Một oanh tạc cơ tầm xa H-6K của không quân Trung Quốc, góc trên bên trái, được một chiến đấu cơ Su-30 của không quân Nga hộ tống trong một cuộc tuần tra trên không chung giữa Nga và Trung Quốc trong bức ảnh chụp từ một video phát hành hôm 25/07/2024. (Ảnh: Dịch vụ báo chí Bộ Quốc phòng Nga qua AP)

 

Hai oanh tạc cơ chiến lược H-6 của Trung Quốc và hai oanh tạc cơ chiến lược Tu-95 của Nga đã bị phát hiện, theo dõi, và ngăn chặn khi đang hoạt động trong vùng nhận dạng phòng không Alaska.

 

Theo Bộ tư lệnh hàng không vũ trụ chung của Hoa Kỳ và Canada và phía quân đội Nga, các chiến đấu cơ của Mỹ và Canada đã chặn các oanh tạc cơ tầm xa của Nga và Trung Quốc đang hoạt động trên các vùng biển quốc tế gần Alaska hôm 24/07, với một số báo cáo cho biết đây là lần đầu tiên phi cơ Trung Quốc bị chặn ở gần Alaska.

 

Theo Bộ tư lệnh Phòng thủ Hàng không vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD), hôm 24/07, hai oanh tạc cơ chiến lược H-6 của Trung Quốc và hai oanh tạc cơ chiến lược TU-95 của Nga đã bị phát hiện, theo dõi, và ngăn chặn khi đang hoạt động trong vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) Alaska, một vùng đệm trong không phận quốc tế.

 

Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận cuộc chạm trán, cho biết đây là một cuộc tuần tra chung trên không ở Biển Chukchi, Biển Bering, và phía bắc Thái Bình Dương.

 

NORAD cho biết hoạt động quân sự này của Trung Quốc và Nga không mang tính đe dọa, đồng thời nói thêm rằng những phi cơ ngoại quốc này đã không xâm phạm không phận có chủ quyền của Hoa Kỳ hay của Canada.

 

Trong một bài đăng trên nền tảng truyền thông xã hội X, NORAD nói rằng họ đã “sử dụng một mạng lưới phòng thủ nhiều lớp gồm chiến đấu cơ, vệ tinh, và radar trên mặt đất và trên không với khả năng liên tác liền mạch” để thực hiện nhiệm vụ này, với các bức ảnh về cuộc chạm trán do NORAD cung cấp cho thấy các phi cơ F-16 và F-35 của Hoa Kỳ và phi cơ C-18 của Canada đã thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn.

 

Moscow tuyên bố rằng các chiến đấu phản lực cơ Su-30 và Su-35 của Nga đã yểm trợ trên không cho các oanh tạc cơ và cuộc tuần tra chung kéo dài hơn năm giờ.

 

Nga cho biết sau cuộc tuần tra chung trên không, tất cả các phi cơ đã trở về các phi trường căn cứ. Cuộc tuần tra không nhằm vào bất kỳ quốc gia thứ ba nào và là một phần của việc thực hiện “kế hoạch hợp tác quân sự” chung giữa Trung Quốc và Nga.

 

Một oanh tạc cơ chiến lược Tu-95 của không quân Nga được tiếp nhiên liệu trên không trong cuộc tuần tra chung giữa Nga và Trung Quốc trong một bức ảnh chụp từ video công bố hôm 25/07/2024. (Ảnh: Dịch vụ báo chí của Bộ Quốc phòng Nga qua AP)

 

 

Cuộc tuần tra chung này diễn ra trong vòng một ngày trước khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, để hội đàm về những vấn đề bên lề cuộc họp các ngoại trưởng của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á diễn ra tại Vientiane (Viêng Chăn), Lào.

 

Trong báo cáo dự báo chiến lược năm 2022, NATO cho biết bối cảnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể “chuyển thành nỗ lực chủ đạo của Trung Quốc nhằm liên kết hoặc có khả năng hạn chế các quốc gia bị chia rẽ thông qua các đòn bẩy kinh tế, ngoại giao, văn hóa và quân sự gây nguy hiểm cho pháp quyền, trật tự quốc tế, các giá trị dân chủ, tự do hàng hải, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.”

 

Báo cáo này của NATO cũng cho biết “các quốc gia xét lại” như Trung Quốc và Nga tìm cách mở rộng ảnh hưởng khu vực của họ, một phần bằng cách cung cấp sự trợ giúp cho các quốc gia thu nhập thấp trong khu vực này.

 

Mặc dù Trung Quốc và Nga đã và đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung trong nhiều thập niên, nhưng những năm gần đây, sự hợp tác của họ trong vấn đề này đã gia tăng.

 

Các phi cơ của Nga thường xuyên xâm nhập ADIZ của Alaska. Tuy nhiên, theo ông Alexander Korolev, một chuyên gia về hợp tác quân sự Nga-Trung tại Đại học New South Wales ở Sydney, vụ đánh chặn của NORAD hôm 24/07 là lần đầu tiên phi cơ quân sự Trung Quốc bị đánh chặn trong khu vực.

 

Một phát ngôn viên của NORAD mà The Epoch Times liên lạc đã từ chối xác nhận việc phi cơ quân sự Trung Quốc chưa từng bị chặn trong ADIZ của Alaska, và Ngũ Giác Đài đã không phúc đáp một yêu cầu làm rõ vấn đề này.

 

Hồi tháng Ba, Tướng Không quân Gregory M. Guillot, người mà hồi tháng Hai đã tuyên thệ nhậm chức lãnh đạo mới của NORAD, nói với Ủy ban Quân vụ Hạ viện rằng ông tin phi cơ Trung Quốc sẽ sớm bắt đầu hoạt động gần Alaska.

 

(Epochtimes Việt ngữ - Cẩm An lược dịch)

(Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times)