(Ảnh: nghiencuuquocte.org)

 

 

Nguồn: Gideon Rachman, “The west should not succumb to cynical regret over Syria,” Financial Times, 09/12/2024

 

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng (nghiencuuquocte.org)

 

Nhiều chuyện vẫn có thể diễn ra không như mong đợi, nhưng sự sụp đổ của một trong những lãnh tụ độc tài tàn bạo nhất thế giới là điều đáng hoan nghênh.

 

 

 

“Assad phải ra đi,” Barack Obama đã nói như vậy vào năm 2013. Hơn một thập kỷ sau, lãnh tụ độc tài Syria đã thực sự ra đi. Nhưng tâm trạng chung ở Mỹ và châu Âu là cảnh giác hơn là ăn mừng.

 

Lịch sử gần đây ở Trung Đông cho chúng ta lý do chính đáng để thận trọng. Việc lật đổ các lãnh tụ độc tài khác, như Saddam Hussein ở Iraq và Muammer Gaddafi ở Libya, đã dẫn đến bạo lực hỗn loạn thay vì hòa bình và ổn định. Việc lực lượng đánh bại Assad, Hayat Tahrir al-Sham (HTS), bị Mỹ, Liên Hiệp Quốc, và nhiều nước châu Âu phân loại là một nhóm khủng bố càng làm tăng thêm nỗi sợ. Ký ức về sự trỗi dậy của ISIS ở Syria và Iraq năm 2014 cũng vẫn còn rất mới

 

Dù không nói ra, nhưng có lẽ Mỹ và châu Âu vẫn thích “con quỷ mà họ đã biết,” Assad, hơn là sự bất ổn của một trật tự mới ở Syria, trong đó HTS là lực lượng hùng mạnh nhất. Một nhà lãnh đạo ở Âu châu nói,  “Những chiến binh thánh chiến cải cách nghe có vẻ mâu thuẫn với tôi.”

 

Hồi tuần trước, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã công khai ủng hộ Assad. Ngay cả Israel – quốc gia góp phần lớn vào rắc rối của Assad, bằng cách tiêu diệt các đồng minh Hezbollah của ông ta ở Lebanon – cũng sẽ thích chế độ cũ hơn chế độ mới. Yoram Hazony, một học giả người Israel thân cận với Benjamin Netanyahu, gọi HTS là “những con quái vật kề cận al-Qaeda” và nói rằng thành công của lực lượng này là một “thảm họa.” Trên thực tế, tác nhân mạnh duy nhất ở khu vực ủng hộ HTS là chính phủ của Recep Tayyip Erdoğan ở Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Nhưng vì cả lý do nhân đạo và địa chính trị, thật sai lầm khi những người Tây phương bên ngoài hối tiếc về sự sụp đổ của chế độ Assad. Có thể nói đây là chính quyền tàn bạo nhất trong một khu vực đầy rẫy những chế độ khủng khiếp. Hơn 500.000 người đã chết ở Syria kể từ khi nội chiến nổ ra vào năm 2011 – và hơn 90% nạn nhân đã bị chính phủ Syria và các đồng minh nước ngoài của họ giết hại.

 

Hàng ngàn tù nhân chính trị từng bị giam tại các nhà tù của Assad – nơi tra tấn và giết người là chuyện thường ngày – giờ đây đang được trả tự do và những câu chuyện của họ sẽ rất kinh hoàng. Cuộc nội chiến do Assad tiến hành đã khiến hàng triệu người Syria phải chạy trốn khỏi đất nước, tạo ra một cuộc khủng hoảng tị nạn làm mất ổn định ở EU, và gây căng thẳng nghiêm trọng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Syria dưới thời Assad cũng trở thành trung tâm của tội phạm xuyên quốc gia và buôn bán ma túy.

 

Sự sụp đổ của Assad cũng là một đòn giáng mạnh vào cả Nga và Iran. Việc Vladimir Putin can thiệp quân sự thành công vào Syria năm 2015 đã gửi đi một thông điệp rằng Nga đã trở lại với tư cách là một cường quốc toàn cầu. Việc phô trương sức mạnh và sự tàn nhẫn không thể chối cãi của Putin ở Syria đã giúp ông trở nên bạo dạn hơn cho cuộc xâm lược toàn diện tiếp theo vào Ukraine vào năm 2022. Ngược lại, hành động rút lui và thất bại của Moscow ở Syria nhấn mạnh cách cuộc chiến ở Ukraine đã làm cạn kiệt nguồn lực của Nga – và làm suy yếu ý tưởng rằng các vấn đề quốc tế đang dịch chuyển theo hướng có lợi cho Putin.

 

Thất bại của Iran thậm chí còn đau hơn thế. Trong những thập kỷ gần đây, chế độ Iran đã xây dựng một mạng lưới lực lượng ủy nhiệm hùng mạnh và tàn bạo trên khắp Trung Đông. Tuy nhiên, các lực lượng ủy nhiệm của Iran đang lần lượt bị tiêu diệt. Hamas đã bị quân đội Israel hủy diệt ở Gaza – dù phải trả cái giá nhân mạng khủng khiếp. Hezbollah đang chao đảo ở Lebanon và không còn khả năng chiến đấu ở Syria. Các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran nhắm vào Israel đã thất bại. Nếu Iran mất đi vị thế hùng mạnh của mình ở Syria, thì sức mạnh khu vực của Iran về cơ bản sẽ sụp đổ chỉ trong vòng vài tháng.

 

Tất nhiên, có rất nhiều lý do để lo lắng về những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nếu chế độ Iran mất đi lá chắn ủy nhiệm trong khu vực, họ có thể tìm con đường khác để bảo vệ mình – chẳng hạn như đẩy nhanh tiến độ trang bị vũ khí nguyên tử. Giao tranh tái diễn có thể biến Syria thành một quốc gia thất bại và dẫn đến một làn sóng người tị nạn mới. Và HTS có thể biến một số khu vực của đất nước thành nơi ẩn náu an toàn cho chủ nghĩa khủng bố.

 

Tuy nhiên, một số tổ chức phi chính phủ Tây phương từng làm việc với HTS ở những vùng mà nhóm này đã kiểm soát ở Syria nhận thấy lực lượng này được tổ chức tốt, thực dụng, và sẵn sàng cũng như có khả năng giao tiếp với thế giới bên ngoài. Họ đã lên tiếng cảnh báo chống lại bất kỳ giả định nào rằng HTS sẽ trở thành al-Qaeda dưới một hình dáng mới.

 

Phản ứng thận trọng của Tây phương trước sự sụp đổ của Assad phản ánh hy vọng tan vỡ từ cuộc nổi dậy của người Ả Rập năm 2011. Việc Syria rơi vào nội chiến tàn khốc khi đó vẫn là một câu chuyện cảnh giác, được trích dẫn bởi những người lo lắng về sự lạc quan ngây thơ trước sự sụp đổ của các chế độ độc tài ở Trung Đông.

 

Nhưng cũng có một thứ gọi là sự bi quan ngây thơ. Việc tin rằng Assad đã nắm vững quyền lực và rằng người dân ở Syria và ở khu vực rộng lớn hơn không thể mong đợi điều gì tốt ngoài sự đàn áp tàn bạo liên tục không chỉ là sự hoài nghi – mà còn sai về mặt phân tích. Ả Rập Saudi, nước đã mở lại đại sứ quán tại Damascus vào đầu năm nay, là một ví dụ nổi bật về một chính phủ quyết định thỏa hiệp với Assad ngay khi quyền lực của ông ta sắp sụp đổ. Phải đến khi cuộc chiến ở Lebanon nổ ra, người ta mới thấy được quyền lực của chế độ Assad mong manh đến mức nào.

 

Giữa tất cả những lo lắng dễ hiểu về tương lai của Syria hậu Assad, thật dễ dàng để quên đi một sự thật đơn giản. Sự sụp đổ của một chế độ tàn bạo có liên kết với các chế độ tàn bạo khác là một điều tốt.

 

 

(nghiencuuquocte.org)