Hơn 95 phần trăm đại biểu Quốc hội Việt Nam hôm 19/2 bỏ phiếu thông qua dự án đường sắt nối Việt Nam với Trung Quốc.
Giới phân tích đánh giá, dự án tuyến đường sắt nối Trung Quốc với các thành phố lớn ở miền Bắc Việt Nam trị giá hơn 8,3 tỷ đôla vừa được Quốc hội Việt Nam chấp thuận hôm 19/2 sẽ mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho cả Việt Nam và Trung Quốc, nhưng đồng thời sẽ khiến Hà Nội rơi vào bẫy nợ của Bắc Kinh nếu khoản vay quá lớn.
Sáng ngày 19/2, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua một nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng với 455/459 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm hơn 99 phần trăm tổng số phiếu thuận.
Truyền thông trong nước Việt Nam trích nghị quyết cho biết, “Dự án nhằm mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt mới hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc; tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, bảo đảm kết nối hiệu quả các mạng lưới đường sắt trong nước và quốc tế, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế”.
Ông Trần Thanh Cảnh, một người dân ở Hà Nội, cũng là cựu chiến binh sau chiến tranh biên giới phía Bắc, cho biết ông hoan nghênh việc Quốc hội Việt Nam thông qua dự án xây tuyến đường sắt nối với Trung Quốc.
Ông Cảnh nói, “Dự án này đáng ra phải được làm từ lâu rồi, để thông thương miền Tây của Trung Quốc qua con đường ngắn nhất để đi ra biển ở cảng Hải Phòng. Nó đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho cả Việt Nam lẫn Trung Quốc”.
“Đây là một công trình hết sức cần thiết và phù hợp để phát triển kinh tế của cả hai nước”.
Cổng thông của Quốc hội Việt Nam đưa tin rằng chiều dài tuyến chính của tuyến đường sắt này xấp xỉ 391 cây số (km); chiều dài các tuyến nhánh gần 28 km; đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt lớn này là một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đầy tham vọng của Bắc Kinh và đã được thống nhất trong các cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào cuối tháng 8/2024, cũng như tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Hà Nội vào giữa tháng 10/2024.
Ông Lê Minh Nguyên, người quan sát các mối quan hệ quốc tế Trung Quốc-Việt Nam ở bang California, Mỹ, nêu nhận định với VOA rằng, “Việt Nam là nước được xem là cửa ngõ đi qua Đông Nam Á của Trung Quốc. Trong vấn này tôi thấy có cơ hội và rủi ro, mà rủi ro thì tương đối khá lớn”,
“Nợ vay từ Trung Quốc là một rủi ro lớn vì Trung Quốc trong chương trình Vành đai và Con đường (BRI) lâu nay là bẫy nợ. Trong quá khứ, các nhà thầu Trung Quốc làm đường sắt ở Hà Nội rất tốn kém, tiến độ thì kéo dài, và quá đắt…Với dự án này, nếu số vốn quá lớn sẽ là một rủi ro về bẫy nợ”.
Mặc dù vậy, ông nhận định rằng Trung Quốc, với lợi thế là quốc gia có nền công nghệ giao thông đường sắt hiện đại, nếu đồng ý chuyển giao công nghệ cho Việt Nam thì đây sẽ là một ưu thế của dự án mà Hà Nội nên khai thác.
“Cơ hội là có, nhưng với điều kiện là Việt Nam phải cương quyết giữ được độc lập, chủ quyền, vì Trung Quốc càng ngày càng tìm cách đưa ra nhiều quyến rũ để Việt Nam phải đi theo con đường của Trung Quốc”.
Cũng dưới góc nhìn về an ninh quốc gia, ông Cảnh nhận định rằng Việt Nam nên tham gia sáng kiến BRI của Trung Quốc ở một mức độ vừa phải.
“Nếu chúng ta hội nhập sâu sắc vào chiến lược BRI của Trung Quốc thì có thể rất nguy hiểm, nhưng chúng ta cũng không thể tách rời khỏi sự phát triển của Trung Quốc được vì hai nước có rất nhiều mối quan hệ, trong đó có địa chính trị. Việt phát triển con đường sắt này cũng nằm trong chiến lược BRI. Nếu lãnh đạo của Việt Nam có đủ sự tỉnh táo và cân nhắc cần thiếc thì chúng ta nên tham gia vào sự phát triển của Trung Quốc. Tham gia ở một mức độ nào đó thì sẽ có lợi hơn là đứng hẳn bên ngoài”.
Trước đây, trong phiên làm việc của Quốc hôm 10/2, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam, là ông Trần Hồng Minh, cho biết nguồn vốn được sử dụng cho dự án này là ngân sách nhà nước, nguồn vốn trong nước, nguồn vốn nước ngoài, bao gồm có khoản vay từ chính phủ Trung Quốc và các nguồn vốn hợp pháp khác. Tuy nhiên, Bộ trưởng Minh không tiết lộ số tiền vay từ chính phủ Trung Quốc.
Bình luận về việc Quốc hội Việt Nam thông qua dự án này, ông Quách Gia Khôn, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói hôm 19/2 rằng Trung Quốc và Việt Nam từ năm 2024 đã nhiều lần trao đổi quan điểm về việc tăng cường kết nối đường sắt giữa hai nước.
“Hai bên nhất trí đẩy nhanh nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, đẩy nhanh việc lập kế hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng-Hà Nội và tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng, và thúc đẩy công tác xây dựng điểm kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn Hà Khẩu (Trung Quốc) và Lào Cai (Việt Nam)”.
Đài VOV đưa tin, dự án được chính phủ Việt Nam nghiên cứu theo nguyên tắc “ngắn nhất, thẳng nhất có thể” và đã được sự “thống nhất” của các địa phương có dự án đi qua.
Theo Tuổi Trẻ Online, tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 2.632 héc-ta đất, số dân tái định cư khoảng 19.136 người.
Nghị quyết của Quốc hội Việt Nam, hôm 19/2, phân công Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận chủ trương đầu tư dự án, giám sát việc thực hiện dự án.
(Theo VOA)