(Ảnh: nghiencuuquocte.org)
Nguồn: Sumantra Maitra, “The Best NATO Is a Dormant NATO,” Foreign Affairs, 04/11/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng (nghiencuuquocte.org)
Việc giảm sự phụ thuộc vào Mỹ sẽ mang lại một liên minh mạnh mẽ hơn và một Âu châu an toàn hơn.
Trong bài viết “Planning for a Post-American NATO” (Chuẩn bị cho một NATO thời hậu Mỹ), Phillips O’Brien và Edward Stringer đã cố gắng giải quyết khoảng trống an ninh mà họ thấy trước sẽ xuất hiện do chính quyền Trump thứ hai. Họ đặc biệt nhấn mạnh đề xuất của tôi về một “NATO ngủ đông,” trong đó tôi vạch ra một khuôn khổ cho phép Mỹ sẽ rút lực lượng mặt đất của mình khỏi Âu châu để chuyển gánh nặng bảo vệ lục địa này từ Washington sang cho các chính phủ khu vực. Theo O’Brien và Stringer, một NATO ngủ đông có thể nhanh chóng trở thành một NATO chết, bởi vì liên minh sẽ phải vật lộn để tồn tại trừ phi Mỹ thể hiện rõ ràng một cam kết mạnh mẽ đối với Âu châu. Các tác giả lập luận rằng nếu không có cam kết đó, những chia rẽ cũ sẽ quay trở lại, với Trung và Đông Âu trở nên diều hâu hơn, trong khi Bắc và Tây Âu tiếp tục hưởng lợi miễn phí từ Washington. Họ viết rằng “Một liên minh an ninh Âu châu có thể sụp đổ dưới sức nặng của những quan điểm không tương thích như vậy.”
O’Brien và Stringer đã đánh giá sai đề xuất của tôi. Một NATO ngủ đông không phải là sự rút lui tàn khốc khỏi Âu châu. Thay vào đó, nó dựa trên ba giả định đúng: các lực lượng cấu trúc sẽ thúc đẩy Mỹ ưu tiên Á châu hơn Âu châu, việc NATO tiếp tục mở rộng sẽ làm loãng các lợi ích địa lý cốt lõi của NATO và biến một liên minh phòng thủ thành một liên minh ý thức hệ, và việc Tây Âu hưởng lợi miễn phí là kết quả của sự hiện diện áp đảo của Mỹ. Theo hệ thống của tôi, Mỹ vẫn sẽ hỗ trợ an ninh của lục địa già bằng cách cung cấp chiếc ô nguyên tử và khai triển các nguồn lực hải quân của mình. Đề xuất này không bao giờ kêu gọi rút lui hoàn toàn. Điều mà nó kêu gọi là sự phân bổ lao động tốt hơn và công bằng hơn, trong đó Washington chuyển gánh nặng hậu cần, thiết giáp, và bộ binh cho các cường quốc Tây Âu giàu có.
Nhưng quan trọng hơn, O’Brien và Stringer đã sai về an ninh Âu châu nói chung. Các tác giả lập luận rằng NATO có thể tồn tại sau khi Mỹ rút quân nếu tổ chức này chịu cải tổ ban lãnh đạo và thống nhất lại với nhau. Cụ thể, họ lập luận rằng lục địa này nên chuyển giao quyền chỉ huy quân sự của NATO cho một quốc gia Đông Âu, chẳng hạn như Ba Lan, và phát triển một lực lượng răn đe nguyên tử chung. Nhưng các đề xuất của họ lại bỏ qua câu đố trung tâm mà họ tự đặt ra: sự thiếu nhất quán về mặt chiến lược của Âu châu. Họ không chấp nhận rằng “các quan điểm không tương thích” của lục địa này không phải là sản phẩm của thiết kế tồi, nhưng là kết quả của địa lý, văn hóa, nhận thức về mối đe dọa, khả năng tấn công, sức mạnh công nghiệp, và một loạt các biến số khác. Những khác biệt đó là không thể hòa giải. Không thể có một liên minh an ninh Âu châu thống nhất nếu không có Washington vì đơn giản là chưa từng có một Âu châu thống nhất.
Thay vào đó, Âu châu là một thực thể nhân tạo, một thực thể được tạo thành từ các quốc gia có lợi ích rất khác nhau. Chẳng hạn, cũng hợp lý khi Đức và Hà Lan ít đầu tư vào việc giúp đỡ Ukraine hơn Estonia hoặc Ba Lan vì ưu tiên quốc phòng của mỗi quốc gia này phụ thuộc vào khoảng cách địa lý của họ với Nga – Đức và Hà Lan ở xa Nga hơn nhiều so với Estonia và Ba Lan. Ngược lại, kiến trúc an ninh chung của Âu châu là không tự nhiên. Nó được hỗ trợ bởi bá quyền của Mỹ, vốn thúc đẩy các cường quốc truyền thống của Âu châu chi tiêu ít hơn cho quân đội của họ so với bình thường, cũng như ngăn chặn bạo lực dân tộc chủ nghĩa truyền thống ở lục địa này. Do đó, việc hình dung sự thống nhất của Âu châu mà không có Mỹ – như hai tác giả trên cố gắng thực hiện – là vô lý.
CẤU TRÚC XÃ HỘI
O’Brien và Stringer đã cố gắng giải quyết, theo một cách thực tế, những câu hỏi an ninh khó khăn mà Âu châu sẽ phải đối mặt nếu bị Washington từ bỏ. Họ cân nhắc các nguồn lực và ý thức hệ của các quốc gia lớn nhất trên lục địa, nhằm xác định quốc gia nào có thể là nhà lãnh đạo tốt nhất. Cuối cùng, họ đi đến kết luận rằng Pháp, Đức, và Anh đều không có khả năng lãnh đạo lục địa – nhưng Ba Lan có thể, nhờ vào việc tái vũ trang gần đây của quốc gia này. Họ cũng lập luận rằng Âu châu sẽ cần cân nhắc việc thiết lập một lực lượng răn đe bằng vũ khí nguyên tử trên toàn lục địa. Trong tương lai gần, họ đề xuất rằng London và Paris có thể cung cấp một lá chắn như vậy bằng cách trao cho các quốc gia Âu châu khác một số quyền đối với các giao thức phóng vũ khí của họ. Về lâu dài, họ lập luận rằng lục địa này nên tạo ra một kho vũ khí nguyên tử chung.
Những ý tưởng này có thể tạo nên một cuộc thảo luận học thuật hay, nhưng chúng không thực tế. Trước tiên hãy xem xét vấn đề nguyên tử. Ý tưởng rằng Pháp hoặc Anh sẽ cho phép một quốc gia khác – chưa nói đến một số quan chức không do dân cử trong Liên minh Âu châu – quyết định vị thế nguyên tử của họ là điều viển vông. Ý tưởng rằng các nước Âu châu sẽ phối hợp để phát triển một kho vũ khí nguyên tử chung cũng viển vông không kém.
Tương tự, khẳng định của các tác giả rằng Pháp, Đức, và Anh sẽ đồng ý với một định hướng chính sách đối ngoại thống nhất là không hợp lý: hòa bình của các cường quốc ở Âu châu là do bị Hòa bình Mỹ (Pax Americana) áp đảo, chứ không phải vì các quốc gia của họ đột nhiên trở nên nhân từ. Ngay cả khi các cường quốc lớn nhất của Âu châu hiện nay trở nên hòa dịu hơn, thì cũng không có khả năng ba quốc gia đông dân nhất của lục địa này sẽ từ bỏ các lợi ích chiến lược và kinh tế cạnh tranh của họ và đồng ý nhường vị trí lãnh đạo cho một quốc gia Đông Âu hiếu chiến và hoang tưởng, vốn kém hơn nhiều về mặt tài chính hoặc vật chất so với bất kỳ quốc gia nào trong số ba quốc gia trên.
O’Brien và Stringer dường như đã hiểu sai về lịch sử Âu châu. Nhiệm vụ của NATO trong hơn 70 năm qua không chỉ là bảo vệ Âu châu, mà còn là kiềm chế những cơn bùng nổ chủ nghĩa dân tộc ở Âu châu vốn đã góp phần gây ra hai cuộc chiến tranh thế giới, một phần là bằng cách không cho bất kỳ quốc gia nào có thể thống trị các quốc gia còn lại. Cách duy nhất hợp lý để Âu châu có thể đạt được những gì hai tác giả nêu ra là biến Liên minh Âu châu thành một đế chế siêu quốc gia, với tất cả những sự đàn áp phát sinh từ việc tạo ra một thực thể như vậy. Bằng cách tập trung hóa Âu châu từ một khối thương mại liên bang thành một nhà nước đế quốc chính thức, các cơ quan hoạch định chính sách sẽ tự nhiên khuyến khích và thúc đẩy các lực lượng xã hội ly tâm. Đến lượt mình, các lực lượng này sẽ khởi xướng một chu kỳ đàn áp chính trị và kinh tế và làm suy giảm các quyền dân chủ – như đã từng xảy ra trong quá khứ.
ĐIỀU TỐT NHẤT CỦA CẢ HAI THẾ GIỚI
May mắn thay, có một lựa chọn trung dung cho một kiến trúc chiến lược mới của Âu châu, một lựa chọn tránh để Mỹ rút quân hoàn toàn nhưng không khiến gánh nặng của Washington lớn đến mức phá sản. Thay vì cố gắng bảo đảm an ninh cho một lục địa phần lớn đang hòa bình và đủ giàu để tự trang trải cho nền quốc phòng của mình, Mỹ có thể đóng vai trò là một thế lực cân bằng ngoài khơi. Washington sẽ không còn khao khát giành quyền tối cao ở chiến trường châu Âu nữa. Thay vào đó, họ sẽ cho phép Âu châu tái vũ trang và sau đó là chia sẻ gánh nặng với Âu châu. Họ sẽ rút quân và thiết bị khỏi châu Âu và cho phép các quốc gia Tây Âu quay trở lại thế trận lực lượng trước năm 1990. Tuy nhiên, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp một chiếc ô nguyên tử bao trùm cho các thành viên NATO và ngăn chặn sự phổ biến vũ khí nguyên tử trên lục địa, một mục tiêu cốt lõi của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ qua. Hạm đội Thứ hai hùng mạnh của họ sẽ bảo vệ các tuyến đường biển, hỗ trợ các cường quốc hải quân lớn của lục địa già, và tiếp tục cung cấp khả năng răn đe mở rộng – giúp thỏa mãn những người Âu châu đang sợ bị bỏ rơi vào thời điểm nước Nga phục thù.
Khác với cách tiếp cận của O’Brien và Stringer, cách tiếp cận này bắt nguồn từ thực tế. Nó thừa nhận rằng không phải tất cả các quốc gia đều phải đối mặt với những mối đe dọa tương tự như nhau, và nếu một bá chủ xa xôi mang lại sự an toàn toàn diện, thì khả năng xuất hiện hưởng lợi miễn phí sẽ tăng lên trong nhóm nước nằm cách xa cường quốc đối thủ chính của họ. Ngoài ra, liên minh càng lớn, thì các thành viên càng trở nên bình đẳng hơn bất kể quy mô và đóng góp của họ, khiến cho quyền lực tương đối của người bảo vệ hàng đầu bị suy giảm. Không điều nào trong số này có lợi cho Washington.
Một NATO ngủ đông sẽ giúp giải quyết những tình thế lưỡng nan này. Nó giữ cho Mỹ gắn chặt với lục địa, kiểm soát sự phổ biến vũ khí nguyên tử, và kiềm chế những thôi thúc mang tính dân tộc và đế quốc chủ nghĩa trong số các cường quốc Âu châu. Nó cũng kiềm chế chủ nghĩa dân túy ở cả hai bờ Đại Tây Dương bằng cách chi tiêu quốc phòng công bằng hơn và cung cấp an ninh cho các quốc gia Âu châu về cơ bản là không thể tin tưởng lẫn nhau, vì những lý do lịch sử. Nhưng nó vẫn buộc Tây Âu phải làm nhiều hơn để bảo vệ lục địa so với những gì khu vực này đang làm hiện nay. Sự thật đơn giản là Pháp, Đức, và các quốc gia Tây Âu khác sẽ không bao giờ đầu tư nghiêm túc vào quân đội của họ chừng nào họ còn có thể dựa dẫm vào sự bảo vệ của Mỹ. Washington cần rút lui một phần trước khi những nước này có thể phối hợp tốt hơn với Trung và Đông Âu.
Người Âu châu chắc chắn sẽ phàn nàn về việc Mỹ rút lui một phần. Nhưng sau cùng thì, một NATO ngủ đông sẽ có lợi cho tất cả các thành viên. Nếu Âu châu chia sẻ tốt hơn gánh nặng về hậu cần, thiết giáp, tình báo, và bộ binh, sẽ dễ dàng hơn cho Mỹ trong việc bảo đảm hòa bình và thống nhất Âu châu với sức mạnh của vũ khí nguyên tử và hải quân áp đảo của mình. Và NATO cuối cùng sẽ trở nên khép kín, tối giản, và mang tính phòng thủ – đúng như dự định ban đầu của những cơ quan sáng lập.
Sumantra Maitra là nghiên cứu viên Hiệp hội Lịch sử Hoàng gia và là tác giả cuốn sách “The Sources of Russian Aggression.”
(nghiencuuquocte.org)