Nam Dương (Indonesia) công bố có thêm 407 ca bệnh mới, nâng lên tổng số 5,923 ca, vượt qua Phi Luật Tân (Philippines) trở thành nước có số ca bệnh COVID-19 đứng đầu ở Đông Nam Á.

 

Đức tuyên bố kiểm soát thành công tốc độ lây nhiễm của COVID-19

 

Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức Jens Spahn ngày 17-4 cho biết sau 4 tuần áp dụng các biện pháp ứng phó, đến nay Đức đã có thể kiểm soát tốc độ lây lan dịch COVID-19.

 

Hãng tin Reuters ngày 17-4 dẫn số liệu của Tây Ban Nha cho biết nước này đã ghi nhận thêm 585 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, tăng nhẹ so với con số 551 của ngày 16-4. Trong khi đó, tổng số ca nhiễm đã tăng thêm 2%, cụ thể từ 182.816 (ngày 16-4) lên 188.068.

 

Số ca tử vong do COVID-19 ở Thụy Sĩ đã tăng từ 1.017 lên 1.059, theo Cơ quan y tế công Thụy Sĩ ngày 17-4. Trong khi đó, số ca nhiễm ở nước này tăng từ 26.732 lên 27,078 ca.

 

Số ca tử vong ở Iran tăng thêm 89 ca trong 24 giờ qua, lên tổng cộng 4,958. Trong khi đó, tổng số ca nhiễm hiện là 79,494, trong đó có 3,563 ca trong tình trạng nguy kịch.

 

40% thành viên trên tàu sân bay Pháp mắc COVID-19 

 

Hãng tin Reuters ngày 17-4 dẫn thông tin từ quân đội Pháp cho biết khoảng 940 trong số 2,300 thành viên trên tàu sân bay Charles De Gaulle, hàng không mẫu hạm duy nhất của Pháp, đã dương tính với virus corona chủng mới. 

 

 Tàu sân bay này đã buộc quay lại cảng Toulon, miền nam Pháp sau khi ghi nhận nhiều ca bệnh COVID-19, theo Đài RT. Số liệu trên được tiết lộ trong các phiên điều trần tại Thượng viện Pháp hôm nay.

 

Nam Dương có số ca COVID-19 cao nhất Đông Nam Á

 

Theo hãng tin Reuters, hôm nay 17-4 Indonesia công bố có thêm 407 ca bệnh mới, nâng lên tổng số 5,923 ca, vượt qua Philippines trở thành nước có số ca bệnh COVID-19 đứng đầu ở Đông Nam Á.

 

 

Cũng trong hôm nay, Bộ Y tế Indonesia xác nhận nước này có thêm 24 người chết vì COVID-19, nâng lên tổng số 420 người chết tới nay.Nam Dương  cũng đã thực hiện được 42,000 xét nghiệm.

 

Phi Luật Tân có 25 người chết, 218 ca bệnh mới trong 24 giờ

 

Theo hãng tin Reuters, Bộ y tế Phi Luật Tân hôm nay 17-4 thông báo đã ghi nhận thêm 25 trường hợp tử vong và 218 ca bệnh COVID-19 mới. Như vậy, tổng số người bị COVID-19 của Phi Luật Tân tới nay là 5,878, trong đó có 387 người đã chết. Số người khỏi bệnh cũng tăng thêm 52 trường hợp, tổng cộng tới nay là 487 người.

 

Thái Lan dự báo 10 triệu người mất việc làm

 

Đại học Thương mại Thái Lan (UTCC) nhận định đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh tới nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này hơn bất cứ sự kiện nào trong vòng 60 năm qua, với GDP dự báo sẽ giảm 4% và 10 triệu người mất việc làm.

 

Thái Lan ngày 17-4 xác nhận thêm 28 ca mắc mới và 1 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân mắc COVID-19 mới được công bố theo ngày tiếp tục duy trì xu hướng giảm ở mức hai con số kể từ sau ngày 8-4.

 

Từ khi bùng phát dịch cho đến nay, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 2,700 ca bệnh, trong đó có 47 ca tử vong. Theo thống kê, thủ đô Bangkok là địa phương có số bệnh nhân COVID-19 cao nhất, trong khi nhóm bệnh nhân đông nhất là những những người trong độ tuổi 20-29.

 

Miến Điện (Myanmar) phóng thích gần 25,000 tù nhân

 

Theo hãng tin AFP, hơn 1/4 trong tổng số tù nhân của Miến Điện sẽ được thả trong bối cảnh dư luận kêu gọi cần giảm bớt sức ép cho hệ thống nhà tù quá đông đúc của nước này giữa dịch COVID-19.

 

Văn phòng tổng thống Miến Điện hôm nay 17-4 cho biết việc phóng thích này cũng nằm trong khuôn khổ chương trình ân xá toàn quốc vào dịp năm mới trong tháng 4 năm nay của Miến Điện. Tuy nhiên đây là lần có số tù nhân được ân xá lớn nhất trước nay.

 

Tới nay Miến Điện chính thức ghi nhận 85 ca bệnh COVID-19, trong đó có 4 người chết. Song giới chuyên gia lo ngại con số thực tế cao hơn nhiều lần do số xét nghiệm thực hiện được ít.

 

22 triệu người Mỹ mất việc

 

Theo hãng tin AFP, báo cáo theo tuần của cơ quan lao động Mỹ cho biết riêng trong tuần qua có thêm 5,2 triệu người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, nâng tổng số người thất nghiệp ở Mỹ trong tháng qua là 22 triệu người.

 

Mặc dù con số này đã giảm hơn so với tuần trước đó, nhưng vẫn là một số lượng rất đáng lo ngại.

 

Trong khi đó, số người chết vì COVID-19 ở Mỹ trong vòng 24 giờ đã tăng gấp đôi so với kỷ lục ngày trước đó. Cụ thể, báo Wall Street Journal trích số liệu của ĐH Johns Hopkins cho thấy tính đến 20h ngày 16-4, nước Mỹ ghi nhận thêm 4,591 người chết vì COVID-19 . Trước đó, ngày 15-4, số người chết theo ngày vì COVID-19 vốn đã lập kỷ lục là 2,569 người.

 

Mặc dù số người chết theo ngày tăng gần gấp đôi nhưng số ca nhiễm mới theo ngày cũng chỉ tăng ở mức tương đương như ngày trước đó với 31,451 ca. Tổng cộng tới nay Mỹ ghi nhận hơn 678,000 ca bệnh COVID-19, trong đó có hơn 34,000 người chết.

 

Đức thêm 3,380 ca mới trong 1 ngày

 

Theo báo Financial Times, hôm nay 17-4 Đức ghi nhận thêm 3.380 ca bệnh mới, tăng hơn so với ngày trước đó. Tổng số ca bệnh COVID-19 của nước này hiện là hơn 137,000.

 

Cũng theo số liệu của Viện Robert Koch, số người chết vì COVID-19 đã tăng thêm 299 trường hợp, tổng cộng là 3,868 người. Đây cũng là số người chết theo ngày cao thứ hai tới nay ở Đức, thấp hơn mốc cao nhất là 315 người chết ngày 16-4.

 

Về tỉ lệ, trong khi số ca bệnh mới tăng 3% trong vòng 24h, số người chết tăng 8%.

 

Tổng số người chết ở Bỉ vượt 5,000 ca 

 

Theo hãng tin AFP, trong vòng 24 giờ qua Bỉ ghi nhận thêm 313 người chết vì COVID-19, nâng lên tổng cộng 5,163 người. Đây cũng là tỉ lệ chết vì COVID-19 bình quân đầu người cao hơn hầu hết các nước châu Âu. Một nửa trong số người chết là ở các nhà dưỡng lão, nửa còn lại ở các bệnh viện của quốc gia có khoảng 11,5 triệu dân này.

 

* Hôm nay 17-4 Nga ghi nhận thêm 4.069 ca bệnh COVID-19, đây cũng là mức tăng số ca bệnh cao nhất trong 24 giờ trước nay ở Nga, nâng tổng số người bệnh lên 32,007 người. Trước đó một ngày, ngày 16-4, số ca tăng thêm của Nga là 3,448.

 

Theo hãng tin Reuters, số ca nhiễm virus corona chủng mới ở Nga bắt đầu tăng mạnh tháng này, mặc dù ở những giai đoạn đầu tiên của dịch, số ca bệnh ở Nga thấp hơn nhiều so với các nước Tây Âu.

 

 

Nam Hàn ghi nhận số người mất việc kỷ lục trong hơn 10 năm

Theo báo Financial Times, Nam Hàn ghi nhận số người mất việc làm theo tháng ở mức cao nhất trong hơn một thập kỷ. Thực tế này cho thấy thách thức đáng kể mà chính phủ của Tổng thống Moon Jae In phải đối mặt trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

 

Cụ thể, tổng số người có việc làm tại nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á đã giảm đi 195,000 người, còn 26,6 triệu. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 5-2009, theo số liệu do cơ quan thống kê Hàn Quốc công bố hôm nay (17-4).

 

Trung Quốc khẳng định không che giấu dịch

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên, hôm nay 17-4 một lần nữa nhắc lại quan điểm không bao giờ có chuyện che giấu dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc, và chính quyền nước này không cho phép những sự che giấu đó.

 

Theo hãng tin Reuters, phát biểu trong cuộc họp báo thường nhật, ông Triệu cho biết việc chỉnh sửa lại số người chết vì COVID-19 ở Vũ Hán là kết quả của công tác thẩm định thống kê để đảm bảo độ chính xác và sự chỉnh sửa đó cũng là một thực tiễn bình thường của quốc tế.

 

Trước đó, cơ quan y tế thành phố Vũ Hán ngày 16-4 chỉnh sửa tổng số người chết vì COVID-19 ở thành phố này tăng thêm 50%, lên 3,869 người so với số liệu công bố trước đó. Họ dẫn lý do có những sai lệch là vì thông tin báo cáo không chính xác, do chậm trễ hoặc bỏ sót.

 

Brazil sa thải Bộ trưởng Y tế vì bất đồng về quan điểm chống dịch

 

Theo báo New York Times, Tổng thống Brazil, ông Jair Bolsonaro, ngày 16-4 đã sa thải Bộ trưởng y tế vì bất đồng trong quan điểm nên thực hiện các biện pháp phong tỏa phòng dịch nghiêm ngặt tới mức nào.

 

Bộ trưởng y tế Luiz Henrique Mandetta chủ trương thúc đẩy các quy định giãn cách xã hội nghiêm khắc để phòng dịch COVID-19, và Tổng thống Bolsonaro không đồng ý quan điểm đó.

 

Ông Bolsonaro cho tới nay vẫn đánh giá thấp nguy cơ của đại dịch, ủng hộ việc để những người lớn tuổi ở nhà, nhưng cho phép những người trẻ hơn tiếp tục đi làm. Ông cảnh báo những quy định hạn chế nghiêm ngặt có thể gây thất nghiệp diện rộng.

 

Không chỉ thế, ông Bolsonaro và ông Mandetta còn xung đột gay gắt về việc có nên dùng thuốc trị sốt rét chữa cho người bệnh COVID-19 hay không. Trong khi ông Bolsonaro ca ngợi thuốc này như một thần dược thì ông Mandetta tới nay vẫn bày tỏ sự thận trọng.