Ông chủ người Nga của Câu lạc bộ bóng đá Chelsea, Roman Abramovich. (Ảnh Getty Images)

 

 

 

QUỐC TẾ - Chính phủ Úc đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với 33 “nhà tài phiệt” người Nga, bao gồm cả tỷ phú nổi tiếng và là chủ sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea, Roman Abramovich.

 

Đợt trừng phạt mới nhất bao gồm những người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước và lực lượng vũ trang Nga cùng với các lệnh trừng phạt gần đây - với số lượng khoảng 460 cá nhân - từ Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Liên minh Châu Âu, Canada và New Zealand.

 

Chịu các lệnh trừng phạt của Úc gồm có: Giám đốc điều hành Gazprom Alexey Miller, Chủ tịch Rossiya Dmitri Lebedev, Chủ tịch Rostec Sergey Chemezov, Giám đốc điều hành Transneft Nikolay Tokarev, Chủ tịch Vnesheconombank Igor Shuvalov, Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga Kirill Dmitriev và ông chủ Chelsea Abramovich.

 

“Các lệnh trừng phạt được công bố hôm nay củng cố cam kết của Úc trong việc trừng phạt những cá nhân có tích lũy tài sản khổng lồ, có ý nghĩa kinh tế cũng như chiến lược đối với Nga, đồng thời có mối liên hệ mật thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin”, Ngoại trưởng Marise Payne cho biết trong một tuyên bố vào ngày 14/3.

 

Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne phát biểu trong một cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chung Eui-yong và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook tại Bộ Ngoại giao Seol vào ngày 13/9/2021. (Ảnh Getty Images)

 

 

 

Bà nói thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đối tác để buộc Nga phải trả giá đắt cho các hành động của mình. Chính phủ Úc nhắc lại sự ủng hộ mạnh mẽ của chúng tôi đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine cũng như người dân Ukraine".

 

Các biện pháp trừng phạt bao gồm đóng băng tài sản, cấm đi lại và hạn chế các giao dịch tài chính.

 

Tài phiệt Abramovich đã bị truất quyền điều hành đội bóng Chelsea ở giải Ngoại hạng Anh sau khi ông bị chính quyền Vương quốc Anh xử phạt. Tuy nhiên, tỷ phú cho biết sẽ bán câu lạc bộ và quyên góp số tiền thu được vào việc hỗ trợ người dân Ukraine.

 

Các nhà chức trách cũng đã tham gia vào các vụ tịch thu công khai các biệt thự, du thuyền và máy bay tư nhân.

 

Tuy nhiên, giáo sư luật danh dự Gabriel Moens đã nêu những quan ngại về sự thiếu minh bạch của các chính phủ dân chủ trong việc xác định các mục tiêu xử phạt.

 

“Chỉ đơn giản là một người quen của ông Vladimir Putin không phải là lý do thỏa đáng cũng không phải là lý do đầy đủ để tước đoạt tài sản của họ”, ông viết trên The Epoch Times. “Hành động bắt giữ ngụ ý rằng, họ có tội về mặt liên kết, ngay cả khi họ đã không làm bất cứ điều gì để tạo điều kiện thuận lợi hoặc hỗ trợ cho quyết định thảm khốc của Điện Kremlin khi xâm lược Ukraine".

 

Ông cho hay “Thực tế là có những nhà tài phiệt phản đối cuộc xâm lược và sẵn sàng sử dụng các nguồn lực của họ để giúp đỡ các nạn nhân trong cuộc chiến tranh xâm lược của ông Putin”.

 

Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan tiết lộ chính quyền ông Biden đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc đối với ĐCS Trung Quốc về bất kỳ sự trợ giúp nào đối với Moscow.

 

 

Ông nói với đài CNN: “Chúng tôi đang trao đổi trực tiếp và riêng tư với Bắc Kinh rằng họ sẽ gánh chịu các biện pháp trừng phạt nghiêm trọng với quy mô lớn, nếu tiếp tục các nỗ lực trốn tránh hoặc hỗ trợ Nga”.

 

Cảnh báo được đưa ra sau khi tên lửa của Nga tấn công một căn cứ của Ukraine cách Ba Lan (thành viên của liên minh NATO) chỉ 25 km, làm khoảng 35 người thiệt mạng và 134 người khác bị thương.

 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một lần nữa kêu gọi NATO thực thi vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine, đồng thời cảnh báo rằng nếu thiếu hành động có thể khiến tên lửa Nga bắn trúng lãnh thổ NATO.

 

Ông Zelensky cho biết: “Nếu quý vị không đóng cửa bầu trời của chúng tôi, thì sớm muộn gì tên lửa của Nga rơi xuống lãnh thổ của quý vị, rơi trên lãnh thổ NATO và rơi vào nhà của các công dân NATO”.

 

Ở một diễn biến khác, một video năm 2015 của nhà khoa học chính trị Hoa Kỳ John Joseph Mearsheimer đã được lan truyền trên mạng, trong đó ông chỉ trích các chuyên gia và các đời tổng thống Mỹ vì đã hiểu sai mối quan hệ Ukraine - Nga và đơn giản hóa tình hình bằng cách đổ lỗi cho ông Putin mà không xem xét các lợi ích chiến lược của Nga .

 

“Sự mở rộng của NATO được thúc đẩy bởi những người đàn ông và phụ nữ thế kỷ 21. Họ tin rằng chính trị cân bằng quyền lực đã chết, điều đó chỉ đúng với họ. (Nhưng) ông Putin là một người đàn ông của thế kỷ 19, ông ấy nhìn nhận thế giới về khía cạnh chính trị cân bằng quyền lực”, ông Mearsheimer nói, khi đề cập đến những lo ngại của Nga rằng một Ukraine được phương Tây hóa và quân sự hóa sẽ là một mối đe dọa.

“Chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể lái xe đến ngay ngưỡng cửa nhà ông ấy, và điều đó sẽ không thành vấn đề", ông nói thêm. "Chúng ta nên tạo ra một Ukraine trung lập, là một quốc gia vùng đệm giữa NATO và Nga".

(ntdvn.net - Theo The Epoch Times)