Nhân ngày Đại dương Thế giới 8/6, Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ thông báo công nhận Nam Đại Dương của Nam Cực đại dương thứ 5, bên cạnh 4 đại dương gồm Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương.

 

 

Theo National Geographic, với những người từng đến Nam Đại Dương, vùng nước xung quanh Nam Cực, cảm nhận là hết sức khác biệt.

 

 

Seth Sykora-Bodie, mhà khoa học hàng hải tại Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), nói: “Bất cứ ai từng đến Nam Đại Dương đều có thể nhận thấy sự khác biệt, như các dòng sông băng xanh hơn, không khí lạnh hơn, những ngọn núi hùng vĩ hơn và cảnh quan quyến rũ hơn bất kỳ nơi nào khác”.

 

 

 

 

Trái đất chính thức có thêm đại dương thứ 5.

 

 

 

 

 

Kể từ khi Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ (NGS) thực hiện việc vẽ bản đồ lần đầu tiên vào năm 1915, có 4 đại dương được công nhận và xác định bởi những lục địa xung quanh, gồm Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương.

 

 

Nhân ngày Đại dương Thế giới 8.6, NGS thông báo công nhận Nam Đại Dương của Nam Cực là đại dương thứ 5. Đại dương mới được xác định bằng dòng chảy hải lưu, không phải bằng vị trí địa lý và các mảng kiến tạo như 4 đại dương trước đó.

 

 

 

 

Nam Đại Dương rất khác biệt so với các đại dương còn lại trên Trái đất.

 

 

 

 

 

 

Alex Tait, nhà địa lý tại NGS, nói: “Nam Đại Dương đã được các nhà khoa học biết đến từ lâu, nhưng chưa có sự đồng thuận quốc tế. Chúng tôi chưa chính thức công nhận cho đến nay”.

 

Các nhà địa lý, nhà khoa học từng tranh luận trong nhiều năm về việc công nhận tên riêng cho vùng nước xung quanh Nam Cực. Không ít người cho rằng đó chỉ là một vùng mở rộng về phía nam của Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương.

 

 

Sau nhiều năm xem xét, Ủy ban Chính sách bản đồ của NGS đã đồng ý đặt tên cho đại dương mới là Nam Đại Dương, do giới khoa học và truyền thông ngày càng sử dụng cụm từ này nhiều hơn.

 

 

Alex Tait nói sự thay đổi trên sẽ có ảnh hưởng đến việc trẻ em sử dụng bản đồ trong trường học để biết thêm về thế giới.

 

 

“Tôi nghĩ tác động lớn nhất là thông qua giáo dục”, Alex Tait nói. “Học sinh tìm hiểu thông tin về thế giới thông qua các đại dương. Nếu không công nhận Nam Đại Dương, các trẻ em sẽ không tìm hiểu chi tiết cụ thể về đại dương này và tầm quan trọng của nó”.