Lính cứu hộ tại một điểm bị trúng hỏa tiễn Nga tại thủ đô Kiev, Ukraine ngày 20/12/2024. REUTERS - Yan Dobronosov

 

 

 

THẾ GIỚI - Năm 2024 sắp khép lại, nhưng Trung Đông, Ukraine vẫn trong khói lửa. Tại Biển Đông và eo biển Đài Loan, nguy cơ xung đột vũ trang rình rập. Nước Pháp của tổng thống Emmanuel Macron rơi vào cảnh rối ren chính trị. Trong cảnh hỗn loạn này, nhà tỷ phú Mỹ Donald Trump đánh dấu sự trở lại ngoạn mục khi thắng cử vẻ vang.

 

 

Trung Đông : Xung đột lan rộng

 

Năm 2024 là một năm chết chóc cho vùng Trung Đông. Israel không những tiếp tục không kích chống phong trào Hồi giáo Palestine Hamas ở dải Gaza khiến hơn 45 ngàn người chết, mà còn mở rộng xung đột sang cả Liban, oanh kích các vị trí của Hezbollah, đồng minh của Hamas. Theo số liệu từ bộ Y Tế Liban, tính từ tháng 10/2023, các cuộc giao tranh giữa Israel và Hezbollah đã giết chết hơn 4.000 người tại Liban.  

 

Nhưng năm 2024 còn một năm đen tối cho Iran, Hamas và Hezbollah. Tình báo Israel lần lượt triệt hạ dàn lãnh đạo các đối thủ từ chỉ huy lực lượng Al Qods của Iran tại Syria và Liban cho đến các thủ lĩnh của phe Hamas, Hezbollah. Đỉnh điểm là vụ nổ các máy nhắn tin, bộ đàm trong tháng 9/2024 khiến 37 thành viên Hezbollah thiệt mạng và làm bị thương nặng gần 3.000 người khác. Cuộc oanh kích tăng cường vài ngày sau đó ở phía nam thủ đô Beyrouth, giết chết Hassan Nasrallah, lãnh đạo Hezbollah, đã làm rúng động khu vực.

 

Chiến dịch « thủ tiêu » các thủ lĩnh phe Hamas và Hezbollah của Israel đã làm lung lay « trục kháng chiến ». Hệ quả là tại Syria, liên minh các lực lượng nổi dậy do lực lượng Hồi giáo Hayat Tahrir Al-Sham (HTS) dẫn đầu đã tiến hành một cuộc phản công chớp nhoáng, lật đổ chế độ Damas. Bị Nga và Iran, hai đồng minh lâu đời, bỏ rơi, lãnh tự độc tài Bachar Al-Assad cùng người thân buộc phải bỏ chạy khỏi đất nước, đến tị nạn ở Moscow.

 

 

Rym Momtaz, chuyên gia về Trung Đông, Viện Carnegie, trên kênh truyền hình Pháp – Đức Arte, cho rằng, đây là đòn giáng đau, một thất bại cho trục chiến lược mà Iran xây dựng từ 40 năm qua nhằm mở rộng ảnh hưởng, một tầm ảnh hưởng tai hại, cướp đi sinh mạng của nhiều người dân Syria, người dân Liban, Palestine và Israel. Nhưng đó cũng là một cơ hội để Liban thoát khỏi sự ảnh hưởng của Hezbollah, xây dựng một tương lai mới cho đất nước:

« Ở vùng này của xứ sở Ả Rập, sự kết thúc của chế độ Assad có thể được so sánh với sự sụp đổ của Bức tường Berlin. Về phần Liban, điều quan trọng là phải xem trong các cuộc bầu cử tiếp theo, các chính đảng ở Liban cuối cùng có thoát được ảnh hưởng, không chỉ từ chế độ Syria trên thực tế, được tiến hành ít nhiều tùy thuộc vào các giai đoạn kể từ những năm 80 với một cuộc đàn áp đẫm máu, trong đó chế độ này với sự giúp đỡ của Hezbollah đã hạ sát một số đối thủ chính trị, những nhân vật rất quan trọng trong những năm 80 và kể từ những năm 80 cho đến ngày nay.

Ngày nay, đây là một cơ hội chưa từng có để Liban hiện đại hóa đất nước, đúng hơn là có thể tự giải phóng và khẳng định chủ quyền của mình. Tôi nghĩ rằng Hezbollah sẽ khó mà áp đặt một ứng cử viên tổng thống hoàn toàn là người của họ. »

 

Chế độ Bachar Al-Assad thất thủ, liệu đó cũng là một « thất bại » cho Nga ? Đây là điều mà tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi trao đổi với giới báo chí cuối năm theo truyền thống đã bác bỏ. Theo quan điểm của chuyên viên địa chính trị học Ulrich Boulnat, sự việc cho thấy Nga khó mà tác chiến trên hai mặt trận cùng một lúc. Trên đài RFI, chuyên viên địa chính trị học này giải thích:

« Điều này cho thấy trên thực tế hầu hết các nguồn lực quân sự của Moscow đều được dồn cho mặt trận Ukraine và do đó Nga thực sự gặp khó khăn trong việc quản lý hai mặt trận. Chúng ta phải hiểu rằng một trong những thế mạnh đặc biệt của Nga ở Syria là khả năng thực hiện các cuộc không kích quy mô lớn. Chúng tôi gần như chắc chắn rằng có khoảng 40 máy bay Nga đóng tại Hmeimmi để thực hiện các vụ đánh bom vào các khu vực nổi dậy ở Syria, nhưng do cuộc chiến ở Ukraine, số máy bay này chỉ còn khoảng một chục chiếc.

Hầu hết trang thiết bị và binh lính của Nga ở nước ngoài, thậm chí ở Trung Á đều được cho rút về mặt trận Ukraine vì Nga thiếu người và trang thiết bị. Và vì vậy, việc thiếu người, thiếu máy bay chiến đấu, thiếu cả bom trên máy bay quả thật khiến Nga không thể làm gì nhiều để cứu Bachar Al-Assadvà do đó, Nga không thể làm gì khác ngoài việc đứng nhìn sự sụp đổ của Bachar Al-Assad ».

 

 

 

Ukraine : Xung đột bị quốc tế hóa ?

 

Sau thất bại của phản công vào mùa xuân 2023, quân đội Ukraine bất ngờ đánh chiếm vùng Kursk, tây nam nước Nga, giáp biên giới phía bắc Ukraine. Mục tiêu đặt ra là chuyển hướng quân Nga ở mặt trận phía đông nơi Ukraine đang gặp khó khăn trên chiến trường, nhưng bất thành. Ukraine giờ đối mặt với một mùa đông khắc nghiệt thứ ba khi Nga tăng cường oanh kích, phá hủy gần như toàn bộ các cơ sở năng lượng của Ukraine.

 

Xung đột leo thang khi tổng thống Nga một lần nữa đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử với việc cho sửa đổi học thuyết chiến tranh nguyên tử. Cuộc chiến tại Ukraine còn bị « thế giới hóa » với việc Mỹ và các nước đồng minh Âu châu cho phép Ukraine – sau nhiều tháng đòi hỏi – được sử dụng hỏa tiễn tầm xa để bắn phá các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga, và ở bên kia chiến tuyến là việc Bắc Hàn điều hơn 11 ngàn quân sang giúp Nga, theo tinh thần Hiệp ước Đối tác Chiến lược được tổng thống Vladimir Putin ký kết với lãnh đạo Kim Jong Un nhân chuyến thăm chính thức Bình Nhưỡng ngày 19/06/2024.

 

Nếu như sự việc gây lo lắng cho phương Tây cũng như hai nước Nhật Bản và Nam Hàn, đồng minh của Mỹ tại Á châu, thì thái độ im lặng của Trung Quốc về việc Nga – Triều thắt chặt hợp tác quân sự đã thu hút nhiều bình luận từ các chuyên gia phân tích Tây phương, cho rằng sự việc đặt Bắc Kinh trong thế bất lợi. Một quan điểm không được Laurent Gédéon, giảng viên trường đại học sư phạm Lyon, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn dành cho RFI Tiếng Việt ngày 05/12/2024.

 

GV. Laurent Gédéon : « Trong phạm vi này, mối hợp tác quân sự giữa Nga và Bắc Hàn dường như chủ yếu đáp ứng các yêu cầu mang tính chiến thuật và do vậy, Trung Quốc vào lúc này sẽ không có những lo lắng quan trọng nào về vấn đề đó.

 

Quả thật, nhu cầu về đạn dược của quân đội Nga là một trong các yếu tố mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác với Bắc Hàn và nước này cũng đã tận dụng cơ hội để thoát khỏi sự cô lập sâu sắc mà họ đang phải đối mặt.

 

Liên quan đến việc binh sĩ Bắc Hàn tham gia trực tiếp vào các cuộc giao tranh, thông báo đưa ra hồi tháng 11/2024 về việc triển khai khoảng 11 ngàn binh sĩ Bắc Hàn ra chiến trường đã cho thấy rằng số binh sĩ này chủ yếu trú đóng tại vùng Kursk, nằm trên lãnh thổ Nga, chứ chưa phải trên lãnh thổ Ukraine.

 

Mục tiêu nhắm đến của Moscow là tận dụng sự hỗ trợ này của Bắc Hàn để lấy lại quyền kiểm soát vùng Kursk trước khi Donald Trump lên cầm quyền và khả năng bước vào một giai đoạn đàm phán. Thực vậy, việc chiếm lại được vùng lãnh thổ bị Ukraine chiếm đóng sẽ tước đi một lá bài ngoại giao quan trọng của Kiev.

 

Theo quan điểm của tôi, Trung Quốc im lặng không hẳn là vì nước này bị bất ngờ, bởi vì đối với tôi, có vẻ Nga – Trung đã liên lạc với nhau trước và sau khi Nga – Triều ký thỏa thuận. Sự im lặng này, theo ý tôi, có thể do Trung Quốc cho rằng hành động này thiên về chiến thuật, chứ không phải là một sự thay đổi chiến lược cơ bản. »

 

Rủi thay, trong cuộc chiến bất cân xứng này, « bên nào có thể cung cấp nhiều đạn dược cũng như là nhiều "bia người đỡ đạn", thì bên đó có nhiều cơ may thắng thế », đây chính là những gì Nga đang có. Câu hỏi đặt ra : Liệu rằng cuộc xung đột này có thể chấm dứt vào năm 2025 như mong muốn của tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy, hay không ? Mọi cặp mắt giờ đổ dồn về phía tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump !

 

 

Biển Đông, eo biển Đài Loan dậy sóng

 

Năm 2024 ghi nhận căng thẳng gia tăng đột biến tại Biển Đông với những cuộc va chạm liên tục giữa hải cảnh Trung Quốc và Philippines. các cuộc tập trận hải quân – không quân quy mô lớn của Trung Quốc xung quanh đảo Đài Loan, trong khi ở bán đảo Triều Tiên, tình hình đã trở nên nóng bỏng với các vụ thử hỏa tiễn đạn đạo của Bắc Hàn.

 

Căng thẳng bán đảo Triều Tiên còn bùng phát đến mức đáng lo ngại khi Bắc Hàn cho xóa bỏ mọi chỉ dấu có liên quan đến việc thống nhất hai miền. Hiến Pháp Bắc Hàn tháng 10/2024 chính thức xem Nam Hàn là một « quốc gia thù địch », và lãnh đạo Kim Jong Un đe dọa « không ngần ngại » sử dụng vũ khí nguyên tử nếu bị Mỹ - Nam Hàn tấn công.

 

Cán cân an ninh bán đảo Triều Tiên còn trở nên bất ổn hơn khi Bắc Hàn quyết định điều hơn 11 ngàn quân đến Nga trong khuôn khổ Hiệp ước Đối tác Chiến lược được ký kết giữa hai nước nhân chuyến thăm chính thức Bình Nhưỡng của tổng thống Nga Vladimir Putin hồi trung tuần tháng 6/2024. Đổi lại, Bình Nhưỡng có thể nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ quân sự từ Nga.

 

Eo biển Đài Loan năm 2024 cũng không lặng sóng. Từ khi ông Lại Thanh Đức thuộc Dân Tiến Đảng đắc cử tổng thống Đài Loan, Trung Quốc liên tục gia tăng áp lực quân sự với các cuộc tập trận hải quân – không quân quy mô lớn, mô phỏng bao vây đảo, mà chiến dịch hải quân mới nhất là vào ngày 10/12/2024. Mục tiêu là chứng tỏ khả năng bao vây, bóp nghẹt Đài Loan, theo  nhận định từ một quan chức quốc phòng cao cấp Đài Loan với AFP.

 

Tại Biển Đông, Philippines chọn đối đầu với hải cảnh Trung Quốc xung quanh các đảo, bãi đá ngầm có tranh chấp. Các cuộc va chạm giữa tuần duyên hai nước đã gia tăng mạnh mẽ và có phần quyết liệt hơn, khiến các nước trong khu vực lo ngại nổ ra xung đột vũ trang. Trước các hành động hung hăng của Trung Quốc, chính quyền Manila đã tăng cường hợp tác quốc phòng với nhiều đối tác, từ đồng minh truyền thống là Mỹ cho đến Nhật Bản, Úc, Pháp…

 

Đặc biệt, lần đầu tiên, Philippines và Việt Nam đã quyết định thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương trong các lĩnh vực như an ninh, cứu trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa trên biển. Trả lời RFI Tiếng Việt ngày 07/10/2024, giảng viên Laurent Gédéon, trường Sư phạm Lyon, nhận định về mối quan hệ hợp tác này :

GV. Laurent Gédéon : « Theo quan điểm của tôi, đây là vấn đề hợp tác kỹ thuật hơn là cách tiếp cận chiến lược của chính quyền Việt Nam. Vấn đề này nằm trong khuôn khổ hợp tác quân sự và an ninh cổ điển, kiểu hợp tác này cũng tồn tại với lực lượng tuần duyên Trung Quốc. Theo tôi, trước tiên chúng ta có thể thấy sáng kiến ​​này phản ánh tính thực dụng của các nhà lãnh đạo Việt Nam và minh diễn cho chính sách giữ khoảng cách cân bằng vốn là đặc trưng của ngoại giao Việt Nam. Hợp tác về mặt quân sự với Philippines cho phép Việt Nam thể hiện là một chủ thể đáng tin cậy trước các nước khác trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, và có lợi thế là thể hiện rằng Hà Nội không từ bỏ tham vọng của họ ở Biển Đông, đặc biệt là quần đảo Trường Sa.

Các cuộc diễn tập chung vào tháng 08/2024, giữa thủy thủ Việt Nam và Philippines, đã xác nhận điểm này. Hai bên tập trung vào hỗ trợ và cứu hộ chứ không phải vào các hành động tấn công. Hai bên không gửi bất kỳ thông điệp thù nghịch nào tới Trung Quốc. Người ta cũng thấy rằng Việt Nam rất kín tiếng trong giai đoạn đỉnh điểm căng thẳng gần đây giữa Manila và Bắc Kinh. Trong những điều kiện này, ít có khả năng Bắc Kinh nhìn nhận là có một mối đe dọa trong diễn biến hiện nay về quan hệ giữa Việt Nam và Philippines ».

 

 

Mỹ : Sự trở lại ngoạn mục của Donald Trump

 

Năm 2024 còn được đánh dấu bởi thắng lợi vẻ vang của nhà tỷ phú người Mỹ Donald Trump trong một cuộc bầu cử tổng thống mang nhiều yếu tố bất ngờ, từ việc ông bị ám sát hụt cho đến việc ông Joe Biden buộc phải bỏ cuộc và để phó tổng thống Mỹ Kamala Harris lao vào tranh cử giữa dòng.

 

Theo chuyên gia nghiên cứu về Mỹ Alexandra de Hoop Scheffer, chủ tịch nhóm cố vấn Quỹ Marshall Đức (German Marshall Fund – GMF), việc Donald Trump thắng cử không có gì là bất ngờ, nhưng « điều gây ấn tượng là ông ấy đã mở rộng thành công cơ sở cử tri của mình trong tất cả các tầng lớp dân cư Mỹ, từ mọi xã hội nghề nghiệp, các thế hệ, cả trong các cộng đồng sắc tộc người Mỹ gốc Phi và châu Mỹ - Latin ».

 

Chính sách đối ngoại không phải là điều người dân Mỹ quan tâm, dù vậy, trở lại Tòa Bạch Ốc, Donald Trump ít nhất phải đối mặt với nhiều thách thức lớn : Từ thương chiến Mỹ - Trung và Mỹ - Âu, cho đến « chảo lửa » Trung Đông,  hồ sơ nguyên tử của Iran, an ninh Á châu, đặc biệt là tại Biển Đông và bán đảo Triều Tiên và cuối cùng là Ukraine : Tương lai nào cho nền hòa bình của nước này vào lúc Donald Trump hứa sẽ chấm dứt xung đột trong vòng 24 giờ ?

 

Về điểm này, nữ chuyên gia người Pháp, Alexandra de Hoop Scheffer, trên kênh truyền hình ARTE, ngày giải thích :

« Người có lập trường rõ ràng nhất về thỏa thuận mà ông Trump muốn đúc kết với ông Putin là phó tổng thống đắc cử J.D. Vance. Đó là việc thiết lập một vùng đệm phi quân sự giữa quân Nga và quân Ukraine dọc theo đường chiến tuyến mà trên thực tế hiện đang trong ngõ cụt . Vùng Donbass và bán đảo Crimée, sẽ được cho là thuộc sở hữu của Nga. Điều này sẽ đi kèm với một nghĩa vụ buộc Ukraine phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO ít nhất trong một thời hạn là 20 năm. Đây chính là những gì đang được hình thành trong kế hoạch của Trump. Đổi lại, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine để ngăn chặn Nga mở lại một cuộc xung đột mới. Nhưng tôi e rằng gánh nặng kinh tế, quân sự, nhân đạo sẽ đè nặng lên Âu châu. »

 

 

Pháp : Chính trường hỗn loạn

 

Năm 2024 sẽ được ghi lại trong biên niên sử như là một năm khủng khiếp cho nước Pháp. Về đối ngoại, Pháp lại bị mất thêm các căn cứ quân sự tại Phi châu là Cộng hòa Tchad và Senegal. Về đối nội, đây là một năm « đen đủi » cho tổng thống Emmanuel Macron, bất chấp một Thế Vận Hội Mùa Hè 2024 thành công rực rỡ được thế giới ca ngợi hết lời, bất chấp việc mở cửa trở lại Nhà Thờ Đức Bà Paris sau 5 năm trùng tu được cả thế giới chào mừng.

 

Chỉ trong vòng có một năm nước Pháp có đến bốn thủ tướng, lần đầu tiên tính từ năm 1934, và các chính phủ nối tiếp, trong nhiều tuần chỉ «giải quyết thường vụ». Nguyên nhân chỉ vì một quyết định mà nhiều người chỉ trích cho là « đơn phương » của  tổng thống Pháp, giải tán Quốc Hội và tổ chức bầu cử sớm sau thất bại củ đảng của ông trong cuộc bầu cử Nghị Viện Âu Châu, với hy vọng tìm lại được đa số ở Hạ Viện.

 

Quyết định « điên rồ » này của nguyên thủ Pháp đã không mang lại kết quả như mong muốn : Nghị trường Pháp không những bị phân mảnh, không có đa số rõ rệt, mà còn cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) và đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI). Nghị trường Pháp tê liệt, không có ngân sách, đẩy nước Pháp rơi vào tình trạng bất động do thiếu đa số.

 

Liệu rằng François Bayrou, vị thủ tướng thứ tư vừa được bổ nhiệm ngay trước cuối năm, có sẽ chịu chung số phận với người tiền nhiệm Michel Barnier, chỉ tồn tại được ba tháng do không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ ? Nỗi ngờ vực chưa có lúc nào lớn như hiện nay. Bế tắc chính trị xảy ra vào lúc thâm hụt ngân sách đạt mức kỷ lục, với mức nợ công lên đến hơn 110% so với GDP, tức ở khoảng hơn 3.100 tỷ euro.

 

Trước nguy cơ đất nước trong tình trạng mất phương hướng và bất động kéo dài, Alain Minc, một cây bút thời luận, trên đài phát thanh France Culture cảnh báo : Nước Pháp chỉ có thể thoát khỏi sự bế tắc chính trị hiện nay bằng một cuộc bầu cử mới, hoặc tổng thống, hoặc lập pháp.

 

Một điều chắc chắn, các rối ren chính trị đã làm suy yếu rõ rệt vai trò của Pháp trên trường quốc tế, đặc biệt là trong khối Liên Hợp Âu Châu !

 

 

(Theo RFI Việt ngữ)