Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 148.173 trường hợp mắc COVID-19 và 3.259 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 10,3 triệu người. Đại dịch đang có xu hướng trở lại và lây lan trên diện rộng hơn.
Người bộ hành trên đường phố tại Moskva, Nga, ngày 9/6/2020. Ảnh: THX
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 30/6 (giờ GMT+7), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 10.389.992 ca, trong đó có 507.372 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 5.645.887 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 57.510 và 4.236.733 ca đang điều trị tích cực.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào một bệnh viện ở Buenos Aires, Argentina ngày 7/5/2020. Ảnh: AFP
Ngày 28/6, thế giới có 133 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 81 quốc gia và vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm Mỹ (38.338 ca), Brazil (22.941 ca) và Ấn Độ (18.399 ca); trong khi các nước Brazil (656 ca), Ấn Độ (417 ca) và Mỹ (323 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến lo ngại bắt đầu xuất hiện trở lại ở châu Á, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai.
Số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nơi ở châu Á, trong đó phải kể đến một số điểm nóng từng kiểm soát tốt dịch bệnh như Trung Quốc, Nam Hàn, Nhật Bản. Trong khi Ấn Độ đối mặt với nguy cơ trở thành tâm dịch mới của thế giới.
Châu Âu tiếp tục xu thế "hạ nhiệt", tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế.
Trên bình diện khu vực, Mỹ Latinh tiếp tục là điểm nóng của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm đặc biệt tăng mạnh trong những ngày gần đây tại Brazil, Mexico và Chile. Brazil hiện cũng là nước có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao thứ hai thế giới.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP
Ngày 29/6, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus thông báo WHO sẽ cử một nhóm chuyên gia đến Trung Quốc vào tuần tới để điều tra về nguồn gốc virus SARS-CoV-2.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hiện nguồn gốc virus SARS-CoV-2 để có thể phòng chống loại virus này tốt hơn.
Tuy nhiên, ông không cho biết thành phần nhóm chuyên gia được cử tới Trung Quốc cũng như nhiệm vụ cụ thể của nhóm chuyên gia này.
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 21/6/2020. Ảnh: THX
Trước đó Mỹ - quốc gia chỉ trích WHO mạnh nhất cho biết sẽ rời khỏi cơ quan y tế của Liên hợp quốc này - đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra về nguồn gốc virus SARS-CoV-2.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo cho rằng có thể virus này bắt nguồn từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán mặc dù họ không đưa ra được bằng chứng minh chứng cho phát biểu này và Trung Quốc kịch liệt bác bỏ nhận định đó.
Nhiều người đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 27/6/2020. Ảnh: THX
Mỹ tiếp tục là tâm dịch COVID-19 của thế giới, với 2.675.415 ca mắc và 128.7601 ca tử vong.
Số ca mắc COVID-19 trong ngày tại các bang của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất sau nhiều tháng nỗ lực thực thi các biện pháp giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh nhưng không áp dụng đồng đều trên cả nước.
Trong bối cảnh đó, một số tiểu bang miền Tây và Nam như California, Texas và Florida đã phải tái áp đặt các hạn chế để phòng dịch.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Sao Paulo, Brazil, ngày 8/6/2020. Ảnh: THX
Sau Mỹ là Brazil với 1.368.195 ca mắc COVID-19 và 58.314 ca tử vong. Các chuyên gia y tế lo ngại con số này trên thực tế còn cao hơn do năng lực xét nghiệm của nước này còn hạn chế.
Tiếp đến là Nga với 641.156 ca mắc và 9.166 ca tử vong. Tuy nhiên, Nga ghi nhận một điểm sáng khi trong ngày 29/6 chỉ có thêm 6.719 ca nhiễm mới COVID-19 - mức thấp nhất trong hai tháng qua.
Các nước khác lần lượt ghi nhận số bệnh nhân cao là Ấn Độ với 567.536 ca mắc và 16.904 ca tử vong, Anh với 311.965 ca mắc và 43.575 ca tử vong, Tây Ban Nha với 296.050 ca mắc và 28.434 ca tử vong.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Moskva, nga ngày 15/6/2020. Ảnh: AFP
Khu vực Mỹ Latinh vẫn là một điểm nóng trên thế giới khi chứng kiến số ca mắc COVID-19 trong một tháng qua tăng hơn 3 lần lên khoảng 2,5 triệu người.
Dịch bệnh đe dọa sức khỏe của người dân đồng thời làm lung lay nền tảng kinh tế xã hội tại khu vực vốn đã tồn tại những vấn đề đáng lo ngại từ nhiều năm nay.
Tình hình dịch bệnh cũng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại một số quốc gia châu Âu. Từ ngày 1/7 đến ngày 31/8, Hy Lạp yêu cầu khách nước ngoài khai báo y tế trực tuyến trước thời điểm nhập cảnh 48 giờ để xác định liệu họ có cần thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 hay không. Tính đến nay, Hy Lạp phát hiện 3.376 ca mắc COVID-19 và 191 ca tử vong.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Berlin, Đức ngày 29/4/2020. Ảnh: AFP
Trong khi đó, Đức lần đầu triển khai dịch vụ xét nghiệm nhanh ở sân bay, cụ thể là sân bay quốc tế Frankfurt, nhằm giúp giải tỏa tâm lý lo ngại của hành khách khi mà giai đoạn cao điểm đi lại trong mùa Hè đang đến gần.
Xét nghiệm có giá từ 59-139 euro, với kết quả được trả nhanh nhất trong 2-3 giờ đồng hồ. Nếu có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, hành khách có thể không phải thực hiện quy định cách ly phòng ngừa.
Cùng ngày, chính quyền bang North Rhine-Westphalia, miền Tây nước Đức, thông báo tiếp tục kéo dài lệnh phong tỏa khu vực Guetersloh thêm một tuần. Trên toàn nước Đức, số ca mắc COVID-19 hiện là 195.104 ca, trong khi số ca tử vong là 9.030 ca.
Hành khách tại một nhà ga ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 19/6/2020. Ảnh: THX
Ngày 29/6, Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ mong muốn dỡ bỏ hạn chế nhập cảnh đối với công dân của 14 quốc gia từ ngày 1/7 bao gồm Algeria, Australia, Gruzia, Nhật Bản, Canada, Maroc, Montenegro, New Zealand, Rwanda, Serbia, Nam Hàn, Thái Lan, Tunisia và Uruguay.
Tờ Thế giới (die Welt) dẫn nguồn Thông tấn Đức cho biết, EU muốn đề xuất chính thức các hạn chế nhập cảnh đối với 14 quốc gia nêu trên sẽ được dỡ bỏ kể từ ngày 1/7.
Tuy nhiên, các hạn chế nhập cảnh chỉ được dỡ bỏ nếu các nước này cũng dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh đối với công dân Đức cũng như công dân các nước EU. Ngoài ra, đề xuất của EU vẫn còn những điều không chắc chắn bởi vấn đề biên giới là vấn đề thuộc thẩm quyền của các quốc gia EU và các quốc gia có thể không thực hiện theo khuyến nghị này.
Nhiều người đến tại bãi biển ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 19/6/2020. Ảnh: THX
Phát biểu trên die Welt, người phát ngôn của Đoàn Chủ tịch EU của Croatia, bà Goranka Primc nói: “Có đi có lại là một trong những nguyên tắc cơ bản của đề xuất này”. Theo bà, việc dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh vẫn chưa có một sự chắc chắn cuối cùng bởi không rõ liệu các quốc gia như Tunisia hay Thái Lan có cho phép công dân EU vào các nước này hay không.
Theo đề xuất của EU, số lượng ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới trong 2 tuần vừa qua sẽ có ý nghĩa quyết định trong việc xem xét nới lỏng các hạn chế nhập cảnh đối với công dân của quốc gia đó.
Bên cạnh đó, cách ứng phó của quốc gia với đại dịch cũng sẽ đóng một vai trò trong quá trình xem xét. Một trong những tiêu chí là số lượng ca nhiễm mới trên 100.000 dân trong 2 tuần phải đạt dưới mức 16 người, tương đương mức trung bình của EU.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 26/6/2020. Ảnh: THX
Tại châu Á, các ổ dịch COVID-19 mới vẫn tiếp tục xuất hiện thành từng cụm lẻ tẻ tại Nam Hàn, mặc dù nước này ghi nhận số ca mắc bệnh trong ngày dưới mức 50 người.
Theo thống kê, trong ngày 29/6, Nam Hàn ghi nhận thêm 42 ca mắc bệnh, trong đó có 30 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 12.757 ca.
Tuy nhiên, không có ca tử vong nào được ghi nhận trong ngày 29/6, theo đó tổng số người tử vong duy trì ở mức 282 người.
Nhiều người đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 21/6/2020. Ảnh: THX
Tại Nhật Bản, chính phủ nước này cho biết sẽ bổ sung 18 quốc gia vào danh sách cấm nhập cảnh, chủ yếu ở khu vực Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Phi, nâng tổng số nước trong danh sách này lên con số 129.
Theo thông báo, từ ngày 1/7, công dân nước ngoài từng đến 18 quốc gia nói trên trong vòng 14 ngày sẽ bị từ chối nhập cảnh vào Nhật Bản. Các quốc gia mới được đưa vào danh sách này chủ yếu ở khu vực Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Phi, gồm Algeria, Cuba, Iraq, Cameroon, CH Trung Phi, Costa Rica, Eswatini, Gruzia, Grenada, Guatemala, Guyana, Haiti, Jamaica, Liban, Mauritania, Nicaragua, Saint Vincent và Grenadines, cùng Senegal.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới như ngừng cấp thị thực (visa) cho công dân các nước thuộc danh sách trên cho đến cuối tháng Bảy tới. Đến nay Nhật Bản có 18.390 ca mắc COVID-19 và 971 ca tử vong.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Tehran, Iran, ngày 1/3/2020. Ảnh: AFP
Tại Trung Đông, mặc dù đã qua đỉnh dịch nhưng Qatar vẫn nới lỏng biện pháp hạn chế từ đầu tháng Bảy tới, qua đó cho phép các nhà hàng, công viên và bãi biển mở cửa trở lại, nhưng vẫn phải đảm bảo một số biện pháp phòng dịch.
Với dân số khoảng 2,8 triệu người, Qatar là nước có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai trong số các nước Arab Vùng Vịnh, sau nước láng giềng Saudi Arabia (186.436 ca).
Trong ngày 28/6, nước này đã ghi nhận 750 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 94.413 ca, trong đó có 10 trường hợp tử vong.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 29/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 2.277 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng trên 4.270 người.
Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Indonesia tình hình tiếp tục diễn biến xấu khi số bệnh nhân mắc và số ca tử vong vẫn ở mức cao. Hiện “quốc gia vạn đảo” đang dẫn đầu khu vực về số bệnh nhân cũng như nạn nhân tử vong do đại dịch.
Trong ngày, khu vực ASEAN có 5 nước ghi nhận các ca mắc COVID-19 mới.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch tại Campuchia. Ảnh: AFP
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 4.274 người dân ở khu vực này, tăng 62 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 147.976 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 83.990 trường hợp.
Thái Lan cùng ngày đã gia hạn tình trạng khẩn cấp để ứng phó với dịch COVID-19.
Trái với tình hình ở Indonesia hay Philippines, các nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại nhịp. Nhiều nước ASEAN tiến tục xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.
Dù vậy, tâm lý lo sợ một làn sóng dịch thứ hai đang ngày càng gia ở Đông Nam Á.
Người dân xếp hàng nhận thức ăn cứu trợ tại Johannesburg, Nam Phi ngày 5/6/2020. Ảnh: THX
Tại châu Phi, số ca mắc COVID-19 tính đến sáng 29/9 đã ở trên mức 380.000 người, cụ thể đang là 382.652 ca - tăng 11.104 ca so với ngày trước đó.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, số ca tử vong ở lục địa này đang là 9.657 ca, tăng 173 ca.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Nam Phi với 138.134 ca mắc, tiếp đến là Ai Cập với 65.188 ca, Nigeria với 24.567 ca.
Cùng ngày, Chính phủ Nam Phi thông báo tiếp tục dỡ bỏ các hạn chế đối với hoạt động đi lại trong nước bằng đường hàng không. Quyết định này được đưa ra mặc dù số ca mắc COVID-19 ở nước này tiếp tục tăng cao.
Theo số liệu thống kê, trong ngày 28/6, Nam Phi ghi nhận thêm 6.334 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 138.134 người. Trong khi đó, số ca tử vong đang là 2.456 người.