Lực lượng Quan thuế Ý tịch thu các bộ phận của hai phi cơ không người lái quân sự Dực Long (Yi Long) sản xuất tại Trung Quốc. Những phi cơ không người lái và các bộ phận này được giấu trong thiết bị tua-bin gió và bị chặn lại tại cảng Gioia Tauro. (Ảnh: Cơ quan Quan thuế Ý)

 

 

Cơ quan Quan thuế Ý đã tịch thu các bộ phận của hai phi cơ không người lái (UAV) quân sự Dực Long sản xuất tại Trung Quốc. Những phi cơ này được ngụy trang thành tua-bin gió để xuất cảng và bị chặn lại tại cảng Gioia Tauro.

 

Cơ quan Quan thuế Ý cho biết, sau khi kiểm tra tuyến đường hàng hải và các tài liệu quan thuế đi kèm, họ phát hiện 6 container xuất cảng từ Trung Quốc đang chuẩn bị vận chuyển đến Libya có dấu hiệu bất thường.

 

Những container này được ghi là chứa các bộ phận lắp ráp của tua-bin gió. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra các phụ kiện, nhân viên quan thuế phát hiện một số phụ tùng và chi tiết cấu tạo của chúng có thể là thiết bị ở phần thân và cánh của các phi cơ thích hợp cho việc bay (ví dụ như phi cơ không người lái quân sự).

 

Trong một tuyên bố, Cơ quan Quan thuế Ý cho biết rằng các bộ phận này được giấu bên trong một số lưỡi tua-bin gió giả, “mục đích là để che giấu và tránh bị kiểm tra.”

 

Theo video và hình ảnh do cơ quan chức năng Ý cung cấp, phi cơ không người lái sau khi được lắp ráp có trọng lượng hơn 3 tấn, chiều dài hơn 10 mét, và sải cánh khoảng 20 mét. Trên thân phi cơ còn ghi chú dòng chữ thiết bị điện gió bằng tiếng Hoa và tiếng Anh “Saving World.”

 

Ý cho biết, họ tịch thu phi cơ không người lái quân sự sản xuất tại Trung Quốc dựa trên nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc cấm buôn bán vũ khí quốc tế tới Libya và dựa theo luật pháp của quốc gia này.

 

Tờ Corriere della Seracu của Ý từng đưa tin hồi tháng 06/2024 rằng lực lượng an ninh Ý cùng với cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã phối hợp chặn đón tàu container MSC Arina đang vận chuyển một lô vũ khí tới Libya tại cảng Gioia Tauro vào ngày 18/06/2024. Khi đó, một số chuyên gia phân tích nghi ngờ rằng lô hàng đó là phi cơ không người lái quân sự.

 

Theo tờ Corriere della Sera đưa tin, tàu MSC Arina khởi hành từ cảng Diêm Điền, Thâm Quyến, Trung Quốc vào ngày 30/04/2024. Sau khi dừng tại Singapore, tàu đi vòng qua Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope), tránh đi qua khu vực Hồng Hải và kênh đào Suez. Sau đó, tàu đi qua Eo biển Gibraltar vào Địa Trung Hải. Đến khi con tàu này cập cảng Gioia Tauro, giới chức trách Hoa Kỳ mới quyết định tịch thu lô vũ khí và tìm kiếm sự giúp đỡ từ Ý.

 

Tờ Corriere della Sera đưa tin rằng lô vũ khí này được cho là sẽ chuyển đến tay quân đội của tướng Khalifa Haftar tại miền Đông Libya.

 

Nhiều hãng truyền thông khác đưa tin, trước vụ tịch thu này, Libya từng sử dụng phi cơ không người lái Dực Long-2 sản xuất tại Trung Quốc.

 

Sau khi lãnh đạo độc tài Muammar Gaddafi qua đời hồi năm 2011, Libya đã chìm trong cuộc nội chiến kéo dài. Hiện nay, Chính phủ Hiệp ước Quốc gia (Government of National Accord, hay GNA) của Libya được quốc tế công nhận, nhưng tướng Haftar, người kiểm soát miền Đông Libya không công nhận chính phủ này.

 

Tàu MSC Arina không bị tịch thu và đã rời cảng Gioia Tauro hôm 20/06, hướng tới phía Tây Địa Trung Hải.

 

Cơ quan Quan thuế Ý tịch thu các bộ phận của hai phi cơ không người lái quân sự Dực Long sản xuất tại Trung Quốc. Những phi cơ không người lái và các bộ phận này được giấu trong thiết bị tua-bin gió và bị chặn lại tại cảng Gioia Tauro. (Ảnh: Cơ quan Quan thuế Ý)

 

 

Đây là trường hợp thứ hai trong thời gian ngắn khi Libya cố gắng buôn lậu phi cơ không người lái sản xuất tại Trung Quốc vào nước này để dùng trong chiến tranh, sau vụ nhân viên quan thuế Canada phát hiện vụ buôn lậu tương tự hồi tháng Tư.

 

Phán đoán dựa trên hình dạng bên ngoài, các phi cơ không người lái được buôn lậu vào Libya là loại Dực Long-2. Nó có hình dạng tương tự như phi cơ MQ-9 Reaper do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Thành Đô của Hoa Kỳ phát triển.

 

Là một loại vũ khí điều khiển từ xa có thời gian bay dài, Dực Long-2 thường được so sánh với MQ-9 Reaper, nhưng tốc độ và độ cao tối đa của nó đều thua kém MQ-9 Reaper.

 

Khi Dực Long ra mắt vào năm 2017, các hãng truyền thông chính thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã quảng bá đây là dấu mốc đầu tiên của Bắc Kinh trong việc cạnh tranh với Hoa Kỳ về “phi cơ không người lái tấn công và tích hợp trinh sát thế hệ mới.”

 

Vì phi cơ không người lái quân sự sản xuất tại Trung Quốc không bị hạn chế về tiêu chuẩn đạo đức và có giá thành thấp, nên nó đã trở thành lựa chọn ưu tiên của một số quốc gia, đặc biệt là những quốc gia hoặc khu vực bị quốc tế trừng phạt. Trong khi đó, Hoa Kỳ áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với việc xuất cảng phi cơ không người lái quân sự, yêu cầu các khách hàng tiềm năng phải phù hợp với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về nhân quyền và luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, ĐCSTQ không đặt ra những tiêu chuẩn đạo đức này.

 

Ngoài ra, giá thành của phi cơ không người lái Trung Quốc chỉ bằng một phần nhỏ so với phi cơ của Hoa Kỳ. Mặc dù giá cả của Dực Long-2 chưa được công bố, nhưng Dực Long-1 có giá khoảng 1 triệu USD, trong khi phi cơ MQ-9 Reaper của Hoa Kỳ có giá lên tới khoảng 30 triệu USD.

 

(Epochtimes Việt ngữ - Lâm Yến thực hiện, Hoa Hưng biên dịch)

(Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ)