việc xây dựng và quản lý an toàn các nhà máy điện nguyên tử trong nước. Năm 2022, Pháp đã xuất cảng lò phản ứng phân hạch hạt nhân sang Nhật Bản, Trung Quốc, Vương quốc Anh, Nam Hàn và Cộng hòa Czech (Czech Republic). Năm 2024, Pháp và Việt Nam đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện và, bên cạnh những việc khác, đã nhất trí thúc đẩy hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ nguyên tử dân sự."

 

 

 

 

Trong khi đó, Tiến sĩ Vitor Nian cho rằng "các chương trình điện nguyên tử phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh của từng quốc gia và thật khó để nêu tên một quốc gia có chương trình điện nguyên tử tốt nhất".

 

"Tuy nhiên, các quốc gia mới tham gia sẽ cần học hỏi từ các quốc gia có công nghệ nguyên tử đã có tên tuổi về việc khai triển thành công chương trình điện nguyên tử và cũng để đánh giá quốc gia nào có thể là đối tác chiến lược phù hợp nhất trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử."

 

Theo Tiến sĩ Vitor Nian, công nghệ điện nguyên tử của Nga chưa được công bố rộng rãi như công nghệ của các quốc gia nguyên tử hàng đầu khác, chẳng hạn như Hoa Kỳ và Pháp.

 

Ông nói, "Hầu hết các lò phản ứng của Nga được phân bổ trên khắp các quốc gia thuộc Liên Xô cũ và một số được xuất cảng sang Trung Quốc.”

 

Lý do, theo ông, là vì "mỗi công ty sẽ có những ưu tiên và cân nhắc khác nhau về toàn cầu hóa hoặc phổ biến công nghệ của họ. Chẳng hạn, trước đây, Westinghouse của Hoa Kỳ có tham vọng phổ biến công nghệ của họ trên toàn thế giới và đã được chuyển giao cho Pháp, Nhật Bản, Nam Hàn và Trung Quốc."

 

 

Những cột mốc đáng chú ý

 

2009: Việt Nam phê duyệt việc xây dựng hai nhà máy điện nguyên tử đầu tiên, dự kiến ​​có tổng công suất 4GW, hợp tác với Rosatom của Nga và Công ty Điện nguyên tử Nhật Bản.

 

2016: Các kế hoạch đã bị dừng lại do thảm họa nguyên tử Fukushima ở Nhật Bản và những hạn chế về ngân sách.

 

2020: Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết đưa phát thải về mức 0 vào năm 2050 tại Thượng đỉnh khí hậu ở Scotland.

 

Tuy nhiên, kể từ đó, việc theo đuổi năng lượng sạch của Việt Nam gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là trong phát triển điện gió ngoài khơi và khí đốt tự nhiên hóa lỏng, do những rào cả về quy định và giá cả.

 

2023: Việt Nam nói về việc quay trở lại điện nguyên tử.

 

2024: Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tái khởi động chương trình điện nguyên tử. Bộ Công thương nói sẽ cập nhật Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 8 (PDP8) - vốn được phê duyệt vào tháng 5/2023 nhưng không đề cập đến điện nguyên tử mà chỉ nêu kế hoạch tăng tổng công suất phát điện lắp đặt của Việt Nam lên hơn 150GW vào năm 2030, tăng từ mức chỉ hơn 80GW vào cuối năm 2023.

 

 

 

(Theo BBC Việt ngữ)