Ảnh minh họa : Người dân Palestine chờ lấy nước sau khi Tổ chức Theo dõi Nhân quyền lên án việc Israel tước đoạt nguồn nước ở Gaza là một hành động diệt chủng. Ảnh chụp tại Khan Younès, dải Gaza, ngày 19/12/2024. REUTERS - Hatem Khaled
TÂY Á - Ngày 15/01/2025, sau 15 tháng xung đột, Israel và Hamas đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn cho Gaza. Mỹ, Qatar và Ai Cập là ba nước trung gian đóng một vai trò then chốt sau rất nhiều các vòng đàm phán ở Doha. Nhưng hy vọng nào cho hơn 2 triệu dân Gaza mà gần như toàn bộ đã phải di tản trong 15 tháng vừa qua dưới các đợt tấn công của quân đội Israel? Tương lai nào cho vùng lãnh thổ của người dân Palestine nằm sát cạnh Nhà nước Do Thái này?
Gia đình của gần 100 con tin Israel bị tổ chức Hồi Giáo Palestine Hamas cầm giữ từ ngày 07/10/2023 đến nay đã thở phào nhẹ nhõm trước viễn cảnh thân nhân của họ sắp được trở về. Hơn 2 triệu người dân Palestine ở Gaza đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có hy vọng lại được sống bình yên dù phải làm lại tất cả từ đầu, dù gần 47.000 người đã thiệt mạng từ hơn một năm qua, từ khi phong trào Hamas bất ngờ tấn công vào lãnh thổ Israel và sau đó liên tục bị quân đội của Nhà nước Do Thái phong tỏa, oanh kích. Cộng đồng quốc tế hoan nghênh một thỏa thuận cho phép mang lại « ổn định lâu dài cho Trung Đông ».
Song thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas vẫn chưa chính thức được Nhà nước Do Thái thông qua. Bước tiến quan trọng hướng đến hòa bình này chưa biết đến khi nào mới hoàn toàn được thực thi. Chỉ riêng « giai đoạn một » kéo dài 6 tuần lễ kể từ Chủ Nhật 19/01/2025 liên quan đến việc trao đổi một số con tin, tù nhân và khởi động lại các chương trình viện trợ nhân đạo đã là cả một vấn đề. Chưa ai dám bàn tới hai giai đoạn kế tiếp trong thỏa thuận liên quan đến tương lai chính trị cho Gaza cũng như công cuộc tái thiết vùng lãnh thổ này của người Palestine.
Trước mắt, có nhiều lý do để hy vọng thỏa thuận ngừng bắn lần này giữa Israel và Hamas lâu bền hơn thỏa thuận ngắn ngủi trong vỏn vẹn hơn chục ngày hồi tháng 11/2023.
Lý do đầu tiên là từ mùa hè 2024 đến nay tương quan lực lượng ở Trung Đông đã hoàn toàn thay đổi theo hướng có lợi cho Israel. Nhiều lãnh đạo của lực lượng Hamas đã bị triệt hạ. Một điểm tựa chính của phong trào Hồi Giáo Palestine này là Hezbollah ở Liban hiện trong thế rắn không đầu sau hàng loạt các vụ tấn công triệt để của tình báo và quân đội Israel hồi tháng 9/2024. Gần đây hơn là sự sụp đổ của chế độ Bachar Al Assad ở Syria và thế suy yếu thấy rõ của Iran, quốc gia « điều khiển » « trục kháng chiến » chống Mỹ và Nhà nước Do Thái.
Lý do thứ hai là yếu tố chính trị tại Hoa Kỳ. Donald Trump, đắc cử tổng thống và chuẩn bị trở lại Tòa Bạch Ốc, không hề muốn bận tâm về chiến tranh ở Gaza. Chính quyền của tổng thống mãn nhiệm Joe Biden thì muốn ra đi với một thắng lợi ngoại giao và đã không ngừng gây sức ép với Israel để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Điều cần biết là các cộng sự viên của hai ông Biden và Trump đã « phối hợp nhịp nhàng » với nhau để giải quyết xung đột ở Trung Đông. Theo giới quan sát, thỏa thuận ngừng bắn cho Gaza lẽ ra đã được thông qua từ mùa xuân năm ngoái, nhưng thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vừa « ngoan cố » đòi « tiêu diệt đến cùng toàn bộ quân Hamas », vừa sợ rằng mọi nhượng bộ sẽ làm tan vỡ liên minh cầm quyền.
Yếu tố thứ ba là sau 15 tháng chiến tranh, « đôi bên cùng thấm mệt » : Thủ lĩnh Hamas, Yahya Sinouar, bị giết hồi tháng 10/2024, khiến phong trào Hồi giáo Palestine rơi vào thế « rắn không đầu », mất dần các điểm tựa như Hezbollah ở Liban, trong lúc tại Teheran, Iran đã bị chia trí về những hồ sơ khác. Với những gì còn lại, tổ chức này trông cậy vào một lệnh ngừng bắn để tổ chức lại hoạt động.
Về phía Israel, chiến dịch ở Liban đã làm hao mòn sức lực của quân đội với 50 quân nhân Israel tử vong trong vòng ba tháng, hơn 400 người thiệt mạng từ tháng 10/2023. Thỏa thuận ngừng bắn lần này diễn ra vào lúc « quân đội Israel sa lầy », công luận Israel không còn tin tưởng vào giải pháp quân sự để đưa các con tin trở về. Cựu nhân viên tình báo Israel Michael Milstein được Le Monde (16/01/2025) trích dẫn cho biết thêm: Không còn ai tin vào hứa hẹn của thủ tướng Benjamin Netanyahu về một « thắng lợi toàn diện » tiêu diệt Hamas.
Có khả năng là trong những tuần lễ sắp tới dân cư ở Bắc Gaza sẽ lại trở về nơi mà họ đã phải bỏ lại sau lưng từ những ngày đầu bị quân đội Israel đánh phá, đời sống của 2,2 triệu dân cư tại đây đỡ cơ cực hơn khi viện trợ nhân đạo bắt đầu đến. Nhưng chưa biết khi nào các nhà máy điện, các nhà máy cung cấp nước và nhất là bệnh viện, trường học ở Gaza mới được xây dựng lại.
(Nguồn: RFI)