(Ảnh: nghiencuuquocte.org)

 

 

Nguồn: Paul Huang, “Taiwanese Missile Units Are Giving Away Their Positions to China,” Foreign Policy, 21/10/2024

 

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng (nghiencuuquocte.org)

 

Quân đội Đài Loan vẫn chưa thích nghi với thời đại tình báo nguồn mở.

 

 

Lại là một ngày bình thường ở Đài Loan, khi Trung Quốc phát động một đợt tập trận quân sự mới. Trong lúc các tàu chiến và máy bay của Trung Quốc một lần nữa hung hăng bay vòng quanh Đài Loan, Đài Bắc đã điều động quân đội của mình đến các vị trí phòng thủ trên khắp hòn đảo. Một trong số những vị trí quan trọng nhất là một nhóm các đơn vị mặt đất di động mang theo hỏa tiễn chống hạm để ngăn chặn các tàu Trung Quốc xâm lược. Tuy nhiên, người Đài Loan không biết rằng các hoạt động của họ đã bị lộ, và những nơi ẩn náu được cho là bí mật của họ đã bị tình báo Trung Quốc theo dõi một cách dễ dàng. Nếu đây là một cuộc chiến thực sự, họ sẽ chỉ còn cách sự hủy diệt vài giây.

 

 

Đó chính là những gì đã xảy ra vào tháng 5, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức nhậm chức vào ngày 20/05. Bắc Kinh cáo buộc Lại Thanh Đức và Đảng Dân Tiến của ông theo đuổi độc lập cho Đài Loan – nhưng ngày nay, chỉ cần một hành động nhỏ cũng đủ để khiêu khích Trung Quốc tiến hành một loạt các cuộc tập trận xung quanh hòn đảo mà họ tuyên bố là một phần lãnh thổ của mình.

 

Cụ thể, vào ngày 23/5, Đài Bắc đã điều động quân đội để đối đầu với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trên không và trên biển như trước đây, dù một lần nữa, không có phát súng nào được bắn ra. Các cuộc tập trận của Trung Quốc sớm kết thúc, và chính quyền Đài Loan đã ăn mừng chiến thắng, tuyên bố rằng quân đội của họ đã kiểm soát được mọi thứ và mọi người nên yên tâm.

 

Nhưng chỉ vài ngày sau, vào tháng 6, một bài viết xuất hiện trên WeChat, nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất của Trung Quốc. Bài viết được xuất bản bởi Công nghệ Bắc Kinh Lam Đức, một công ty Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, chuyên cung cấp “dịch vụ nghiên cứu và tư vấn” trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Bài viết có thể truy cập công khai trên WeChat đã chứng minh khả năng thu thập thông tin tình báo về quân đội Đài Loan của công ty này.

 

 

TVBS, một đài truyền hình cáp lớn của Đài Loan, đã công bố những bức ảnh dân sự, đi kèm mô tả vị trí của đơn vị hỏa tiễn Hải Phong của quân đội Đài Loan được phát hiện ở Đài Trung vào tháng 5. © Hình ảnh được chia sẻ bởi một cư dân địa phương, công bố qua TVBS.

 

 

Trọng tâm vụ việc là một hạm đội các đơn vị hỏa tiễn trên bộ của quân đội Đài Loan và các hoạt động của họ trong cuộc tập trận của Trung Quốc vào tháng 5. Các đơn vị Hải Phong, có nghĩa là “gió biển,” là một trong những bộ phận quan trọng nhất về mặt chiến lược trong hệ thống phòng thủ của Đài Loan. Được Hải quân Trung Hoa Dân Quốc (ROC) vận hành trên đất liền, Hải Phong chuyên khai triển các hỏa tiễn chống hạm bản địa của Đài Loan, gồm hỏa tiễn cận âm Hùng Phong II (HF-II) và hỏa tiễn siêu thanh Hùng Phong III (HF-III), vốn là tuyến phòng thủ cuối cùng của hòn đảo này trước cuộc xâm lược đổ bộ của Trung Quốc. Họ cũng sẽ vận hành các hỏa tiễn Harpoon do Mỹ sản xuất, dù việc giao hàng đã bị trì hoãn liên tục.

 

Bài viết của công ty Trung Quốc đã cung cấp tọa độ chính xác của 12 căn cứ nơi các đơn vị Hải Phong đóng quân. Các chuyên gia cho biết không khó để tìm ra các căn cứ cố định, và quân đội Đài Loan cho rằng Bắc Kinh đã biết vị trí của chúng, đó là lý do tại sao các lực lượng cơ động như Hải Phong được thiết kế – để họ có thể phân tán khắp Đài Loan và sống sót sau đợt tấn công ban đầu trong một cuộc chiến, chí ít là trên lý thuyết.

 

 

Vị trí các căn cứ và bệ phóng của đơn vị hỏa tiễn chống hạm Hải Phong, như được tiết lộ bởi một công ty Trung Quốc. © Paul Huang

 

 

 

Một đơn vị Hải Phong điển hình bao gồm ít nhất ba đến bốn bệ phóng hỏa tiễn, được hộ tống bởi một số xe hỗ trợ. Ý tưởng cơ bản là Trung Quốc sẽ khó có thể theo dõi các đơn vị này một khi họ đã lên đường. Họ có thể lựa chọn các địa điểm ngẫu nhiên trên khắp Đài Loan, nâng bệ phóng, rồi bắn một loạt hỏa tiễn chống hạm vào các hạm đội Trung Quốc và phân tán trước khi PLA kịp phản công – một chiến thuật quân sự được gọi là “bắn rồi chạy.”

 

Nhưng điều đáng báo động là bài báo của Trung Quốc đã tiết lộ một số địa điểm chính xác trên khắp Đài Loan, nơi các đơn vị Hải Phong đã được khai triển trong tư thế sẵn sàng bắn vào ngày 23/5. Các bức ảnh cho thấy các đơn vị này với bệ phóng được nâng lên và sử dụng lưới ngụy trang. Một đơn vị được phối trí tại bãi đậu xe của một khách sạn nghỉ dưỡng ven biển ở Nghi Lan, phía tây bắc Đài Loan, một đơn vị khác ở bãi đậu xe của một thủy cung gần cảng Đài Trung, thành phố lớn thứ hai của Đài Loan. Ở mũi cực nam của Đài Loan, một đơn vị khác nữa đã ở trong một bãi đậu xe bên trong Vườn quốc gia Khẩn Đinh.

 

 

 

Thời báo Tự do, một tờ báo lớn của Đài Loan, đã công bố những bức ảnh dân sự, đi kèm mô tả vị trí của đơn vị hỏa tiễn Hải Phong của quân đội Đài Loan được phát hiện ở Nghi Lan vào tháng 5. © Hình ảnh được chia sẻ bởi một cư dân địa phương, công bố trên Thời báo Tự do.

 

 

Hóa ra, công ty Trung Quốc đã không sử dụng bất kỳ thông tin rò rỉ bí mật hay tin tặc tiên tiến nào. Tất cả các đơn vị này đều đã bị chính người Đài Loan phát hiện và tiết lộ – một số do các nhà báo và một số khác do người dân trong khu vực đăng ảnh lên mạng xã hội. Johnson Liu, phóng viên của tờ Liên Hợp Báo của Đài Loan, người đã đăng một bài viết về hỏa tiễn, đã xác nhận với tôi rằng đây không phải là một “ảnh chụp có kế hoạch” (photo-op) nhưng anh ấy cùng các phóng viên khác đã được các nguồn tin địa phương “nhìn thấy đoàn xe quân sự tiến vào khu vực này” báo tin.

 

Liu nói, “Bộ Quốc phòng không bao giờ nói với chúng tôi bất cứ điều gì, nhưng tôi đã thấy các đơn vị hỏa tiễn sử dụng bãi đậu xe đó trong các cuộc tập trận trước đây và biết ngay họ sẽ đi về đâu.” Dù các phương tiện truyền thông Đài Loan hoặc cư dân mạng không đi xa đến mức nêu rõ địa điểm chính xác, nhưng tất cả những gì các nhà nghiên cứu Trung Quốc cần là điều tra trên web, sử dụng các nguồn công khai như Google Maps để tìm kiếm và xác định chính xác địa điểm từ những bức ảnh có sẵn. Người Trung Quốc thậm chí còn tính được cả các tuyến đường và thời gian di chuyển cần thiết.

 

 

 

Liên Hợp Báo, một tờ báo lớn tại Đài Loan, đã công bố hình ảnh và vị trí đơn vị hỏa tiễn Hải Phong của quân đội Đài Loan được phát hiện tại bãi đậu xe của Vườn quốc gia Khẩn Đinh vào tháng 5. © Johnson Liu/ Liên Hợp Báo

 

 

 

Khi điện thoại thông minh và mạng xã hội được sử dụng rộng rãi trong những thập kỷ gần đây, tình báo nguồn mở (open-source intelligence, OSINT) đã trở thành điều thường thấy, như được chứng minh một cách sống động trong chiến tranh Nga-Ukraine. Trước sức mạnh hỏa tiễn của Trung Quốc, Đài Loan đã không áp dụng mức độ an ninh cần thiết để giữ an toàn cho các đơn vị của mình.

 

Một hỏa tiễn Đông Phong được phóng từ tỉnh Phúc Kiến hoặc Giang Tây của Trung Quốc có thể tấn công bất cứ nơi nào ở Đài Loan chỉ trong vòng năm đến bảy phút. Đài Loan có một số nguồn cảnh báo sớm từ hệ thống radar PAVE PAWS khổng lồ cùng các radar phòng không khác, với khả năng dự đoán nơi hỏa tiễn đạn đạo có thể hạ cánh chí ít là trước khi chính các radar bị phá hủy. Nhưng “sương mù” của chiến tranh và độ trễ trong liên lạc giữa các lực lượng có nghĩa là những cảnh báo này khó có thể đến tay các đơn vị dã chiến kịp thời.

 

Công ty Trung Quốc đứng sau bài viết trên WeChat dường như là một công ty thương mại. Trang web của công ty này tự hào có hàng trăm bài nghiên cứu về các vấn đề quân sự và an ninh toàn cầu, một vài trong số đó liên quan đến Đài Loan. Công ty này và công ty mẹ của nó nằm trong danh sách các công ty đã nhận được hỗ trợ vườn ươm khởi nghiệp từ Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc vào năm 2022, nhưng họ không thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc. Dù công ty không liệt kê khách hàng của mình, các chuyên gia mà tôi đã liên hệ đánh giá rằng báo cáo của công ty về quân đội Đài Loan – qua đó giới thiệu năng lực của họ với công chúng – có thể là một nỗ lực nhằm thu hút thêm sự quan tâm và hợp đồng từ chính phủ hoặc quân đội Trung Quốc.

 

Điều này không quá khác biệt so với cộng đồng tình báo và Bộ Quốc phòng Mỹ ngày nay, những người cũng được hỗ trợ bởi một loạt các công ty tư vấn và nhà thầu dân sự, được gọi là “tình báo thuê ngoài.” Nhưng giống như ở Mỹ, các công ty Trung Quốc và hoạt động nghiên cứu OSINT của họ chỉ đại diện cho cấp độ thấp nhất trong năng lực tình báo, giám sát, và trinh sát tổng thể của Trung Quốc, vì chắc chắn rằng ở cấp độ chính phủ và quân đội, Trung Quốc sở hữu các công cụ mạnh mẽ, đắt tiền, và bí mật hơn rất nhiều.

 

Ví dụ, hệ thống vệ tinh viễn thám thương mại Cát Lâm-1  của Trung Quốc được cho là đã đạt số lượng khoảng 138 vệ tinh vào năm 2023, và có thể từ trên không gian chụp ảnh của bất kỳ địa điểm nào trên Trái Đất sau mỗi 10 phút. Ngoài ra, PLA và tình báo Trung Quốc còn có quyền truy cập vào các đội vệ tinh do thám mạnh mẽ và bí mật hơn bao gồm hàng trăm vệ tinh Dao Cảm và Cao Phân.

 

Có lẽ vẫn là hơi quá khi nói rằng Trung Quốc ngày nay có thể theo dõi mọi khu vực của Đài Loan mọi lúc. Nhưng tiết lộ này là bằng chứng cho thấy năng lực của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, được hỗ trợ bởi sự bất lực của Đài Loan trong việc che giấu bí mật trong thời đại truyền thông xã hội. Quân đội Đài Loan phải hoạt động với sự siêng năng và linh hoạt về mặt chiến thuật, nếu không, họ có thể chứng kiến các tài sản phòng thủ quan trọng nhất của mình dễ dàng bị Trung Quốc phá hủy ngay từ khi bắt đầu cuộc chiến.

 

Trương Kinh, một nhà phân tích quốc phòng tại Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược có trụ sở tại Đài Bắc và là cựu đại úy Hải quân ROC, nhận định các hoạt động của đơn vị Hải Phong ngày hôm đó có thể là một nỗ lực để vào vị trí bắn, nhưng lại được thực hiện một cách liều lĩnh và không quan tâm đến bảo đảm an toàn cho chiến dịch.

 

Các chuyên gia cũng đặt câu hỏi tại sao các đơn vị hỏa tiễn không di dời ngay lập tức trong ngày hôm đó sau khi vị trí của họ bị truyền thông và mạng xã hội tiết lộ rõ ràng. James Huang, một trung tá đã nghỉ hưu của Quân đội ROC và một nhà bình luận về các vấn đề quốc phòng, nói với tôi rằng trong khi lý lẽ thông thường và học thuyết quân sự đòi hỏi một phản ứng ngay lập tức, thì các đơn vị này nhiều khả năng vẫn ở nguyên vị trí vì các chỉ huy thực địa của họ đã được sở chỉ huy “giao cho” những vị trí đó và những người này không có trực giác hoặc khả năng sáng tạo để di chuyển các đơn vị của họ đến nơi an toàn. Huang mô tả điều đó là điển hình cho mô hình chỉ huy và kiểm soát theo kịch bản định sẵn, từ trên xuống dưới của quân đội Đài Loan.

 

Những cựu quân nhân như Trương và Huang nói rằng các đơn vị Hải Phong có nhiều địa điểm “chờ” hơn trên khắp Đài Loan vẫn chưa được tiết lộ cho công chúng, và những gì bài báo của Trung Quốc tiết lộ chỉ là một phần nhỏ trong tổng số lực lượng. Tuy nhiên, với mỗi địa điểm tiềm năng bị tiết lộ và ghi lại, “bức tranh mục tiêu” của Trung Quốc lại càng trở nên chính xác, PLA có thể theo dõi các hoạt động của họ bằng vệ tinh và các công cụ khác một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn, và viễn cảnh sống sót của các đơn vị Đài Loan này càng trở nên ảm đạm hơn khi chiến tranh xảy ra.

 

Ngay cả Cơ quan Thông tấn Trung ương Đài Loan cũng thường xuyên công bố hoặc quảng bá tin tức và hình ảnh dân thường phát hiện các đơn vị hỏa tiễn di động trên đường để củng cố tinh thần quốc gia, đôi khi thậm chí còn cung cấp lộ trình chi tiết và thời gian di chuyển. Các chuyên gia nhận xét sự thiếu nhận thức về an ninh này của chính phủ và quân đội là ngu ngốc và tự làm hại bản thân.

 

 

 

Các phương tiện truyền thông nhà nước của Đài Loan như Cơ quan Thông tấn Trung ương thường xuyên tiết lộ các hoạt động của quân đội nước này. Đây là một bài viết vào tháng 7/2024 chia sẻ bức ảnh của một thường dân chụp lại các đơn vị hỏa tiễn Hải Phong ở Đài Đông, cung cấp thông tin chi tiết về vị trí và tuyến đường. © Cơ quan Thông tấn Trung ương Đài Loan

 

 

 

Trương nói, “Đài Loan quá nhỏ để che giấu bất cứ điều gì. Người dân và thậm chí cả viên chức chính phủ nói chung đều thiếu nhận thức về việc bảo vệ thông tin nhạy cảm, điều này càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.”

 

Các đơn vị hỏa tiễn di động được cho là một trong những đơn vị quân sự bền bỉ và khó theo dõi nhất. Các chuyên gia của Mỹ cũng như Lầu Năm Góc đã nhiều lần kêu gọi Đài Loan mua và khai triển thêm hỏa tiễn chống hạm Harpoon. Đánh giá quốc phòng bốn năm một lần năm 2021 của Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng liệt kê hỏa tiễn chống hạm là vũ khí chính trong số những vũ khí được cho là “bất đối xứng,” nghĩa là chúng “tàng hình, di động, và khó phát hiện.”

 

Tuy nhiên, nếu những vũ khí này không được vận hành một cách thông minh, chúng có thể dễ thấy và dễ bị tổn thương hơn các loại vũ khí thông thường như xe tăng và máy bay chiến đấu, Lyle Goldstein, chuyên gia về PLA và là giáo sư tại Đại học Brown, nhận xét.

 

Goldstein nói thêm “Nhiều người cho rằng chiến lược phòng thủ của Đài Loan nên dựa trên những vũ khí được cho là không đối xứng này, nhưng họ đã bỏ qua điểm yếu lớn của Đài Loan trong thời đại hỏa lực chính xác tầm xa.” Ông chỉ ra rằng bên cạnh hỏa tiễn, Trung Quốc còn đang khai triển một đội quân lớn các loại đạn dược trên không như máy bay không người lái tự sát, vốn có thể được sử dụng để tấn công Đài Loan trong một cuộc chiến.

 

Ở Ukraine, Nga đang ngày càng thành công trong việc định vị và phá hủy các đơn vị hỏa tiễn di động của Ukraine như bệ phóng HIMARS do Mỹ cung cấp, dù người Ukraine vận hành chúng với sự bảo mật và bí mật cực độ. Trong khi đó, Đài Loan nhỏ hơn Ukraine đến 17 lần, nên tình báo Trung Quốc có thể dễ dàng lập bản đồ và theo dõi mọi thứ hơn rất nhiều.

 

Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền và giới lãnh đạo quân đội Đài Loan hiện tại không muốn hoặc không có khả năng đối mặt với thực tế. Trong những tuần sau khi bài viết của công ty Trung Quốc được công bố, nó nhận được rất ít sự chú ý ở Đài Loan và chỉ một số ít phương tiện truyền thông chịu đưa tin, trong đó xem nhẹ nó là trò “tuyên truyền.” Truyền thông nhà nước Đài Loan thậm chí còn trích lời một “chuyên gia” có liên hệ với bộ quốc phòng, khoe khoang rằng “người Trung Quốc sợ hỏa tiễn của chúng ta.”

 

Theo một cựu nhân viên cấp cao tại Hội đồng An ninh Quốc gia Đài Loan dưới thời chính phủ tiền nhiệm Thái Anh Văn (yêu cầu giấu tên), sự kiêu ngạo này và thái độ từ chối thừa nhận sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc chính là thái độ phổ biến ở cấp cao nhất của Bộ Quốc phòng và lãnh đạo an ninh quốc gia Đài Loan.

 

“Mọi người – kể cả người Mỹ – chỉ quan tâm đến những vũ khí hào nhoáng mà Đài Loan mua và giả vờ rằng chúng ta càng có nhiều vũ khí thì chúng ta càng an toàn. Họ đã sai hoàn toàn,” nhân viên này nói, bình luận về sự yếu kém của các đơn vị hỏa tiễn di động của Đài Loan. “Không có lượng vũ khí nào có thể khắc phục được những thiếu sót và sự bất tài ở cấp độ chiến thuật và chiến dịch, nhưng hầu như chẳng ai quan tâm đến những cải cách mà chúng ta thực sự cần.”

 

“Bất kỳ sai lầm nào có thể xảy ra sẽ xảy ra, và bất kỳ đơn vị quân đội nào đã bị lộ trước kẻ thù trong thời bình sẽ bị phá hủy trong thời chiến,” nhân viên này tuyên bố. “Chúng ta sẽ chứng kiến điều này trong một cuộc chiến trừ phi có những thay đổi cơ bản ở cấp lãnh đạo và chúng ta nên bắt đầu đối xử với chiến tranh như nó vốn có, chứ không phải như chúng ta mong muốn.”

 

 

Paul Huang là nghiên cứu viên của Quỹ Ý kiến Công chúng Đài Loan.

 

(nghiencuuquocte.org)