Một người Úc gốc Việt viết ứng dụng đe doạ riêng tư hàng triệu người

Chỉ với một bức ảnh, ứng dụng của Tôn Thất Hoàn sẽ tìm ra rất nhiều thông tin về một cá nhân trên mạng xã hội. Hiện nó đã thu thập hơn 3 tỷ hình ảnh cá nhân của hàng triệu người.

(Theo alouc.com)

Những ngày đầu năm 2020, giới công nghệ dậy sóng với một startup có tên ClearView AI (ClearView). Dậy sóng là bởi nền tảng này đe dọa quyền riêng tư hơn bất kỳ ứng dụng nào nhân loại từng tạo ra.

Thử tưởng tượng một ngày đẹp trời, ai đó chụp ảnh bạn. Chỉ vài giây sau, toàn bộ hình ảnh của bạn từng đăng lên Internet đều bị truy xuất ra. Trong đó, có thể sẽ có những bức ảnh xấu xí mà bạn không bao giờ muốn nhìn lại. Nó chính xác là viễn cảnh chỉ có trong phim “Gương Đen”. Vì vậy, nền tảng này được xem như “con quỷ dữ” mới của ngành công nghệ.

Tôn Thất Hoàn, 31 tuổi, người Úc gốc Việt chính là ông chủ của con quỷ dữ đó.

Từ dòng dõi hoàng gia đến con quỷ công nghệ.

Tôn Thất Hoàn trải qua thời niên thiếu tại Úc. Anh được nuôi dưỡng bởi những câu chuyện về tổ tiên hoàng gia của mình tại Việt Nam.

Năm 2007, Hoàn rời khỏi trường đại học, chuyển đến Thung Lũng Silicon, San Francisco, Mỹ.

Tôn Thất Hoàn, người Úc gốc Việt được mệnh danh là con quỷ mới của ngành công nghệ.

Thời điểm đó, iPhone vừa ra mắt. Điều này nuôi dưỡng cho Hoàn một mơ ước dẫn đầu thị trường ứng dụng đang sôi động lúc bấy giờ. Tuy vậy, những nỗ lực đầu tiên của Hoàn đều thất bại.

Năm 2009, Hoàn tạo ra trang web cho phép mọi người chia sẻ video bằng các ứng dụng nhắn tin OTT. Thế nhưng, nền tảng của anh bị cáo buộc lừa đảo, không thể sử dụng được.

Sáu năm sau, Hoàn tạo ra Trump Hair. Ứng dụng cho phép người dùng chụp ảnh selfie và ghép kiểu tóc độc đáo của ông Trump vào hình, chia sẻ lên mạng xã hội. Tuy vậy, ứng dụng này sau đó cũng đi vào dĩ vãng.

Không thành công tại Silicon, Hoàn chuyển đến New York vào năm 2016. Với ngoại hình cao ráo, mảnh khảnh và tóc đen dài, Hoàn dấn thân làm người mẫu. Nhưng chỉ sau một lần lên sóng, anh nhận ra đam mê lớn nhất của mình là công nghệ. Từ đó, Hoàn bắt đầu đọc các bài báo học thuật về trí tuệ nhân tạo, nhận dạng gương mặt và máy học.

Khoảnh khắc đáng nhớ là khi Schwartz, đồng sáng lập ClearView và Tôn Thất Hoàn gặp nhau vào năm 2016 tại sự kiện sách ở Viện Manhattan.

Schwartz, 61 tuổi, từng làm việc cho ông Giuliani vào những năm 1990. Ngoài ra, ông còn làm biên tập viên trang biên tập của tờ New York Daily News vào đầu những năm 2000.

Từ một bức ảnh, ClearView sẽ đối chiếu với 3 tỷ hình khác trên Internet để xác định bất kỳ ai.

Hai người quyết định cùng nhau khởi nghiệp ở mảng nhận diện khuôn mặt. Hoàn sẽ xây dựng ứng dụng và ông Schwartz sẽ tìm kiếm các hợp đồng thương mại.

Các cơ quan công quyền đã sử dụng các công cụ nhận dạng gương mặt từ 20 năm trước. Nhưng chúng bị giới hạn bởi chỉ truy xuất hình ảnh trong cơ sở dữ liệu của nhà nước.

Trong khi đó, các thuật toán nhận diện gương mặt của những công ty như Amazon khá chính xác nhưng lại không có dữ liệu nào.

Tôn Thất Hoàn muốn đi xa hơn thế. Năm 2016, Hoàn tuyển thêm các kỹ sư phần mềm. Người này giúp anh tạo ra một chương trình có thể tự động thu thập hình ảnh từ khắp nơi trên Internet như web tìm việc làm, trang tin tức, trang giáo dục, mạng xã hội Facebook, Twitter, Instagram và thậm chí là Venom. Nhờ vậy mà giờ đây ClearView đã có hơn 3 tỷ hình ảnh trên máy chủ của họ. Các mạng xã hội này đã lên tiếng cấm ClearView sử dụng dữ liệu của họ để nhận dạng gương mặt nhưng chưa có động thái cụ thể.

Một kỹ sư khác được thuê để hoàn thiện một thuật toán nhận diện gương mặt. Kết quả, Hoàn có một hệ thống nhận dạng gương mặt khá chính xác.

Khi người dùng tải ảnh một người lên hệ thống của Clearview, nó chuyển đổi khuôn mặt thành vector và sau đó hiển thị tất cả các ảnh giống nhau cùng với liên kết đến trang web chứa ảnh đó.

Trong suốt thời gian nghiên cứu, Schwartz là người trả chi phí máy chủ và vận hành cho ClearView. Tuy vậy, công ty của hai người vẫn chưa kiếm được một hợp đồng nào ra tiền.

“Mọi người làm việc tại nhà tôi và sống nhờ nợ thẻ tín dụng. Tôi cũng là một tín đồ Bitcoin. Vì vậy, tôi cũng góp một phần tiền nhờ việc Bitcoin tăng trong năm 2017”.

Nổi lên từ lúc hợp tác với cảnh sát

Vào cuối năm 2017, công ty đã có một công cụ nhận dạng khuôn mặt đáng gờm có tên Smartcheckr. Thế nhưng, họ vẫn chưa thể bán cho ai.

“Có thể nó sẽ được sử dụng để bảo vệ trẻ em hoặc là tính năng bổ sung cho camera giám sát. Hoặc nó sẽ là công cụ cho nhân viên an ninh tại các tòa nhà. Cũng có thể nó là một công cụ giúp khách sạn chào khách bằng tên. Chúng tôi nghĩ mọi hướng kiếm tiền từ nó”, Tôn Thất Hoàn nói.

Sau đó, công ty sau đó đổi tên thành ClearView AI và bắt đầu tiếp thị cho các cơ quan công quyền, thực thi pháp luật. Nhà đầu tư đầu tiên của ClearView là Thiel và Kirenaga Partners

Từng có lúc Tôn Thất Hoàn suýt dấn thân vào con đường nghệ thuật.

Đến 2019, ClearView đi đến vòng tài trợ thứ hai huy động được 7 triệu USD từ các nhà đầu tư.

Tháng 2/2019, cảnh sát bang Indiana đã bắt đầu thử nghiệm với ClearView. Họ đã giải quyết một vụ án trong vòng 20 phút sau đó.

Hai người đàn ông đã đánh nhau trong công viên. Vụ ẩu đả kết thúc khi một người bắn vào bụng người kia. Một người ngoài cuộc đã ghi lại tội ác trên điện thoại vì vậy cảnh sát vẫn còn khuôn mặt của tay súng để chạy trên ứng dụng của ClearView.

Kết quả, người đàn ông xuất hiện trong một video mà ai đó đã đăng trên mạng xã hội. Tên của tên tội phạm được đưa vào chú thích trên video. Hắn không có bằng lái xe và chưa từng bị bắt. Vì vậy, hắn không có mặt trong cơ sở dữ liệu của chính phủ. Nhưng nhờ có ClearView, kẻ sát nhât đã bị bắt và buộc tội.

Phía cảnh sát cho biết có lẽ họ sẽ không bắt được thủ phạm nếu không có ClearView. Vì vậy cảnh sát bang Indiana đã trở những thành khách hàng trả tiền đầu tiên của Clearview.

Kỹ thuật bán hàng hiệu quả nhất của công ty là cung cấp các bản dùng thử miễn phí 30 ngày cho các sĩ quan, những người sau đó sẽ đề nghị cấp trên mua bản đầy đủ. Nhờ vậy, Hoàn đã có mạng lưới marketing rộng khắp.

Các cơ quan thực thi pháp luật liên bang, bao gồm FBI và Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã bắt đầu thử nghiệm nó. Kể cả cơ quan pháp luật Canada cũng trở thành khách hàng của ClearView. Sắp tới, ClearView muốn mang sản phẩm của họ ra hàng trăm quốc gia khác.

Mặc dù ngày càng bành trướng nhưng ClearView vẫn tránh truyền thông rộng rãi. Cho đến khi công tố viên ở Florida buộc tội một người phụ nữ với hành vi trộm cắp bằng Clearview, nền tảng này mới được truyền thông chú ý.

Người phụ nữ bị cảnh sát nhận ra trong một đoạn video an ninh được ClearView phân tích. Hình ảnh ghi nhận được là một hình xăm giống với trên ảnh đại diện Facebook của cô.

ClearView có thật sự đáng tin?

Theo yêu cầu của phóng viên New York Times, một số sĩ quan cảnh sát đã cho chạy ảnh của chính người này trên ClearView.

Ngay sau đó, những sĩ quan cảnh sát nhận được cuộc gọi từ ClearView bởi họ cho rằng những phía cảnh sát có mâu thuẫn với giới báo chí. Đây là dấu hiệu cho thấy ClearView có khả năng theo dõi những cảnh sát đang làm gì.

Bên cạnh đó, ClearView tiềm ẩn rủi ro khi tất cả những hình ảnh nhạy cảm, hồ sơ pháp lý đều được cập nhật lên máy chủ của trang này. Đồng thời, ClearView chưa được một công ty an ninh mạng nào chứng nhận về khả năng bảo vệ dữ liệu của họ.

Tuy vậy, một số người lại ủng hộ ClearView.

David Scalzo, nhà đầu tư của ClearView và là người sáng lập Kirenaga Partners cho rằng nhận diện gương mặt sẽ kiểm soát những kẻ phạm tội tốt hơn.

“Thông tin, dữ liệu liên tục tăng lên thì không bao giờ có sự riêng tư. Sẽ có những bộ luật ra đời để kiểm soát nó dẫn đến viễn cảnh đen tối nhưng bạn không thể cấm nó”, David nói.

Tôn Thất Hoàn cho biết công cụ của anh không phải lúc nào cũng vận hành tốt. Nguyên nhân là hầu hết ảnh trong cơ sở dữ liệu của Clearview được chụp ngang tầm mắt. Trong khi đó, dữ liệu mà cảnh sát tải lên là từ các camera giám sát gắn trên trần nhà hoặc trên tường.

“Họ đặt camera giám sát quá cao”, Hoàn than thở.

Mặc dù vậy, công ty cho biết, công cụ của họ tìm thấy kết quả trùng khớp tới 75%. Nhưng không rõ công cụ này có thường xuyên cung cấp kết quả khớp giả hay không, bởi nó chưa được kiểm tra bởi một bên độc lập nào cả.

“Thông tin, dữ liệu liên tục tăng lên thì không bao giờ có sự riêng tư. Sẽ có những bộ luật ra đời để kiểm soát nó dẫn đến viễn cảnh đen tối nhưng bạn không thể cấm nó” – David Scalzo, nhà đầu tư của ClearView và là người sáng lập Kirenaga Partners.

Clare Garvie, nhà nghiên cứu tại Trung tâm bảo mật và công nghệ của Đại học Georgetown nói cơ sở dữ liệu càng lớn, nguy cơ xác định nhầm càng lớn. Nhưng các quan chức thực thi pháp luật hiện tại và trước đây nói rằng ứng dụng này có hiệu quả.

Một lý do khác khiến ClearView gây chú ý bởi nó là duy nhất. Chính điều này khiến Facebook và các mạng xã hội khác cấm ClearView sử dụng hình ảnh của người dùng.

Jay Nancarrow, phát ngôn viên của Facebook cho biết công ty đang xem xét Clearview và sẽ có hành động thích hợp nếu thấy họ vi phạm các quy tắc của mạng xã hội này.

Ngoài ra, nhiều cơ quan thực thi pháp luật hiện vẫn không hay biết việc cơ sở dữ liệu của họ hiện được lưu trên máy chủ ClearView. Để trấn an khách hàng của mình, ClearView cho biết nhân viên hỗ trợ của họ sẽ không có quyền truy cập hình ảnh này, chỉ có máy tính được phép.

Clearview cũng đã thuê Paul D. Clement, một luật sư luật sư Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush để xoa dịu những lo ngại về tính hợp pháp của ứng dụng.

Tôn Thất Hoàn mong muốn bán ClearView cho tất cả các nước trên thế giới.

Do cảnh sát tải lên các hình ảnh những người tình nghi vi phạm nên kho dữ liệu về những cá nhân phạm tội của ClearView ngày càng phình to. Có thể nó sẽ được sử dụng như một nguồn dữ liệu cho việc tính điểm công dân sau này.

Đồng thời, công ty cũng có khả năng thao túng kết quả mà cảnh sát nhìn thấy. Sau khi gương mặt của phóng viên New York Times được đưa lên hệ thống ClearView, nền tảng này đã đánh dấu kết quả. Và suốt một thời gian dài, việc tìm kiếm hình ảnh của phóng viên thường không cho ra kết quả.

Trả lời việc này, Hoàn cho biết đó là lỗi ứng dụng.

Tôn Thất Hoàn cho biết công ty của ông chỉ sử dụng những hình ảnh có sẵn công khai. Nếu bạn thay đổi cài đặt quyền riêng tư trên Facebook các công cụ tìm kiếm sẽ bất lực.

Nhưng nếu quyền riêng tư của bức ảnh được thay đổi sau khi ClearView “đánh cắp”, mọi chuyện trở nên vô nghĩa. Phía ClearView cho biết đang xây dùng bộ công cụ cho phép người dùng yêu cầu xóa ảnh của họ khỏi hệ thống của nền tảng này.

Nơi mọi người đều biết tên của bạn

Trong một buổi thuyết trình về sản phẩm tại Manhattan, Mỹ, Tôn Thất Hoàn đã sử dụng ảnh selfie của chính mình để tải lên ClearView.

Kết quả cho ra 23 ảnh của Hoàn. Trong đó có bức ảnh Hoàn ở trần, châm điếu thuốc và chân tay phủ đầy những thứ giống máu.

Một người khác được đưa ra thử nghiệm với ClearView. Kết quả trả về những bức ảnh có từ hơn 10 năm trước của người này. Nó bao gồm những bức ảnh mà chính chủ thể cũng chưa từng nhìn thấy. Kể cả bức ảnh ông ta dùng tay che mũi và miệng cũng được ứng dụng tìm ra chính xác.

Từ năm 2016 đến nay ClearView luôn muốn ẩn mình với báo giới.

Kịch bản để biến ClearView thành con quỷ của ngành công nghệ là khi ai đó nghe lén câu chuyện nhạy cảm của bạn. Sau đó, họ chụp hình bạn và tải lên ClearView. Họ có thể biết được những bí mật cá nhân khác của bạn từ địa chỉ nhà, những bức ảnh xấu xí đến người yêu cũ… chỉ với vài cú click.

Khi được hỏi về những viễn cảnh sinh ra bởi sức mạnh của ClearView, Tôn Thất Hoàn tỏ ra rất bất ngờ.

“Có lẽ tôi sẽ nghĩ về những thứ đó. Nhưng niềm tin của tôi là việc sử dụng công nghệ cho điều tốt”, Tôn Thất Hoàn nói.

Eric Goldman, Giám đốc của viện Luật Công nghệ cao tại Đại học Santa Clara cho biết ClearView có khả năng khai thác vô tận để trở thành một con quỷ của ngành công nghệ.

Năm 2017, Facebook dính phải bê bối lộ thông tin của 87 triệu người dùng. Mạng xã hội này phân bua rằng họ đã quá tin vào các đối tác phát triển ứng dụng. Trả lời phỏng vấn CNN, Mark Zuckerberg tỏ ra hối hận vì “tin lời” Cambrige Analytica về việc xoá toàn bộ dữ liệu người dùng.

Liệu trong tương lai, ClearView có phải “con quỷ dữ” tiếp theo đứng ra xin lỗi vì tin vào một ai đó và làm lộ quá khứ tội lỗi, đáng quên của hàng triệu người trên thế giới.