Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới 6h sáng 19/7 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 14,4 triệu ca mắc Covid-19, trong đó đã có hơn 604.084 ca tử vong, hơn 8,5 triệu người đã hồi phục
Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên quy mô toàn cầu. (Nguồn: Tân Hoa xã)
Báo cáo hàng ngày của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 18/7 đã cảnh báo về sự gia tăng kỷ lục số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu, với 259.848 ca nhiễm mới chỉ trong 24 giờ. Trong đó, Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi là những quốc gia có số ca nhiễm mới cao nhất thế giới. Số ca tử vong trên toàn cầu cũng đã vượt mốc 600.000 người, cho thấy tình hình dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" và diễn biến ngày càng phức tạp.
Mỹ hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 trên thế giới tính trên cả hai phương diện số người mắc bệnh và số ca tử vong. Tính tới 6h sáng 19/7 (giờ Việt Nam), Mỹ có tổng cộng trên 3,8 triệu ca bệnh, trong đó gần 143.000 ca tử vong.
Giới chuyên gia tin rằng Mỹ vẫn đang nằm trong làn sóng lây nhiễm đầu tiên của dịch Covid-19 và các trường hợp mắc bệnh đã gia tăng đột biến trở lại trong những tuần gần đây, đặc biệt là ở các tiểu bang thuộc miền Nam và miền Tây nước này - vốn là những địa phương đã thúc đẩy mở cửa kinh tế trở lại.
Trước đó, ngày 17/7, giới chức y tế Mỹ cho biết nước này tiếp tục ghi nhận số các ca mắc Covid-19 cao nhất từ trước tới nay trong một ngày: trên 77.000 ca.
Trang mạng DNA ngày 18/7 dẫn thông báo của Hiệp hội y khoa Ấn Độ (IMA) cho biết virus SARS-CoV-2 đã bắt đầu lây lan trong cộng đồng và tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Ấn Độ "khá tồi tệ".
Bác sỹ VK Monga, Chủ tịch Hội đồng các bệnh viện thuộc IMA cho biết hiện các ca bệnh đã tăng theo cấp số nhân, mỗi ngày có thêm hơn 30.000 ca nhiễm mới. Đây thực sự là tình huống tồi tệ và nhìn chung dịch bệnh đã lan tới nông thôn, nơi rất khó kiểm soát tình hình. Tín hiệu xấu này cho thấy sự lây lan trong cộng đồng.
Theo ông Monga, dịch bệnh chỉ có thể được kiểm soát theo hai cách: miễn dịch cộng đồng khi 70% dân số mắc bệnh hoặc tiêm chủng vaccine. Điều quan trọng là phải xem khả năng miễn dịch sẽ kéo dài bao lâu vì hầu hết các bệnh nhân không thể vượt quá 3 tháng miễn dịch.
Ông Monga cũng kêu gọi chính quyền các bang quan tâm tình hình và tìm kiếm sự giúp đỡ của chính quyền trung ương trong đối phó với đại dịch.
Theo trang Worldometers.info, đến nay Ấn Độ đã ghi nhận 1.055.932 ca mắc Covid-19, trong đó có 26.508 người tử vong.
Chính phủ Nam Phi quyết định điều chỉnh thời gian cách ly bắt buộc đối với những bệnh nhân có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính từ 14 ngày xuống còn 10 ngày, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 18/7/2020.
Hãng thông tấn Nam Phi SAnews dẫn phát biểu ngày 17/7 của Bộ trưởng Y tế Zweli Mkhize cho biết theo quy định mới, những người có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng không có triệu chứng, thời gian cách ly là 10 ngày tính từ sau ngày có kết quả xét nghiệm dương tính; những bệnh nhân Covid-19 với triệu chứng nhẹ, thời gian cách ly là 10 ngày tính từ thời điểm triệu chứng khởi phát và với những bệnh nhân nặng, thời gian cách ly cũng là 10 ngày tính từ khi bệnh nhân đã ổn định các điều kiện lâm sàng.
Theo Bộ trưởng Mkhize, quyết định trên được đưa ra dựa trên bằng chứng cho thấy hầu hết bệnh nhân mắc Covid-19 với triệu chứng nhẹ có thể bình phục hoàn toàn trong khoảng từ 7 đến 12 ngày. Đối với những trường hợp này, nghiên cứu cho thấy khoảng 8-9 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng, kết quả xét nghiệm mới ghi nhận dương tính.
Thời gian lây nhiễm ở bệnh nhân mắc Covid-19 với triệu chứng nặng (phải nhập viện do không ổn định lâm sàng) hiện vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Nhìn chung, những bệnh nhân mắc bệnh Covid-19 với triệu chứng nặng cần thời gian dài hơn để loại bỏ virus khỏi cơ thể so với bệnh nhân mắc bệnh nhẹ.
Do đó, để đảm bảo yêu cầu dịch tễ, Bộ Y tế khuyến cáo những bệnh nhân nặng cần được cách ly 10 ngày sau khi đạt được sự ổn định lâm sàng, thay vì 10 ngày sau khi khởi phát triệu chứng. Chẳng hạn, nếu bệnh nhân nặng nhập viện và cần hệ thống máy thở hỗ trợ, bệnh nhân cần được cách ly thêm 10 ngày sau khi ngừng yêu cầu sử dụng máy thở.
Bộ trưởng Y tế Nam Phi khẳng định Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã trao đổi với cơ quan chức năng sở tại những hướng dẫn này. Ủy ban Tư vấn liên bộ về Covid-19 cũng đã đệ trình lên Chính phủ Nam Phi đề xuất thời gian cách ly nên giảm xuống còn 8 ngày.
Đến hết ngày 18/7, Nam Phi ghi nhận 350.879 ca mắc Covid-19 (tăng 13.285 so với ngày hôm trước) với 4.948 trường hợp tử vong, 182.230 ca đã bình phục (chiếm 52%).
Tác động của đại dịch Covid-19 trong thời gian qua tại khu vực Trung Đông có phần suy giảm nhưng những con số gần đây cho thấy đại dịch đang quay trở lại khu vực này.
Theo bài viết của cựu nhân viên ngoại giao Úc, Ian Parmeter, đăng trên trang của Viện Quan hệ quốc tế Úc Đại Lợi (AIIA) về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại một số nước Trung Đông, tác động của Covid-19 đối với các quốc gia Trung Đông khác nhau tùy thuộc vào độ giàu, nghèo hay xung đột cũng như là các phản ứng của chính phủ mỗi nước.
Số liệu về các ca nhiễm và tử vong liên quan đến dịch bệnh tại khu vực này phần lớn là không đáng tin cậy. Nhiều chính phủ các quốc gia Trung Đông có khả năng xét nghiệm rất hạn chế. Hầu hết các quốc gia cố gắng hạ thấp con số thực tế vì lý do chính trị nội bộ hoặc để giữ thể diện quốc tế.
Tuy nhiên, những dữ liệu chính thức được công bố cũng đã cho thấy xu hướng dịch bệnh tại khu vực này, mặc dù những con số này cách xa so với thực tế. Những dữ liệu cho thấy trong khi các biện pháp ngăn chặn sớm đã giúp số lượng ca nhiễm mới giảm xuống trong khoảng thời gian tháng 4 và tháng 5, tỷ lệ lây nhiễm tại khu vực này lại tiếp tục gia tăng đáng kể do hầu hết các nước cố gắng mở cửa lại nền kinh tế.
Một yếu tố tích cực là dân số của khu vực này chủ yếu là những người trẻ và khỏe mạnh- gần hai phần ba dân số có độ tuổi dưới 35. Lợi thế này sẽ giúp hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh trong người dân. Nhưng lợi thế đó đang bị giảm sút trên toàn khu vực bởi những bất cập về y tế cộng đồng.
Mặc dù 6 quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) (Saudi Arabia, Kuwait, Bahrain, UAE, Qatar và Oman) và Israel sở hữu các cơ sở y tế theo tiêu chuẩn phương Tây, người dân không muốn tới các khu vực bệnh viện công tại 16 quốc gia Ả Rập khác hoặc Iran.
Israel dường như đã kiểm soát được virus vào tháng 5 với số lượng ca nhiễm mới giảm xuống chỉ còn vài chục ca mỗi ngày. Quốc gia này đã nới lỏng các hạn chế, với các trường học, nhà hàng và quán bar mở cửa trở lại và nhân viên trở lại nơi làm việc.
Điều này dẫn đến sự gia tăng mạnh về số lượng các ca nhiễm mới đã buộc chính phủ phải áp dụng lại một số hạn chế, mặc dù những hạn chế không quá chặt chẽ như những gì được thiết lập hồi tháng 3.
Chính phủ đã mô tả đây là một sự phong tỏa vừa phải với chiến lược chỉ phong tỏa các điểm nóng dịch bệnh. Mặc dù vậy, các số liệu của Israel (giống như số liệu tại các quốc gia Ả Rập ở vùng Vịnh, có thể được mô tả khá chính xác) cho thấy có khoảng 1.000 trường hợp nhiễm mới mỗi ngày vào khoảng thời gian cuối tháng 6 và đầu tháng 7. Điều đó đã khiến người đứng đầu Hội đồng chuyên gia về Covid-19 cấp quốc gia đã phải tuyên bố rằng Israel đã mất kiểm soát đối với đại dịch.
Tình hình tương tự ở khu vực Bờ Tây, giữa người Palestine và người định cư. Phạm vi của dịch bệnh ở dải Gaza là không rõ ràng với số lượng xét nghiệm được thực hiện một cách hạn chế. Tuy nhiên, các trường hợp nhiễm bệnh cũng đã được báo cáo ở khu vực này và tác động của nó sẽ trở nên trầm trọng hơn bởi các điều kiện dân cư quá đông đúc tại một vùng lãnh thổ nhỏ bé.
Số liệu chính thức tại Ai Cập cho thấy nước này đang có số người tử vong cao nhất trong thế giới Ả Rập - 4.120 người chết vào ngày 17/7. Tổng thống Ai Cập El Sisi đã sử dụng các biện pháp hà khắc để dập tắt những chỉ trích trong công tác xử lý dịch bệnh của ông. Các cơ quan an ninh Ai Cập đã thực hiện bắt giữ các nhân viên y tế có những hành động và ý kiến về các vấn đề bảo vệ sức khỏe nhân viên y tế và dụng cụ y tế.
Đại dịch đang tàn phá ngành du lịch, một trong những nguồn thu nhập chính của đất nước Ai Cập. Chính phủ Ai Cập đã đưa ra quyết định trong tháng này rằng đất nước này không có lựa chọn nào khác ngoài việc sống chung với dịch bệnh.
Ai Cập đã tuyên bố mở lại nơi làm việc, nhà hàng và sân bay lớn, với khách du lịch nước ngoài được khuyến khích đi du lịch đến các khu nghỉ mát tại khu vực Biển Đỏ và Địa Trung Hải. Hiệu quả của các biện pháp này đối với sự lây lan của dịch bệnh và số lượng khách du lịch quyết định đến thăm Ai Cập vẫn còn trong quá trình kiểm định.
Ngày 18/7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết khoảng 35 triệu người dân nước này có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh Iran không có miễn dịch cộng đồng do vậy một phần tư dân số nước này có thể nhiễm.
Phát biểu tại cuộc họp của biệt đội chống Covid-19, nhà lãnh đạo này dẫn các kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế nêu rõ: "Ước tính của chúng tôi là cho đến nay 25 triệu người dân Iran đã nhiễm virus này. Chúng tôi phải tính tới khả năng 30 đến 35 triệu người dân có thể bị nhiễm".
Ông Rouhani cho biết thêm "chúng ta vẫn chưa đạt được miễn dịch cộng đồng và chúng ta không có lựa chọn nào ngoài việc phải đoàn kết và phá vỡ chuỗi lây truyền virus SARS-CoV-2".
Ngoài ra, theo ông Rouhani, Iran có thể phải tự chuẩn bị cho nguy cơ tăng gấp đôi số ca nhập viện mà nước này đã tiếp nhận trong 5 tháng qua.
Đây dường như là lần đầu tiên một quan chức cấp cao Iran cho hay nước Cộng hòa Hồi giáo đang tìm cách đẩy lùi Covid-19 thông qua miễn dịch cộng đồng.
Iran là quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm và tử vong chính thức cao nhất khu vực Trung Đông nhưng con số này được cho là vẫn thấp hơn khá nhiều so với thực tế. Dịch bệnh đã leo thang một cách nghiêm trọng tại quốc gia này từ tháng Hai khi mà chính phủ Iran vì phải tập trung vào công tác bầu cử quốc hội đã chậm thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Đồng thời, sự mất lòng tin của người dân đối với chính phủ được thể hiện khi nhiều người không chấp hành lệnh giãn cách xã hội khiến cho dịch bệnh lây lan mạnh mẽ hơn.
Tại các quốc gia đang có xung đột như Yemen, Syria và Libya, dịch bệnh được xác định là tồn tại trong cộng đồng nhưng không rõ mức độ thực tế do số lượng xét nghiệm được thực hiện rất hạn chế. Các cuộc chiến, an ninh chung không được đảm bảo và yếu kém trong quản trị suốt 9 năm qua đã gây ra sự suy giảm đáng kể các dịch vụ cơ bản trong xã hội.
Do vị trí địa lý là trung tâm giữa châu Âu, châu Phi và châu Á, khu vực Trung Đông có tiềm năng trở thành nơi siêu lây lan của dịch bệnh trong thời gian tới.
Ngày 18/7, chính quyền thủ đô Tokyo, Nhật Bản, đã xác nhận thêm 290 ca mắc bệnh Covid-19. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca nhiễm mới trong một ngày ở thành phố này trên ngưỡng 200.
Trước đó một ngày, Tokyo đã phát hiện 293 ca nhiễm mới, cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở nước này vào giữa tháng 1/2020. Điều này khiến không ít người lo ngại Tokyo đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 2.
Nhằm giảm bớt rủi ro y tế do những hành khách đến từ các khu vực có nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 cao mang lại, ngày 18/7, Chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong đã công bố các quy định mới liên quan đến việc quản lý các phương tiện giao thông qua biên giới và “Điều lệ ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh” đối với những người nhập cảnh Hong Kong.
Theo đó, những người nước ngoài trong vòng 14 ngày từng ở Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Nepal, Pakistan, Phillippines và Nam Phi, trước khi lên máy bay đến Hong Kong phải cung cấp một giấy chứng nhận xét nghiệm do chính phủ hoặc cơ quan y tế nước đó xác nhận kết quả âm tính với Covid-19, bản xét nghiệm phải được cấp trong vòng 72 giờ trước khi máy bay cất cánh, đồng thời phải cung cấp giấy xác nhận đặt phòng khách sạn tại Hong Kong. Quy định này có hiệu lực từ ngày 25/7.
Những hành khách quá cảnh và những người được miễn kiểm dịch bắt buộc theo điều lệ liên quan sẽ không bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, Cục quản lý y tế Hong Kong cho biết trong vài ngày qua, Hong Kong đã ghi nhận 50-60 ca mắc Covid-19 mỗi ngày, nếu tình hình tiếp tục theo chiều hướng này, dự đoán 1-2 tuần nữa sẽ đưa khu nghỉ dưỡng Lei Yue Mun ở Chaiwan làm cơ sở cách ly cộng đồng.
Dự kiến, giai đoạn đầu sẽ sắp xếp khoảng 100 bệnh nhân mắc Covid-19 sắp hồi phục được chuyển từ bệnh viện đến trung tâm này điều trị nhằm giảm tải cho các bệnh viện công. Khoảng 30 nhân viên y tế sẽ được điều đến để chăm sóc bệnh nhân.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 18/7 cho biết đã ghi nhận 22 ca nhiễm, trong đó 16 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Không có ca tử vong mới.
Toàn bộ 16 ca nói trên được ghi nhận ở Khu tự trị Tân Cương. 6 ca nhiễm mới từ người ngoài vào, được ghi nhận ở tỉnh Quảng Đông, Sơn Đông và Phúc Kiến, nâng tổng số ca lên 2.004, trong đó 84 bệnh nhân vẫn đang điều trị và 3 người trong tình trạng nguy kịch. Chưa có ca tử vong nào trong số các ca.
Đến sáng 19/7, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc đã lên tới 83.644 ca. Tổng số ca tử vong là 4.634 ca. Trong khi đó, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong có tổng cộng 1.713 ca nhiễm và 11 ca tử vong. Khu hành chính đặc biệt Macau có 46 ca nhiễm và trên đảo Đài Loan có 454 ca nhiễm, trong đó 7 ca tử vong.
Tại Indonesia, Bộ Y tế cho biết trong ngày 18/7 nước này đã ghi nhận thêm 1.752 ca nhiễm và 59 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 lên lần lượt là 84.882 ca và 4.106 ca. Số bệnh nhân phục hồi đã tăng thêm 1.434 người lên 43.268 người.
Trong 24 giờ qua, 6 khu vực gồm Bắc Sumatra, Nam Kalimantan, Jakarta, Trung Java, Đông Java và Nam Sulawesi đều có số ca nhiễm mới cao. Giới chức y tế Indonesia kêu gọi người dân tuân thủ các quy định y tế để giảm thiểu số ca nhiễm mới.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines cho hay đã ghi nhận 2.357 ca nhiễm và 113 ca tử vong do Covid-19. Tổng số ca nhiễm mới và tử vong đã tăng lên lần lượt là 65.304 ca nhiễm và 1.773 ca tử vong. Phần lớn các ca nhiễm mới tập trung tại thủ đô Manila và thành phố Cebu, miền Trung Philippines.