Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại Hội nghị tái thiết Ukraine, London, Vương Quốc Anh, ngày 21/06/2023. (Ảnh: Henry Nicholls/WPA Pool/Getty Images)

 

 

 

QUỐC TẾ  - Hôm 4/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Ukraine cuối cùng sẽ gia nhập NATO và rằng hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm ngày thành lập liên minh NATO đang giúp “xây dựng cầu nối” cho tư cách thành viên đó.

 

Kết thúc cuộc họp với các nhà ngoại giao NATO tại Brussels, Ngoại trưởng Blinken tuyên bố với các phóng viên: "Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO". Ông cho biết thêm rằng mục đích của ông tại hội nghị thượng đỉnh là giúp xây dựng cầu nối để đạt được tư cách thành viên nêu trên, đồng thời tạo ra một lộ trình rõ ràng để giúp Ukraine đạt được mục tiêu đó.

 

 

Theo hãng tin RT, phát biểu của Ngoại trưởng Blinken được đưa ra sau khi các Bộ trưởng Ngoại giao NATO hoàn thành cuộc họp kéo dài hai ngày nhằm kêu gọi thêm sự ủng hộ quốc tế cho Ukraine. Ông Blinken phát biểu tại một cuộc họp báo bên cạnh Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba, người khẳng định rằng Ukraine "xứng đáng trở thành thành viên của NATO". Nhà ngoại giao Ukraine nhấn mạnh thêm, "Điều này nên xảy ra sớm hơn là muộn".

 

Trong gần hai thập kỷ qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin liên tục cảnh báo rằng việc NATO mở rộng về phía đông sẽ làm suy yếu an ninh quốc gia của Nga và việc đưa lực lượng của khối quân sự này vào Ukraine sẽ vượt qua "lằn ranh đỏ". Chiến tranh Nga - Ukraine bùng nổ hai năm trước càng làm gia tăng căng thẳng, khi NATO liên tục cung cấp vũ khí và hỗ trợ cho Ukraine.

 

Khủng hoảng Ukraine hiện nay đã khiến quan hệ Nga - NATO trở nên xấu đi nghiêm trọng. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo rằng căng thẳng giữa Nga và NATO đã leo thang đến mức "đối đầu trực diện". Ông chỉ ra rằng sự can dự của liên minh do Mỹ dẫn đầu vào cuộc xung đột ở Ukraine, cùng với việc liên minh này tiếp tục mở rộng sang biên giới Nga, đã làm tình hình trở nên trầm trọng hơn.

 

 

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tham dự cuộc gặp của tổng thống Nga và Iran tại Điện Kremlin, ở Moscow, hôm 07/12/2023. (Ảnh: Sergei Bobylyov Pool/AFP/Getty Images)

 

 

 

Ông Peskov nói: "Trên thực tế, tình trạng quan hệ [Nga - NATO] hiện đã tụt xuống mức đối đầu trực diện. NATO đã tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine”. Ông cáo buộc NATO tiếp tục tiến về phía biên giới Nga và mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự hướng về phía biên giới của nước này.

 

 

Trong cuộc họp báo hôm 4/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết lập trường của các thành viên NATO trong việc ủng hộ Ukraine vẫn "vững như bàn thạch".

"Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể; các đồng minh sẽ làm mọi thứ có thể để bảo đảm Ukraine có những gì cần thiết để tiếp tục đối phó với hành vi xâm lược đang diễn ra của Nga".

 

 

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Antony Blinken cũng kêu gọi Quốc hội Mỹ phê duyệt khoản viện trợ bổ sung 60 tỷ USD cho Ukraine. Đề xuất này đã vấp phải sự phản đối ngày càng tăng từ các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa kể từ mùa thu năm ngoái. Chính quyền Tổng thống Biden đã sử dụng hết 113 tỷ USD từ nguồn tài trợ Ukraine được phê duyệt trước đó.

 

 

Dân biểu Marjorie Taylor Greene, một thành viên Đảng Cộng hòa thuộc Hạ viện Mỹ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 3/4 rằng dự luật viện trợ mới nhất có khả năng được thông qua khi Quốc hội quay trở lại phiên họp vào tuần tới.

 

Tuy nhiên, bà Greene cũng bày tỏ sự phản đối đối với dự luật này. Bà lập luận rằng "cuộc chiến tranh ủy nhiệm" leo thang của Washington ở Ukraine đang khiến người Mỹ kém an toàn hơn và đẩy thế giới đến gần Thế chiến thứ III hơn.

 

Đáp lại tuyên bố của Ngoại trưởng Blinken vào ngày 4/4, bà Greene đã nhắc nhở 3,2 triệu người theo dõi trên X (trước đây là Twitter) về Điều 5 của Hiến chương NATO. Theo điều khoản này, một cuộc tấn công vào bất kỳ thành viên nào của NATO được coi là tấn công vào toàn bộ liên minh. Bà viết: "Việc biến Ukraine trở thành thành viên của NATO đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ tiến hành chiến tranh chống lại Nga, theo quy định của Điều 5 trong điều lệ NATO”.

 

 

Tỷ phú Elon Musk ở Paris, Pháp vào ngày 16/6/2023. (Ảnh: Joel Sagat/AFP/Getty Images)

 

 

 

 

Lời cảnh báo đáng sợ của ông Elon Musk nếu Ukraine gia nhập NATO

 

Theo hãng tin TASS, tỷ phú Mỹ Elon Musk đã bày tỏ lo ngại về khả năng Ukraine gia nhập NATO có thể dẫn đến thảm họa hạt nhân.

 

Trong một bình luận về bài đăng chứa video phát biểu mới đây của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trên trang mạng xã hội X hôm 5/4, ông Musk cho biết: "Đây thực sự là cách bộ phim về ngày tận thế hạt nhân bắt đầu".

 

 

Đi kèm bình luận, ông Musk chia sẻ đường dẫn đến một phân cảnh trong bộ phim điện ảnh “The Day After” năm 1983, khắc họa thảm kịch của một cuộc chiến tranh hạt nhân giả định giữa Liên Xô và Hoa Kỳ. Bộ phim được chiếu cho khán giả Liên Xô vào năm 1987, khi hai siêu cường đang đàm phán một hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân quan trọng.

 

 

Động thái của ông Musk diễn ra trong bối cảnh Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tái khẳng định lập trường ủng hộ việc Ukraine gia nhập liên minh, nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể.

 

 

Ukraine đã đệ đơn gia nhập NATO theo thủ tục nhanh chóng vào tháng 9/2022 và được bảo đảm tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh diễn ra tại Vilnius vào tháng 7/2023 rằng họ sẽ được chấp nhận nếu đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết.

 

 

Tuy nhiên, Brussels vẫn chưa đưa ra lộ trình gia nhập chính thức. NATO cũng nhấn mạnh rằng việc Ukraine đang trong tình trạng xung đột vũ trang là một trở ngại cho quá trình gia nhập.

 

(Theo ntdvn.net; Huyền Anh tổng hợp)