Amanda Nguyen, sáng lập và giám đốc điều hành tổ chức RISE, ảnh: blog nguyenvantuan.info

 

 

Cô tên là Amanda Nguyễn, 28 tuổi, được đề cử giải Nobel Hoà Bình năm 2019 [1]. Cô còn được tạp chí Time xếp vào nhóm 100 người có ảnh hưởng lớn (Time 100 Next”) [2]. Cuộc đời và sự nghiệp của Amanda là một tấm gương về nghị lực phi thường vì cộng đồng. Cô ấy xứng đáng với danh hiệu “Game Changer”.

 

Hôm qua đọc một bản tin do một người bạn ‘share’ tôi mới biết đến Amanda Nguyễn, và rất ngưỡng phục cô ấy. Amanda sanh năm 1991 ở Corona, thuộc Los Angeles, California. Thân phụ cô là Nguyễn Minh Tú và thân mẫu là Tăng Ngọc Lan, là người tị nạn, gốc Bạc Liêu. Thân mẫu cô từng là sinh viên luật của Đại học Vạn Hạnh, và ngay từ thời đó đã có những hoạt động từ thiện xã hội nổi bật, kể cả giúp đỡ trong chương trình Operation Baby Lift. Bà Ngọc Lan kể lại rằng ngay từ lúc sanh ra, Amanda không khóc mà tò mò nhìn chung quanh [3]. Có thể nói Amanda sanh ra trong một gia đình có truyền thống hoạt động xã hội.

 

Ngay từ tiểu học và trung học, Amanda đã là một học sinh xuất sắc và có khả năng lãnh đạo. Ở lớp 1 mà đã có khả năng phát biểu trước đám đông ở trường và được giao chức vụ lãnh đạo học sinh và gây quĩ giúp bệnh nhân ung thư. Lên trung học, Amanda lại được giao những chức vụ lãnh đạo và được bầu chủ tịch hiệp hội “Future Business Leaders of America” (Lãnh đạo thương mại tương lai) của tiểu bang California nhiệm kì 2008-2009. Nhưng không chỉ là lãnh đạo, về học hành Amanda cũng đứng đầu, tốt nghiệp hạng “Valedictorian” (thủ khoa). Với một thành tích học tập và hoạt động xã hội như thế, không ngạc nhiên khi Amanda được các đại học lừng danh (như UCLA, Stanford, Barkeley, Harvard, v.v.) sẵn sàng cho học bổng. Amanda quyết định chọn Harvard, vì đó là mục tiêu cô đặt ra và phấn đấu lúc còn ở bậc trung học. Chuyện kể rằng, trong phòng riêng, cô viết trên bảng trắng những lời tự rèn luyện và tự giữ kỉ luật để sao cho vào được Đại học Harvard.

 

Ở Harvard, Amanda theo đuổi chương trình cử nhân [tạm dịch] Văn chương và Khoa học (Bachelor of Arts and Science) và tốt nghiệp năm 2013. Trong thời gian theo học ở Harvard, Amanda cũng tiếp tục là một ‘hiện tượng’. Amanda sáng lập ra một course học do sinh viên viết về lịch sử nô lệ, và việc làm này được xem là ‘lịch sử’ của Harvard. Bài luận văn của Amanda được chọn in trong tuyển tập “Harvard Admission Essay Book”. Ngoài học hành, Amanda còn tiếp tục làm việc xã hội nhưng lần này thì tầm quốc tế. Và, ở tuổi 19, cô đi Bangladesh, và giúp truy tố một người đàn ông đã giết cháu gái mình vì đứa cháu bị hiếp. Cô sáng lập ra nhà để nuôi 500 trẻ mồ côi ở Kenya. Điều phi thường là tất cả những việc đó cô làm được trong lúc ở tuổi sinh viên!

 

 

Ngay sau khi tốt nghiệp năm 2013, Amanda được nhận vào làm ‘intern’ (thực tập sinh) tại trung tâm không gian NASA và đồng thời làm việc cho trung tâm vật lí thiên văn Harvard–Smithsonian Center for Astrophysics. Amanda có thời gian làm người liên lạc viên tại Toà Bạch Ốc cho Bộ Ngoại giao Hoa Kì.

 

Năm 2013 cũng là một cái mốc định mệnh về cuộc đời của Amanda, khi cô bị hiếp trong kí túc xá ở Massachusetts. Lúc đó cô quyết định chưa truy tố kẻ tội phạm ra toà vì nghĩ rằng mình chưa đủ tài chánh và tài nguyên để ra toà mà có thể kéo dài nhiều năm. Cảnh sát cho biết rằng luật pháp Massachusetts cho phép cô có thời gian 15 năm để truy tố kẻ tội phạm. Nhưng trong thời gian đó, nạn nhân phải cứ 6 tháng làm thủ tục để gia hạn bộ ‘rape kit’ (pháp y chứng). Sau 6 tháng mà không có gia hạn thì pháp y chứng sẽ bị huỷ bỏ (và nạn nhân khó truy tố kẻ tội phạm)! Sau khi nói chuyện với nhiều nạn nhân khác, Amanda nhận ra sự vô lí của luật pháp và quyết định phải thay đổi bộ luật bất công đó. Năm 2014, Amanda quyết định sáng lập hiệp hội RISE (đứng lên) để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của nạn nhân bị hiếp. Năm 2016, qua sự bảo trợ của Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen, Amanda đưa dự luật vào Quốc Hội Hoa Kỳ và được Hạ Viện cũng như Thượng Viện thông qua. Tháng 10/2016 Tổng Thống Barack Obama kí đạo luật Sexual Assault Survivors’ Rights Act, và đến nay, đạo luật này đã được thông qua ở 25 tiểu bang, yêu cầu chánh phủ phải rõ ràng trong quá trình xét nghiệm nạn nhân bị hiếp. Năm 2016 Amanda nghỉ việc ở Bộ Ngoại giao để dành toàn thời gian cho việc điều hành tổ chức RISE.

 

Amanda được trao rất nhiều giải thưởng danh giá ở Mĩ và trên thế giới. Trong danh sách giải thưởng có giải Heinz Award về chánh sách công, “Time 100 Next”, “Forbes 30 under 30”, và Nelson Mandela Changemarker Award. Năm 2019, cô được đề cử giải Nobel Hoà Bình [1]. Xin nhấn mạnh rằng cô ấy năm nay chỉ 28-29 tuổi!

 

Câu chuyện của Amanda Nguyễn cho ra nhiều bài học về nền tảng gia đình, nền giáo dục, và cả thể chế dân chủ. Xuất thân trong một gia đình có giáo dục đàng hoàng và có truyền thống làm việc thiện, nên Amanda chắc cũng thừa hưởng được truyền thống đó từ mẹ mình. Ra ngoài gia đình, cô ấy được học trong một môi trường giáo dục khuyến khích hoạt động xã hội và rèn luyện khả năng lãnh đạo. Lên đại học, cô sinh viên Amanda có cơ hội phát huy khả năng lãnh đạo thời trung học để làm việc lớn hơn. Nhưng quan trọng nhứt là Amanda chứng minh rằng một cá nhân có thể làm thay đổi thế giới theo chiều hướng tích cực hơn, hay nói theo ngôn ngữ khoa học thời thượng hiện nay là “Game Changer”. Amanda Nguyễn là một Game Changer.

 

Để làm một việc ở bậc “Game Changing” đòi hỏi phải có một môi trường thuận lợi. Đối với Amanda, môi trường đó chính là giáo dục và thể chế. Thử tưởng tượng nếu Amanda ở Việt Nam thì có lẽ cô ấy không có cơ hội để thể hiện khả năng lãnh đạo và thay đổi luật pháp. Thật ra, ngay cả xã hội Việt Nam cũng không khuyến khích một đứa trẻ có những suy nghĩ lớn lao (thậm chí còn mang tiếng là ‘khùng’). Tựu trung lại, một ‘game changer’, ngoài khả năng lãnh đạo và can đảm, còn đòi hỏi một môi trường cởi mở và chấp nhận cái mới.

 

(Theo blog nguyenvantuan.info)

 

***--***

 

 

[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Amanda_Nguyen

[2] https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/amanda-nguyen-phu-nu-goc-viet-trong-danh-sach-time-100-next

[3] https://thenewviet.com/mot-hien-tuong-nguoi-viet.html