Máy trợ thở được sử dụng cho một bệnh nhân COVID-19 ở Pháp - Ảnh: REUTERS

 

Nhu cầu về máy trợ thở, một trong những thiết bị đặc biệt giúp duy trì sự sống của các bệnh nhân COVID-19 nặng, đang tăng cao tại các nước châu Âu và Mỹ.

 

Gianluca Preziosa, giám đốc một công ty sản xuất máy trợ thở của Ý, đã nhận được lời cầu cứu của chính phủ nước này, dù chỉ là một công ty nhỏ. 25 kỹ sư quân đội đã được điều động tới công ty của Preziosa để hỗ trợ việc giám sát. Chính phủ cũng tuyên bố sẵn sàng cử thêm người tới phụ lắp ráp nếu Preziosa lên tiếng.

"Bình thường mỗi tháng chúng tôi sản xuất được khoảng 160 máy trợ thở. Mục tiêu mà chính phủ đặt ra cho tôi là 2.000 máy trong vòng 4 tháng, nghĩa là phải tăng gấp 3 lần công suất mỗi tháng", Preziosa chia sẻ với Hãng thông tấn AFP.

 

Trong bối cảnh thiếu thốn mọi thiết bị y tế, chính phủ một số nước đã gõ cửa tất cả các nhà sản xuất công nghiệp, thậm chí cả các công ty in 3D với hi vọng có thể tăng số lượng máy trợ thở hiện có.

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bật đèn xanh cho phép Ford, General Motors và Tesla hợp tác sản xuất máy trợ thở, không quên mô tả "thị trường khẩu trang và máy trợ thở thế giới đang vô cùng điên loạn" hôm 24-3.

 

Tuy nhiên, giá cả của máy trợ thở lại rất đắt đỏ (lên tới hàng chục ngàn USD) và mỗi máy chỉ có thể sử dụng được cho một bệnh nhân mỗi lần.

 

Tại Ý, quốc gia có số người chết vì COVID-19 nhiều nhất thế giới, một nhóm các bác sĩ đã đặt ra câu hỏi tại sao không tăng gấp đôi, gấp ba công năng của máy trợ thở. Nghĩ là làm, họ mày mò và cuối cùng đã tìm được cách giúp hai bệnh nhân có thể sử dụng một máy trợ thở cùng lúc.

 

Một trong những nhà sản xuất máy trợ thở lớn nhất thế giới, Hamilton Medical AG, dự kiến ​​sẽ tăng sản lượng lên khoảng 21.000 máy thở trong năm nay, tăng từ 15.000 năm ngoái bằng cách huy động luôn cả nhân viên tiếp thị vào dây chuyền sản xuất và nhiều biện pháp khác.

 

Tuy nhiên, trước sự bùng phát của đại dịch COVID-19 và nhu cầu cao của nhiều nước, lãnh đạo công ty có trụ sở tại Thụy Sĩ này thừa nhận họ cảm thấy bối rối không biết nên nhận đơn hàng của nước nào và từ chối nước nào.

"Chúng tôi đang cố gắng chuyển hàng tới những người đang thực sự cần chúng nhất", giám đốc của Hamilton, ông Andreas Wieland giãi bày và lo ngại việc khước từ có thể khiến công ty này nằm trong danh sách đen của một vài nước.

 

Điều đáng mừng là "nhờ" đại dịch, các công ty đã phá bỏ sự nghi kỵ lẫn nhau và sẵn sàng chia sẻ các tài liệu thiết kế máy trợ thở cho nhau.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

---------------------------------------------------------------------

Cộng Hòa Séc (Czech Repbulic) phát hiện 80% dụng cụ xét nghiệm nhanh COVID-19 của Trung Quốc cho kết quả sai