Một công nhân Trung Quốc đang làm việc bên dây chuyền sản xuất chip ở huyện Sihong, tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc, hôm 16/2/2020. (Ảnh: STR / AFP)
Các nghiên cứu gia của Mỹ cảnh báo: Khao khát sở hữu nền công nghiệp vi mạch dẫn đầu thế giới ở Đài Loan là một động lực to lớn thúc đẩy Bắc Kinh xâm lược quốc đảo này.
Trên thực tế, Đài Loan là quê hương của nhiều nhà máy bán dẫn tiên tiến nhất thế giới, bao gồm nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới là Tập đoàn TSMC.
IC Insights, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết: “Hiện tại, không có cơ sở sản xuất vi mạch (hay vi mạch tích hợp) nào có thể ‘vượt mặt’ Đài Loan... Trung Quốc đang tồn tại một vấn đề lớn là nước này không có khả năng sản xuất các thiết bị vi mạch tiên tiến phục vụ hệ thống điện tử trong tương lai, và họ tin rằng vấn đề này sẽ được giải quyết thông qua việc chiếm lấy Đài Loan bằng bất cứ giá nào”.
Đầu tháng này, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ thống nhất Đài Loan vì mục tiêu “bảo vệ chủ quyền Trung Quốc”, mặc dù đây là 2 quốc gia độc lập.
Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu chip lớn nhất thế giới, nằm ở khúc cuối trong chuỗi giá trị chất bán dẫn.
IC Insights cho biết, Hoa Kỳ vào năm ngoái đã đặt ra các hạn chế về xuất khẩu chip đối với tập đoàn viễn thông Huawei và nhà máy sản xuất vi mạch lớn nhất Trung Quốc SMIC. Việc này “khiến Trung Quốc lo ngại về khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp vi mạch và điện tử trong tương lai của quốc gia này”.
Theo IC Insights, “Trung Quốc và Đài Loan chiếm khoảng 37% tổng năng lực sản xuất vi mạch toàn cầu, gần gấp 3 lần so với khu vực Bắc Mỹ”.
Công nhân sản xuất chip LED tại một nhà máy ở thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, hôm 16/06/2020. (Ảnh: STR / AFP)
Từ máy giặt, thiết bị điện tử, đến máy bay chiến đấu, hàng triệu sản phẩm hiện đại đều cần có bộ vi mạch máy tính, còn được gọi là chất bán dẫn. Đây là bộ phận dẫn điện, cung cấp năng lượng cho các thiết bị điện tử. Các loại chip nhỏ hơn thường có hiệu suất tốt hơn nhưng đòi hỏi công nghệ và thiết bị tiên tiến hơn để chế tạo.
Nghiên cứu của IC Insights cũng chỉ ra rằng, Đài Loan và Hàn Quốc là 2 quốc gia duy nhất có thể sản xuất chip dưới 10 nanomet. Với sự đóng góp của Tập đoàn TSMC, Đài Loan hiện đang nắm giữ 63% các công nghệ tiên tiến nhất trong sản xuất chip, trong khi Samsung (Hàn Quốc) chiếm 37% còn lại.
Tình trạng thiếu chip toàn cầu kéo dài bởi đại dịch đã cho thấy tầm quan trọng chiến lược của Đài Loan trong ngày công nghiệp sản xuất chip.
Các công ty Đài Loan đóng góp gần 90% tổng năng lực sản xuất vi mạch của Đài Loan, và Đài Loan cũng là quốc gia có công suất sản xuất vi mạch lớn nhất thế giới tính đến tháng 12/2020.
Logo tại trụ sở chính của Tập đoàn TSMC ở thành phố Tân Trúc, Đài Loan, hôm 31/08/2018. (Ảnh: Tyrone Siu / Reuters)
Theo IC Insights, “Nếu nền kinh tế Đài Loan sụp đổ bởi cuộc chiến quân sự với Trung Quốc thì nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề... Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có sẵn sàng chấp nhận những khó khăn kinh tế trong ngắn hạn vì lợi ích lâu dài sau khi kiểm soát được nguồn lực sản xuất vi mạch hàng đầu thế giới hay không”.
Tập đoàn TSMC hôm 14/10 đã công bố kế hoạch mở một nhà máy mới tại Nhật Bản vào năm 2024 để đáp ứng nhu cầu lâu dài của thế giới đối với chip.
Cùng ngày, Tổng giám đốc bộ phận thương mại của Ủy ban châu Âu phát biểu trong một diễn đàn trực tuyến rằng, Liên minh châu Âu và Đài Loan là những đối tác thân thiết và cùng chia sẻ những giá trị chung khi nói về ngành công nghiệp chất bán dẫn.
Gã khổng lồ sản xuất chip Đài Loan cũng cho biết vào năm 2020 rằng, họ sẽ xây dựng một nhà máy trị giá 12 tỷ USD ở Arizona để giúp Hoa Kỳ giảm bớt sự phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng công nghệ ở nước ngoài. Tháng 6/2021, đại diện TSMC thông báo, việc xây dựng đang được tiến hành.
Cổ phiếu của TSMC đã tăng hơn 3% vào hôm thứ 6 (15/10) sau khi công ty công bố lợi nhuận cao hơn dự kiến trong quý 3 năm nay.
(ntdvn.com – Theo The Epoch Times)