Với thỏa thuận mới, Úc sẽ có thể thu thêm thuế từ các công ty như Google, Facebook… và các tập đoàn đa quốc gia địa phương hoặc quốc tế khác hoạt động tại Úc.

 

 

 

 

 

Thỏa thuận thuế của G7 có thể giúp doanh thu thuế của Úc tăng thêm tới 4,5 tỷ USD (5,7 tỷ Úc kim). ảnh: Reuters

 

 

 

 

 

Theo giới chuyên gia, Úc có thể thu thêm tới 5,7 tỷ AUD (4,5 tỷ USD) tiền thuế nhờ thỏa thuận mới quy định mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu ít nhất là 15% và buộc các công ty lớn nhất, bao gồm cả các gã khổng lồ công nghệ, phải nộp thuế nhiều hơn ở các nước mà các công ty này có doanh thu.

 

 

Thỏa thuận đạt được ngày 5/6 của Nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới ( Nhóm G7) là thỏa thuận đầu tiên trên thế giới nhằm đưa ra một giải pháp tập thể để đối phó với vấn đề chuyển dịch lợi nhuận doanh nghiệp, gây thất thu hàng tỷ Mỹ kim cho ngân sách của các quốc gia này.

 

 

Kể từ năm 2017, Úc đã cố gắng ngăn chặn hành vi trốn thuế bằng cách đánh thuế 40% lên lợi nhuận bị chuyển ra nước ngoài và tiến hành các cuộc thanh tra thuế. Tuy nhiên, nước này vẫn đang phải vật lộn với việc thu thuế từ các công ty công nghệ như Apple, Facebook và Google. Những "gã khổng lồ" này chỉ nộp tổng cộng 216 triệu AUD (180 triệu USD) tiền thuế trên 11 tỷ AUD (8,8 tỷ USD) doanh thu ở đây trong giai đoạn 2018-19.

 

 

Thỏa thuận của G7 bao gồm hai trụ cột. Trụ cột thứ nhất áp dụng cho “phần lợi nhuận vượt tỷ suất lợi nhuận 10% đối với các doanh nghiệp đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất”, những doanh nghiệp này sẽ phải trả thuế suất 20% trên phần lợi nhuận này. Sau đó số tiền thuế thu được sẽ được phân bổ cho các quốc gia nơi các doanh nghiệp có doanh thu.

 

 

Trụ cột thứ hai đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu thực tế, cho phép các quốc gia nơi công ty đặt trụ sở chính thu thuế doanh nghiệp ít nhất 15% trên lợi nhuận của các công ty này trên toàn thế giới.

 

 

Thỏa thuận mang tính nguyên tắc của các nước Nhóm G7 sẽ được mở rộng ra các nước Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), trong đó có Úc, đặt nền móng cho một thỏa thuận toàn cầu.

 

 

Báo The Guardian ngày 7/6 dẫn đánh giá của ông Alex Cobham, Giám đốc điều hành của nhóm vận động Mạng lưới Tư pháp Thuế, cho biết nước Úc có thể thu được thêm 5,7 tỷ AUD (4,5 tỷ USD) từ thỏa thuận trên.

 

 

Trao đối với The Guardian, Miranda Stewart, giáo sư về thuế của Trường Luật Melbourne, cho biết trụ cột đầu tiên sẽ phân phối lợi nhuận của 100 công ty có lợi nhuận cao nhất trên toàn cầu sang các nước nơi các công ty này có hoạt động kinh doanh, bao gồm cả Úc.

 

 

Theo ông Stewart, doanh thu này sẽ được phân bổ rộng cho hơn 140 quốc gia dựa trên số người tiêu dùng ở mỗi nước. Với dân số chỉ hơn 25 triệu người, nước Uc sẽ không nhận được nhiều từ khoản doanh thu này.

 

 

Ông Stewart cho biết trụ cột thứ hai sẽ cung cấp cho nước Úc “quyền đánh thuế bổ sung” đối với các khoản đầu tư ra nước ngoài của cả các tập đoàn trong nước, chẳng hạn như BHP và Rio Tinto, hoặc các tập đoàn lớn có cơ sở ở đây.

 

 

Phó giáo sư từ trường kinh doanh Đại học Sydney, ông Shumi Akhtar, cho biết thêm, các công ty phần mềm, dược phẩm hoặc nền tảng số sử dụng thu nhập từ các nguồn vô hình, ví dụ như bằng sáng chế, tài sản trí tuệ và tiền bản quyền, các khoản vay giữa các công ty hoặc bán hàng kỹ thuật số như là "phương tiện" để trốn thuế.

 

 

Ông đánh giá với thỏa thuận mới, Úc sẽ có thể thu thêm thuế từ các công ty như Google, Facebook… và các tập đoàn đa quốc gia địa phương hoặc quốc tế khác hoạt động tại Úc.

 

 

Theo Mạng lưới Tư pháp Thuế, trên phạm vi toàn cầu, thỏa thuận dự kiến sẽ tạo ra khoản thu 275 tỷ USD, trong đó trụ cột thứ nhất chỉ thu được 5-12 tỷ USD. Tuy nhiên, nhóm này lo ngại rằng các nước G7, nơi có nhiều tập đoàn toàn cầu đặt trụ sở chính, sẽ được hưởng lợi một cách “không cân xứng” từ thỏa thuận trên, khi các nước này có thể thu được 60% tiền thuế tăng thêm mặc dù chỉ có 10% dân số toàn cầu.

 

 

Để bảo đảm công bằng hơn, theo Mạng lưới Tư pháp Thuế, doanh thu thu được nhờ tăng thuế doanh nghiệp lên 15% cũng cần được phân chia cho cả các nước mà các công ty có hoạt động kinh doanh, chứ không chỉ ở các nước nơi các công ty này có trụ sở chính.