Một màn hình ngoài trời chiếu tin tức trực tiếp về nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong phiên khai mạc của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tại Đại lễ đường Nhân dân, dọc theo một con phố ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 05/03/2023. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)

 

 

TRUNG QUỐC - Theo mệnh lệnh của chính phủ, các NHTM (ngân hàng thương mại) lớn nhất của Trung Quốc, đồng thời cũng là những NHTM lớn nhất thế giới xét theo quy mô tài sản, đang bơm tiền giải cứu BĐS. Nguồn tin đằng sau tiết lộ chiến lược thực sự của ông Tập: Quốc hữu hoá thị trường tài sản lớn nhất Trung Quốc, một quyết sách thời Mao Trạch Đông đã thực thi.

 

Đứng trước rủi ro cả hệ thống tài chính có thể sụp đổ nếu thị trường bất động sản (BĐS) không thể vãn hồi, cấp trung ương đã ban hành văn bản yêu cầu hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Trung Quốc phải ưu tiên hỗ trợ tài chính cho ngành BĐS. Một khi mệnh lệnh hành chính được đưa ra, 6 NHTM Nhà nước lớn nhất của Bắc Kinh lập tức đáp ứng yêu cầu. Nhưng điều này chỉ tạo thêm rắc rối cho hệ thống tài chính trong dài hạn dù trong ngắn hạn có thể làm chậm lại tiến trình phá sản của một số doanh nghiệp BĐS. Các chuyên gia kinh tế Trung Quốc khẳng định rằng thị trường BĐS của nước này đã không thể vãn hồi vì các nguyên nhân nội tại tích tụ hàng chục năm nay.

 

 

 

Bơm tiền từ NHTM cho BĐS

 

Ngay sau chỉ đạo của chính quyền trung ương, cả 6 NHTM lớn nhất Trung Quốc là ICBC, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Truyền thông và Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện đều đã hành động. Nếu phân loại theo quy mô tài sản, 4 trong 6 NHTM ở trên lớn nhất thế giới, 2 NHTM còn lại nằm trong top 15 ngân hàng lớn nhất toàn cầu. [1]

 

Trước đó, ngày 12/1/2024, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị-Nông thôn Trung Quốc và Cục Giám sát Tài chính Nhà nước đã cùng ban hành “Thông báo về việc Thiết lập Cơ chế Điều phối Tài trợ Bất động sản Đô thị”; vào ngày 6/2, Cơ quan Giám sát Tài chính Nhà nước đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt để tiếp tục triển khai cơ chế điều phối tài chính. Nói đơn giản là phân chia khoản tiền mà các NHTM lớn nhỏ khắp cả nước phải bơm ra trợ thở cho thị trường BĐS đang ngày một nguy khốn.

 

Theo truyền thông của ĐCSTQ, ngay sau khi cấp trung ương ban hành văn bản yêu cầu hỗ trợ tài chính BĐS, các NHTM lớn (nêu ở trên) và hàng loạt các NHTM vừa và nhỏ khác đã nhiệt tình "hưởng ứng". Theo đó, NHTM Tiết kiệm Bưu điện cho biết đã tài trợ cho doanh nghiệp BĐS khắp 10 tỉnh, tổng số tiền 5,7 tỷ nhân dân tệ (CNY) (khoảng 800 triệu USD, tỷ giá USD/CNY = 7,12 tính tại ngày 18/02/2024).

 

Ngân hàng Truyền thông Trung Quốc cũng tổ chức họp báo đặc biệt về cơ chế phối hợp tài trợ BĐS đô thị, thậm chí còn thành lập tổ công tác đặc biệt ở cấp trụ sở và chi nhánh. Dù không đưa ra con số giải ngân đổ vào BĐS, nhưng ông lớn này cho biết đã có 1.4423 dự án trong danh sách đã và đang được cấp vốn vay.

 

Tương tự, Ngân hàng Trung Quốc tuyên bố chương trình cho vay 110 dự án, tổng số tiền bơm vào BĐS là 55 tỷ CNY (772 triệu USD); hiện tại có 75 dự án được giải ngân với số tiền là 40 tỷ CNY.

 

 

 

Không nhiều ý nghĩa

 

Theo một bài báo trên Đài Châu Á Tự do ngày 16/2/2024, ông Ren Songlin, nhà bình luận thời sự tại Hoa Kỳ, cho rằng Trung Quốc đã xây quá nhiều nhà, tình trạng dư cung quá mức khiến dòng tiền từ NHTM có đổ vào thì cũng chỉ kéo dài thời gian phá sản của một số doanh nghiệp BĐS mà thôi. Dẫn chứng BĐS Trung Quốc dư cung, ông Ren cho biết Trung Quốc đã có 600 triệu ngôi nhà. Nhà ở đã trở thành hàng hoá tài chính chứ không phải để ở như mục tiêu ban đầu của nó đã. Giải thích lý do vì sao người Trung Quốc lại thích đầu tư vào nhà ở, chuyên gia này cho biết do Trung Quốc không có nhiều kênh đầu tư như quỹ tài chính, thị trường vốn,...

 

“Người Trung Quốc không có quyền sở hữu đất đai, họ chỉ có quyền sử dụng. Trong khi đó, thị trường chứng khoán gần như sụp đổ, chỉ còn lại những ngôi nhà để đầu tư và mọi người chắc hẳn đã đầu tư điên cuồng. Tôi biết nó sẽ sụp đổ từ lâu rồi”, ông Songlin chia sẻ. Để chứng minh cho nhận định của mình, ông cho biết giá nhà ở Thượng Hải tăng 30 lần từ năm 2003 - 2019.

 

Ông Songlin tin rằng việc bơm tiền vào các dự án BĐS đô thị như vậy có thể tạm thời kéo dài thời gian phá sản của nhiều doanh nghiệp BĐS, nhưng không thể cứu vãn một thị trường đã dư cung.

 

Trong kinh tế học về BĐS, giai đoạn thị trường BĐS dư cung còn được gọi là giai đoạn suy thoái trong một chu kỳ BĐS. Giai đoạn suy thoái cần nhiều thời gian để qua đi, ít nhất là 4 - 5 năm, nhiều hơn có thể 5 - 10 năm. Lý do đơn giản là thị trường cần lực lượng cầu mới, tức là thế hệ tiếp theo trưởng thành, đi làm, tham gia vào lực lượng cầu. Ở Trung Quốc, lực lượng cầu mới sau 5 - 10 năm nữa vẫn rất mỏng vì chính sách một con hà khắc nhiều thập kỷ khiến nhiều người trẻ kế thừa nhà ở của bố mẹ, ông bà thay vì phải mua mới. Tốc độ tăng dân số giảm cũng là một vấn đề rất lớn với khả năng phục hồi BĐS trong tương lai.

 

Một chuyên gia khác, ông Lai Rongwei, Giám đốc điều hành Hiệp hội Truyền cảm hứng Đài Loan, nói với Đài Á Châu Tự do rằng vấn đề niềm tin của các nhà đầu tư vào chính phủ và nền kinh tế Trung Quốc là vấn đề lớn. Không một thị trường nào có thể phục hồi khi nhà đầu tư và người tiêu dùng mất niềm tin. Chuyên gia này đặt câu hỏi: "Liệu chính sách BĐS của Trung Quốc hiện có đang ném tiền vào thị trường và tạo ra thêm khủng hoảng tài chính không? Việc muốn che giấu nợ tiềm ẩn của cuộc khủng hoảng tài chính luôn có thể tạo ra những lỗ hổng ngày càng lớn hơn."

 

Các chuyên gia đều tin rằng việc bơm tiền vào BĐS không thể phục hồi thị trường này, cùng lắm là ngăn đà đổ vỡ của một số doanh nghiệp phát triển BĐS, từ đó ngăn đà đổ vỡ của các NHTM. Nhưng đây là biện pháp tình thế, vốn tạo ra nợ xấu hơn, khủng hoảng tài chính lớn hơn trong tương lai.

 

 

Tư tưởng Tập Cận Bình: Chủ nghĩa xã hội về nhà ở

BĐS Trung Quốc đang khủng hoảng, khối lượng giao dịch và giá nhà ở mới xây ở Thượng Hải đều tiếp tục giảm hơn 50% trong tháng 1/2024 so cùng kỳ năm ngoái. Một báo cáo giám sát do Viện nghiên cứu Lianjia Thượng Hải công bố cho thấy vào tháng 1/2024, 3.786 nhà ở thương mại mới đã được giao dịch ở Thượng Hải, giảm 44% so với tháng trước và giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái; giá trị giao dịch là 29 tỷ CNY, giảm 47% so với tháng trước và giảm 58% so với cùng kỳ năm trước, theo Vision Times.

 

Không chỉ tại Thượng Hải, giá nhà đang giảm trên khắp Trung Quốc, các nhà phát triển BĐS sắp phá sản và mọi người bắt đầu tự hỏi liệu BĐS có thể trở thành một khoản đầu tư khả thi nữa hay không. Cuộc khủng hoảng nhà đất đang kéo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và khiến các nhà đầu tư quốc tế hoảng sợ.

 

Ngày 16/2/2024, tờ Wall Street Journal đưa tin ông Tập Cận Bình hy vọng lấy lại quan điểm xã hội chủ nghĩa về nhà ở; tức là chính phủ (hay nói cách khác là ĐCSTQ) sẽ sở hữu BĐS và phân phối lại cho người dân. Tư tưởng này được "ca ngợi" như một cứu cánh với thị trường BĐS đang sụp đổ bất chấp nó đi ngược với nguyên tắc thị trường.

 

Với tư tưởng như vậy, ông Tập không chỉ đạo các NHTM nhà nước của Bắc Kinh vung tiền ra cứu khu vực kinh tế tư nhân trên thị trường BĐS. Mà ngược lại, đây chính là tiến trình quốc hữu hoá nhà ở, thu gom BĐS của khu vực tư nhân vào tay nhà nước, sau đó xin - cho [một kiểu bao cấp] lại cho các tầng lớp xã hội. Dĩ nhiên, tầng lớp càng thân hữu, càng trung thành với ĐCSTQ thì càng được tiếp cận nhà ở miễn phí dễ dàng. Đây chính xác là những gì đã xảy ra dưới thời Mao Trạch Đông. Ông Tập dường như đang muốn lịch sự lặp lại một lần nữa.

 

Hiện tại, các doanh nghiệp phát triển BĐS đều là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước đang được "bảo hộ" bởi dòng vốn dồi dào từ các NHTM. Sở hữu về BĐS của ĐCSTQ sẽ nhanh chóng chiếm ưu thế và đảo ngược với khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng khó tiếp cận vốn do Trung Quốc đang siết chặt hoạt động của NHTM ngầm trong khi NHTM chính thống thì hầu như chỉ phục vụ doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương.

 

Theo các cố vấn chính sách tham gia thảo luận và các thông báo gần đây của chính phủ, chiến lược quốc hữu hoá BĐS của Trung Quốc có hai trụ cột.

 

Thứ nhất, nhà nước mua lại các dự án đang gặp khó khăn trên thị trường BĐS tư nhân và chuyển chúng thành nhà ở, sau đó chính phủ sẽ cho thuê hoặc trong một số trường hợp sẽ được bán. Thứ hai, các chính quyền địa phương tự xây dựng nhà ở giá rẻ hơn cho các gia đình có thu nhập thấp và trung bình.

 

Cố vấn chính sách cho biết mục tiêu là tăng tỷ lệ nhà ở do nhà nước xây dựng và cho thuê hoặc bán với giá thấp theo các hạn chế lên ít nhất 30% nguồn cung nhà ở của Trung Quốc. Hiện tại, con số này đang ở mức 5%.

 

Các cố vấn chính sách cho biết ông Tập Cận Bình khẳng định rằng BĐS không còn giữ vai trò quá lớn như vậy trong nền kinh tế trong nước nữa. Trong nhiều năm qua, ngành BĐS đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, từng chiếm khoảng 25% GDP.

 

Theo quan điểm của Tập Cận Bình, tín dụng quá mức chảy vào hoạt động đầu cơ BĐS không chỉ làm tăng rủi ro trong hệ thống tài chính và làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo mà còn làm chệch hướng các nguồn lực khỏi nền kinh tế thực. “Nền kinh tế thực sự” mà Tập Cận Bình đề cập đến đề cập đến các ngành như sản xuất và công nghệ cao mà ông tin là rất quan trọng đối với sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

 

Ở một mức độ nào đó, kế hoạch của Tập Cận Bình sẽ đưa thị trường nhà ở Trung Quốc trở lại cội nguồn. Nhiều thập kỷ trước, dưới thời Mao Trạch Đông, Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát thị trường BĐS trong nước và hầu hết người dân Trung Quốc sống trong những ngôi nhà do các cơ quan đảng, chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức nhà nước cấp cho.

 

Kế hoạch quốc hữu hoá BĐS phù hợp với chiến lược của ông Tập trong việc mở rộng tầm kiểm soát của ĐCSTQ với khu vực kinh tế tư nhân, hạn chế sự phát triển của khu vực này.

 

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo rằng kế hoạch này có thể mất nhiều năm để hoàn thành, ngay cả khi nó thành hiện thực. Ngoài ra, chi phí sẽ rất lớn. Theo một số nhà phân tích, chi phí có thể lên tới 280 tỷ USD mỗi năm trong 5 năm tới, nâng tổng số tiền lên tới khoảng 1,4 nghìn tỷ USD.

 

Vấn đề ở chỗ, hệ thống NHTM của Bắc Kinh có thể chịu đựng được khoản nợ xấu dồn tích kếch xù, tạo ra bởi BĐS, chính quyền địa phương... trong 5 năm nữa?

 

(Theo ntdvn.net)

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Khan, Zia; Terris, Harry; Meggeson, Ben (26 April 2023). "The world's 100 largest banks, 2023". spglobal.com. S&P Global Market Intelligence. Retrieved 16 June 2023