Chiến tranh thương mại mới, tối hậu thư của bà Yellen trong chuyến thăm Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình video của Diễn đàn Tinh anh)

 

 

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, Janet Yellen, vừa kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã đến Bắc Kinh, và sau đó Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cũng sẽ đến Bắc Kinh. Bắc Kinh đang trở nên sôi động, chứng tỏ nơi đây hiện là tâm điểm của nhiều cuộc xung đột quốc tế lớn.

 

 

Bà Yellen yêu cầu Trung Quốc không xuất cảng năng lực sản xuất dư thừa, đây là lý do kinh tế hay an ninh quốc gia? Xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc dường như không thể tránh khỏi, kế hoạch dài hạn và ngắn hạn của Hoa Kỳ đối với chiến lược của Trung Quốc là gì?

 

 

Bà Yellen thăm Trung Quốc để ngăn chặn việc bán phá giá thấp

 

Nhà sản xuất truyền hình độc lập Lý Quân cho biết trong Diễn đàn Tinh anh, rằng trọng tâm của bà Yellen trong chuyến thăm Trung Quốc là các vấn đề liên quan đến tình trạng dư thừa công suất và bán phá giá giá thấp. Chủ đề này rất đáng để suy ngẫm vào thời điểm này, vì sau khi gia nhập WTO, toàn bộ chính sách xuất cảng của Trung Quốc đều là chính sách bán phá giá thấp, từ nhu yếu phẩm hàng ngày đến các sản phẩm thép và quang điện đều bị bán phá giá thấp, điều này có tác động tiêu cực đến toàn thế giới. Trong đó có các sản phẩm của Huawei, ai cũng cho rằng Huawei là sản phẩm công nghệ cao nhưng thực tế giá của nó lại rẻ hơn 30% so với các hãng cùng ngành! Vì vậy, chiến lược này không còn là một ngày hai ngày nữa.

 

Tại sao chúng ta lại nói về điều này bây giờ? Có thể có một số cân nhắc chiến lược của Hoa Kỳ trong việc này, đó là Trung Quốc vẫn đang sử dụng chiến lược bán phá giá thấp để hấp thụ năng lực sản xuất dư thừa, Hoa Kỳ muốn ngăn chặn nếu không sẽ tác động lớn đến toàn bộ chuỗi công nghiệp toàn cầu.

 

Ngoài ra, bà Yellen cũng cảnh báo Trung Quốc về việc giúp đỡ Nga, ban đầu Hoa Kỳ nói rằng Trung Quốc không thể hỗ trợ vũ khí cho Nga. Lần này bà Yellen đổi ý và cho biết không thể hỗ trợ vật chất, nếu không hậu quả sẽ nghiêm trọng. Trên thực tế, các cuộc thảo luận gần đây giữa các quan chức Mỹ, bao gồm cả ông Biden, ông Blinken và quân đội, đều cho rằng Trung Quốc đang giúp Nga xây dựng lại cơ sở sản xuất quân sự của mình. Đây là một tuyên bố rất nghiêm túc, bởi vì sau khi Trung Quốc giúp họ thực hiện kiểu tái thiết này, tình hình của toàn bộ cuộc chiến tranh Nga - Ukraine đã thay đổi rất nhiều. Tổng thống Ukraine Zelensky mới đây cho rằng nếu Nga tấn công bây giờ, Ukraine có thể phải rút lui dần trong năm nay vì không có nhiều đạn pháo. Vậy thì có thể năm nay Nga sẽ phát động cuộc tấn công vào mùa hè, năm ngoái Ukraine phát động cuộc tấn công mùa hè, năm nay cũng có thể là Nga, đó là do năng lực sản xuất của Nga và lượng đạn pháo đã trở nên dồi dào. Vì vậy, trong hoàn cảnh đó, toàn bộ tình hình ở Nga và Ukraine đã có những thay đổi to lớn, ảnh hưởng lớn đến châu Âu.

 

Vì vậy, bây giờ tôi bắt đầu hiểu một chút tại sao Tổng thống Pháp, Macron, lại nói rằng NATO sẽ tham chiến. Bởi vì hiện nay Trung Quốc, Iran, Triều Tiên và Nga đã thành lập một liên minh quân sự đáng kể, khi Nga gây chiến, các nước này hiện đang hỗ trợ. Bây giờ Ukraine thực chất không phải đang chiến tranh với Nga mà là với các nước này, tất nhiên Nga không phải đang chiến tranh với Ukraine mà là với NATO nên đã trở thành cuộc chiến giữa hai phe. Trong tình huống này điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Những gì ông Biden nói rất chính xác, nó sẽ có tác động lâu dài đến an ninh châu Âu, nếu Ukraine không được hỗ trợ thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến châu Âu. Vì vậy, mặc dù bà Yellen thuộc phe ôn hòa với Trung Quốc nhưng bài phát biểu của bà về vấn đề Nga khá nghiêm túc đối với Trung Quốc.

 

 

 

Trung Quốc bán phá giá ảnh hưởng đến an ninh toàn cầu.

Bà Quách Quân, tổng biên tập The Epoch Times, cho biết trong Diễn đàn Tinh anh: “Tại sao người Trung Quốc đặc biệt có xu hướng dùng giá rất rẻ để bán phá giá sản phẩm nhằm chiếm lĩnh thị trường? Tôi muốn thảo luận vấn đề này từ cấp độ chính trị. Chúng ta biết cốt lõi hoạt động của xã hội tư bản chủ nghĩa là vốn, mục tiêu của vốn là lợi nhuận, vì vậy nhìn chung mục tiêu của các doanh nghiệp ở các nước phương Tây đều phải là kiếm tiền. Nhưng ở Trung Quốc thì khác, mục tiêu của Trung Quốc không phải là lợi nhuận mà là kiểm soát quyền lực. Chỉ số quan trọng nhất của doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc không phải là họ kiếm được bao nhiêu tiền mà là doanh nghiệp đó lớn đến mức nào? Quy mô càng lớn thì tiêu chuẩn của doanh nghiệp càng cao và trình độ của người quản lý doanh nghiệp càng cao, do đó, người điều hành cấp cao của các doanh nghiệp trung ương đều ở cấp quan chức chính phủ, chẳng hạn như cấp thứ trưởng. Vì vậy, đặc điểm cơ bản này quyết định hành vi của doanh nghiệp Trung Quốc, mục tiêu lớn nhất của doanh nghiệp là quy mô lớn, mục tiêu này vượt xa việc theo đuổi lợi nhuận. Xu hướng này thậm chí còn lan sang cả các doanh nghiệp tư nhân, ở Trung Quốc, doanh nghiệp tư nhân càng lớn thì càng an toàn, chúng ta thường nghe người Trung Quốc nói rằng họ quá lớn để thất bại, đây cũng là một câu nói nổi tiếng của ông Hứa Gia Ấn, tức là: Chủ tịch Tập đoàn Evergrande”.

 

Vì vậy, khi doanh nghiệp trong xã hội tư bản thành công, người chủ doanh nghiệp sẽ kiếm được tiền, khi kiếm được nhiều tiền hơn, họ sẽ tăng lương, kết quả là tiêu dùng xã hội sẽ được mở rộng và mọi người sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tình hình ở Trung Quốc là khi doanh nghiệp làm ăn tốt, họ đầu tư nhiều nguồn lực để mở rộng quy mô, chủ doanh nghiệp giàu có nhưng lương công nhân không tăng nhiều nên tiêu dùng xã hội đương nhiên không tăng, chỉ có sử dụng các nguồn lực và nhu cầu vốn được tăng lên. Vì vậy, tiêu dùng nội địa của Trung Quốc chỉ chiếm 37% GDP, trong khi ở hầu hết các nước phương Tây con số này chiếm khoảng 70%. Lần này khi bà Yellen đến Trung Quốc, bà ấy đã kê đơn thuốc cho người dân Trung Quốc, nói rằng họ nên mở rộng thị trường tiêu dùng trong nước, bà Yellen nói rất thành tâm, nhưng đây là logic của Hoa Kỳ, không phải logic của Trung Quốc.

 

Cách tiếp cận của Trung Quốc là trợ cấp, nên xuất cảng của Trung Quốc tăng đáng kể. Ví dụ, trong trường hợp hoàn thuế xuất cảng, miễn là sản phẩm được xuất cảng, chính phủ sẽ hoàn lại thuế giá trị gia tăng, chiếm ít nhất 17% doanh thu. Lợi nhuận xuất cảng của hầu hết các công ty Trung Quốc là khoảng 5% và việc giảm thuế 17% là một sự cám dỗ rất lớn. Vì vậy, bán phá giá thấp là chiến lược kinh doanh của các công ty Trung Quốc, dù bán lỗ vẫn được trợ cấp 17%. Khi nói đến các sản phẩm năng lượng mới, tình hình càng nghiêm trọng hơn, chính phủ Trung Quốc bắt đầu trợ cấp từ nguồn, ví dụ như các tấm pin mặt trời được trợ giá ngay từ khi bắt đầu đầu tư, sau đó các khoản vay được ưu đãi, còn có các khoản giảm thuế đối với xuất cảng, yêu cầu bảo vệ môi trường cũng được nới lỏng, có những doanh nghiệp được nhà nước hậu thuẫn chèn ép người lao động... Kết quả là nhiều công ty đổ xô vào thị trường, tạo ra sự cạnh tranh rất lớn về năng lực sản xuất và giá cả, người chiến thắng cuối cùng là người giành được lợi thế trong cuộc cạnh tranh về giá, giá rẻ đến mức không thể tin được, thực sự rẻ hơn bắp cải.

 

Bà Quách Quân cho biết, sau khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2000, nhiều ngành công nghiệp ở Châu Âu và Hoa Kỳ đã thực sự biến mất, chẳng hạn như thép, dệt may, quần áo, v.v. Những ngành công nghiệp này đã thực sự biến mất. Hoa Kỳ đã mất hai triệu việc làm chỉ riêng trong ngành thép, tất cả đều đến Trung Quốc. Trong mười năm qua, dây chuyền sản xuất tấm pin mặt trời ở Châu Âu và Hoa Kỳ thực tế đã hoàn toàn sụp đổ, ở Châu Âu tất cả đều đóng cửa, còn ở Hoa Kỳ, 90% trong số đó đã đóng cửa. Bây giờ đến lượt xe điện, điều này sẽ có tác động rất lớn đến ngành công nghiệp ô tô châu Âu và Mỹ. Ngoài ra còn có ngành dược phẩm, ngành dược phẩm Hoa Kỳ rất phát triển nhưng các loại thuốc cơ bản và nguyên liệu thô đều được sản xuất tại Trung Quốc. Đã có rất nhiều cuộc thảo luận về những vấn đề này ở Hoa Kỳ trong vài năm qua, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh, vì những ngành này liên quan đến an ninh quốc gia, nếu Trung Quốc cấm xuất cảng nguyên liệu kháng sinh, Hoa Kỳ sẽ làm gì?

 

 

 

Khi nào Mỹ - Trung sẽ phát động chiến tranh?

 

Bà Quách Quân cho biết, sự đối đầu trong quan hệ Mỹ - Trung là không thể tránh khỏi. Một trong những bản chất của chính trị Trung Quốc là chủ nghĩa nhà nước. Một thuật ngữ khác là chủ nghĩa trọng thương, tức là sử dụng quyền lực của nhà nước và chính phủ để tiến hành các hoạt động kinh tế với nước ngoài. Mục tiêu là đối đầu và đấu tranh với nhau. Điều này không giống như nhiều xã hội dân chủ, nơi mục tiêu của nhà nước là cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

 

Chính quyền Trung Quốc sử dụng sự hỗ trợ của nhà nước để mở rộng quy mô doanh nghiệp nhằm cạnh tranh kinh tế, sau đó phá hủy ngành công nghiệp của các nước khác, sau đó sử dụng ảnh hưởng kinh tế này để mở rộng chủ nghĩa thống trị của mình. Hệ tư tưởng này của chính quyền Trung Quốc thực sự đã đi theo con đường phát triển như vậy và chúng ta đã thấy rõ ràng trong những năm gần đây.

 

Ông Vương Quân Đào nói trong Diễn đàn Tinh anh rằng, trong giới học thuật chiến lược của Mỹ thực tế được chia thành hai phe: Phe diều hâu và phe bồ câu. Phe Bồ câu cho rằng, trong chính trị quốc tế, nếu một số việc được giải quyết đúng đắn vào thời điểm đó, thay vì đầu hàng một cách mù quáng như Chamberlain thì thực tế đã có thể tránh được Thế chiến thứ hai. Chiến lược của họ là: đặt ra một mức trần ở trên, ví dụ như công nghệ cao không được phép phát triển ở Trung Quốc; bên dưới có một lằn ranh đỏ, đó là không thể bắt đầu chiến tranh, không được phép gây chiến hoặc khiêu khích ở Đài Loan hoặc Biển Đông; rồi ở khoảng không giữa, có thể giảng hòa và thương lượng qua lại.

 

Những người thuộc Phe Diều hâu cũng tin rằng mặc dù cuối cùng sẽ có một cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng vẫn chưa phải lúc, chẳng hạn như Israel và Ukraine đang có chiến tranh, nước Mỹ không có ngân sách lớn như vậy, cũng không chuẩn bị nhiều vũ khí như vậy, ông Biden mỗi ngày đều lo lắng kiếm tiền hỗ trợ chiến tranh.

 

Ông Vương Quân Đào cho rằng, ông Biden đã suy nghĩ rất rõ ràng về tương lai. Phía trên đặt ra một tấm trần đó là khoảng cách công nghệ Mỹ và Trung Quốc ngày càng rộng hơn, phía dưới có một lằn ranh đỏ, đó là chiến tranh Mỹ - Trung không thể nổ ra ngay lập tức. Bằng cách này, khi Hoa Kỳ đầu tư vào thế hệ vũ khí và vũ khí không người lái mới, lợi thế quân sự của nước này so với Trung Quốc sẽ ngày càng lớn hơn, ông Biden cảm thấy rằng thời thế và xu hướng đang đứng về phía mình.

 

Một điểm mấu chốt là khi Hoa Kỳ tham chiến trong Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai, những người khác đã chủ động trước, Hoa Kỳ mới có lý do, vì vậy, Trung Quốc vẫn có thể quyết định thời điểm đối đầu trong tương lai. Nếu Trung Quốc đối đầu thì Hoa Kỳ sẽ có lý do để chiến đấu, chiến đấu toàn diện, và sau khi cuộc chiến kết thúc sẽ thay đổi Trung Quốc, giống như đã thay đổi ở Nhật Bản và Đức. Một khả năng khác là cuộc cách mạng dân chủ của chính Trung Quốc cuối cùng sẽ dẫn đến hòa bình trên toàn thế giới trong tương lai, bởi vì không có chiến tranh giữa các nước dân chủ.

 

(Theo Diễn đàn Tinh anh)
(Lý Ngọc biên dịch)