Ảnh tư liệu: Tổng thống Mỹ Joe Biden dự một cuộc họp khẩn tại Tòa Bạch Ốc về chủ đề Iran tấn công Israel, ngày 13/04/2024. AP - Adam Schultz

 

 

Trả lời phóng viên hôm 02/10/2024, tổng thống Biden cho biết tấn công vào các cơ sở nguyên tử của Iran là một lằn ranh đỏ mà Hoa Kỳ không để Israel vượt qua. Cùng ngày, lãnh đạo Tòa Bạch Ốc tham khảo ý kiến các đồng minh trong khối G7 về quyền tự vệ của Israel sau vụ Teheran bắn gần 200 tên lửa vào lãnh thổ Israel.

 

Không đi sâu vào chi tiết, tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Washington và các đối tác trong khối G7 đồng ý là « Israel có quyền đáp trả » sau khi bị Iran tấn công, nhưng đấy phải là một phản ứng « có chừng mực ». Hãng tin Pháp AFP ghi nhận Washington biết rằng kịch bản Nhà nước Do Thái trả đũa Iran là « điều không tránh khỏi » và thậm chí Israel sẽ được Mỹ ủng hộ. Thế nhưng, mọi người đều ý thức được rằng, nhắm vào cơ sở nguyên tử và năng lượng của Iran sẽ đẩy toàn bộ khu vực Trung Cận Đông vào cảnh hỗn loạn. Do vậy hôm qua ông Biden đã trao đổi với các lãnh đạo khác trong khối 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới.

 

Theo lời nguyên thủ quốc gia Mỹ, các bên đồng ý là cần tránh để kịch bản này xảy ra. Trong cuộc họp với 4 đối tác châu Âu (Anh, Đức, Pháp và Ý), ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cũng đưa ra thông điệp tương tự. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Matthew Miller khẳng định Washington « không muốn Israel có bất kỳ hành động nào có thể dẫn tới một cuộc chiến khu vực quy mô lớn ».

 

AFP nhắc lại khi Iran lần đầu tiên tấn công Israel vào tháng 4/2024, dưới áp lực của Mỹ, Nhà nước Do Thái đã phản ứng một cách chừng mực. Phương Tây ý thức được là thủ tướng Benjamin Netanyahu, dưới áp lực của công luận Israel, có thể lợi dụng cơ hội này để « giải quyết dứt điểm » mối đe dọa Iran, kẻ thù không đội trời chung của Israel. Cựu thủ tướng Israel Naftali Bennet hôm qua xem việc « tấn công vào cơ sở nguyên tử của Iran » là một giải pháp.

 

 

Giám đốc trung tâm tư vấn Atlantic Council, trụ sở tại Washington, Frederick Kempe, được AFP trích dẫn, cho đây là « thời cơ để ngăn chận những tham vọng khu vực của Teheran vào lúc mà các lực lượng Hồi Giáo thân Iran ở Liban và Gaza bị suy yếu ». Chuyên gia nghiên cứu Sina Toossi thuộc Trung tâm Chính sách Quốc tế Center for International Policy, cũng tại Washington, thì cho rằng Trung Cận Đông lao vào một cuộc chiến hay không « tất cả tùy thuộc vào thái độ của Israel » và giờ đây chính thủ tướng Netanyahu mới là người « áp đặt luật chơi » với tổng thống Biden, cho dù Hoa Kỳ là điểm tựa chính trị và quân sự của Nhà nước Do Thái.

 

(Theo RFI Việt ngữ)