Hoa Kỳ đã bày tỏ lo ngại, trong khi các chuyên gia phân tích cho rằng mục đích của Ấn Độ là tạo sự đối trọng cho mối bang giao của Nga với Trung Quốc.

 

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham dự buổi lễ trao Huân chương Thánh Andrew Tông đồ cho thủ tướng Ấn Độ, sau cuộc hội đàm tại Điện Kremlin ở Moscow, hôm 09/07/2024. (Ảnh: Alexander Nemenov/AFP qua Getty Images)

 

 

NEW DELHI—Hôm 08 và 09/07, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đến thăm Nga trong chuyến thăm cấp quốc gia đầu tiên kể từ khi nhậm chức hồi tháng trước trong nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp.

 

Đây cũng là chuyến công du đầu tiên của ông Modi tới Moscow kể từ khi bắt đầu chiến tranh Ukraine. Chuyến thăm này đã khiến phương Tây phải đặt câu hỏi về lập trường của Ấn Độ về cuộc chiến này. Mặt khác, các chuyên gia phân tích cho rằng đây là một phần của chiến lược nhằm giúp Nga tránh xa sự phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc.

 

Ông Nishakant Ojha, một chuyên gia phân tích địa chính trị ở New Delhi và từng phục vụ trong những phái đoàn ngoại quốc khác nhau cho Ấn Độ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng, “Chuyến thăm Nga của Thủ tướng Modi nêu bật hành động cân bằng chiến lược của Ấn Độ trong việc duy trì mối bang giao bền chặt với Moscow giữa lúc Nga và Trung Quốc ngày càng thắt chặt bang giao, cuộc xung đột [của Nga] với Ukraine đang tiếp diễn, và các liên minh toàn cầu đang thay đổi,”

 

Chuyến công du của ông Modi trùng hợp với những diễn biến ngày càng leo thang trong khu vực này. Chỉ vài giờ trước khi ông Modi hạ cánh xuống Moscow, 41 người (trong đó có trẻ em tại một bệnh viện ở Kyiv) đã bị thiệt mạng do phi đạn ở Ukraine. Chuyến đi cũng diễn ra ngay trước hội nghị thượng đỉnh NATO thường niên ở Hoa Thịnh Đốn, nơi mà cuộc chiến Nga-Ukraine là chủ đề chính trong nghị trình.

 

Trở lại Ấn Độ, 5 binh sỹ đã thiệt mạng trong một cuộc phục kích của phiến quân ở khu vực phía bắc Jammu chỉ vài giờ sau khi ông Modi đến Moscow. Ngày càng nhiều cuộc tấn công như vậy nhắm vào khu vực này trong những ngày gần đây.

 

Các chuyên gia phân tích cho biết, trong bối cảnh tình hình địa chính trị phức tạp, mối quan hệ đối tác chiến lược của Ấn Độ với Hoa Kỳ đã phát triển nhanh chóng, trong khi mối quan hệ giữa nước này với Nga—vốn là đối tác quốc phòng truyền thống của New Delhi—đã đi xuống, đặc biệt kể từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra.

 

Tuy nhiên, giao thương của Ấn Độ với Nga đã tăng lên, với lượng xuất cảng dầu mỏ từ Nga sang Ấn Độ tăng 8.2% trong tháng Tư so với tháng trước đó.

 

Ông Ojha nói: “Bất chấp những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập ông Putin, các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, và nhiều quốc gia khác nhau ở Trung Đông, châu Phi, và châu Mỹ Latinh vẫn tiếp tục hợp tác với Nga, với các số liệu thương mại cho thấy sự tăng trưởng.”

 

Việc ông Modi đến thăm Moscow đã làm dấy lên sự phẫn nộ rộng rãi trên mạng xã hội.

 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nhận xét chuyến thăm của ông Modi là “tạo ra thất vọng to lớn và giáng một đòn mạnh vào nỗ lực hòa bình.”

 

Từ quan điểm của Ấn Độ, chuyến thăm Nga của ông Modi không phải là một thông điệp gửi đến phương Tây, theo ông Pathikrit Payne, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Quỹ nghiên cứu Tiến sỹ Syama Prasad Mookerjee có trụ sở tại New Delhi.

 

Ông Payne nói với The Epoch Times “Ông Modi đã đến Hội nghị thượng đỉnh G7 ngay cả trước chuyến thăm này. Tuy nhiên, phương Tây phải thoát ra khỏi tư duy nước đôi rằng ai đó hoặc là ủng hộ họ, hoặc là chống lại họ.”

 

Theo lời mời của Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, từ ngày 13 đến 15/06, ông Modi đã đến làm khách mời tại hội nghị thượng đỉnh G7 với tư cách là một “quốc gia tiếp cận.” Trong một thông báo được đăng trên nền tảng mạng xã hội X hôm 15/06, ông Modi nói rằng tại sự kiện này, ông “đã trình bày quan điểm của Ấn Độ trên trường thế giới.”

 

 

Bức ảnh do hãng thông tấn nhà nước Nga Sputnik phát hành cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham quan gian hàng Atom, một trung tâm triển lãm thường trực được thiết kế để thể hiện những thành tựu chính trong quá khứ và hiện đại của Nga trong ngành điện hạt nhân, tại Trung tâm Triển lãm All-Russia ở Moscow, hôm 09/07/2024. (Ảnh: Artem Geodakyan/Pool/AFP qua Getty Images)

 

 

Kêu gọi chấm dứt chiến tranh

 

Phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ, đã kêu gọi Ấn Độ lên án Nga về cuộc tấn công Ukraine. Mặc dù Ấn Độ đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố cụ thể nào như vậy nhưng nước này đã kêu gọi chấm dứt chiến tranh.

 

 

Trong chuyến đi tới Moscow, tuy không trực tiếp chỉ trích ai nhưng ông Modi gọi vụ việc trẻ em thiệt mạng là “điều đau lòng.”

Ông Modi nói: “Cho dù đó là chiến tranh, xung đột, hay tấn công khủng bố, tất cả những ai tin tưởng vào nhân đạo đều đau buồn khi có mất mát sinh mạng.”

“Nhưng khi những trẻ em vô tội bị sát hại, khi chúng tôi chứng kiến ​​những đứa bé vô tội ra đi, thì thật đau lòng và là nỗi đau tột cùng.”

 

Khi nói về một “cuộc tấn công khủng bố,” ông Ojha cho biết ông Modi đang gửi một thông điệp tới Pakistan, quốc gia mà Ấn Độ cáo buộc tài trợ cho khủng bố trên đất của mình, bao gồm cả vụ bạo lực gần đây ở thành phố Jammu.

Ông Ojha nói: “Không thể loại trừ việc [Ấn Độ] có thể bất kỳ hoạt động quân sự nào chống lại Pakistan và các nước thù địch [trong tương lai]”.

 

Một tuyên bố chung giữa Ấn Độ và Nga sau hội nghị thượng đỉnh đã lên án vụ tấn công khủng bố gây thương vong hôm 08/07 nhắm vào một đoàn xe quân sự ở Jammu, cũng như các cuộc tấn công gần đây ở Cộng hòa Dagestan và Moscow.

 

Ông Payne nói: “Nga và Ấn Độ đều giống nhau trong việc lên án một cách dứt khoát tất cả các loại khủng bố.”

 

Ông Akhil Ramesh, người đứng đầu Chương trình Ấn Độ tại Diễn đàn Thái Bình Dương có trụ sở tại Honolulu, đã nói với The Epoch Times trong một thư điện tử rằng có hai khía cạnh của mối quan hệ song phương Nga-Ấn đang diễn ra trong bối cảnh hiện tại: “các mối quan hệ quốc phòng và thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.”

 

Ông nói, trong bối cảnh này, “Mối bang giao giữa Ấn Độ với Nga đang dần đi vào ngõ cụt, điều quan trọng là ông Modi phải trấn an ông Putin rằng ông Modi sẽ không từ bỏ mối quan hệ này.”

 

Ông Ramesh cho biết, chuyến thăm đầu tiên của thủ tướng Ấn Độ sau năm năm chỉ nhằm mục đích thực hiện điều đó.

Ông nói rằng mối quan hệ quốc phòng đã củng cố mối bang giao Ấn Độ-Nga trong nhiều thập niên.

 

Ông cho biết: “Tuy nhiên, sự đa dạng hóa của Ấn Độ, các kế hoạch ‘Sản xuất tại Ấn Độ,’ và những thách thức của chính Nga trong việc tiếp tế kịp thời do cuộc chiến ở Ukraine, đã khiến những gì được cho là trụ cột mạnh nhất trong mối quan hệ giữa Moscow và Delhi trở nên yếu đi.”

 

Theo ông Ojha, ông Modi đang điều hướng một mối quan hệ phức tạp với Nga, đồng thời cố gắng tăng cường các mối quan hệ an ninh với các nước phương Tây.

 

Ông nói: “Chiến tranh Ukraine đã khiến mối bang giao giữa Ấn độ và Nga bị theo dõi chặt chẽ hơn, trong đó các đồng minh phương Tây thúc giục Ấn Độ lên án cuộc xâm lược và gây áp lực lên Điện Kremlin.”

 

Tại cuộc họp báo hôm 08/07, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller cho biết Hoa Kỳ đã kêu gọi ông Modi nhấn mạnh đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong chuyến thăm Moscow.

 

Ông Miller nói “Chúng tôi kêu gọi Ấn Độ, cũng như bất kỳ quốc gia nào khi hợp tác với Nga, hãy nói rõ rằng bất kỳ giải pháp nào cho cuộc xung đột ở Ukraine cần phải tôn trọng hiến chương Liên Hiệp Quốc, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của Ukraine.”

 

Tại cuộc họp báo hôm 09/07, ông Miller cho biết: “Chúng tôi đã khá rõ ràng về những lo ngại của mình về mối quan hệ giữa Ấn Độ với Nga. Chúng tôi đã bày tỏ những điều đó một cách riêng tư, trực tiếp với chính phủ Ấn Độ và vẫn tiếp tục bày tỏ, nhưng mối quan hệ đó chưa thay đổi.”

 

Ông Payne nói rằng Ấn Độ “có lẽ vẫn là” quốc gia quan trọng duy nhất duy trì mối quan hệ hữu ích với cả Nga và phương Tây.

 

Vì vậy, “Ấn Độ có thể hoạt động như một bên trung gian nếu nhu cầu phát sinh,” ông nói.

 

Yếu tố Trung Quốc

 

Các nhà phân tích đã nêu lên một yếu tố khác trong chuyến thăm Moscow của ông Modi: Ấn Độ lo ngại rằng việc phương Tây gây áp lực cho Nga đang đẩy nước này vào phe của chế độ cộng sản Trung Quốc, một hành động đi ngược lại lợi ích của Ấn Độ.

 

Ông Ojha nói: “Ấn Độ cảnh giác rằng áp lực của phương Tây có thể đẩy Nga tiến gần Trung Quốc hơn, và họ tin rằng một nước Nga xuống dốc bị phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc có thể phá vỡ thế giới đa cực mà Ấn Độ đang hướng đến.”

 

“New Delhi đang ngày càng lo ngại về việc thắt chặt bang giao giữa Nga và Trung Quốc trong bối cảnh cuộc xung đột Ukraine, e ngại rằng một liên minh chính thức [giữa hai nước này] có thể thách thức lợi ích chiến lược của Ấn Độ. Do Ấn Độ và Trung Quốc có các tranh chấp lãnh thổ và vấn đề về động lực cạnh tranh nên mối quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa Nga và Trung Quốc đặt ra những rủi ro địa chính trị đáng kể cho Ấn Độ.”

 

Ấn Độ và Trung Quốc có chung một đường biên giới dài dọc theo Tân Cương và Tây Tạng. Căng thẳng quân sự giữa hai nước đã đạt mức cao chưa từng có sau cuộc xung đột Galwan đẫm máu hồi tháng 06/2020 và mối quan hệ song phương đi xuống.

 

Ông Harsh V. Pant, phó chủ tịch nghiên cứu và chính sách đối ngoại tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên có trụ sở tại New Delhi, cho biết trong một bản phân tích được tổ chức này công bố hồi tháng Năm rằng bất chấp những thách thức, “sự hợp tác và liên kết chiến lược” giữa Nga và Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ kể từ khi bắt đầu chiến tranh ở Ukraine.

 

Ông Pant nói: “Sau khi chiến tranh bùng nổ, mặc dù Trung Quốc tuyên bố trung lập nhưng thương mại giữa hai nước vẫn tăng vọt, khiến nước này trở thành thị trường xuất cảng năng lượng quan trọng của Nga trong bối cảnh phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt [lên Nga].”

 

Ông cho biết mối quan hệ quân sự và quốc phòng giữa hai quốc gia cũng phát triển, mặc dù Trung Quốc đang “làm chủ cuộc chơi” trong mối quan hệ này.

 

Theo ông Pant, mối bang giao Trung Quốc-Nga không chỉ ảnh hưởng đến chính trường quốc tế trong bối cảnh lập trường chung của Moscow và Bắc Kinh đối lập với phương Tây, mà còn đặt Ấn Độ vào một “vị thế khó khăn.”

 

Ông cho hay, việc kiềm chế trục Trung Quốc-Nga sẽ là thách thức chính sách đối ngoại quan trọng nhất đối với Ấn Độ trong những năm tới.

 

“Điều này sẽ khiến quan điểm chiến lược của Ấn Độ thay đổi về căn bản. Do Ấn Độ tiếp tục phụ thuộc vào các thiết bị quân sự của Nga nên mối quan hệ Trung Quốc-Nga chặt chẽ hơn có thể ảnh hưởng đến các điều khoản và điều kiện của các giao dịch này, có thể hạn chế khả năng tiếp cận của Ấn Độ với các công nghệ tân tiến hoặc làm thay đổi cán cân hậu thuẫn quân sự,” ông Pant nói.

 

Ông Ramesh lưu ý rằng một số thành viên của cộng đồng an ninh và quốc phòng Ấn Độ đã chỉ trích tình hữu nghị của Ấn Độ với Nga, với lý do Moscow có mối quan hệ thân thiết với Bắc Kinh.

 

Trong số những người chỉ trích có tham mưu trưởng quốc phòng Ấn Độ, Tướng Anil Chauhan. Trong một bài diễn văn hồi tháng 10/2023 tại Bangalore, ông cho biết ông đoán rằng Nga và Trung Quốc sẽ có những điểm chung về lợi ích, còn “Bắc Hàn và Iran có thể tham gia vào xu hướng này.”

 

Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng này còn cho biết “tầm quan trọng địa chính trị của Nga sẽ giảm sút trong thời gian tới.”

 

Một số người đã nhận định rằng tuyên bố này đưa ra một cái nhìn tiêu cực quá mức về mối bang giao giữa Ấn độ và Moscow. Trong một bài đăng trên X, chuyên gia phân tích quân sự Ấn Độ Pravin Sawhney cho rằng Tướng Chauhan đang “quảng bá lối tuyên truyền của Hoa Kỳ.”

 

 

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chụp ảnh trước cuộc hội đàm bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Samarkand, Uzbekistan, vào ngày 16/09/2022. (Ảnh: Alexandr Demyanchuk, Sputnik, Kremlin Pool Photo qua AP)

 

 

Hơn nữa, giữa lúc các giao dịch về năng lượng giữa Trung Quốc và Nga đạt mức cao kỷ lục, ông Pant nói rằng Ấn Độ cũng lo ngại rằng sự cạnh tranh về dầu khí của Nga sẽ gia tăng, ảnh hưởng đến giá cả toàn cầu và sự ổn định nguồn cung cấp.

 

Tuy nhiên, ông Ramesh tin rằng ông Modi sẽ tránh đề cập trực tiếp với Nga về vấn đề Trung Quốc.

Ông nói, “Điều đó nói lên rằng lợi ích của New Delhi là không hoàn toàn từ bỏ Nga để nước này hoàn toàn đi vào quỹ đạo của Trung Quốc. New Delhi muốn cho Moscow sự lựa chọn để giảm lệ thuộc quá mức vào Trung Quốc.”

 

 

Theo ông Ojha, điều quan trọng cần lưu ý là mối quan hệ Trung Quốc-Nga giống như một mối quan hệ đối tác chiến thuật hơn là một liên minh chính thức, trong đó Trung Quốc được hưởng lợi nhiều hơn.

 

Ông nói: “Tuy rằng mối quan hệ thương mại của họ mạnh mẽ nhưng không cho thấy một mối liên minh đáng tin cậy, tương tự như mối quan hệ thương mại của Trung Quốc với các nước ASEAN, Úc, Nhật Bản, và Hoa Kỳ.”

 

Tuy nhiên, ông Pant tin rằng sự hợp tác kinh tế Trung-Nga có thể đẩy Ấn Độ ra ngoài lề trong các dự án cơ sở hạ tầng khu vực và các tuyến đường thương mại. Trên phạm vi toàn cầu, sự hợp tác này cũng đe dọa ảnh hưởng của Ấn Độ tại các diễn đàn khu vực như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và BRICS.

 

Nhóm chính trị BRICS, ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi, hiện đã kết nạp thêm Iran, Ai Cập, Ethiopia, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

 

“Khả năng điều hướng một thế giới dường như đa cực của New Delhi sẽ bị thử thách” do cấu trúc mới xuất hiện này, ông Pant nói. “cần phải điều chỉnh lại cẩn thận chính sách đối ngoại của mình để duy trì sự cân bằng giữa các cường quốc, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia.”

 

 

 

Venus Upadhayaya

BTV EPOCH TIMES TIẾNG ANH

 

Cô Venus Upadhayaya đưa tin về nhiều chủ đề. Lĩnh vực chuyên môn của cô là về địa chính trị Ấn Độ và Nam Á. Cô đã đưa tin từ biên giới Ấn Độ-Pakistan đầy biến động và đã viết bài đóng góp cho các phương tiện truyền thông in ấn chính thống ở Ấn Độ trong khoảng một thập niên. Truyền thông cộng đồng, phát triển bền vững và giới lãnh đạo là những lĩnh vực cô quan tâm.