Rác thải nhựa. Nguồn: Greenpeace/AAP
Hơn 60 chuỗi siêu thị và các công ty lớn trên khắp nước Úc, Tân Tây Lan và các quốc gia Thái Bình Dương đã ký một hiệp ước nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải nhựa đang ngày càng gia tăng. Hiệp ước được ký giữa lúc nghiên cứu mới tiết lộ rằng chỉ có 20 quốc gia nhưng đã sản xuất hơn một nửa lượng nhựa sử dụng một lần trên thế giới.
Mỗi năm, có hơn 800 ngàn tấn chất thải nhựa gây ô nhiễm đại dương, môi sinh hoặc bị chôn tại các bãi rác của Úc.
Đây từng là một vấn đề nghiêm trọng về môi trường ... nhưng hy vọng sẽ sớm trở thành dĩ vãng.
Hơn 60 công ty đã ký một hiệp ước ... nhằm giảm đáng kể lượng chất thải nhựa gây ô nhiễm tại Úc, Tân Tây Lan và Thái Bình Dương trước năm 2025.
Bà Brooke Donnelly là Giám đốc điều hành của Tổ chức Hiệp ước Đóng gói bao bì Úc, giải thích.
‘Mục đích cuối cùng là sẽ không còn sự ô nhiễm nhựa nữa. Nhựa rất quan trọng bởi vì nó góp phần bảo vệ thực phẩm và thuốc men được an toàn. Nhưng chúng ta đã không quản lý nhựa theo chiều hướng tích cực. Khi sử dụng các bao bì nhựa xong chúng ta vẫn chưa có một giải pháp là sẽ làm gì với chúng.’
Trong số các công ty ký kết hiệp ước này có chuỗi siêu thị Coles, Woolworths và Aldi.
Có bốn mục tiêu chính mà các siêu thị này cam kết đạt được trước năm 2025: đó là loại bỏ bao bì nhựa không cần thiết và những loại bao bì nhựa có vấn đề, cũng như bảo đảm 100 phần trăm bao bì nhựa có thể tái sử dụng, tái chế hoặc có thể phân hủy.
Các công ty cũng hy vọng sẽ tăng 25 phần trăm số lượng bao bì nhựa có thể được thu gom và tái chế; cũng như bảo đảm trung bình 25 phần trăm nội dung tái chế có mặt trong mỗi bao bì nhựa.
Ông Paul Klymenko từ tổ chức Planet Ark nói hiệp ước là một bước tiến quan trọng.
‘Không có gì là không thể thay đổi nhưng bạn quyết định hành động càng nhanh chừng nào thì bạn càng có thể giải quyết vấn đề xong sớm chừng đó, vì vậy tôi nghĩ điều quan trọng là mọi người trên toàn xã hội phải cho rằng đã đến lúc rồi, chúng ta thực sự phải hành động và hiệp ước này là một điều tuyệt vời.’
Tuy nhiên cuộc chiến với nhựa sẽ cần phải được tiến hành theo một cách khác tại các quốc gia Thái Bình Dương, bà Margaret Stuart, người đứng đầu về Hợp tác và Đối ngoại tại Nestle nói:
‘Một số quốc gia không có quyền tiếp cận hệ thống tái chế, họ không có hệ thống thu gom rác tái chế, họ có thể cũng không có bất kỳ hệ thống thu gom chất thải nào - vì vậy chúng ta cần phải hợp tác nhằm nhìn ra những gì có thể làm được trong môi trường đó, cũng như tìm được giải pháp tốt đẹp cho việc đóng gói sau khi hiệp ước đi vào áp dụng.’
Khi những công ty tham gia hiệp ước đang hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn ... thì một phúc trình từ quỹ Minderoo cho biết chỉ có 20 công ty trên thế giới nhưng đã sản xuất tới 55% tổng số rác thải nhựa toàn cầu.
Và Úc là quốc gia tồi tệ nhất về tỉ lệ sử dụng đồ nhựa dùng một lần trên đầu người, chiếm tới 59 kg chất thải.
Vì vậy không chỉ các doanh nghiệp lớn mà mỗi người tiêu dùng đều cần phải ý thức giảm bớt vấn đề này.
Hồi tháng 3/2021, Nam Úc đã trở thành tiểu bang đầu tiên ở Úc cấm sử dụng muỗng nĩa dao nhựa, ống hút và dụng cụ khuấy đồ uống bằng nhựa dùng một lần, sau khi các biện pháp này đã bị trì hoãn vì COVID-19.
Lệnh cấm này đã được quốc hội Nam Úc thông qua vào tháng 9 năm ngoái 2020.
Những người bị phát hiện vi phạm luật cấm bán, cung cấp và phân phối các mặt hàng nhựa sử dụng một lần sẽ bị phạt từ $315 đến $20.000.
Trong khi đó tiểu bang Victoria cũng tuyên bố sẽ loại bỏ đồ nhựa dùng một lần hoàn toàn vào năm 2023.
Tiểu bang Queensland cũng ban hành luật cấm sử dụng ống hút, muỗng nĩa dao nhựa và chén đĩa nhựa dùng một lần kể từ tháng 7 năm 2021.
Đây là một phong trào đã tạo ra sức hút trên khắp thế giới.
Trung Quốc, nhà nhập khẩu nhựa lớn nhất thế giới, đã cấm các loại túi và ống hút nhựa dùng một lần.
Còn Liên minh châu Âu, với gần nửa tỷ dân, cũng đã cấm sử dụng muỗn nĩa dao nhựa, đĩa nhựa, tăm bông và hộp nhựa polystyrene sử dụng một lần.