Ảnh: Getty Images/BBC

 

 

Hôm 16/7, lực lượng chức năng Cam Bốt đã thực hiện một cuộc trấn áp ở nhiều địa phương nhằm vào các ổ lừa đảo trực tuyến, trong đó có nhiều người Việt bị bắt giữ. Động thái này xảy ra một tuần sau khi cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra chỉ trích Cam Bốt là tụ điểm của nhiều mạng lưới tội phạm lừa đảo.

 

Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Cam Bốt, Sar Sokha, chia sẻ chỉ thị yêu cầu trấn áp các ổ lừa đảo công nghệ của Thủ tướng Hun Manet, ra lệnh cho các cơ quan chức năng bắt giữ các đối tượng phạm tội liên quan, đặc biệt là những đối tượng cầm đầu và tổ chức.

 

Ông Hun Manet cảnh báo rằng Cam Bốt đã bị các nhóm tội phạm lừa đảo trực tuyến nước ngoài thâm nhập.

 

Chỉ thị, được ký vào ngày 14/7, được đưa ra năm ngày sau khi ông Thaksin lên tiếng chỉ trích Cam Bốt vì để các đường dây này lộng hành, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền được phát sóng trực tiếp trên kênh Nation TV vào ngày 9/7.

 

Báo chí Cam Bốt dẫn nguồn tin cảnh sát địa phương cho biết tính đến ngày 16/7, đã có hơn 1.000 người bị bắt giữ trong các cuộc bố ráp ở ít nhất sáu địa phương.

 

Tính đến cùng ngày, hàng trăm công dân Việt Nam đã bị phát hiện ở ít nhất bốn địa điểm, bên cạnh những người nước ngoài khác đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Nam Dương (Indonesia), Bangladesh (Mạch Gia Lạp), Miến Điện và Đài Loan.

 

Tuy nhiên, cảnh sát chưa ập vào khu nào lớn và nổi tiếng trong đợt càn quét này, theo Cyber Scam Monitor, trang chuyên theo dõi các hoạt động của những mạng lưới lừa đảo và cờ bạc trực tuyến trực tuyến ở Trung Quốc và Đông Nam Á.

 

Ông Jacob Sims, nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Trung tâm Á châu thuộc Đại học Harvard nói với BBC News Tiếng Việt hôm 17/7 rằng các ổ lừa đảo "càng lớn thì những người bảo trợ [cho chúng] càng có sức ảnh hưởng".

 

Mặc dù không loại trừ khả năng một số khu lớn hơn sẽ bị đột kích trong đợt này nhưng bất kỳ hành động nào chắc chắn sẽ được phối hợp với chính chủ sở hữu và người điều hành các khu lừa đảo trực tuyến này, theo ông Sims, người chuyên nghiên cứu về các mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm các băng nhóm ở Cam Bốt.

 

Theo quan sát của ông, các căn cứ tội phạm này thường được nhận thông báo trước các cuộc đột kích và kể cả sau khi bị cảnh sát tìm đến, các cơ sở này thường được mở lại trong vài tuần.

 

Ông Thaksin Shinawatra và con gái là bà Paetongtarn Shinawatra tại một sự kiện hôm 9/7. Ảnh: Getty Images

 

 

 

‘Cam Bốt kiếm chác bằng cách lừa người Thái’

 

Trong buổi phỏng vấn trên kênh Nation TV, ông Thaksin cáo buộc các sòng bạc ở Cam Bốt được sử dụng làm căn cứ cho các vụ lừa đảo qua điện thoại nhằm vào người Thái.

 

Trang The Nation dẫn lời ông Thaksin nói trên truyền hình: "Tôi đã nói rằng tòa nhà 25 tầng là một trung tâm tổng đài lừa đảo. Cảnh sát của chúng ta đã điều tra và tìm thấy bằng chứng."

 

Tòa nhà nói trên là một trong 19 địa điểm bị cảnh sát Thái Lan ập vào và thực hiện bắt giữ vào tuần đầu của tháng này. Nơi đây thuộc một mạng lưới lừa đảo xuyên quốc gia hoạt động tại Thái Lan và Cam Bốt.

 

Ông cho biết, "Bây giờ rõ ràng là nền kinh tế Cam Bốt đã kiếm chác bằng cách lừa người Thái".

 

Ông Thaksin cũng liên kết mạng lưới này với tập đoàn Huione ở Cam Bốt bị Mỹ đưa vào danh sách đen vì tội rửa tiền.

 

Theo cáo buộc của ông Thaksin, ông Hun To, cháu trai của Chủ tịch Thượng viện Cam Bốt, Hun Sen, là một cổ đông của công ty này.

 

Theo tìm hiểu của BBC News Tiếng Việt, vào tháng Năm, Mạng lưới Thực thi Tội phạm Tài chánh (FinCEN) thuộc Bộ Tài chánh Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại về hoạt động rửa tiền cho Triều Tiên và các mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia ở Đông Nam Á của Huione và đề xuất cắt đứt quyền tiếp cận của tập đoàn này vào hệ thống tài chánh Hoa Kỳ.

 

Trước đó, hãng tin Reuters và báo New York Times cho biết ông Hun To là giám đốc của Huione Pay, một tổ chức dịch vụ thanh toán thuộc tập đoàn nói trên.

 

 

'Ngừng đổ lỗi cho Cam Bốt’

 

Phản bác lại trên Facebook cá nhân hôm 13/7, ông Hun Sen nói: "Tôi kêu gọi các chánh trị gia Thái Lan ngừng đổ lỗi cho Cam Bốt mà không có bằng chứng, đồng thời làm ngơ trước đất nước của chính họ, nơi đã trở thành thiên đường cho các băng nhóm lừa đảo, buôn bán ma túy và mạng lưới rửa tiền."

 

Ông Hun Sen cáo buộc ông Thaksin từng nói rằng sẽ không có chiến tranh giữa quân đội hai nước, mà "đây là một cuộc thi lặn – ai nín thở được lâu hơn sẽ thắng."

 

Chủ tịch Thượng viện Cam Bốt cho rằng ông Thaksin đang đề cập đến sự kiên trì cần thiết để duy trì việc đóng cửa biên giới, ám chỉ rằng bên nào chịu đựng được lâu hơn sẽ thắng.

 

Ông Hun Sen nhận định, "Nếu đúng như vậy thì kẻ chủ mưu đằng sau việc đóng cửa biên giới không ai khác chính là Thaksin."

"Cam Bốt cam kết sẽ tiếp tục trò chơi này bất kể kéo dài bao lâu. Mối lo ngại thực sự là liệu những người thúc đẩy trò chơi này có sụp đổ trước khi nó kết thúc hay không".

 

Mặc dù bình luận của ông Thaksin có thể ảnh hưởng đến quyết định tuyên chiến với các ổ lừa đảo công nghệ của Cam Bốt, ông Sims từ Đại học Harvard nói với BBC rằng lệnh bắt giữ ở Kok An, một người đang bị Thái Lan điều tra vì bị cho là có dính líu tới các mạng lưới lừa đảo ở Poipet, Cam Bốt, các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra với Hoa Kỳ, cùng với “áp lực không chánh thức từ Trung Quốc”, có lẽ mới là những lý do lớn hơn.

 

Nói về ông Kok An, hôm 9/7, ông Hun Sen cho biết trên Facebook cá nhân: "Nếu việc điều tra và trấn áp Kok An là vì ông ta thân thiết với tôi, thì tòa án Thái Lan cũng nên mở cuộc điều tra đối với ông Thaksin,"

"Ai cũng biết Thaksin cực kỳ thân với tôi - thân đến mức ông ấy còn có sẵn một phòng riêng tại nhà tôi."

 

Cùng ngày con trai ông là Thủ tướng Hun Manet ký chỉ thị trên, ông Hun Sen nói rằng ông Thaksin đã có "hành vi phản quốc".

 

Ông Hun Sen phát biểu này trong phiên họp bất thường của Thượng viện Cam Bốt diễn ra vào ngày 14/7 rằng, "Thaksin, hãy nhớ rằng ông đã lén đưa tôi tài liệu khi chánh phủ của ông còn đang cầm quyền. Thaksin, đừng hiểu lầm, ông đã sai. Hôm qua tôi đã đăng một thông điệp, hôm nay tôi chỉ nói thêm một chút. Thaksin, đừng hiểu lầm, ông là kẻ ngốc vì yêu người sai cách. Ông đã lầm to.”

"Nếu không có Hun Sen, Thaksin không thể vào được đất nước này, cũng không thể tới Đông Nam Á... Thaksin, chính ông là người phản bội nhân dân Thái Lan, tôi có tài liệu trong tay, tôi có thể nói liên tục 3 đến 4 tiếng đồng hồ".

 

Ông Hun Sen và ông Thaksin đã lên tiếng chỉ trích nhau trong lúc xung đột biên giới giữa hai nước còn chưa ngã ngũ.

 

Hôm 9/7 cũng đánh dầu lần đầu tiên ông Thaksin lên tiếng bênh vực con gái mình là bà Paetongtarn Shinawatra, người đang bị đình chỉ chức vụ thủ tướng - một hệ quả của việc ông Hun Sen tung bản ghi âm cuộc điện đàm giữa ông và bà Paetongtarn vào tháng trước.

 

Hôm 14/7, truyền thông Thái Lan đồng loạt đưa tin rằng cảnh sát phòng chống tội phạm mạng Thái Lan đã gửi hồ sơ vụ án đến công tố viên, cáo buộc cựu thủ tướng Cam Bốt can thiệp vào công việc nội bộ của Thái Lan thông qua mạng xã hội.

 

Theo trang The Nation, hiện các công tố viên Thái Lan đang xem xét khả năng yêu cầu Interpol phát lệnh truy nã đối với ông Hun Sen.

 

Người Việt bị bắt giữ ở Miến Điện (ảnh được chính quyền Miến Điện chia sẻ hôm 16/7). Ảnh: Văn phòng Tổng Tư lệnh các Quân chủng Miến Điện

 

 

Ở một diễn biến liên quan, Miến Điện đã trục xuất 46 công dân Việt Nam vì "nhập cảnh vào Miến Điện trái phép" và "thực hiện hoạt động cờ bạc trực tuyến, lừa đảo trực tuyến và các tội phạm," theo Văn phòng Tổng Tư lệnh các Quân chủng của nước này hôm 16/7.

 

Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Việt Nam ở Thái Lan, ông Hoàng Minh Hải, đã tiếp nhận những người này.

 

Những công dân này nằm trong số hơn 9.000 người nước ngoài đã bị Miến Điện trục xuất từ tháng 1-7/2025.

 

 

 

(Theo BBC)