Các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ đang có những dự tính nhằm thẳng vào Trung Quốc.

 

 

Tờ Nikkei đưa tin, các nhà lãnh đạo của 4 nước thuộc nhóm "Bộ tứ kim cương" (QUAD) sẽ đi tới sự đồng ý cùng nhau hành động để tạo ra 1 chuỗi cung ứng chip an toàn khi tới Washington tham dự hội nghị cấp cao của nhóm vào tuần tới. Đây là dấu hiệu cho thấy liên minh 4 cường quốc được lập ra để đối phó với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đang mở rộng phạm vi hoạt động của mình.

 

 

Theo bản dự thảo tuyên bố chung của nhóm QUAD mà Nikkei có được, 4 quốc gia sẽ khẳng định "chuỗi cung ứng khỏe mạnh, đa dạng và an toàn cho tất cả các sản phẩm phần cứng, phần mềm và dịch vụ" là nhân tố quan trọng đối với lợi ích chung của nhóm.

 

 

4 nước sẽ đưa ra những quy tắc chung về phát triển công nghệ, theo phương châm "công nghệ cần được thiết kế, phát triển, quản lý và sử dụng tuân theo các giá trị chung về dân chủ và tôn trọng nhân quyền".

 

 

Tổng thống Mỹ, Joe Biden, sẽ chủ trì cuộc thảo luận trực tiếp sẽ diễn ra vào tuần tới, tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản, Yoshihide Suga, Thủ tướng Úc, Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi.

 

 

Tài liệu không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc, đúng với dự định của Ấn Độ là giữ vị thế trung lập và tránh hợp tác với 1 quốc gia cụ thể. Tuy nhiên, Nikkei nhận định nhóm QUAD đang muốn ngăn cản Trung Quốc lợi dụng công nghệ để củng cố vị thế khi mà tài liệu nhấn mạnh "ép buộc chuyển giao hoặc ăn cắp công nghệ là 1 thách thức lớn đe dọa sự phát triển công nghệ và cần được giải quyết".

 

 

Đặc biệt, nhóm QUAD muốn ra mắt "sáng kiến chung để xác định rõ năng lực cũng như các điểm yếu trên chuỗi cung ứng công nghệ, củng cố an ninh chuỗi cung ứng chip bán dẫn và những linh kiện quan trọng".

 

 

Mỹ và Nhật hiện chiếm chưa đến 30% tổng năng lực sản xuất chip của toàn thế giới. Nhật Bản chủ yếu sản xuất chip nhớ và cảm biến, trong khi Mỹ nắm trong tay những ông lớn như Intel và Qualcom. TSMC, tập đoàn của đảo Đài Loan, đang dẫn đầu công nghệ sản xuất những con chip hiện đại nhất thế giới hiện nay.

 

Trong khi đó các nhà sản xuất chip Trung Quốc đang ráo riết đẩy mạnh đầu tư cho ngành chip. Nước này phải mua tới 2/3 lượng chip cần tiêu thụ.

 

 

Công nghệ gần đây đang nổi lên như một "chiến trường" mà tại đó Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh khốc liệt và sẽ định hình chính trường thế giới trong nhiều thập kỷ tới. Từ cách đây 3 năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã xác định việc phải phụ thuộc vào bên ngoài về công nghệ là rủi ro lớn nhất mà Trung Quốc phải đối mặt, và Trung Quốc cần phải thay đổi điều đó.

 

 

Australia và Ấn Độ không sở hữu các công ty sản xuất chip nhưng có thừa khả năng để đóng góp cho chuỗi cung ứng. Ấn Độ có ngành công nghệ thông tin rất phát triển nhưng bị phụ thuộc nhiều vào chip Trung Quốc, do đó gần đây kêu gọi củng cố các mạng lưới cung ứng thông qua liên minh QUAD.

 

 

Nhóm QUAD cũng đặt mục tiêu phát triển mạng lưới 5G (và 5G trở lên) an toàn và minh bạch, đồng thời hướng tới sử dụng open RAN, mạng lưới cho phép các nhà mạng chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông. Đây là chiến lược trực tiếp nhắm vào Huawei, tập đoàn Trung Quốc đang chiếm tới 30% thị phần trên thị trường thiết bị trạm gốc toàn cầu.

 

Tham khảo Nikkei Asian Review