Những tàu chở hàng chở lúa mì ở Ukraine đang bỏ neo ở biển Marmara, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 22 tháng Mười, 2022. Nguồn: EPA / ERDEM SAHIN/EPA

 

ÂU CHÂU - Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông sẽ cho phép các chuyến hàng ngũ cốc quan trọng của Ukraine được tái tục, chỉ vài ngày sau khi Nga tuyên bố ngừng hỗ trợ Thỏa thuận Xuất cảng Hắc Hải, tuy nhiên sự an toàn lâu dài của thỏa ước vẫn còn mong manh.

 

Bất chấp những lời đe dọa từ Nga, các chuyến hàng chở ngũ cốc từ các hải cảng của Ukraine không bao giờ dừng lại.

 

Được biết Ukraine và Liên hiệp quốc quyết định, gọi Nga là trò lừa bịp và các chuyến hàng vẫn tiếp tục.

 

Tổng Thống Nga, Vladimir Putin, đã đình chỉ sự tham gia của Nga trong thỏa thuận xuất khẩu lương thực, cáo buộc Ukraine sử dụng các kênh vận chuyển an toàn để tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Crimea, điều mà Kyiv phủ nhận.

 

Chỉ hai ngày sau, một sự thay đổi lớn trong đường lối của Tổng thống Nga.

Ông Vladimir Putin nói “Tôi đã chỉ thị cho bộ Quốc Phòng tiếp tục tham gia vào công việc này, tuy nhiên Nga có quyền rút khỏi các thỏa thuận này, nếu những bảo đảm này bị Ukraine vi phạm”.

 

Sau thông báo này, giá lúa mì và ngô toàn cầu đã giảm.

 

Một cố vấn của Tổng thống Ukraine tuyên bố, nỗ lực ‘tống tiền’ của Nga đã thất bại.

 

Thế nhưng mối đe dọa đối với nguồn cung cấp lương thực toàn cầu vẫn chưa hết.

 

Thỏa thuận hiện tại sẽ hết hạn vào ngày 1 tháng 11 và không có gì đảm bảo rằng, nó sẽ được gia hạn.

 

Thổ Nhĩ Kỳ đã hoan nghênh việc Nga trở lại thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen.

 

Được biết Thổ đã dành nhiều ngày vận động hành lang tích cực để Nga tiếp tục tham gia, với bước đột phá diễn ra sau cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdogan cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã gọi điện thoại đến người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc họp với ông Putin, để xác nhận các chuyến hàng ngũ cốc sẽ tiếp tục theo kế hoạch.

 

Tuy nhiên ông cho biết, Nga nhấn mạnh rằng các chuyến hàng đến các quốc gia châu Phi, phải được ưu tiên.

 

Ông Recep Tayyip Erdogan nói “Như chúng tôi đã đồng ý với ông Putin, trước tiên chúng tôi sẽ chạy hành lang này tới các nước nghèo và xa lạ ở châu Phi".

"Ông ấy khuyên chúng tôi nên giao dịch với Somalia, Djibouti và Sudan ngay từ đầu, chúng tôi cũng sẽ làm điều đó”.

 

Được biết sự thụt lùi của Điện Kremlin diễn ra, khi Ukraine tiếp tục thực hiện các chiến dịch chậm rãi nhưng ổn định, trong cuộc phản công ở phía bắc Kherson do Nga kiểm soát.

 

Người lính Ukraine tên là Lyutyi đang ở tiền tuyến, cho biết.

Lyutyi nói “Động lực chính là gia đình của chúng tôi, đất đai của chúng tôi và không ai muốn có ai đó theo dõi trong nhà của mình, chúng tôi sẽ đuổi họ ra ngoài”.

 

Được biết để chống lại cuộc phản công khiến cho các kho đạn dược của Nga cạn dần, buộc Nga phải tìm nguồn cung cấp từ nước ngoài.

 

Hoa Kỳ cáo buộc Triều Tiên, lén lút cung cấp một số lượng lớn đạn pháo.

 

Ông John Kirby là phát ngôn nhân của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ.

Ông John Kirby nói “Họ tìm cách tiếp nhận những quả đạn pháo đó, bằng cách chuyển chúng qua các nước thứ ba ở Trung Đông và Bắc Phi”.

 

Trong khi đó Nga cho biết, họ vô cùng thất vọng khi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, không ủng hộ nỗ lực điều tra các tuyên bố về chương trình vũ khí sinh học ở Ukraine.

 

Phó đại sứ Nga, ông Dmitry Polyansky nói rằng, hội đồng đã không phản ứng tích cực, trước yêu cầu thành lập một ủy ban về các cáo buộc theo đó Ukraine và Mỹ đang cùng nhau thực hiện một chương trình sinh học, điều này sẽ vi phạm các công ước quốc tế.

 

Đề nghị của Moscow chỉ được Trung Quốc ủng hộ, với Mỹ, Anh và Pháp bỏ phiếu chống và 10 quốc gia khác trong hội đồng bỏ phiếu trắng.

 

Được biết nghị quyết cần có tối thiểu 9 phiếu thuận, để được thông qua.

 

Kết quả bỏ phiếu được xem là phản ánh sự phản đối và hoài nghi liên tục của Hội Đồng về các hành động của Nga, kể từ cuộc xâm lược Ukraine ngày 24 tháng 2 và việc họ không có khả năng hành động chống lại cuộc tấn công, vì quyền phủ quyết của Nga.

 

Rồi khi chiến sự tiếp tục, cuộc khủng hoảng nhân đạo càng tồi tệ hơn.

 

Ông Filippo Grandi, Cao ủy LHQ về người tị nạn cho biết, cơ quan này ước tính khoảng 14 triệu người, đã bị buộc phải rời khỏi nhà của họ, kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu.

 

Ông Filippo Grandi nói “Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã thúc đẩy sự di cư nhanh nhất và lớn nhất trong nhiều thập niên".

"Người dân Ukraine sắp phải đối mặt với một trong những mùa đông khắc nghiệt nhất thế giới, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn".

"Các tổ chức nhân đạo đã mở rộng quy mô ứng phó đáng kể, thế nhưng còn nhiều việc phải làm, bắt đầu bằng việc kết thúc cuộc chiến vô nghĩa này”.

 

Trong khi đó Ba Lan lo ngại Moscow, đang có kế hoạch dàn dựng một cuộc khủng hoảng di cư khác, vì vậy họ đang xây dựng một hàng rào dây thép gai mới, dọc theo biên giới với vùng Kaliningrad của Nga, để ngăn chặn tình trạng tương tự kéo dài hồi năm rồi, mà hàng ngàn người hầu hết là công dân Iraq, được khuyến khích từ Belarus sang Ba Lan.

 

Ông Mariusz Kaminski là Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan cho biết.

Ông Mariusz Kaminski nói “Chúng tôi có một tình hình mà các tình huống khác nhau có thể xảy ra".

"Chúng tôi biết rằng các hành động của Belarus, khi đề cập đến cuộc khủng hoảng người di cư năm 2021 khi hàng ngàn người vượt biển sang Ba Lan qua Belarus, không có chủ quyền mà do ảnh hưởng của Nga, nhằm gây bất lợi ở biên giới của chúng tôi, cũng như cố gắng tạo ra một con đường nhập cư bất hợp pháp, có thể tràn ngập châu Âu".

"Chúng tôi không loại trừ rằng, các kịch bản tương tự có thể được thực hiện ở biên giới của chúng tôi với Nga, tại khu vực Kaliningrad”.

 

Đây chỉ là biện pháp tạm thời và chính phủ Ba Lan đã cho phép xây dựng một hàng rào vĩnh viễn.