Ảnh tư liệu: Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Scott Bessent trong cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tại Kyiv ngày 12/02/2025. AP - Alex Babenko

 

 

 

CHIẾN SỰ NGA – UKRAINE « Một thỏa thuận không quá bất lợi đối với Kyiv, giữ chân Hoa Kỳ tại Ukraine, xua đuổi những tham vọng quân sự của Nga, tạo thêm uy tín cho Ukraine trong mắt các nhà đầu tư quốc tế »: Giới quan sát quốc tế đánh giá như trên về thỏa thuận khoáng sản Ukraine đạt được với Hoa Kỳ hôm 30/04/2025 sau nhiều vòng đàm phán căng thẳng và có lúc tưởng chừng thỏa thuận bị chết yểu. Đây là một thắng lợi ngoại giao của Ukraine, vốn được Anh Quốc và Liên Âu yểm trợ mạnh mẽ.

 

Chiều ngày 30/4/2025, tại thủ đô Washington, bộ trưởng Kinh Tế kiêm phó thủ tướng Ukraine, Ioulia Svyrydenko, và bộ trưởng Tài Chính Mỹ, Scott Bessent, đã đặt bút ký thỏa thuận « đối tác kinh tế » với việc thành lập một quỹ đầu tư chung, trị giá từ 175 đến 185 tỷ đô-la, mỗi bên nắm giữ 50 % vốn.

 

Hoa Kỳ hài lòng vì thỏa thuận cho phép Washington « ưu tiên tiếp cận các nguồn tài nguyên khoáng sản và dầu khí của Ukraine ». Ông Bessent nói đến một « thỏa thuận lịch sử » trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa Mỹ và Ukraine.

 

Tổng thống Donald Trump luôn xem hợp tác kinh tế với Ukraine là một hình thức để Kyiv hoàn trả « hàng trăm tỷ đô-la viện trợ quân sự » Washington đã cấp cho Kyiv để chống Nga. Lãnh đạo Tòa Bạch Ốc đòi Ukraine bồi hoàn bằng « đất hiếm », bởi theo ông, « đất hiếm của Ukraine có chất lượng cao ».

 

Về quỹ đầu tư chung giữa Hoa Kỳ và Ukraine, cũng ông Trump hài lòng vì « với thỏa thuận này, Mỹ được bảo đảm thu lại vốn và có thể bắt đầu khai thác tài nguyên của Ukraine. Sự hiện diện của Hoa Kỳ trên lãnh thổ Ukraine cũng là điều tốt cho Ukraine ».

 

Giới phân tích cho rằng Tổng thống Trump có lý. Nhà báo chuyên về hồ sơ đất hiếm Guillaume Pitron ghi nhận: « Mỹ sẽ không đầu tư hàng tỷ đô-la cho một khoảng thời gian dài 30-40 năm mà không được bảo đảm là họ sẽ thu lại được cả vốn lẫn lời. Các hãng Mỹ cũng không thể có lãi nếu chiến tranh lại xảy ra ở Ukraine ». Mọi hợp tác song phương là yếu tố bảo đảm « ổn định địa chính trị và hòa bình cho Ukraine ». 

 

Trả lời RFI tiếng Việt, chuyên viên nghiên cứu thuộc Tổ chức Quan Hệ Quốc Tế Pháp Raphaël Danino-Perraud khẳng định « Ukraine không có đất hiếm, hoặc có rất ít, nhưng lại có nhiều các khoáng sản chiến lược mà Mỹ đang cần ». Tuy nhiên, « việc khai thác không dễ », cho nên hợp tác Mỹ- Ukraine « trước hết là để khẳng định sự hiện diện, hoặc để mở rộng ảnh hưởng của Hoa Kỳ » tại đây.

 

 

Nấp bóng Mỹ để được bình yên

Đối với Kyiv, thỏa thuận đạt được với Washington sau nhiều cuộc đàm phán rất căng thẳng là một thắng lợi ngoại giao vì nhiều lý do. Trước hết, như chính Tổng thống Trump đã giải thích, sự hiện diện của Mỹ trên lãnh thổ Ukraine qua các chương trình khai tác tài nguyên, qua các dự án đầu tư đồ sộ khiến Nga thận trọng « không dám đến gần ». Đó là một bảo đảm trọng yếu về an ninh mà Hoa Kỳ gián tiếp tạo cho Ukraine.

 

Lợi thế thứ hai là chỉ nội sự dấn thân của các nhà đầu tư Mỹ đã là một bảo đảm về mức độ an toàn, ổn định và đáng tin cậy của Ukraine đối với các nhà đầu tư quốc tế khác trên thế giới. Sau cùng, hợp tác với Hoa Kỳ cho phép các tập đoàn Ukraine tiếp cận vốn và công nghệ của Mỹ.

 

 

Một thắng lợi của các chuyên gia đàm phán Ukraine

 

Nhưng không chỉ có thế. Kyiv khẳng định đây là một « thỏa thuận công bằng », cho phép Ukraine đối thoại một cách « bình đẳng » với chính quyền Trump. Báo Anh, The Guardian, ghi nhận điều đó không sai, vì quỹ đầu tư chung thuộc về Ukraine và Mỹ mỗi bên 50 %. Quan trọng hơn nữa là so với văn bản đầu tiên chính ông Bessent đem sang tận Kyiv để đàm phán và chỉ cho nội các Zelenskyy rất ít thời gian để đọc lại trước khi đặt bút kỳ, thỏa thuận mà đôi bên đặt bút ký hôm qua « không quá thiệt thòi cho Ukraine ».

 

Mỹ không còn đòi « kiểm soát 100 % các nguồn thu nhập » từ các hoạt động khai thác tài nguyên của Ukraine. Văn bản này cũng quy định Kyiv vẫn làm chủ được tình hình, vì « tài nguyên thiên nhiên của Ukraine do Ukraine kiểm soát », Ukraine là bên « hoàn toàn quyết định cấp giấy phép cho khai thác những loại khoáng sản nào và hoàn toàn được quyền ấn định những địa điểm khai thác ».

 

Một điểm then chốt khác là « trong 10 năm đầu tiên », các nguồn lợi đến từ các dự án khai thác chung phải được giữ lại trên lãnh thổ Ukraine để đầu tư giúp tái thiết Ukraine bị chiến tranh tàn phá.

 

 

Kyiv không để Washington bắt nạt

 

Nhưng điều quan trọng nhất và cũng là điểm « trung tâm » đó là thỏa thuận này hoàn toàn không nhắc đến hợp tác song phương như một khoản đền bù tài chính mà Ukraine phải trả cho phía Mỹ, mà theo thẩm định của Tòa Bạch Ốc là lên tới 350, thậm chí là 500 tỷ đô-la. Còn theo các số liệu chính thức của Hoa Kỳ từ 2022 Washington viện trợ quân sự cho Ukraine 130 tỷ đô-la.  

 

Những thành công này có được là nhờ hai yếu tố: Một sự khôn khéo của các chuyên gia đàm phán Ukraine vốn đã được Âu châu cố vấn rất kỹ để phần nào kềm chế lòng tham của chính quyền Mỹ hiện tại.

 

Yếu tố thứ nhì là thời điểm: Sau 100 ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống, Donald Trump cần một kết quả cụ thể trên hồ sơ Ukraine vào lúc viễn cảnh đạt được thỏa thuận ngừng bắn hay vãn hồi hòa bình cho Ukraine còn nằm ngoài tầm tay.

 

Thỏa thuận về khoáng sản với Ukraine vừa ký kết hôm 30/04/2025 là một yếu tố quan trọng đối với Tòa Bạch Ốc, do vậy phía Hoa Kỳ cũng đã có nhiều nhượng bộ so với những điều kiện ban đầu.

 

 

Kinh tế luôn là một quyền lợi lâu dài với nước Mỹ

 

Sau nhiều tháng, căng thẳng giữa Washington và Kyiv có thể sắp bước vào hồi kết và điểm đáng chú ý ở đây là, nếu như chính quyền Biden trước đây từng mạnh mẽ khẳng định luôn hậu thuẫn Ukraine chống Nga xâm lược, thì giờ đây chính quyền Trump cho thấy dù đối với một nước đồng minh, Mỹ luôn đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết, trong đó kinh tế là quyền lợi lâu dài. Những lợi ích về ngoại giao, những lập luận bảo vệ tự do hay dân chủ … đôi khi chỉ là những « quyền lợi mang tính giai đoạn » tùy thuộc vào thời điểm.

 

Về phía Tổng thống Volodymyr Zelenskyy, tuy ông đã có nhiều vụng về trong cách ứng xử -và nhất là trước một đối tác với cái « tôi quá lớn » như Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, lãnh đạo Ukraine cũng đã chứng minh với công luận trong nước là ông không để cho Nga dễ dàng thâu tóm Ukraine, mà cũng không để cho điểm tựa quân sự chính là Hoa Kỳ áp đặt luật chơi.

 

 

 

(Nguồn RFI)