Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 128.723 trường hợp mắc COVID-19 và 4.712 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 7,5 triệu người. Mỹ và Brazil bị đại dịch tấn công nặng nề, trong khi dịch tiếp tục xu thế hạ nhiệt ở châu Âu và châu Á, nhiều nước đẩy nhanh nới lỏng các biện pháp giãn cách và khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Algiers, Algeria, ngày 7/6/2020. Ảnh: THX
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 12/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 7.575.874 ca, trong đó có 422.847 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 3.832.199 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 53.850 và 3.320.828 ca đang điều trị tích cực.
Xu thế dịch "hạ nhiệt" tiếp tục diễn ra ở hầu hết các nước châu Âu và châu Á, xét cả về số ca tử vong và dương tính mới với virus SARS-CoV-2. Trong khi tổng số ca mắc bệnh tại Mỹ Latinh đã vượt ngưỡng 1,5 triệu người.
Mỹ vẫn là tâm dịch thế giới với 2.088.364 ca nhiễm và 116.016 ca tử vong. Xếp sau đó là Brazil với 802.828 ca nhiễm và 40.920 ca tử vong và Nga với 502.436 ca nhiễm và 6.532 ca tử vong. Cho tới thời điểm sáng 12/6 (giờ Việt Nam), có tới 13 quốc gia trên thế giới có số ca nhiễm từ trên 150.000 ca trở lên.
Người dân xếp hàng chờ nhận thực phẩm cứu trợ tại New York, Mỹ ngày 14/5/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX
Trong vòng 24 giờ qua, Mỹ đứng thứ hai thế giới sau Brazil về số ca tử vong vì COVID-19. Nước này ghi nhận thêm 21.963 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 886 ca tử vong trong ngày, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và thiệt mạng vì dịch bệnh ở nước này lên lần lượt 2.088.364 ca và 116.016 ca.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin ngày 11/6 cho biết Mỹ sẽ không đóng cửa nền kinh tế để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, ngay cả khi COVID-19 đang bùng phát mạnh tại một số bang. Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình CNBC, ông Mnuchin nêu rõ: “Chúng ta không thể đóng cửa nền kinh tế. Tôi cho rằng chúng ta đã nhận thấy việc đóng cửa nền kinh tế sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy”.
Các cửa hàng tại New York, Mỹ, đóng cửa ngày 8/5/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX
Bộ trưởng Mnuchin đưa ra phát biểu trên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra dự báo về triển vọng kinh tế Mỹ trên mạng xã hội Twitter, trong đó khẳng định: “Chúng ta sẽ có một quý III rất tốt, một quý IV tuyệt vời và một trong những năm tốt đẹp nhất là năm 2021. Chúng ta sẽ sớm có vaccine và phác đồ điều trị. Đó là quan điểm của tôi”
Các bãi biển ở thành phố Miami thuộc bang Florida, miền Nam nước Mỹ, đã lần đầu tiên mở cửa trở lại sau 3 tháng đóng cửa để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Trong khi đó, giới chức hạt Los Angeles thuộc bang California đã "bật đèn xanh" cho việc nối lại hoạt động sản xuất phim và chương trình truyền hình từ ngày 12/6. Tuy nhiên, các rạp chiếu phim tại đây vẫn phải tiếp tục đóng cửa.
Người dân đổ xô đến một khu mua sắm sầm uất ở bang Sao Paulo, Brazil khi các cơ sở kinh doanh tại đây được phép mở cửa trở lại ngày 10/6/2020. Ảnh: AFP
Brazil đang có xu thế thay Mỹ để trở thành tâm dịch mới của thế giới. Trong vòng 1 ngày qua, tính tới sáng 12/6 (theo giờ Việt Nam), xứ sở Samba ghi nhận 1.123 ca tử vong mới và 27.644 ca mắc bệnh, nhiều nhất thế giới.
Chính quyền bang Sao Paulo - bang đông dân nhất và là tâm dịch COVID-19 của nước này - đã cho phép các cửa hàng nối lại hoạt động kinh doanh, đồng thời "bật đèn xanh" cho các trung tâm thương mại chuẩn bị mở cửa trở lại.
Người dân đổ xô đến một khu mua sắm sầm uất ở bang Sao Paulo, Brazil khi các cơ sở kinh doanh tại đây được phép mở cửa trở lại ngày 10/6/2020. Ảnh: AFP
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Sao Paulo bước sang ngày thứ hai liên tiếp ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất trong ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Theo Văn phòng Thống đốc bang Sao Paulo, bang này xác nhận thêm 340 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại đây lên 9.862 ca, tương đương 25% tổng số ca tử vong trên cả nước.
Tuy nhiên, số liệu này không ngăn dòng người đổ đến một khu mua sắm sầm uất ở thành phố Sao Paulo, nơi khoảng 50% số cơ sở kinh doanh đã mở cửa trở lại. Hầu hết các cửa hàng đều yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang và sát khuẩn tay, trong khi một số cửa hàng yêu cầu đo thân nhiệt. Dự kiến, các trung tâm thương mại ở thành phố Sao Paulo và thành phố Rio de Janeiro (Ri-ô đề Gia-nây-rô) sẽ mở lại đón khách trong ngày 11/6 (giờ địa phương).
Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Thủ tướng CH Séc Andrej Babis, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki và Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini tại cuộc họp Nhóm V4 ở Praha, CH Séc, ngày 4/3/2020. Ảnh: AFP
Khi tâm dịch COVID-19 đã dịch chuyển sang châu Mỹ và khu vực Mỹ Latinh, tình hình tại nhiều nước châu Âu đang tiến triển tích cực, hoạt động kinh tế xã hội đang từng bước trở lại bình thường.
Ngày 11/6, Uỷ ban châu Âu (EC) đã đề xuất các nước thành viên Liên mình châu Âu (EU) gỡ bỏ các hạn chế đi lại giữa các nước trong khối kể từ đầu tuần tới. Theo hãng thông tấn AFP, EC đề xuất mở lại hoàn toàn các biên giới nội khối vào ngày 15/6 và cho phép du khách đến từ các quốc gia ngoài khối nhập cảnh EU từ ngày 1/7.
Kế hoạch trên được đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang thuyên giảm đáng kể ở các nước thành viên EU và chính phủ các nước đang cố gắng khôi phục hoạt động du lịch vào đầu mùa Hè này.
Khách hàng dùng bữa tại một nhà hàng ở Budapest, Hungary, ngày 19/5/2020. Ảnh: THX
Trong một thông cáo báo chí, EC nêu rõ: "Ủy ban châu Âu đề nghị các nước thành viên khối Schengen và liên kết với Schengen gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đường biên giới nội khối trước ngày 15/6 và gia hạn những hạn chế tạm thời đối với hoạt động nhập cảnh không cần thiết vào EU tới ngày 30/6; đồng thời đề rõ lộ trình tiến tới dỡ bỏ hạn chế này sau đó".
EC cũng đưa ra một danh sách các tiêu chuẩn cho việc quyết định vấn đề mở cở các đường biên giới EU cho công dân ngoài khối, như: tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng ngừa và các trường hợp ngoại lệ.
Khách du lịch chụp ảnh lưu niệm trước Tháp Eiffel ở thủ đô Paris, Pháp ngày 11/5/2020. Ảnh: THX
Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Nga ngày 11/6 cho biết nước này ghi nhận 8.779 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, đưa tổng số lên 502.436 ca. Ngoài ra Nga cũng ghi nhận thêm 174 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 6.532 ca.
Trong khi đó, cung trong 24 giờ qua có thêm 8.357 người khỏi bệnh nâng tổng số ca bình phục lên 261.150 ca. Tính đến ngày 10/6, tổng cộng 321.923 người tại Nga đang được giám sát y tế, trong khi trên 13,8 triệu xét nghiệm đã được tiến hành trên cả nước.
Tại Kyrgyzstan, Thứ trưởng Bộ Y tế Nurbolot Usenbaev cho biết nước này ngày 11/6 xác nhận thêm 36 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.129 ca. Ngoài ra, 58 ca khỏi bệnh trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca bình phục lên 1.630 ca. Tổng số ca tử vong vẫn là 26 ca. Trong số các ca nhiễm mới, 19 ca có tiếp xúc gần với người nhiễm, 13 ca không rõ nguồn lây và 4 ca từ nước ngoài.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi đi tàu điện ngầm tại Kiev, Ukraine ngày 25/5/2020. Ảnh: THX
Cùng ngày, Bộ Y tế Ukraine công bố số liệu cho biết số ca nhiễm COVID-19 mới tại nước này trong vòng 24 giờ qua là 689 ca, mức cao nhất tính theo ngày kể từ khi Ukraine ghi nhận ca mắc đầu tiên.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 11/6, Bộ trưởng Y tế Maksym Stepanov thừa nhận chưa bao giờ nước này ghi nhận số ca nhiễm cao như vậy, kể cả thời điểm khó khăn nhất là tháng Tư vừa qua, khi tình hình dịch bệnh hết sức nghiêm trọng.
Với số ca nhiễm mới trên, đến nay, Ukraine đã xác nhận tổng cộng 29.070 bệnh nhân COVID-19, trong đó 854 ca tử vong và 13.141 ca phục hồi.
Người dân đi thuyền tại Venice, Italy, ngày 29/5/2020. Ảnh: AFP
Tại Italy, theo Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này tính đến ngày 11/6 là 236.142 trường hợp, trong đó có 34.167 ca tử vong và 171.338 bệnh nhân đã hồi phục.
Bộ Y tế Italy ngày 11/6 khẳng định virus SARS-CoV-2 vẫn đang lây lan và các trường hợp mắc bệnh không biểu hiện triệu chứng đang gia tăng, do đó, thận trọng vẫn là nguyên tắc cơ bản khi chưa có vaccine phòng bệnh.
Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza cho biết số ca mắc COVID-19 hồi phục gia tăng, đường cong dịch tễ đang đi xuống, nhiều vùng với chỉ số bằng 0, số ca tử vong giảm, và chỉ số RT (chỉ số lây nhiễm sau khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan) tại Italy hiện ở dưới 1. Bộ trưởng Speranza cho rằng đây là những dấu hiệu tích cực, nhưng chỉ là một phần của thực tế dịch bệnh hiện nay, do đó không thể ngừng cảnh giác.
Người dân vui chơi tại quảng trường ở Rome, Italy, ngày 2/6/2020. Ảnh: AFP
Ngày 11/6, các nghị sĩ Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất xếp virus SARS-CoV-2 là mối đe dọa cấp trung đối với người lao động, rút lại sự phản đối của họ sau khi Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra các biện pháp về đảm bảo an toàn lao động.
EC hồi tuần trước đã xếp loại virus này là mối nguy hiểm thuộc mức 3 trên thang xếp hạng có 4 mức, hành động đã gây ra sự chỉ trích mạnh mẽ từ các thành viên đảng Xã hội và đảng Xanh của Nghị viện châu Âu vì theo họ, sức khỏe của người lao động đang bị xâm phạm.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran ngày 30/5/2020. Ảnh: THX
Tại châu Á, dù dịch bệnh đã giảm đi nhiều, song một số nước đang đứng trước nguy cơ virus SARS-CoV-2 bùng phát trở lại.
Ngày 11/6, giới chức y tế Iran xác nhận số các trường hợp mắc bệnh COVID-19 ở nước này đã vượt mốc 180.000 người, sau khi có thêm 2.218 trường hợp mới ghi nhận trong vòng 24 giờ qua.
Phát biểu trong một buổi họp báo, bà Sima Sadat Lari - người phát ngôn của Bộ Y tế Iran - cho biết hiện quốc gia châu Á này có tổng cộng 180.156 người mắc bệnh, trong khi số ca tử vong cũng tăng thêm 78 trường hợp, lên 8.584 người.
Tính đến nay, 142.663 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và hồi phục sức khỏe, trong khi vẫn còn 2.728 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Iran là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 tại khu vực Trung Đông, sau khi hai trường hợp tử vong đầu tiên được phát hiện tại thành phố Qom vào ngày 19/2.
Người dân đi xe đạp qua đường ray tàu hỏa tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 4/5/2020. Ảnh: AFP
Tại Đông Bắc Á, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã ghi nhận ca nhiễm mới đầu tiên sau gần 2 tháng. Bệnh nhân là một người đàn ông 52 tuổi. Người này kiểm tra sức khỏe tại một phòng khám vào ngày 10/6 do bị sốt. Ông cho biết bản thân chưa từng rời khỏi Bắc Kinh hay tiếp xúc với bất kỳ ai trở về từ nước ngoài trong 2 tuần gần nhất.
Chính quyền thủ đô Tokyo, Nhật Bản, ngày 11/6 đã quyết định dỡ bỏ cảnh báo về khả năng gia tăng số ca COVID-19 tại thủ đô. Trong một thông báo, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike cho biết bên cạnh việc dỡ bỏ cảnh báo đưa ra từ ngày 2/6 vừa qua, chính quyền cũng nới lỏng hơn nữa các hạn chế đối với hoạt động kinh doanh tại thủ đô Tokyo từ ngày 12/6. Theo bà Koike, hiện số ca nhiễm mới hàng ngày cũng như các đường lây nhiễm chưa được xác định vẫn ở mức ổn định tại thủ đô đất nước Mặt trời mọc.
Cùng ngày, Tokyo ghi nhận 22 ca nhiễm mới, ít hơn 4 ca so với ngày trước đó.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới sáng 12/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 1.887 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng trên 3.200 người.
Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus SARS-CoV-2. Tình hình đang diễn biến nghiêm trọng, ngày một xấu đi ở Indonesia. Trong ngày, khu vực có 5 nước ghi nhận các ca mắc mới.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 3.245 người dân ở khu vực này, tăng 50 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 111.253 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 55.931 trường hợp.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 4/6/2020. Ảnh: THX
Dù tổng số ca mắc COVID-19 tại Singapore cao nhất, song Indonesia mới là “ổ dịch” nghiêm trọng nhất khu vực, với tổng cộng 2.000 người tử vong. Về tổng thể, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại hai nước Indonesia và Philippines. Ngược lại, 6 nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại nhịp.
Ngày 11/6, Chính phủ Lào tuyên bố nước này đã giành chiến thắng ban đầu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, sau khi toàn bộ 19 bệnh nhân mắc COVID-19 đã được xuất viện và không có ca nhiễm mới nào trong 60 ngày liên tiếp.
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Giza, Ai Cập. Ảnh: THX
Ngày 11/6, Bộ Y tế Ai Cập thông báo nước này đã ghi nhận thêm 1.442 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh ở quốc gia Bắc Phi này lên 39.726 người.
Ngoài ra, trong vòng 24 giờ qua đã có thêm 35 trường hợp tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong do căn bệnh này lên 1.377 người. Bên cạnh đó cũng có thêm 402 bệnh nhân mắc COVID-19 khỏi bệnh, nâng tổng số trường hợp khỏi bệnh lên 10.691 người.
Người đứng đầu Ủy ban Khoa học Thể chất thuộc Bộ Y tế Ai Cập, Tiến sĩ Hosam Hosny đã đưa ra nhận định rằng số ca mắc COVID-19 ở Ai Cập sẽ tiếp tục tăng trong tháng này cho đến khi đạt ngưỡng 2.000 – 2.500 ca/ngày.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Johannesburg, Nam Phi ngày 22/5/2020. Ảnh: THX
Châu Phi đến nay ghi nhận trên 5.000 ca tử vong, trên tổng số gần 200.000 ca mắc COVID-19. Hiện dịch bệnh đã lây lan ở 54 quốc gia châu Phi, trong đó khu vực Maghreb (Bắc Phi) là nơi ảnh hưởng nhiều nhất về cả số ca mắc bệnh cũng như số ca tử vong.
Riêng Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất châu lục với tổng số ca nhiễm lên tới 50.000 ca. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một trong những thách thức lớn nhất tại các nước châu Phi là vấn đề thiếu thốn vật tư y tế, cụ thể là các bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2.