Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc bài phát biểu Thông điệp Liên bang thường niên tại trung tâm hội nghị Gostiny Dvor ở Moscow, Nga vào ngày 29/2/2024. (MIKHAIL KLIMENTYEV/POOL/AFP via Getty Images)

 

 

Hôm thứ Tư (6/3), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có một tuyên bố quan trọng tại Liên hoan Thanh niên Thế giới 2024 ở Sochi. Ông nói rằng việc Nga tái gia nhập Nhóm G7 không còn ý nghĩa vì phương Tây liên tục phớt lờ lợi ích của họ.

 

Theo hãng tin RT, trước đây, Nga và nhiều quốc gia khác đều mong muốn hòa nhập với phương Tây và trở thành thành viên của nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, sau khi tư cách thành viên G7 của Nga bị đình chỉ vô thời hạn vào năm 2014 do sự kiện sáp nhập Bán đảo Crimea, họ nhận ra rằng việc tái gia nhập G7 không còn mang lại lợi ích gì.

 

 

Tổng thống Putin nhấn mạnh: "Vấn đề nằm ở đây, và đây là sai lầm của các đối tác phương Tây". Ông cũng chỉ trích việc các nước giàu không thực sự mong muốn tạo dựng một hệ thống quan hệ kinh tế quốc tế "mở cửa thị trường cho các nền kinh tế đang phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển và tăng trưởng".

 

Nhóm G7 bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Đức, Pháp, Anh, Ý và Nhật Bản, cùng với Liên minh Âu Châu với tư cách là "thành viên không chính thức". Nhóm này từng được gọi là G8 trước khi Nga bị đình chỉ.

 

Phát biểu tại Diễn đàn Giới trẻ Thế giới, ông Putin lưu ý rằng, bất chấp hệ thống phân cấp hiện nay ở thế giới phương Tây, “mong muốn độc lập và bảo vệ chủ quyền vẫn bộc lộ rõ ​​ràng. Đây là điều không thể tránh khỏi đối với toàn bộ Âu châu”.

 

Diễn đàn Thanh niên Thế giới năm nay diễn ra tại Sochi từ ngày 1/3 đến 7/3, thu hút khoảng 20.000 thanh niên từ khắp nơi trên thế giới. Trong khuôn khổ sự kiện, diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, các cuộc thi, triển lãm và những buổi thảo luận chuyên đề sôi nổi. Sau khi diễn đàn kết thúc, từ ngày 10/3 đến 17/3, các đại biểu dự kiến sẽ tham quan 30 thành phố trên khắp nước Nga.

 

 

Ông Putin cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân

 

Trong Thông điệp Liên bang hôm 29/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga sẵn sàng đối thoại với Mỹ về các vấn đề chiến lược, nhưng đồng thời cáo buộc phương Tây đang cố gắng làm suy yếu Nga và can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Ông cảnh báo rằng việc các nước phương Tây gửi quân đến Ukraine có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân, và Nga có đủ khả năng đáp trả.

 

Ông Putin nói “Phương Tây đã kích động xung đột ở Ukraine, ở Trung Đông và ở nhiều khu vực khác trên thế giới. Họ nói dối mà không biết xấu hổ rằng Nga có ý định tấn công Âu châu”

 

Đề cập tới phát biểu "không loại trừ khả năng phương Tây điều quân tới Ukraine" của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 26/2, ông Putin nói “chúng ta cần nhớ số phận của những kẻ từng đưa quân đến lãnh thổ Nga”, như Adolf Hitler (lãnh đạo Đức Quốc xã) hay Napoleon Bonaparte (hoàng đế Pháp).

 

Ông Putin nói “Ngày nay, hậu quả sẽ thảm khốc hơn nhiều”

Ông Putin cảnh báo “Các đối thủ nên nhớ rằng Nga sở hữu vũ khí có thể tấn công mục tiêu trong lãnh thổ của họ. Và điều này có thể dẫn tới một cuộc xung đột có sử dụng vũ khí hạt nhân, gây nguy cơ hủy diệt nền văn minh. Họ không hiểu điều đó hay sao?”.

 

“Các lực lượng hạt nhân chiến lược đang ở trạng thái hoàn toàn sẵn sàng”, ông Putin nói, tiết lộ thêm rằng, hệ thống tên lửa siêu thanh Zircon (còn gọi là Tsirkon) của Nga đã được sử dụng trong xung đột ở Ukraine.

 

Bất chấp các lệnh cấm vận của phương Tây, Nga đã xây dựng được nhiều mối quan hệ hợp tác quốc tế, đặc biệt là với các quốc gia ở Á châu - Thái Bình Dương, Phi châu và các quốc gia Ả Rập. Nền kinh tế Nga đã thể hiện sự linh hoạt và kiên cường, đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ và vượt qua các nước G7. Hiện tại, Nga là nền kinh tế lớn nhất Âu châu và lớn thứ 5 thế giới về GDP theo sức mua tương đương.

 

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu sự tồn tại của quốc gia bị đe dọa.

 

Theo ông Peskov, học thuyết hạt nhân của Nga quy định rõ ràng về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, đó là khi sự tồn tại của Nga bị đe dọa. Ngoài trường hợp này ra, không có gì có thể kích hoạt việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

 

Học thuyết quân sự của Nga và "Các nguyên tắc cơ bản của chính sách nhà nước trong lĩnh vực răn đe hạt nhân" cũng nêu ra các kịch bản Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.

 

Các kịch bản này bao gồm: Gây hấn chống lại Nga, đồng minh của Nga bị tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt và đồng minh của Nga bị tấn công bằng vũ khí thông thường.

 

 

Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga Sergey Naryshkin cũng cho rằng những tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc triển khai quân đội NATO ở Ukraine đang đẩy thế giới đến bờ vực chiến tranh hạt nhân.

 

Ông Naryshkin cáo buộc các nhà lãnh đạo Âu Châu "vô trách nhiệm" khi đưa ra những tuyên bố như vậy.

 

(ntdvn.net)