Mastercard đã công bố kế hoạch loại bỏ dần số thẻ tín dụng vào năm 2030, cho biết khách hàng sẽ sử dụng mã thông báo do ứng dụng ngân hàng của khách hàng tạo ra hoặc xác thực sinh trắc học thay thế. Nguồn: AAP / Alastair Grant/AP
Mastercard vừa công bố kế hoạch loại bỏ dãy số bao gồm 16 ký tự được in trên các thẻ tín dụng và ghi nợ trước năm 2030, nhằm ngăn chặn hành vi đánh cắp danh tính và lừa đảo. Thay vì số thẻ, Mastercard sẽ áp dụng công nghệ mã hóa (tokenisation) và xác thực sinh trắc học (biometric authentication).
Tính năng chuyển tiền bằng sinh trắc học – sử dụng nhận diện khuôn mặt hoặc vẫy tay – đã được Mastercardgiới thiệu từ năm 2022.
Bên cạnh đó, công nghệ mã hóa giúp chuyển số thẻ thành một dãy số khác, gọi là “token”, được lưu trên thiết bị của người dùng. Nhờ vậy, khi chuyển tiền/chi trả bằng thẻ, điện thoại, hoặc trực tuyến, thông tin thẻ sẽ không bị lộ.
Thẻ ngân hàng không số dự kiến sẽ được phát hành đầu tiên thông qua Ngân hàng AMP, và mở rộng cho nhiều ngân hàng khác trong 12 tháng tới.
Tầm quan trọng của bảo mật thẻ
Trong năm 2023-24, tổng số tiền bị lừa đảo qua thẻ ở Úc lên đến 868 triệu đô-la, tăng so với con số 677,5 triệu đô-la vào năm trước đó.
Thông tin thẻ tín dụng và ghi nợ thường bị rò rỉ trong các vụ đánh cắp dữ liệu, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp lớn và nhỏ.
Hồi cuối năm ngoái, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đã xử phạt Marriott and Starwood Hotels vì bảo mật lỏng lẻo, gây ảnh hưởng đến hơn 300 triệu khách hàng toàn cầu.
Trang mạng bán vé sự kiện Ticketmaster cũng bị tin tặc tấn công và đánh cắp thông tin của hàng trăm triệu khách hàng, bao gồm số thẻ tín dụng, số điện thoại và địa chỉ.
Tại Úc, 92 phần trăm các vụ lừa đảo thẻ là giao dịch không cần thẻ vật lý (card-not-present fraud), nghĩa là kẻ gian sử dụng thông tin thẻ bị đánh cắp để chuyển tiền/trả tiền online. Hình thức lừa đảo này đã tăng 29 phần trăm trong năm qua.
Mã bảo mật CVV (ba số phía sau thẻ) được tạo ra để xác minh người chuyển tiền/trả tiền đang cầm thẻ thật trong tay, nhưng rõ ràng biện pháp này chưa đủ hiệu quả.
Lợi ích của việc bỏ số thẻ
Việc loại bỏ số thẻ giúp ngăn chặn tội phạm thực hiện các giao dịch không cần thẻ vật lý, và, giảm thiểu thiệt hại tài chính khi dữ liệu bị rò rỉ, do các công ty không còn lưu thông tin thẻ của khách hàng.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần cân nhắc.
Những rủi ro có thể gặp phải.
Mastercard cho biết khách hàng có thể sử dụng mã token từ ứng dụng điện thoại hoặc xác thực sinh trắc học thay vì số thẻ.
Đây là điều dễ dàng đối với người quen dùng ngân hàng điện tử. Nhưng với người lớn tuổi hoặc người khuyết tật không quen dùng công nghệ, họ có thể gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, khi không còn số thẻ, nguy cơ bị xâm nhập sẽ chuyển sang chính chiếc điện thoại di động và các nhà mạng.
Bọn tội phạm vốn đã có cách xâm nhập vào điện thoại thông qua hình thức lừa đảo chuyển số (mobile porting) và giả danh chủ thuê bao. Khi công nghệ thẻ ngân hàng không số trở nên phổ biến, các hình thức tấn công này có thể gia tăng.
Dữ liệu sinh trắc học cũng có rủi ro. Khác với số thẻ, dấu vân tay hoặc khuôn mặt của một người rất khó để thay đổi. Nếu bị đánh cắp, hậu quả có thể kéo dài vĩnh viễn.
Mặc dù hiếm gặp, các vụ rò rỉ dữ liệu sinh trắc học vẫn xảy ra.
Ví dụ, hệ thống BioStar 2 ở Anh từng làm lộ thông tin vân tay và nhận diện khuôn mặt của hơn một triệu người. Ở Úc, công ty Outabox bị cáo buộc làm rò rỉ dữ liệu nhận diện khuôn mặt của hơn một triệu người.
Chúng ta có cần thẻ tín dụng trong tương lai?
Mặc dù việc bỏ số thẻ có thể giúp ngăn chặn lừa đảo, nhưng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ chuyển tiền/chi trả, có lẽ trong tương lai thẻ tín dụng sẽ không còn cần thiết nữa.
Theo GlobalData, các hình thức chuyển tiền/trả tiền qua điện thoại đang trở nên ngày càng phổ biến. Vào năm 2023, giá trị chuyển tiển/chi trả qua ví điện tử ở Úc đã tăng 58 phần trăm, đạt 146,9 tỷ đô-la.
Công nghệ “Just-Walk-Out” của Amazon cho phép khách hàng mua sắm mà không cần chạm hay quẹt thẻ.
Hệ thống này đã được triển khai tại hơn 70 cửa hàng Amazon và hơn 85 địa điểm khác trên toàn thế giới, bao gồm sân vận động, sân bay, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và trường đại học.
Các công ty bán lẻ như Tesco và ALDI cũng đang thử nghiệm công nghệ tương tự, kết hợp với nhận diện khuôn mặt cho việc chuyển tiền/chi trả.
Gary Mortimer là giáo sư môn tiếp thị và hành vi người tiêu dùng tại Đại học Công nghệ Queensland.
Cassandra Cross là Phó Khoa Công nghiệp Sáng tạo, Giáo dục và Công lý Xã hội tại Đại học Công nghệ Queensland.
(Theo SBS)