Vệ tinh cho thấy Trung Quốc khai triển oanh tạc cơ H6 tại bãi cạn Scarborough. Nguồn hình ảnh, Maxar Technologies/Handout via REUTERSẢnh
Trung Quốc đã khai triển hai oanh tạc cơ tầm xa H-6 quanh bãi cạn Scarborough trong tuần qua, động thái mới nhất của Bắc Kinh nhằm khẳng định chủ quyền đối với rạn san hô đang có tranh chấp gay gắt trên Biển Đông, theo hình ảnh vệ tinh mà hãng tin Reuters có được.
Việc khai triển các máy bay H-6 không được Trung Quốc công khai, diễn ra trước chuyến thăm Philippines của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth, khi Manila cũng tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã không trả lời ngay lập tức các câu hỏi của Reuters về quy mô của cuộc khai triển hoặc liệu sự kiện này có trùng với chuyến thăm của Bộ trưởng Hegseth hay không.
Các quan chức từ Hội đồng An ninh Quốc gia và quân đội Philippines cũng không phản hồi ngay lập tức các yêu cầu bình luận.
Trong chuyến thăm Manila hôm 28/3, ông Hegseth đã tái khẳng định "cam kết sắt đá" của Mỹ đối với hiệp ước phòng thủ chung với Philippines, nói rằng hành động của Trung Quốc khiến việc răn đe trở nên cần thiết ở Biển Đông.
Maxar cho biết các máy bay trong hình ảnh vệ tinh là oanh tạc cơ bom H-6. Ảnh: Technologies/Handout via REUTERS
Hình ảnh do Maxar Technologies chụp hôm 24/3 cho thấy hai máy bay ở phía đông bãi cạn Scarborough, khu vực Trung Quốc gọi là Hoàng Nham Đảo.
Trong khi đó Bajo de Masinloc là tên Philippines dùng để gọi bãi cạn này.
Trong những năm gần đây, các tàu tuần duyên Trung Quốc thường xuyên đụng độ với ngư dân Philippines gần lối vào của bãi cạn, nơi Trung Quốc đôi khi đã cố gắng ngăn cản kể từ khi giành quyền kiểm soát bãi cạn này trên thực tế vào năm 2012.
Tháng trước, lực lượng tuần duyên Philippines đã cáo buộc hải quân Trung Quốc thực hiện các cuộc diễn tập bay nguy hiểm gần đó.
Năm 2016, một tòa án trọng tài quốc tế tại Hague đã ra phán quyết rằng các yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ quyết định đó.
Trong một email gửi cho Reuters, Maxar cho biết các máy bay trong hình ảnh vệ tinh là oanh tạc cơ H-6, đồng thời nói thêm rằng "màu sắc cầu vồng" gần các oanh tạc cơ này là kết quả khi xử lý hình ảnh vệ tinh của các vật thể chuyển động nhanh.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích an ninh khu vực cho biết thời điểm diễn ra các chuyến bay có khả năng không phải là ngẫu nhiên.
Chuyên gia phân tích quân sự Peter Layton thuộc Học Viện Griffith Á Châu của Úc cho biết, “Bắc Kinh đang gửi một tín hiệu cho thấy Trung Quốc có một lực lượng quân sự tinh vi",
"Thông điệp thứ hai của oanh tạc cơ có thể là, Mỹ có khả năng tấn công tầm xa; chúng tôi cũng vậy, và với số lượng lớn hơn. Rõ ràng không phải là sự tình cờ".
Chụp lại hình ảnh, Quầng sáng cầu vồng là kết quả khi xử lý hình ảnh vệ tinh của các vật thể chuyển động nhanh. Ảnh: Maxar Technologies/Handout via REUTERS
Một oanh tạc cơ H-6 được trưng bày tại Triển lãm Hàng không Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc năm 2023. Nguồn hình ảnh, Getty Images
Các tùy viên quân sự khu vực cho biết Trung Quốc đã dần tăng cường khai triển oanh tạc cơ H-6 trên Biển Đông khi sự hiện diện quân sự của nước này tăng lên, bắt đầu bằng việc đáp máy bay trên các đường băng được cải tiến ở quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp vào năm 2018.
Máy bay H-6 chạy bằng động cơ phản lực dựa trên thiết kế thời Liên Xô nhưng đã được hiện đại hóa để có thể mang theo một loạt hỏa tiễn hành trình chống hạm và tấn công trên bộ, và một số chiếc có khả năng phóng hỏa tiễn đạn đạo mang đầu đạn nguyên tử.
Tương tự như máy bay B-52 của Mỹ, thiết kế cơ bản của H-6 có từ những năm 1950 nhưng với động cơ được cải tiến, hệ thống bay trên khoang và vũ khí tấn công hiện đại, đây là oanh tạc cơ tầm xa chủ chốt của Trung Quốc.
Báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc về quân đội Trung Quốc vào tháng 12/2024 cho biết một loại máy bay có khả năng tàng hình hơn có thể đang được phát triển.
Các oanh tạc cơ đã được khai triển trong các cuộc tập trận hồi tháng 10/2024 quanh Đài Loan, hòn đảo tự trị mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình.
Một lần khác là vào cuối tháng 12/2024 tại Scarborough, như một phần của các hoạt động không quân và hải quân rộng lớn của Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của quân đội Trung Quốc.
Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London cho biết Bộ Tư lệnh này, phụ trách Biển Đông, điều hành hai trung đoàn oanh tạc cơ.
Các cuộc tập trận vào tháng 12/2024 đã được Trung Quốc công khai, với mục đích được Bộ Quốc phòng nước này cho biết vào thời điểm là nhằm "kiên quyết bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia của Trung Quốc, và duy trì hòa bình ở Biển Đông".
Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã đăng tải hình ảnh máy bay trên bãi cạn nhưng hình ảnh vệ tinh ghi lại các cuộc tuần tra đang diễn ra rất hiếm.
Chưa có thông tin về độ cao mà các máy bay H-6 bay gần bãi cạn.
Chính phủ Đài Loan bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, nói rằng chỉ có người dân hòn đảo này mới có thể quyết định tương lai của họ.