Tòa nhà trụ sở của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc - CCTV ở Bắc Kinh. ( Ảnh GOH CHAI HIN / AFP / Getty)

 

 

 

 

 

 

Hôm 26/8, Cơ quan giám sát truyền thông Anh (Ofcom) đã phạt Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (China Global Television Network - CGTN) 200.000 bảng Anh (274.000 USD) vì “vi phạm nghiêm trọng” quy định phát sóng. Mức phạt được công bố chỉ 6 tháng sau khi Ofcom tước giấy phép phát sóng của Mạng Lưới Truyền hình Toàn Cầu Trung Quốc.

 

 

Theo AFP đưa tin ngày 26/8, Cơ quan Giám sát truyền thông Anh đã phạt Công ty Star China Media (SCML), chủ sở hữu giấy phép của CGTN (kênh tiếng nước ngoài của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc - CCTV), vì không tuân thủ các quy định về tính công bằng và quyền riêng tư khi phát sóng.

 

 

 

Mức phạt này liên quan tới 2 khiếu nại khác nhau về cách đối xử không công bằng với các cá nhân trên những chương trình phát trên CGTN và CCTV trong giai đoạn 2016 - 2019. 

 

 

Các khiếu nại này liên quan tới 2 nhân vật bất đồng ý kiến ở Hong Kong là ông Simon Cheng và ông Quế Mẫn Hải. Họ đều đã bị cảnh sát Trung Quốc bắt và sau đó lên CGTN và CCTV "thú tội" về những hành vi trước đây của họ. Truyền thông phương Tây cho rằng họ đã bị ép buộc lên truyền hình làm điều này.

 

 

Vào tháng 3 năm nay, CGTN đã bị Ofcom phạt 225.000 bảng Anh vì vi phạm các quy tắc về tính công bằng, riêng tư khi phát sóng.

 

 

Vào tháng 2 năm nay, CGTN đã bị tước giấy phép phát sóng tại Anh sau khi một cuộc điều tra của Ofcom kết luận CGTN bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát. Giấy phép mà CGTN sử dụng thuộc về Công ty Star China Media, nhưng công ty này lại không chịu trách nhiệm biên tập các nội dung phát sóng mà chỉ là bên phân phối chương trình của CGTN tại Anh. Điều này đã vi phạm luật phát sóng truyền hình của Anh.

 

 

CGTN được thành lập vào cuối năm 2016, tiền thân là Kênh Quốc tế Ngoại ngữ CCTV.

 

 

 

Cuộc chiến thông tin không giới hạn của Bắc Kinh.

 

Theo thỏa thuận truyền hình xuyên biên giới Châu Âu, sau khi CGTN mất giấy phép phát sóng tại Anh, thì giấy phép phát sóng ở các nước châu Âu khác cũng nghiễm nhiên bị mất. Công ty Vodafone của Đức sau đó đã gỡ các kênh chương trình của CGTN trên mạng truyền hình cáp trong phạm vi quyền hạn của họ.

 

 

Tuy nhiên, CGTN rất nhanh sau đó đã được chấp thuận ở Pháp, nơi mà việc xin giấy phép phát sóng dễ dàng hơn, vì vậy họ lại tự động nhận được giấy phép phát sóng ở các nước Châu Âu khác. Ngày 6/3, Công ty Vodafone của Đức thông báo khôi phục lại nội dung của CGTN trên mạng truyền hình cáp của họ.

 

 

Do đó, CGTN tự tuyên bố đã "khôi phục phát sóng ở Anh", nhưng thực chất họ đang lợi dụng kẽ hở của Anh, bởi vì các chương trình của CGTN chỉ có thể phát trên Internet hoặc trên Freeview - một nền tảng truyền hình kỹ thuật số không yêu cầu giấy phép phát sóng của Anh.

 

 

VOA dẫn lời ông Dan Garrett, cựu nhà phân tích tình báo của Lầu Năm Góc, nói rằng, nếu các quốc gia dân chủ phương Tây dùng cách giám sát truyền thông truyền thống để đối phó với cuộc tấn công thông tin của ĐCSTQ, thì đã hoàn toàn không thể được. Bởi vì các kênh truyền thông nhà nước và hệ thống tuyên truyền ra nước ngoài của Trung Quốc đã vượt khỏi phạm vi tuyên truyền thông thường, nó đã trở thành một phần của cuộc chiến thông tin của Bắc Kinh.

 

Ông Garrett nói, "Mỹ và phương Tây cần thực hiện các biện pháp chủ động hoặc thậm chí là đánh đòn phủ đầu để đối phó với vấn đề này, bởi vì như chúng ta đã thấy trong vụ CGTN ở Anh, phương pháp giám sát ở đây quá thụ động, đối phương có quá nhiều cách để vượt qua việc giám sát".

 

 

Ông Garrett nói,“Đây là một cuộc chiến thông tin, cũng là một cuộc chiến chính trị”, và kiến nghị các nước phương Tây cần thành lập một tổ chức mới, chuyên tập trung vào các hoạt động chiến tranh thông tin mang tính tổng thể, có hệ thống, đa phương diện của ĐCSTQ.

 

 

Việc phát tán thông tin sai lệch của ĐCSTQ ngày càng trở nên công khai và tràn lan. Ví dụ, việc CGTN tự tuyên bố được "Anh chấp thuận lại" hay việc lan truyền thông tin giả mạo về "nhà khoa học Thụy Sĩ Wilson Edwards", v.v.

 

 

Cụ thể, vào cuối tháng 7, các cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ như Nhân dân Nhật báo, CGTN, đã sôi nổi đăng lại bài viết của một nhà sinh vật học Thụy Sĩ tên là “Wilson Edwards”. Người này nói rằng, “Nhóm Cố vấn Khoa học Quốc tế về Nguồn gốc Mầm bệnh Mới” WHO thành lập gần đây là kết quả áp lực chính trị từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Bắc Kinh đã đưa ra một thông báo trên Twitter, khẳng định đây hoàn toàn là thông tin sai lệch.

(Theo ntdvn.com)